TIỂU TỬ VĂN
ảnh internet
Tự phê bình và phê bình được xem như quy luật tồn tại và phát triển của tổ chức tập thể, rộng hơn nữa là xã hội mới. Món này nhiều cung bậc sắc độ lắm.
Bình thường thì góp ý qua loa lệ bộ, có vấn đề thì kiểm điểm, kỉ luật, đấu tranh, nghiêm trọng thì kiểm thảo, đấu đá, triệt hạ. Sơ sài thì chục mười lăm phút, nghiêm trọng hơn kéo cả buổi, cả ngày có khi mất hàng tháng, cho đến khi nào cá nhân ngã gục đầu hàng. Cách dùng tập thể áp chế cá nhân, dùng đòn cân não còn căng thẳng hơn cả tra tấn cực hình.
Đầu tiên, cá nhân thông qua tự kiểm, sau đó tập thể đóng góp. Cuộc phê bình lắm khi căng thẳng quyết liệt nhất là với những cá nhân được xem như có vấn đề về tư tưởng chính trị. Mỗi người một ý đâm chĩa vào cá nhân rồi nào là phân tích, đánh giá, liên hệ, quy kết… Lắm kẻ suy chuyện này ra chuyện khác gán ghép ép vào cho cá nhân. Cá nhân phải im lặng tỏ vẻ thành khẩn, phản ứng khác gì như lửa thêm dầu, mồi cho người ta nói lại còn bị cho là thiếu thành khẩn, không chịu lắng nghe, có khi còn bị xem là cứng đầu cứng cổ, chống đối.
Phê bình hoài rèn cho ai cũng có tay nghề, trở nên chuyên nghiệp, những ngôn từ rặt mùi chính trị nào lập trường, quan điểm đường lối, chủ trương chính sách, tả khuynh hữu khuynh, chệch hướng, diễn biến chuyển hóa, tiêu cực, âm mưu kẻ thù… Ngôn từ đao to búa lớn sẵn đó được đem ra mài đi mài lại, sẵn sàng chặt chém, cá nhân phải kiêng dè.
Như kẻ chịu tội ném đá, người ném cục góp ý, kẻ liệng cục phê bình, có kẻ ác nhân còn vác cả tảng đá vu chụp quy kết mà xán vào nữa. Từ con người bình thường trở thành tội đồ, cá nhân thành tội nhân chẳng khác gì con mồi cho số đông bâu vào xâu xé.
Mãnh hổ nan địch quần hồ (*), dẫu cứng cách mấy mà sa vào vòng vây tập thể cũng phải mềm nhũn như con chi chi.
17-4-23
-----------------
(*) Cọp mạnh không địch nổi bầy khỉ.
Facebook, 27-4-23,25L,3bl
Trả lờiXóaAnh Tran-Cái thứ bầy đàn nó hùa vào thì thánh cũng bỏ chạy.
17-6-23,15L, 1bl
Alex Tran-Chính xác , phê bình và tự phê là làm trò hề