MỤC LỤC BLOG

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

NGHE (Chữ nghĩa)


TIỂU TỬ VĂN
Ảnh internet
Nghe: cảm nhận bằng tai, giác quan quan trọng của người, đa phần những người câm là do bị điếc, không nghe, không tiếp xúc được với ngôn ngữ nên không nói được dù các khí quan phát âm nguyên vẹn. Như vậy, nghe là yếu tố đầu tiên quyết định việc hình thành ngôn ngữ ở người.

Điều đáng quan tâm về mặt xã hội là thái độ nghe. Thói dở là thích nói cho người khác nghe hơn là nghe người khác nói do vậy người ta thường khuyên là biết lắng nghe, biết nghe ngóng, chịu nghe... Nghe không đầy đủ, chỉ nghe loáng thoáng, nghe điều được điều mất, nghe lỏm bỏm, nghe phong thanh mà kết luận thì thật nguy hiểm.  Nghe lóm (lỏm) chuyện riêng của người khác cũng là điều không hay. Nghe mà vô lỗ này ra lỗ kia, thiếu chú ý  thì khác gì có tai như điếc, dù có nói điều hay điều phải cho thì cũng phí vì khác gì đàn gảy tai trâu.
Chỉ mới nghe thôi mà đã hí hửng  lấy đó làm cơ sở đánh giá thì rất dễ sai lầm nên có cảnh báo trăm nghe không bằng một thấy. Lỗ tai người thường thích nghe khen nên chi lời ngọt bùi tai, lời phản biện dù có lí nghe cũng chướng tai, khó lọt, vô quan tài rồi còn thích nghe thổi kèn mà! Có bản lĩnh mới chịu nghe và ngược lại. Còn phương châm không nghe, không thấy, không biết chỉ dùng trong kháng chiến để giữ bí mật chứ thời bình cũng vậy thì đúng là đại quan liêu, siêu vô cảm.
Nghe là một từ đa nghĩa, nhiều nét nghĩa mới hình thành trên cơ sở nghĩa gốc. Nói nghe được- nghe đây gắn với lẽ phải, với điều hợp lí; con cái biết nghe lời cha mẹ- nghe đồng nghĩa với vâng lời; Nghe con lon xon (hấp tấp) mắng láng giềng- nghe đồng nghĩa với tin; Khuyên nhau hoặc chào nhau: Học giỏi nghe!, Đi nghe!- trong trường hợp này nghe là một phụ từ tương đương với từ nhé, phương ngữ Nam bộ còn phát âm  ra “à nghe”, “nghen”. Nghe còn phái sinh nghĩa vâng lời, tin vào: Không nghe lời = không vâng lời, nghe theo người ta: tin theo người ta.
Trong nói năng và nhất là trong văn chương, nghe được sử dụng như một phương cách chuyển đổi cảm giác. Khi nói nghe thơm thơm tức là lỗ tai đã choán qua phần việc của lỗ mũi- nghe của lỗ mũi. “Nghe trời lành lạnh, nghe ta buồn buồn. Nghe đi xào xạc trong hồn” (Xuân Diệu)- nghe ở đây đã lấn qua lĩnh vực xúc giác, nghe như một sự cảm nhận nội tâm.
Có thể nói những đoạn hay nhất trong Truyện Kiều là đoạn Nguyễn Du tả Thúy Kiều đánh đàn. Kiều bộc lộ tâm trạng, bộc lộ khúc Bạc mệnh qua tiếng đàn đứt ruột và ai mới xứng là khách tri âm? Kim Trọng đưa đàn cho Kiều với tư thế thành kính“tay nâng ngang mày”,   nghe thì “Khi tựa gối khi cúi đầu- Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”, đã cảm nhận, đã hòa nhập với tiếng đàn vì nghe ra : “Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau…Nghe ra như oán như sầu phải chăng?...Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Còn Hồ Tôn Hiến nghe tiếng đàn Kiều, cảm nhận: “Ve ngâm vượn hót nào tày- Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu”- so tiếng đàn  với tiếng ve ngâm vượn hót, phải chăng Nguyễn Du muốn ám chỉ Hồ Tôn Hiến nếu không phải là kẻ rừng rú  thì cũng là đứa dã man.

3- 2011



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét