TIỂU HÙNG TINH
ảnh internet
Ai cũng cho rằng chết hết chuyện nhưng y lại bảo chết không hết mà đủ thứ chuyện trời ơi. Hỏi sao thế thì kể:
- Trong truyện Tắt đèn, cụ Ngô Tất Tố kể chuyện em anh Dậu chết rồi nhưng nhà chức trách bắt đóng thuế thân, thắc mắc thì bảo vì hắn không lo chết trước mà chết sau ngày người ta lập sổ. Mặc, chết cũng phải đóng thuế!
Nghe, bảo đó chỉ là chuyện tàn bạo vô đạo thất đức thời thực dân phong kiến chứ ngày nay cả nước tiến lên CNXH thì làm gì có.
Y lại kể:
- Trong bút lý Cái đêm hôm ấy… đêm gì? của Phùng Gia Lộc có kể chuyện đêm hôm dân quân địa phương ùa vào lùng sục thu thuế đã lật quan tài và tịch thu số lúa dự trữ trong đó để lo hậu sự cho một bà già, tàn bạo không?
Người nghe chưa chịu:
- Nói chuyện chết nhưng đây là chuyện người sống với người sống, bà già này chưa chết, coi chừng lạc đề.
Y kể tiếp:
- Một bà người thôn nọ chết nhưng xã không cho mượn đồ tang, không cho thông báo trên loa do chưa đóng đủ thuế phí nghĩa vụ. Chết còn bị cấm vận, kinh ông xã chưa?
Thấy mọi người im lặng, y tiếp:
- Một số chùa ở thành Hồ giữ tro cốt người chết xem là việc phước, khi đưa tro vào chùa đã chịu phí tổn nhưng sau đó có chùa lại nảy sinh việc thu phí tiền triệu hàng năm. Người chết rồi làm sao đóng, người sống không đóng thì tội người chết. Hóa ra chùa giữ tro cốt người chết như giữ con tin, cứ tróc vào đó mà đòi nợ người sống. Tro cốt trở thành món làm ăn của nhà chùa, chiêu này cực lợi hại.
Nghe, có người hỏi thế làm sao cho chết mà hết ba chuyện trời ơi, y bảo:
- Muốn chết êm thắm hết chuyện thì phải biết sớm lo, lo lúc còn sống. Xã nọ, cứ trẻ oe oe chào đời nhập tên hộ khẩu là phải đóng phí nghĩa địa, lo hậu sự ngay khi mới chào đời gọi là tầm nhìn trăm năm, tất cả vì trẻ thơ thân yêu, thương và lo cho dân đến thế là cùng.
Nghe, ai nấy ... muốn chết.
6-7-21
Facebook, 17-7-21,34L,2cs
Trả lờiXóaTuan Anh Nguyen Quay lại thời cường hào địa chủ rồi !
Hà Minh Nhà văn gia nhập HNV hết rồi, nên ko viết “hiện thực phê phê phán” nữa