MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Tư cách THÚC SINH


 

TIỂU HÙNG TINH

Ảnh internet
            Khách du bỗng có một người

            Kỳ Tâm họ Thúc vốn nòi thư hương

            Vốn người huyện Tích châu Thường

            Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri.

            Sĩ nông công thương, Thúc Sinh vừa sĩ vừa thương, thuộc giới đứng đầu và giới đứng chót, giới được trọng vọng nhất và giới bị khinh khi nhất trong tứ dân của xã hội ngày xưa. Xưa trọng sĩ, trọng nông, coi khinh buôn bán, gọi giới buôn bán là con buôn còn nay khác rồi, không ai dám coi khinh nghề kinh doanh thương mại cả mà còn khuyến khích phải học buôn học bán.  Thế là thành phần xuất thân, lý lịch thực của Thúc Sinh xét theo con mắt cũ rồi con mắt mới, bù qua sớt lại xem như không có vấn đề gì. Cho qua!
            Thúc Sinh theo cha, đúng hơn là “nghiêm đường” đi buôn bán. Nguyễn Du gọi Thúc Ông là “nghiêm đường”, liệu ông ta có nghiêm không? Nghiêm sao không quản lý con cái mà để Thúc Sinh phóng túng vô độ, có vợ rồi mà nào là “sớm mận tối đào lân la”, “Miệt mài trong cuộc truy hoan”, “quen thói bốc rời, Trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Đến khi Thúc Sinh lầy Kiều làm vợ bé, Thúc Ông mới “Phong lôi nổi giận bời bời”, “nghiêm huấn” (lại nghiêm) “tính bài phân chia” nhưng Thúc Sinh không vâng lời, “Sốt gan ông mới cáo quỳ cửa công”. Cha con kéo nhau ra tòa.
            Phiên tòa  đúng là một vở hài kịch. Chỉ cần một lời vuốt nhẹ của quan xử án là Thúc Ông quay ngoắt lập trường trăm tám chục độ, giận chuyển thành thương- “nghiêm” dữ!
            Tiếng thì “nghiêm đường”,”nghiêm huấn” nhưng gia giáo bất nghiêm dẫn đến hồn ma Thúc Bà cũng bị Thúc Sinh đem ra làm trò cười.
            Biết Thúc Sinh lấy Kiều làm vợ bé, Hoạn Thư sai người đi bắt. Ưng Khuyển bắt Kiều, đốt nhà, “sẵn thây vô chủ bên sông” đem ném vào lửa trá lừa. Thúc Ông tưởng Kiều chết thật nên thương xót làm đám ma. Thúc Sinh về đến, khóc than “Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau, Dễ ai rấp thảm quạt sầu cho khuây”, cứ thế “tháng lọn ngày qua” “sầu dài sầu ngắn”.
            Đến khi “Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê”, tới nhà thì trớ trêu, Hoạn Thư cho Kiều ra lạy mừng. Thúc Sinh “phách lạc hồn xiêu”, “giọt ngọc sụt sùi như sa”. Hoạn Thư gặng hỏi, Thúc Sinh trớ rằng “Hiếu phục vừa xong, Suy lòng Trắc dĩ đau lòng Chung thiên” (*). Thương vợ bé, xót vợ bé  rồi khóc mà bảo là thương mẹ thì vợ bé hóa thành mẹ rồi, nên hiếu đây là hiếu của hiếu tử Thúc Sinh đối với Thúy Kiều, hiếu với vợ bé! Quá hề!
            Hoạn Thư biết tỏng tong con người Thúc Sinh nên giả khen: “Hiếu tử đã nên” (Đúng là người con có hiếu). Chàng muốn đóng kịch hả, thiếp xin nhập vai cùng chàng. Ôi, một Thúc Sinh tư cách như thế tránh sao khỏi bị vợ coi thường, thậm chí khinh bỉ, đem ra vờn chọc.
            Dẫu Thúc Sinh có lòng tốt với Thúy Kiều cũng không đủ để người đọc tôn trọng y, xem y là nhân vật chính diện. Rõ anh chàng Thúc Sinh có học nhưng thiếu giáo dục dẫn đến sa đọa, coi cha không ra gì, đỉnh cao sự hư đốn của anh ta là đem hồn ma của mẹ mình ra lấp liếm cho vợ bé trước mặt vợ cả. Mạt đến thế!

-------
(*) Trắc dĩ: Chỉ lòng nhớ mẹ, Chung thiên: Trọn hết ngày, tức là suốt đời- Chú giải của Đào Duy Anh

1 nhận xét:

  1. 3 tháng 3, 2017Facebook- Quyen Nguyen, Pham Tuyet and 8 others
    10 tháng 7, 2019Nguyễn Thị Lợi, Khac Thao Huynh and 4 others-1 Share
    Vietluan Nguyen Cậu ấm- hậu sinh khả ố!
    Quoc To Cong [Kiều]
    Thấp cơ thua trí đàn bà,
    Trông vào đau ruột nói ra ngại lời.

    Trả lờiXóa