TIỂU HÙNG TINH
ảnh internet
Ba Mù U cho rằng nói đầu tắt mặt tối là để chỉ cảnh lao động cực nhọc. Người nông dân thì hai sương một nắng đầu tắt mặt tối bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Công nhân thợ thuyền đầu tắt mặt tối tăng ca tăng kíp vắt kiệt sức trong nhà máy, công xưởng. Người buôn gánh bán bưng dầm gió dải mưa đầu tắt mặt tối… Lao động kiếm bát cơm manh áo khổ lắm!
Tư Mắm dẫn kinh điển bảo rằng đó là lao động ngày xưa, bây giờ là thời làm chủ, nông dân làm chủ ruộng đồng, công nhân làm chủ nhà máy, người buôn bán nắm giữ hàng tiền, đều thành chủ nhân ông cả rồi. Nói họ đầu tắt mặt tối chỉ là cách nói, không thật.
- Thế ai, giới nào mới là đầu tắt mặt tối thật?
- Ai hả, cứ xem ngài chức sắc Cán Gáo là rõ. Giữ phận đầy tớ trung thành, quanh năm suốt tháng vắt óc lo phụng vụ ông dân ông chủ, ngày tám giờ vàng ngọc, tinh mơ là chuẩn bị đi làm, trưa về chưa kịp chợp mắt đã dậy đi làm đến chiều tối. Thế vẫn chưa đủ, trưa tối, ngày nghỉ còn phải lo “nhiệm vụ” chỗ này “đối tác” chỗ kia “giao lưu” chỗ nọ, nhiều khi khuya lắc khuya lơ mới về. Lúc nào mặt mày cũng đỏ bầm như gà chọi, mũi ngạt cay xè, thở dốc bằng miệng còn không ra hơi, liêu xiêu lỉn xỉn như người kiệt sức… Thế mới đúng là đầu tắt mặt tối!
- Sao dữ vậy?
- Thì say xỉn, hết chầu nọ đến chầu kia, nơi này chiêu đãi, chỗ nọ mừng công, rửa lon rửa ghế… Tha hồ, vô đến đứt dây nhớ hỏi sao đầu không tắt, nạp đến xây xẩm nổ đom đóm hỏi sao mặt không tối. Hức!
11- 2012
Facebook,20-3-24,15L, 1cs
Trả lờiXóa