MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

MŨI (chữ nghĩa)



          Nhiều chứng bệnh khó chịu về  mũi:  sổ mũi, nghẹt mũi, nhảy mũi, viêm mũi dị ứng, thúi mũi…Trẻ nít thường bị sổ mũi, phải lau nước mũi thường xuyên. Thành ngữ vắt (chùi) mũi chưa sạch  có ý mỉa mai rằng tuổi còn nhỏ hoặc thói trẻ con.

Nhiều thói tật xã hội được gắn vào mũi: chê chuyện hay can dự vào những việc không phải của mình thì bảo chõ (thò) mũi vào, được khen , thích thú nở mũi, bị chê tức tối nóng mũi, té dập mũi, bị đánh sặc máu mũi, lỗ mũi ăn trầu…Bi dắt mũi, bị xỏ mũi chỉ thói thụ động, bị người khác sai khiến. Thành ngữ đứng mũi chịu sào (chống sào rị thuyền ghe làm giảm tốc độ khi vào bờ) ca ngợi sự gánh vác công việc nặng nhọc thay cho mọi người.
          Khuôn mặt quyết định dáng vẻ con người, cái mũi lại góp phần quyết định vẻ đẹp khuôn mặt do vậy nhiều người chịu hao tốn tìm cách sửa mũi, nâng mũi tẹt của mình cho lõ thêm…
Chuyện  kể rằng vua nước Kinh (Sở) đánh  nước khác, bắt được một mĩ nữ đưa về. Điều vua ngại nhất là sợ phu nhân Trịnh Tụ của mình ghen thế nhưng sự tình diễn ra khác hẳn. Trịnh Tụ tỏ ra thương yêu, chăm sóc mĩ nữ còn hơn cả con gái mình nữa. Lâu ngày, thấy nhà vua đã yên tâm, Trịnh Tụ mới bảo nhỏ mĩ nữ rằng nhà vua rất sủng ái ngươi chỉ hơi chê cái mũi, khi gặp nhà vua nhớ che bớt mũi lại cho vua vừa lòng. Mĩ nhân nghe theo, hễ gặp nhà vua là che che mũi. Vua Kinh ngạc nhiên, dăm lần bảy lượt hỏi, Trịnh Tụ đều không nói. Lần nọ, nhà vua lại bực mình hỏi, Trịnh Tụ mới bảo rằng mĩ nữ chê nhà vua hơi nặng mùi nên che mũi. Vua tức mình xuống lệnh cắt mũi mĩ nữ, lệnh được Trịnh Tụ cho thi hành ngay lập tức. Mĩ nhân giờ thành xú nhân, có thể nói đây là đòn ghen độc hiểm nhất cổ kim.
          Cléopatre- nữ hoàng Ai Cập- bị César đem quân chinh phục và bắt về La Mã. Trang tuyệt thế giai nhân này cũng chính là mầm họa của nước. Người phương Tây bình rằng nếu mũi nữ hoàng chỉ thấp xuống một phân thì đã không có cuộc chiến tranh giữa La Mã và Ai Cập!
          Thế mới biết mũi quan trọng đến chừng nào!

                                                                                                3- 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét