TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet
Trước đã có bài về vần OM, vần gợi đường nét cong. Vần UM cũng có những ý nghĩa tương tự.
Xét về hành động, UM gợi nên tác động quy vào, tập trung lại. Túm: Giữ chặt vật gì đó không để vuột ra. Túm tụm, xúm: Nhiều người hội tụ, gom lại. Chúm tay lại, ba cây chụm lại đều hàm ý gom tụ. Cụm: Hội lại trong một phạm vi hẹp. Cười chúm chím: Cười mà miệng hơi
chu. Lủm: Nuốt gọn. Ngụm một ngụm nước: Nước bị dồn vào miệng um lại. Trùm, đùm, ủm (gà ủm con), trù
úm đều có tác dụng gợi lên sự vây
lại, che phủ lại.
Hành động cũng tương ứng với đường
nét: UM gợi nên đường nét cong. Cây
cối um tùm, sum suê gợi hình ảnh
dáng cong rậm. Ngồi chùm hum, ngồi khum: Ngồi thu lại, cong rút người
xuống. Đi đứng lụm cụm: kiểu đi đứng
của người già, chậm và khum. Đi lụm chụm:
Kiểu của trẻ con mới tập đi. Co rúm:
Sợ cong người lại. Già sụm, sụm bánh
chè đều gợi sự cong gập. Lùm bụi, bụi
lùm (ở khu IV gọi là lum) chỉ bờ bụi cây cối rậm rạp, dáng cong. Bị hũm xuống: Bị cong sọm, lõm. Khói um: Khói phủ bọc nhưng không bốc cao
lên được.
Vần UM còn gợi âm thanh. Tiếng bỏm, tỏm là âm thanh, tiếng vang của vật
rơi xuống nước, vang ngắn ngủi. Còn rơi bủm,
rơi cái tủm, rơi chủm, rơi lủm bủm cũng chỉ âm thanh vật rơi xuống
nước nhưng tiếng vang bị ém lại, dìm đi, bị úm lại. Nói chuyện um sùm: Tiếng ồn bị dồn gom, rộn nhưng
không vang, không oang oảng lên. Chết ngủm,
ngủm cù đeo, ngủm củ tỏi gợi nên
cái chết bị nén xuống, dìm lại (cho bỏ ghét), không một tiếng vang.
Ngoài ra còn mùi thủm, thum thủm, thủm thùm thum là mùi thối đang bị ém lại, bị úm
lại,chưa bốc thoát hết được.
Như vậy, vần UM rất gần nghĩ với vần OM nhưng
vẫn có những nét đặc sắc riêng. UM
gợi và thích hợp diễn tả đường cong, thể hiện sự gom lại, tụ lại, ém lại trong
một phạm vi hẹp hơn OM. Sử dụng đúng vần UM
cũng tạo nên được những ấn tượng thú vị.
(Bài đăng trên báo Sóc Trăng số- năm 1993)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét