ảnh internet
Ba Chìm than chuyện xuất nhập trái khoáy, nhiều thứ mình thừa xuất không hết thế mà lại nhập. Như than, mỏ sâu mỏ lộ quản không xuể để ăn cắp ồ ạt giữa ban ngày ban mặt, xuất hàng trăm triệu tấn hàng năm để rồi nhập, bảo rằng than mình thô, than người mới tinh; vỗ ngực khoe có kinh nghiệm khai thác từ thời thực dân sao không chế biến cho tinh mà dùng, khó hiểu! Rồi gạo, tự hào là nước nhất nhì xuất khẩu thế mà lại nhập gạo Thái gạo Campuchia vào ăn mới là lạ! Đến muối, tự hào là quốc gia có bờ biển trên ba nghìn cây số, muối sản xuất để đống cho hư còn đi nhập muối ngoại, thế mới kì!
Bảy Nổi đế thêm rằng ngay cái tăm còn phải nhập.
Chín Lênh Đênh bảo chuyện nhập than nhập gạo nhập muối đúng là trái khoáy nhưng nhập tăm là có lí do. Hỏi lí do làm sao, y bảo:
- Nhập để ngậm, đất nước gần trăm triệu vừa viên chức vừa dân, làm viên chức muốn yên công tác thì trong cơ quan đơn vị phải lo ngậm tăm; làm ông dân muốn không phiền nhiễu với đầy tớ với xã hội đen cũng phải ngậm tăm. Phương châm là moi không ra, gợi không mở, cạy không há, gạ không lòi. Gặp chuyện đấu tranh ở cơ quan thì ngậm miệng là vàng, đứa thua không trách, đứa thắng không đề phòng, trên không dè chừng mà biết đâu có thiện cảm đề bạt. Ngậm tăm hăm bốn trên hăm bốn, sợ vạ miệng. Bây giờ lại còn có mốt ra đường ngậm tăm chạy loanh quanh ý mình là dân phố, nhà gần đâu đây hoặc là dân sang mới ăn uống trong quán tiệm nhà hàng gì đấy. Hao tăm lắm!
Thêm cái thời buổi nội xâm hoành hành, động đâu cũng thấy ăn, lớn ăn lớn nhỏ ăn nhỏ, ăn rồi xỉa, đua nhau xỉa nên tốn nhiều tăm, phải nhập!
Và rừng kiệt hết rồi mà còn đốn cây làm tăm với số lượng lớn như vậy nữa thì trọc trụi hết, nên chi giá nào cũng phải nhập tăm để bảo vệ rừng, để giữ mãi màu xanh cho quê hương.
6- 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét