MỤC LỤC BLOG

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

XE DÂN BIỂU (chuyện xưa chưa cũ)


TIỂU TỬ VĂN
ảnh internet 

Thời bao cấp, không thể trụ chỉ bằng đồng lương mà cán bộ công nhân viên phải đứng và đi bằng hai chân, chân trong và chân ngoài, thường thì chân ngoài dài hơn chân trong. Chân ngoài đa dạng ngành nghề nào nuôi heo, chạy chợ, may vá, đan lát, làm ruộng, gia công, bán thuốc lá, bán vé số, đạp xe lôi, đạp xe ôm…
Xe dân biểu là biệt danh độc quyền của xe đạp ôm. Giới xích lô, xe lôi là dạng chuyên nghiệp- hữu sản, giới xe đạp ôm là dạng nửa vô sản, giới bán vé số dạo mới là dạng vô sản hoàn toàn. Hỏi: Đang làm nghề gì? Đáp: Lái xe dân biểu. Nghe ngon, tưởng đâu là dân chuyên cận kề bậc trên trốc thở cái là ra hơi chính trị té ra thất nghiệp  đi đạp ôm, dân biểu chở đi đâu thì chở tới đó.
Phân biệt xe dân biểu và xe đạp thường rất dễ, cứ nhìn cái bọt-bà-ga (yên sau) có bọc lớp nệm xốp màu đen ngồi cho khỏi đau bàn thối là chính thị con nai vàng. Dân thường phải bám địa bàn thường xuyên để giành mối còn cán bộ nhân viên khác, phải đội cái nón trùm trụp mặt lại một chút, phải thay đôi địa bàn để đỡ sỉ diện, tránh gặp người quen biết khó xử, gặp thủ trưởng hoặc người cùng cơ quan thì gay go…Chuyện thầy giáo đạp xe ôm gặp học trò là một tình huống cười ra nước mắt trong bài phú Thầy giáo tự trào của Bút Nguyên Tử: “Lắm khi túng bấn đế kì, xách ngựa sắt cọc cạch ít cuốc sợ nghe phải tiếng Thưa thầy! Nhiều lần tình thế quá gay, học trò gọi: Ê này, xe ôm! Hoảng hồn vọt hơn Tào Tháo”.
Mừng đại lễ, thị xã quê hương tôi tổ chức đua xe đạp tay cầm ngang, đây là cơ hội ngàn năm có một cho các cua rơ xe dân biểu trổ tài. Chỉ cần  ghi tên là vào  đua ngay, khỏi phải tập luyện rách việc, bởi ngày nào mà chẳng tập, chở nặng còn đạp vèo vèo thá gì bây giờ chạy một mình. Đăng kí là a lê hấp nhận ngay cái áo thun huề vốn cái đã, mặc vào lại càng khí thế, may mà được cái giải thì ít nhất cũng bằng thu nhập chục ngày đạp xe. Tính ra quá lợi, chơi luôn!
Ngày đua, cả chục chiếc mô tô phân khối lớn trương cờ hụ còi dẹp đường, hàng chục xe dân biểu rượt tranh ào ào, sau họ là hàng chục xe gắn máy của những người hiếu kì chạy theo hỗ trợ, ầm ĩ chấn động  phố phường. Lâu nay ở chiếu dưới kiểu cùng đinh mạt hạng, một lúc được tiền hô hậu ủng lên ngôi làm chủ đường, làm chúa giải, giới xe dân biểu được ngày lên hương.
Tiểu tôi cũng có bài thơ ghi lại sự kiện này:
Dẹp đường còi hụ cờ bay
Hàng chục gắn máy trổ tài rồ ga
Ầm ầm từng đợt lướt qua
Người xe hấp tấp dạt xa tránh đường
Hai cua-rơ xe đạp đầm
Thẳng lưng trờ tới xóm làng ngẩn ngơ
Tinh thần thể dục- Hoan hô!
Xin ngả nón chào cuộc đua lạ kì
Hai người một nhất một nhì!
 Và một phút huy hoàng… rồi từ từ tắt ngấm. Theo đà phát triển, cũng là xe ôm nhưng là xe ôm động cơ xăng lấn sân, xe dân biểu động cơ gân lủi thủi lép vế rồi thoái trào và chấm dứt nhiệm vụ lịch sử.

 
1989 -Vl- 2011

1 nhận xét:

  1. 12 tháng 1, 2017Facebook- Quyen Nguyen, Lê Đức Tải and 9 others
    Lê Hương Phụng- Bây gjờ thời thế thay đổi rồi, mấy anh đạp xe dân biểu còn đc quyền cầm ngay lá phjếu chọn cho mình một tên đầy tớ ngồi chễm chệ trong nhà quốc hội, lái xế sang, ngủ nhà cao tầng, mà khi cần mấy tên đầy tớ đó còn đc quyền gjơ cao chân, gạt tay vào má cho sứt đầu mẻ trán chứ chả chơi, thế mớj biết đời là bể sướng mấy aj ngờ?
    Lua Hai- Hu hu,...Sướng Quá ....Hu u u !!!!!!!
    13 tháng 1, 2017Quyen Nguyen- Đã một thời, nhờ có loại xe dân biểu này mà việc di chuyển của người dân, kể cả những vị mặc đồ Ves, mang giày bóng lộn cũng phải biết ơn.
    Xe dân biểu đã đi vào lịch sử của ngành Giao thông.
    31 tháng 8, 2019Nguyễn Thị Lợi, Khac Thao Huynh and 19 others-4 Shares
    Hy Vo Cũng một thời ngang dọc, cưỡi tuấn mã kiếm cơm. Thật huy hoàng, mặc dù mồ hôi ướt áo. Nhưng dù sao khốn khó nhưng sức khỏe thuộc hàng lực sỹ. Một thời đã qua, nhớ lại vẫn thấy tự hào, vững vàng bước và ngẩng cao đầu vì là con người lương thiện. Anh nhỉ!

    Trả lờiXóa