MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

DANH XƯNG CẶP

TIỂU TỬ VĂN

ảnh internet

            Bên quan tài, một người đứng tuổi khóc: “Rể ơi là chồng!”. Một người đàn bà trẻ tức tưởi: “Chồng ơi là cha!”. Và một đứa trẻ mếu máo: “Cha ơi là ông!”. Hỏi những người ấy quan hệ ra sao với người trong quan tài? Chắc các bạn đã tìm được đáp án cho truyện cười dân gian này.

              Báo LC số 31 (12.8.2004) có mẫu chuyện Không sai nhưng rắc rối, kể rằng ở Vĩnh Long có một ông cụ (70 tuổi) lấy cô con gái riêng của dâu mình (20 tuổi). Hai người công khai ăn ở với nhau và có một đứa con. Việc này không vi phạm pháp luật vì trai góa vợ, gái chưa chồng, không dính huyết thống trong vòng ba đời. Điều trớ trêu là không biết xưng hô làm sao. Đúng là một sự kiện quý hiếm và cũng cực kì hóc búa xưa nay.

Xin vận dụng chuyện dân gian đã kể để đề xuất phương án gọi.

- Ông cụ sẽ gọi con dâu mình : “Con ơi là mẹ!”. Gọi vợ sau của mình: “Vợ ơi là cháu!”. Gọi đứa con: “Con ơi là chắt!”.

- Dâu ông cụ gọi ông cu: “Bố ơi là con!”. Gọi con gái mình: “Con ơi là mẹ!”. Gọi con của con gái: “Cháu ơi là em!”.

- Cô vợ sau của ông cụ gọi chồng mình: “Chồng (Anh) ơi là ông!”. Gọi mẹ mình: “Mẹ ơi là con!”. Gọi cha ghẻ của mình: “Cha ơi là anh!”. Gọi con mình: “Con ơi là chú (hoặc cô)!”.

- Và đứa bé sẽ gọi mẹ: “ Mẹ ơi là cháu!”. Gọi bà ngoại: “Bà ơi là chị!” Gọi bố mình: “Bố ơi là ông cố!”.

Chuyện này nếu xảy ra ở xứ ngoại, xưng hô kiểu “I, you, ngộ, nị, toi, moi…” thì chẳng xem là vấn đề gì, ác cái là xảy ra ở nước Việt với cách xưng gọi rất cụ thể. Cùng tắc biến, khó ló cái hay, hơn nữa, dân gian người ta tiên liệu từ khuya rồi, chỉ có danh xưng cặp thế này mới gỡ được thế bí.

Thế mới biết tiếng Việt cực kì phong phú.

 

1 nhận xét: