TIỂU TỬ VĂN
ảnh internet
Năm 1969, trên báo Đại Từ Bi, bài thơ của tác giả Văn Đối về làng Phú có câu: Ôi những con đường đất Phú Liêu! Hai tiếng đường đất bình dị nhưng sao thấm đẫm vào tâm tư những người quê Phú Liêu đến thế. Nối tiếp tứ thơ đó, tôi viết: Đường kiệt- Đường quan- Đường giữa- Đường đập- Những con đường đất... Đường quê thân thiết một thời hằn sâu tâm khảm.
Đường cái trước hết phải kể đến đường quan cũ (đàng quan cộ) ngoằn ngoèo kéo dài từ phía trước họ Nguyễn Đức tới tận bến sông, phân chia dãi đất dọc bờ rào với dãy ruộng biền. Cũng phải đầu thế kỉ 20, đường quan mới hình thành thay thế đường quan cũ. Đường cái quan nối thẳng lên Linh Yên nên đây là hương lộ liên thôn liên xã. Nhà trong làng thường hướng về phía tây nam nên đường cũng là mặt tiền của làng, sang nhất, đẹp đẽ bề thế nhất. Có một thời, được treo đèn lồng thắp sáng về đêm đường càng thêm rộn ràng lung linh.
Con đường giữa (đàng trữa) trước đây oằn oẹo khúc đoạn, gọi đường cái nhưng có đoạn chỉ nhỏ xíu, hai người tránh nhau còn khó, chỉ thông được đoạn giữa của làng, phải sau này mới được uốn thẳng và nối dài lên tận cổng trên.
Đường đập, có thể xa xưa người đắp một đoạn đê (đập) để ngăn bớt lụt, sau này ban thành đường đi. Phía sau làng, ít người đi lại nhưng thẳng tắp, to rộng, đường đập kéo dài nối với đoạn đường giữa xóm trên lên đến tận cổng làng cũ. Chạy dọc giữa đường đập và ruộng mậu là mương nước máy chảy tưới cho nửa cánh đồng và các trưa biền trong làng. Đường quan và đường giữa theo quy ước làng chỉ để cho người, không cho trâu đi, tránh lầy lội, hư bẩn.
Những năm 60 thế kỉ 20, đường bờ sông men theo vạt Chéo- Vân Hòa, đất cát sạch sẽ, khô ráo là đường chính ra xóm Cồn Hàn còn đường Cọi lổ chổ mấp mô chỉ để đi ruộng.
Do vườn tược khá vuông vắn, phân chia đâu đó, nên không làng nào trong vùng có những con đường kiệt kéo từ đường quan tới đường đập rộng rãi, thẳng tắp như làng Phú.
Xưa, nhà nào cũng trồng tre, ngoại trừ đường quan còn đường kiệt, đường giữa tre phủ đầy, cây gai nhiều lắm. Thời ấy thường đi chân không (chân trần) rất dễ đạp cây (đạp gai), có khi sưng mủ đau nhói phải cà nhắc cà nhắc. Nhiều nhà chỉ trồng tre phía sau còn hai bên hoặc trước nhà thường trồng hóp trúc, hóp mày hoặc chè tàu làm hàng rào. Dọc đường nhất là đường đập nhiều chỗ lùm bụi hoang dã âm u, đi một mình lắm khi lạnh người. Thi thoảng làng xóm cũng tổ chức vệ sinh róc chặt bụi rậm, phát dọn cho quang đãng, gánh cát phía rào sông san lấp những chỗ thấp trũng lầy lội. Câu ca: Sông Phú Liêu vừa trong vừa mát, Đường Phú Liêu trải cát dễ đi ra đời từ đó.
Chỉ còn trong tâm khảm nhưng vẫn mãi trong ta: Đường Phú Liêu thôn lối cũ đi về.
6-7-25
----------------------------------------
Phụ ghi
ĐƯỜNG QUÊ (Đoản khúc 3 Trường ca MẠ ƠI CON ĐƯA MẠ VỀ THĂM QUÊ LÀNG PHÚ của Bút Nguyên Tử)
Đường quê
Ôi những con đường quê
Đường Phú Liêu thôn lối cũ đi về
Đường làng một thời thân thương
vấn vương tâm tưởng
Đường kiệt
đường quan
đường giữa
đường đập
những con đường đất
Lối ra Cồn Hàn cheo leo bờ sông
mấp mô đường Cọi
chơ vơ giữa cõi ruộng đồng
Con đường ấm áp mùa xuân
mùa hạ phỏng rộp
mùa thu dịu mát
lầy lội mùa đông
Đường mòn cỏ mọc
Có bờ tre bụi hóp
Che nắng che gió
Ghi dấu bàn chân
thân thiết gian truân
đi suốt tháng năm đời Mạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét