MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Từ ngữ NGỰA (chữ nghĩa)




Ảnh Internet

 
BÚT NGUYÊN TỬ
  sưu tập- chú giải
NGỰA…

- Ngựa buông cương: Nới lỏng sự kiểm soát.
- Ngựa chạy đường quai: Vòng vèo, lông bông lang bang.
- Ngựa chiến: Ngựa dùng đánh trận- chỉ người có khả năng hành động.
- Ngựa chứng- Ngựa hay ngựa chứng- Ngựa hay lắm tật: Có tài thường có tật, khó cai quản.

- Ngựa chứng sân trường: Học trò hư, thường phá phách.
- Ngựa đứt cương: Thả lỏng, không còn kiểm soát nên tự do hoành hành.
- Ngựa Hồ chim Việt: (Tích) Hồ (Hung Nô) ở phía bắc, Việt ở phương nam. Chỉ sự xa cách nhưng luôn hướng về quê cũ.
- Ngựa kỳ ngựa ký: (Tích) Kỳ, ký là hai loại ngựa hay.
- Ngựa long cương ngựa cũng đến bến, voi thủng thỉnh voi cũng đến đò: Đã có bản lĩnh vững vàng thì  không cần dẫn dắt thúc hối cũng tới đích.
- Ngựa lồng cóc cũng lồng: Chê kẻ không ra gì mà cũng học đòi khoe mẽ.
- Ngựa mạnh chẳng quản đường dài- Đường dài càng dai sức ngựa: Đã có bản lĩnh thì không ngại khó. Càng khó khăn càng phát huy bản lĩnh.
- Ngựa nào gác được hai yên: Gì cũng có mức độ thôi, không thể dụng hoặc đè nén quá đáng.
- “Ngựa người người ngựa”: Tên truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan nói lên cảnh tình trớ trêu giữa một anh kéo xe và cô gái làng chơi vào đêm giao thừa.
- Ngựa non háu đá: Thiếu kinh nghiệm, ít từng trải  nên hung hăng hiếu thắng.
- Ngựa ô chẳng cỡi cỡi bò, Đường ngay không chạy chạy dò đường quanh: Tự rước lấy khó khăn cho mình.
- Ngựa phản chủ: Kẻ phản lại người cò công chăm sóc nuôi dưỡng.
- Ngựa qua của sổ: Bóng câu qua mành, Bóng câu qua cửa sổ: Thời gian vụt qua nhanh chóng.
- Ngựa quen đường cũ: Quen thói xấu cũ.
- Ngựa tàu cau: Trò chơ trẻ con lấy tàu cau cỡi lên làm ngựa.
- Ngựa thồ: Ngựa chở hàng.
- Ngựa thồ muối: (Tích) Có con ngựa chiến khi về già bị người ta bắt thồ muối, Bá Nhạc (Người giỏi xem tướng ngựa) đi qua thấy liền ôm lấy vuốt ve, ngựa hí lên mấy tiếng đau đớn như để bày tỏ nỗi lòng.
- Ngựa trạm: Xưa, khi chuyển lệnh hỏa tốc, người ta phi ngựa  qua từng trạm, đến từng trạm thì thay ngựa hoặc thay người phi chạy để chuyển lệnh tiếp.
- Ngựa truy phong: Ngựa đuổi gió (phi nhanh như gió). “Rằng ta có ngựa truy phong, Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi” (Lời Sở Khanh lừa Thúy Kiều). Thành ngữ Quất ngựa truy phong để chỉ những kẻ chuyên lừa bịp con gái.
- “Ngựa xe như nước áo quần như nêm” (Kiều): Cảnh hội hè tấp nập.
- Ngựa xếp vó: Hết thời oanh liệt.
Ảnh Internet
NGỰA…
    
-         Bắt ngựa đằng đuôi: Làm việc dại dột (vì dễ bị ngựa đá).
-         Biếu bò nhận ngựa: Có đi có lại, không ai cho không ai cái gì.
-         Bò đất ngựa gỗ: Loại bất tài.
-         Buộc cương ngựa: Ràng khóa để điều khiển người khác.
-         Buộc đuôi ngựa cho đá nhau: Gài thế hiểm ác.
-         Chạy đua một ngựa: Độc diễn chính trị.
-         Có chồng như ngựa có cương: Có chồng, các cô sẽ hết chạy bậy bạ.
-         Con dân cầm đòn con quan cỡi ngựa: Tương tự Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
-         Cỡi ngựa xem hoa: (Tích) Xưa, các tân khoa tiến sĩ được vua ban áo mão và  cho cỡi ngựa xem hoa ở vườn Thượng uyển. Hàm ý qua loa đại khái.
-         Cương ngựa ách trâu: Phương tiện trói buộc để khống chế.
-         Da ngựa bọc thây: Nam chi chí, chết ở chiến trường (Dẫn từ câu nói của Mã Viện đời Hán).
-         Đánh tung vó ngựa, đánh bủa trăm thành, đánh phanh giáp trận: Khí thế chiến thắng.
-         Đầu trâu mặt ngựa: Bọn quỷ sứ. “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” (Kiều).
-         Đĩ ngựa (Tục): Lời mắng xỉ đàn bà con gái hư.
-         Được đầu voi đòi đầu ngựa: Như được voi đòi tiên.
-         Đường dài mời biết sức ngựa: Có thử thách mới biết  khả năng (và cả sự trung thành).
-         Hàm chó vó ngựa: (Ngựa hay đá móc hậu) Chỗ nguy hiểm.
-         Hỏi trâu biết ngựa: Thông qua hiện tượng này để suy ra hiện tượng khác.
-         Lên xe xuống ngựa: Từ sướng tới sướng.
-         Lý ngựa ô: Điệu dân ca về ngựa.
-         Màu cứt ngựa: Màu xanh nhợt úa.
-         Mó dái ngựa: Làm việc dại dột (vì sẽ bị ngựa đá)
-         Mua xương ngựa: (Tích) Chiêu vương nước Yên muốn cầu người hiền tài, hỏi thì Quách Ngỗi kể chuyện rằng xưa có vị vua  sai nội thị đi mua ngựa hay.  Khi đến thì ngựa đã chết, y mua ngay bộ xương mang về. Bị mắng, y tâu rằng ngựa chết còn biết quý mà mua huống chi ngựa sống. Quả nhiên không đầy một năm, người ta đem ngựa hay đến bán đến ba bận. Tìm người hiền tài cũng vậy thôi. Vua nghe lời Quách Ngỗi, quả nhiên không lâu thì những người giỏi các nơi tranh nhau sang nước Yên.
-         Ngã ngựa: Thất bại.
-         Nhanh như ngựa tế (phi): Rất nhanh.
-         Nhong nhong ngựa ông đã về, Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn: Câu đồng dao, ông đây chỉ Lê Lợi. Tình cảm người dân đối với lãnh tụ Lê Lợi trong  thời kì kháng chiến chống quân Minh.
-         Tàn che ngựa cỡi: Quyền thế sung sướng.
-         Thắng ngựa: Khoác yên vào ngựa hay cột ngựa vào xe.
-         Thay ngựa giữa dòng: Thủ đoạn dùng người nửa chừng thì gạt bỏ.
-         Thân trâu ngựa: Thân phận nô lệ. “Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” (Kiều)
-         Thẳng ruột ngựa: Chỉ sự bộc trực.
-         Theo (Bám) đít ngựa: Bợ đỡ, a dua kẻ quyền thế.
-         Trai không vợ như ngựa không cương: Thiếu dẫn dắt trói buộc thì các ông sẽ dễ phóng túng, buông thả, hư hỏng.
-         Trâu cày ngựa cỡi: Thân phận nô lệ.
-         Vó ngựa: Vó câu.
-         Voi biết voi, ngựa biết ngựa: Đèn nhà ai nấy rạng.
-         Voi chà (dày) ngựa trướn: Hình phạt thảm khốc dành cho tội phụ nữ quan hệ bất chính xưa. Lời rủa.
 Ảnh Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét