MỤC LỤC BLOG

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Từ ngữ RẮN




-         Rắn: (từ Hán Việt: Xà) động vật thuộc lớp bò sát, không chân, thân dài, có vảy, di chuyển bằng cách uốn thân.
đánh rắn chết, đầu rắn bay theo về nhà rình trả thù. Truyện cổ có chuyện Nguyễn Trãi  khi làm chỗ dạy học có giết chết rắn, rắn đầu thai thành Thị Lộ vào làm hầu thiếp để trả thù, sau đó gây ra họa giết vua Lê Thái Tông. Nguyễn Trãi bị gán cho tội chủ mưu và bị tru di tam tộc.
-         Rắn bay: Rắn thuộc chi Chrysopelea, bay xa khoảng 13m.
-         Rắn bắt ngóe (ếch mình nhỏ, dài). Câu đối chơi chữ đồng âm: Ô! Quạ tha gà. Xà! Rắn bắt ngóe (Ô: tiếng tán thán, từ Hán Viêt có nghĩa là quạ. Xà : tiếng tán thán, từ Hán Việt có nghĩa là rắn).
-         Rắn chúa: Rắn đầu đàn thường là to lớn.
-         Rắn dời chỗ ở: Ngụ ngôn cổ: Hai con rắn muốn dời chỗ ở nhưng ngại đi qua vùng đất trống. Một con bày  kế nằm lên lưng con kia, cứ thế bò qua. Ai cũng tưởng rắn thần nên tránh xa, rắn nhờ vậy mà an toàn.
-         Rắn độc: rắn có nọc độc như hổ mang, mai gầm, rắn lục…
-         (Rắn) hổ mang: chỉ cái ác. Sư hổ mang: sư phá giới làm bậy. Rắn hổ mang vàng: Tên cuộc tập trận định kì giữa hải quân Mĩ và Thái Lan.
-         Rắn lành: rắn không có nọc độc như rắn nước, rắn ráo, rắn lửa, trăn…
-         Rắn lột da: Theo những thời gian nhất định, rắn tự lột bỏ lớp vỏ ngoài da để lớn thêm và loại bỏ kí sinh trùng. Lột da thể hiện  sự tái sinh biểu hiện cho sự phục hồi, rắn trở thành biểu hiện trường sinh trong y học thông qua bức tranh Rod of Asclepius (Cái gậy của Thần Y Thuật). Nghĩa bóng: thay đổi hình thức.
-         Rắn mai (mai gầm) tại lỗ rắn hổ về nhà: Nọc độc rắn mai mạnh, gây chết người nhanh hay nhất.
-         Rắn mồng năm: Len lét như rắn mồng năm: Tỏ vẻ sợ sệt. Tương truyền cứ đến ngày 5/5 âm lịch (tết Đoan ngọ) là các loài bò sát trốn biệt, khó  kiếm được một con làm thuốc.
-         Rắn múa: Rắn  ngỏng mình cao lên cuộn vờn nhau những khi động cỡn.
-         Rắn rết: Loài độc.
-         Rắn rết bò vào cóc nhái bò ra: Chỉ nơi hoang vu.
-         Rắn trong hang bò ra: Chỉ những kẻ nói hay, thuyết khéo mê hoặc người nghe.
-         Rắn vuông: Truyện cười dân gian kể chuyện một anh chồng khoe vợ rằng mình thấy một con rắn dài cả trăm thước, ngang khoảng 40 thước. Vợ mỉa làm gì có chuyện rắn dài đến thế, anh ta giảm xuống còn 80 thước. Vợ không tin, anh ta giảm còn 60 thước. Vợ cũng không tin, anh ta giảm còn 40 thước. Vợ nín không nổi, cười ré lên bảo dài 40 thước, ngang 40 thước, thế ra con rắn vuông.

… RẮN…
-         Cõng rắn cắn gà nhà: Làm tay sai bán nước hại dân.
-         Đánh rắn dập đầu: Trị đứt nọc kẻ  ác.
-         Mắt rắn ráo: Mắt ngó không thẳng.
-         Miệng hùm nọc rắn: Chỗ nguy hiểm. Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này (Kiều). Mãnh hổ khẩu trung kiếm- Trường xà vĩ thượng châm- Lưỡng ban do vi độc- Tối độc phụ nhân tâm (Gươm trong miệng hổ dữ- Kim trên môi rắn dài- Cả hai thứ đều độc- Nhưng độc địa nhất là lòng dạ người đàn bà) (Cổ thi).
-         Mùi rắn: Rắn độc ở hang bụi thường tiết ra mùi ngọt nhữ các sinh vật khác tới để ăn thịt.
-         Ngọc rắn: Cổ tích có chuyện Dã Tràng nhờ có ngọc rắn mà nghe được tiếng nói của tất cả loài vật. Sau đánh rơi xuống biển, tiếc quá nên hóa thành con dã tràng ngày ngày xe cát lấp biển tìm ngọc.
-         Rồng rắn: * Trò chơi nối nhau uốn lượn quanh co của trẻ con. Vừa đi vừa hát: Rồng rắn lên mây cỏ cây lúc lắc…Đi con một….Về con một… ** Đất rồng rắn (long xà địa): Nơi hoang vu. Trạch đắc long xà địa khả cư- Dã tình chung nhật lạc vô dư- Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh- Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Không Lộ thiền sư) (Tìm nơi rồng rắn ẩn mình- Ngày qua tháng lại vui tình am sâu- Có khi đỉnh núi một đầu- Hò sâu một tiếng lạnh bầu không dư) (Khuyết danh dịch). *** Nói rồng nói rắn: nói quanh co. **** Sang hèn bất xứng: Con công ăn lẫn con gà- Rồng kia rắn nọ  coi đà sao nên (Ca dao).
-         Thơ rắn: Bài thơ chơi chữ rắn đồng âm khác nghĩa của Lê Quý Đôn. Tương truyền, một lần bạn ông Lê Phú Thứ (cha của Lê Quý Đôn) đến chơi, thấy đứa bé đứng trước cửa liền hỏi thăm thì đứa bé dạng chân hỏi khách biết chữ gì thì sẽ nói. Khách bảo chữ đại nhưng đứa bé lắc đầu, nghịch ngợm bảo là chữ thái (chữ thái giống chữ đại nhưng phía dưới có thêm một chấm). Người khách kể lại, ông Lê Phú Thứ định đánh đòn nhưng khách bảo cho làm thơ chuộc lỗi. Đề bài: Rắn đầu biếng học (Cứng đầu lười học), câu nào cũng phải có loài rắn. Lê Quý Đôn ứng khẩu: Chắng phải liu điu* cũng giống nhà- Rắn đầu biếng học lẽ không tha- Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ- Nay thét mai gầm rát cổ cha- Từ nay Trâu** Lỗ xin siêng học- Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia (* liu điu: rắn nước, ** Trâu: hổ trâu)
-         Vẽ rắn thêm chân (họa xà thiêm túc): Vẽ vời phi thực tế.
-         Vẽ rắn thêm tay: Khen rằng: Hay thật là hay- Ngón nghề vẽ rắn thêm tay chịu thầy (Rắn múa- Bút Nguyên Tử)

…XÀ…
-         Đả thảo kinh xà: Cắt cỏ rắn kinh = Rút dây động rừng. Vương Lỗ đời Đường, làm huyện lệnh, chuyên lừa lọc tham nhũng, bị người ta tố cáo. Chẳng dè đơn ấy lọt vào tay, y càng đọc càng run rồi phê vào: Mi đã cắt cỏ, ta như rắn giật mình (Tây dương tạp trở).
-         Khẩu phật tâm xà = Miệng nam mô bụng bồ dao găm (Tục ngữ) = Bề ngoài thơn thớt nói cười- Mà trong nham hiểm giết người không dao (Ca dao)
-         Mãng xà: rắn lớn. Nhất điểu nhị ngư tam xà tứ tượng: Xưa, về mặt to lớn, người ta xếp rắn hàng thứ ba, trên cả voi. Chắc cũng để chỉ loài trăn.
-         Mãng xà vương: Vua rắn.
-         Tam xà, ngũ xà: Bình rượu thuốc trong đó ngâm ba hoặc năm con rắn.
-         Xà quyền: Môn võ rằn.
-         Xà tửu: Rượu rắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét