MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

LÁC ĐÁC BÊN SÔNG RỢ MẤY NHÀ



NGUYỄN VĂN HÙNG
Trường CĐSP Sóc Trăng

butngyentu.blogspot.com
ảnh internet
            Trao đổi với Nguyễn Cảnh Phúc (NCP) về một câu thơ trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (KTNN- 658- 20/11/2008)
            Lom khom dưới núi tiều vài chú
            Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà.
Sau khi lượt qua  và hoàn toàn tán thành hai loại ý kiến không tán thành với cụm từ “chợ mấy nhà”“rợ mấy nhà”, NCP đề nghị  đọc câu thơ trên: “Lác đác bên sông rớ mấy nhà”.
             - Lí do đầu tiên NCP đưa ra: Bà Huyện Thanh Quan là người mẫu mực, thận trọng trong việc sử dụng đối.“Rợ mấy nhà” là cụm danh từ chỉ tĩnh vật đối không chỉnh với “tiều vài chú” là cụm danh từ chỉ người đang hoạt động.
Chưa nói đến tác giả khác, chỉ nói trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, bài Thăng Long thành hoài cổ:  “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Từ “xe ngựa” chỉ hoạt động đối với “lâu đài” là từ chỉ tĩnh vật. Bộ trong bài này bà Huyện Thanh Quan không chú ý đối chỉnh (như quan niệm của tác giả) sao?
- NCP đề nghị không đọc “chợ” hoặc “rợ” mà đọc “rớ”. Đúng là có một vật dùng cất cá mà khu 4 gọi là rớ (nơi khác gọi là vó). Rớ nhỏ do một người trụ thân mình, một tay giữ cần và tay kia kéo cất lên. Rớ lớn (gọi là rớ bà) thường có điểm tựa cố định (gắn vào ghe hoặc vào cọc trên bờ) dùng dây kéo cất lên.
- Rớ nhỏ do một người cất , có thể chuyển chỗ tùy tiện do vậy không có chuyện rớ mấy nhà. Rớ lớn đặt trên ghe (ghe không phải nhà) hoặc đặt trên bờ thì thường gắn vào phía sau một  chòi nhỏ vừa đủ 1-2 người ngồi (chòi, không gọi là nhà). Nói rớ mấy nhà là hoàn toàn không có cơ sở.  Hơn nữa, Bà Huyện Thanh Quan sính dùng từ Hán Việt làm cho câu thơ trang trọng, dùng từ thuần Việt thì chỉ dùng từ toàn dân, đã có từ vó phổ biến thì không dễ gì Bà đưa vào thơ mình một từ rớ địa phương được.
Trước đây nhiều sách và nhiều người quen dùng “chợ mấy nhà”. Đã nói chợ thì phải là nơi thuận tiện và tập trung để thường xuyên hoặc định kì (chợ phiên) đông người nhóm lại mua bán. “Chợ” mà “lác đác bên sông” thì thực không ổn.
Theo chúng tôi thì “rợ mấy nhà” là ổn nhất, hợp lí nhất.
Người Trung Hoa xưa thường khinh miệt các dân tộc xung quanh là thấp kém, dã man và gọi họ là man, di, địch,  rợ- đều là mọi cả. Ở Việt Nam, người miền xuôi cũng có cách gọi khinh miệt đó vớ các dân tộc thiểu số vùng cao. Đó là một sự thực lịch sử, một cách gọi phổ biến ngày xưa. Trần Tế Xương viết: “Công đức tu hành sư có lọng, Xu hào rủng rỉnh mán ngồi xe”. Gọi những người ngu dốt, kém cỏi là mán- tên dân tộc Mán vùng cao. Chúng ta biết cách gọi như vậy là kì thị dân tộc, gây mất đoàn kết nhưng sửa nó thế nào? Tú Xương đâu còn sống để chỉnh lại! Đã là vấn đề lịch sử thì phải có quan điểm lịch sử cụ thể để xem xét.
Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ từ đời Minh Mạng ( đầu thế kỉ 19, sớm nhất là phải sau 1821) cơ sở nào để khẳng quyết là không có đồng bào dân tộc thiếu số ở vùng chung quanh đèo Ngang? Cần lưu ý rằng người thiểu số trước đây thường sống du canh du cư nữa. Đây lại là nơi có nguồn nước thuận tiện cho sinh sống. Bài thơ tả cảnh buổi chiều, tác giả đứng trên cao nhìn xuống rồi quan sát rộng ra. Trong khoảng thời gian xế chiều này thì sự liên hệ mật thiết giữa “tiều vài chú”“rợ mấy nhà” tỏ ra ăn khớp nhất về mặt không gian và hoạt động. Những người  làm nghề rừng dưới núi và những nhà bên sông kia trong vùng heo hút núi đèo này chắc có sự liên hệ. Đã nói “lác đác” thì phải thưa thớt, cách xa, phù hợp với nhà của đồng bào dân tộc thiểu số. “Rợ mấy nhà” là thích đáng nhất trong bài thơ này.



2 nhận xét:

  1. Năng lượng Mới số 428

    Học giả An Chi: Theo cách đọc quen thuộc nhất thì đó là chữ “chợ” nên cả câu là:

    Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

    Nhưng nhiều người cho rằng, chữ “chợ” không thích hợp nên người thì đề nghị đổi thành “rợ”; người thì nêu chữ “rớ”, thậm chí có người còn đề nghị đổi “chợ” thành “vạn”.

    Đề nghị đổi thành “rớ” là Nguyễn Cảnh Phức trên Kiến thức Ngày nay số 658 (20-11-2008). Về chữ “rớ” này, tác giả Nguyễn Văn Hùng (Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng) viết trên blog “Bút Nguyên Tử - Tiểu Hùng Tinh” như sau:

    “Đúng là có một vật dùng cất cá mà khu 4 gọi là rớ (nơi khác gọi là vó) […] Rớ nhỏ do một người cất, có thể chuyển chỗ tùy tiện do vậy không có chuyện rớ mấy nhà. Rớ lớn đặt trên ghe (ghe không phải nhà) hoặc đặt trên bờ thì thường gắn vào phía sau một chòi nhỏ vừa đủ 1-2 người ngồi (chòi, không gọi là nhà). Nói rớ mấy nhà là hoàn toàn không có cơ sở. Hơn nữa, Bà Huyện Thanh Quan sính dùng từ Hán Việt làm cho câu thơ trang trọng, dùng từ thuần Việt thì chỉ dùng từ toàn dân, đã có từ vó phổ biến thì không dễ gì Bà đưa vào thơ mình một từ rớ địa phương được”.

    Tác giả Nguyễn Văn Hùng biện luận như trên chứ thực ra thì “rớ” cũng là một từ của ngôn ngữ toàn dân. Bà Huyện Thanh Quan sống vào nửa đầu thế kỷ XIX (1805-1848) mà trước đó, hồi gần cuối thế kỷ XVIII thì từ “rớ” đã lưu hành ở Đàng Trong rồi. Bằng chứng là nó đã được thu nhận vào Dictionarium Anamitico Latinum (1772-73) của Pierre Pigneaux de Béhaine. Chẳng những thế, hiện nay, nó vẫn được xem là một từ của phương ngữ Nam Bộ nên mới được thu nhận vào Từ điển phương ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái (1994) và Từ điển từ ngữ Nam Bộ (tái bản, có sửa chữa, bổ sung, 2009) của TS Huỳnh Công Tín và trước đó nữa là trong Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức. Xin lưu ý thêm là Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức (1931), một quyển từ điển lấy phương ngữ miền Bắc làm nền tảng, cũng đã ghi nhận “rớ” như một từ thông thường, không có sắc thái địa phương. Cứ như trên thì vào thời của Bà Huyện, “rớ” là một từ được dùng từ Bắc đến Nam, nghĩa là một từ của ngôn ngữ toàn dân nên về nguyên tắc nó vẫn là một từ có thể có mặt ở vị trí 5 trong câu 4 của bài thơ. Nhưng cũng về nguyên tắc thì nó không thể xuất hiện ở vị trí đó vì một lý do khác mà chúng tôi sẽ nói đến sau.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi cũng đồng ý cách dùng RỢ mấy nhà hợp lí hơn cả. Đáng tiếc là chưa thấy ai dẫn ra được nguyên bản chữ Nôm để thuyết phục hoàn toàn người đọc.

    Trả lờiXóa