TIỂU HÙNG TINH
ảnh internet
Canh Tí- 1960 và năm sau đó, không biết vì năm chuột hay sự ngẫu nhiên mà chuột sinh sôi tràn lan trong làng ngoài đồng, khắp cả tỉnh Quảng Trị. Tự cổ chí kim chưa bao giờ có nạn chuột hoành hành khắp cả vùng rộng lớn như vậy.
Trong nhà, chuột khoét tường đào hang, sục sạo moi tìm thức ăn trong các lẫm lúa, bồ khoai, chạn cũi, rúc cả vào giường cắn khới chân người. Đêm hôm, nghe bầy gà chạo rạo la ó, soi đèn mới biết chuột tha gà con, cắn gãy cổ gà tơ, vết máu vương đầy trên đất. Giữa ban ngày, chuột rúc rích đuổi nhau trên vách, đeo lỏng nhỏng trên mái nhà nhìn xuống thách thức, mèo ngó lơ chó chịu thua.
Trong vườn, khoai sắn đều bị móc khoét, ngoài đồng, chuột tàn phá càng dữ, không đám lúa nào còn nguyên vẹn. Đặt bẫy lồng, gài bẫy sập chỉ dính vài con, chúng báo cho nhau tránh, tránh chỗ này phá chỗ kia, bó tay!
Sợ, kiêng cữ, ai nấy gọi chuột là thiêng. Chuyện liên quan đến chuột thì đưa tay lên miệng nhắc nhau nói nhỏ, sợ chuột nghe. Nhà nọ có đứa con mới sinh bị chết, người tới thăm thấy chuột đeo lủng lẳng cả chục con trên cành đu đủ, định quơ gậy đập nhưng chủ nhà ngăn lại, sợ báo thù. Chuột như hiện thân lũ tinh tà, động vào sợ ma bắt quỷ oán.
Chuột tràn lan trong bờ bụi, kéo nhau chạy rần rần, đêm hôm còn lao cả vào chân người đi đường. Chuột kéo nhau lên cây, làm tổ đầy đọt tre, rung cây này nhảy qua cây khác, thỉnh thoảng có con rớt bịch xuống, bị chó rượt theo vật chết.
Chuột phá hoại mùa màng ghê gớm. Lúa hôm trước tốt tươi sắp ngậm đòng coi mướt con mắt, hôm sau ra thăm đã bị chuột cắn ngang thân, gục gãy hết đám này qua đám nọ. Bờ ruộng, cồn cao đầy rẫy hang chuột, chuột đục xuyên bờ, khoét thâu mồ mả, đào đổ ra ngoài từng đống đất lớn, kéo rác rến làm tổ, trữ đủ thứ lúa hạt lúa chẹn…
Bất lực
trước đại nạn, một số nhà bày đặt cúng chuột. Biện chút
lễ vật đem ra bờ ruộng cúng khấn cầu ông bà
linh thiêng phù hộ, khấn vái xin ông thiêng tha cho, đừng hại
lúa. Ông S và con là K ra đồng
cúng chuột, đặt con gà dĩa xôi vào
mâm để lên mô đất, đốt nhang cúng khấn. Bầy chuột vừa ngửi mùi xôi thịt đã lố nhố thập thò trong
các miệng hang, có con đánh bạo bò
tới, leo lên. Như phản xạ tự
nhiên, đang lâm râm cúng khấn thế mà ông S vọt miệng hô: Đập K! Đập K!
Đập! Đập! Hết thiêng!
Chuột phá phách quá, phải tổ chức trừ diệt. Ngày đó làng thịt một con heo, đãi bữa trưa, nam giới từ già đến trẻ ra đồng diệt chuột. Chia từng đội, kéo hết đồng trong đến đồng ngoài, đào bới lùng sục trong các hang hầm, chuột túa ra là đập. Chiều, tổng kết trao thưởng. Mỗi đội diệt được hàng nghìn con, xác chuột chất từng đống từng đống cao cả thước, rồi đào hố chôn lấp.
Thời bấy giờ, để bảo vệ nông nghiệp, có nghe phong trào nộp đuôi chuột để đổi vé số tombola, nghe đâu chục đuôi đổi một vé, trúng thì được thưởng tiền, thưởng trâu, thưởng heo giống... Đập chuột xong cắt lấy đuôi, có người cẩn thận tẩm dầu hỏa giữ cho khỏi thối. Nhưng rồi không biết có bao nhiêu người nộp, cũng chẳng thấy ai trúng, chắc phong trào diệt chuột cũng đuôi chuột đầu voi…
Chuột sinh sôi nảy nở, hoành hành trong vòng hơn một năm thì bình thường trở lại. Chắc do một đột biến nào đó gây dịch sinh sản, tạo khủng hoảng thừa, rồi chắc cũng do quy luật tự nhiên để bảo đảm điều kiện tồn tại giống loài, chuột tự diệt để cân bằng sinh thái. Diệt không nổi nhưng tự nhiên thấy ít hẳn, chuột biến đi đâu, vì sao vậy, chẳng ai biết cả!
12-7-25
7-25, Nguyễn Đức Văn- Nạn chuột đáng lo ngại nhưng có thể giải quyết nếu mỗi người có ý thức bảo vệ môi trường, ngày xưa làng mình có mùa chuột 'gặm' hết mùa màng của chúng ta! 😂🐭
Trả lờiXóaBam Bui-Nhớ năm đó chuột ở đâu mà nhiều quá lúc nhúc đến nổi không còn sợ người nên mới có phong trào diệt chuột nộp đuôi cũng rầm rộ . Người ta tìm đủ mọi cách săn bắt cũng huyên náo rộn rã khắp làng xóm đi đến đâu cũng thấy nhiều tốp người săn bắt chuột .