TIỂU TỬ VĂN
ảnh internet
Phải thừa nhận rằng lời nói của lãnh đạo hết sức quan trọng, đó là phán biểu, hiểu thị, chỉ đạo, giáo huấn mà người dân phải học tập, tuân thủ.
Thế lãnh đạo phải nói năng thế nào, nhiều ý kiến lắm.
Người bảo rằng phải nói cho thật dễ hiểu để người ta học theo làm theo. Kẻ bảo rằng nói dễ hiểu là ngôn từ của giới bình dân, ngôn ngữ quan chức phải bác học thể hiện hàm lượng tri thức trí tuệ cao nên phải khó hiểu, muốn tiếp thu phải có trình độ.
Có kẻ bảo rằng lãnh đạo nói không phải để cho người ta hiểu mà nói cho người ta sợ. Hỏi nói sao cho người ta sợ, y bảo nhiều cách.
Cách thứ nhất là nói dài nói dai nói dở nhưng bắt phải nghe, chưa nghe còn nói, nói cho sợ phải nghe thậm chí còn còn cho người đi quanh theo dõi nhắc nhở, định kì kiểm tra sổ họp, sổ ghi chép đó sao. Có thánh mới không sợ!
Cách thứ hai là nói quy kết lập trường quan điểm, nói vài câu dọa một câu rằng thế lực thù địch chống phá, tự diễn biến chuyển hóa, mắc mưu kẻ thù… Nói nói dọa dọa, nghe tưởng như ám chỉ mình, dẫu chẳng liên quan gì nhưng ai cũng phải giật thót.
Cách nữa là nói lấp lửng nước đôi, hỏa mù. Hô hào chống tham nhũng nhưng khi thì xem tham nhũng là giặc nội xâm tức kẻ thù khi lại bảo đánh tham nhũng là ta đánh ta tức là bạn, là mình thì đánh thế nào. Đánh quyết liệt hay đánh cho có đánh, vừa đánh vừa dưỡng, khó hiểu quá!
Bảo có làm thì có khuyết điểm sai lầm, làm sai thì bị kỉ luật nhưng lại khuyên đừng vì sợ bị kỉ luật mà không dám làm, không dám đột phá, thế thì thế nào? Khen táo bạo đột phá đó rồi cũng quy tội vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ đó thì biết làm sao. Nói xuôi cũng được mà lật ngược cũng tài, ai chẳng ngán!
Tưởng hết ý ai ngờ có kẻ còn khuyên rằng nói kiểu lãnh đạo tức nói chung chung là tốt nhất. Hỏi nói chung chung thế nào thì bày:
Nói chung chung là nói động hết mà không chạm vào đâu cả, gì cũng có nói mà không nói được cái gì cả, cứ phán biểu trên trời nào vì nước vì dân, tuân thủ chủ trương đường lối chính sách, phấn đấu hi sinh vì xã hội dân chủ công bằng văn minh… Đừng dại mà nói cụ thể nhất là đọc tiếng tây kiểu ma-de-in (made in), Pha-xê-tê-búc (Facebook) kẻo người ta cười cho thúi đầu ra đấy!
31-3-23
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét