MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Cảm thức về dòng sông Trăng


        
Tùy bút của TIỂU HÙNG TINH
butnguyentu.blogspot.com

            Dọc một vòng đất nước, ngoại trừ một số thành thị vùng cao nguyên hoặc trung du gắn liền với núi còn phố thị đồng bằng đều gắn với sông. Trên phố xá sầm uất, dưới dòng sông uốn lượn. Chữ núi chữ sông trong giang san, sơn hà như cuộn chặt từng vùng đất nước, không có núi  phải có sông, phố thị nào được cả sơn thủy thì càng đắc địa hữu tình.

            Phố thị nhỏ hay lớn thường có một dòng sông ấn tượng. Nhất cận thị nhị cận giang đã đi sâu vào tiềm thức định cư của đa số người Việt. Nhiều nơi coi thường suy nghĩ và tập quán truyền thống hợp lí này, bỏ những khu chợ gần sông vốn tồn tại từ trước khi khai sinh ra phố xá, xây những khu chợ lớn khang trang không gần bến gần thuyền cuối cùng thành chợ không nhà trống.

            Nơi dòng sông đi qua, do có điều kiện thoát nước mạnh nên đất đai trở nên cao ráo, có thể xây dựng nhiều công trình lớn, tụ hội động đảo người định cư. Trên bến dưới thuyền, thuận thế giao thông, dòng sông được phát huy thế mạnh vô tận. Ngay  ở thành phố Hồ Chí Minh, trong tình trạng ách tắc giao thông, nhiều người đã sực nhớ lại những thập niên đầu thế kỉ 20 và đề xuất phải khai thác vận tải đường sông, phát huy lợi thế kinh rạch để phát triển kinh tế, giải tỏa vấn nạn lưu thông.

            Thành thị là nơi hội tụ người, hội tụ sản vật và lan tỏa nếp sống, lan tỏa văn minh ra vùng quê. Hội tứ xứ và tỏa muôn nơi được là nhờ dòng sông, chính sông là đường tụ về  và tuôn đi mọi hướng thuận lợi nhất. Có sông thì có bến. Bến là chốn tụ tập, sinh hoạt, tận hưởng thiên nhiên và là nơi hò hẹn đi vào tình yêu, tâm tưởng.. Cây đa cũ, bến đò xưa. Thuyền ơi có nhớ bến chăng, Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Từng chặng dòng sông là từng trang hoài niệm khôn dứt.

            Phố thị gắn với dòng sông nhất là ở vùng sông nước thì sông là phần tự nhiên nhất tạo nên và mang hồn cho phố thị. Nếu không có dòng sông chuyển vận thuận lợi thì làm sao Sóc Trăng từ rất sớm đã trở thành một trong những địa chỉ trung chuyển lúa gạo lớn của đồng bằng Cửu Long. Sông xưa vốn chỉ là rạch nhỏ, chính phủ thuộc địa đã sớm nhận ra vị thế, để phát triển Sóc Trăng lên thành thị đã cho đào thành dòng kinh- Kinh Maspéro. Kinh Maspéro hoàn thành nối liền sông Saintard đi lên Ngã Bảy, qua trung tâm tỉnh lị thì chợ Châu Thành (Khánh Hưng, chợ Sóc Trăng ngày nay) càng sầm uất, phát triển. Mới nghĩ người dân rất công bằng, căm thù thực dân cướp nước, áp bức nhưng không thành kiến với những thành tựu phát triển do chính sách khai thác thuộc địa mang lại, nhất là với những thành tựu giúp đổi đời thì họ cũng biết  ghi công. Có lẽ vì vậy mà còn cái tên kinh Maspéro.

            Hai bờ đoạn trung tâm trước đây nối với nhau bằng nhịp cầu quay. Chắc hẳn những chuyến đi qua cầu quay như những chuyến chờ phà với mọi người đều thành những kỉ niệm đáng nhớ. Cũng nôn nao chờ đợi, ríu rít chuyện trò, có dịp ngắm phố ngắm phường ngắm người qua kẻ lại tất bật, và gấp gáp chen lấn, rồi gặp gỡ biệt li…Chiếc cầu quay chật vật một thời được thay bằng cầu C247 nên chỉ còn trong kí ức với hai mố trơ vơ như  đếm đo dòng nước xiết, trơ gan cùng tuế nguyệt. Chiếc cầu đã đi vào tâm thức  và lưu dấu cùng dòng sông: Sông Cầu Quay.

            Sông Maspéro, Sông Cầu Quay đều là những cái tên hiện thực. Sông phố Sóc Trăng còn cả tên huyền mộng: Sông Trăng. Do đâu và ai đã đặt tên mộng mơ thế này cho dòng sông ? Huyền thoại kể rằng khi chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu qua đây vào một đêm trăng, cảm dòng sông “lấp lánh muôn vàn ánh vàng ánh bạc” đã gọi tên sông là Minh Nguyệt Giang- dòng sông trăng sáng. Sông Trăng trôi chảy giữa lòng phố thị Sóc trăng, thực mà mơ, cả một không gian tràn ngập trăng.

            Dẫu phố thị Sóc Trăng phát triển mạnh về hướng nào đi nữa thì Sông Trăng vẫn là mạch  trung tâm ngăn thành hai bờ tả hữu, là mạch chính thông nguồn thông biển. Từng đoàn ghe cá ra biển, sau một chuyến đi dài, tôm cá nặng đầy lại về bến đậu Sóc Trăng. Dòng phải thông, chống bồi lấp, lệch chuyển, nguồn nước đậm phù sa nhưng không ô nhiễm, sông phải là một sinh thể tràn đấy sinh lực nâng bước một đô thị sầm uất trong tiến trình phát triển , mở rộng.

            Hi vọng kế hoạch xây dựng bờ kè sông Maspéro sẽ là một bước chuyển làm cho dòng sông có bộ mặt và sinh khí mới. Ước sao sẽ vĩnh viễn thành quá khứ cảnh tượng lấn chiếm dòng sông nào nhà chòi, cừ cọc che chấn làm bí rị dòng chảy và biết bao thứ thải bẩn ngày đêm tháo đổ xuống sông. Đừng để sinh thể làm nên linh hồn phố thị bị xúc phạm, bị biến thành một loại mương cống xả bẩn đồ sộ lộ thiên, hứng trọn nạn thối, nạn rác từ những con người bám tựa dòng nước và từ những cơ sở công nghiệp. Sông và chính cả phố thị phải trả giá cho sự xâm hại môi trường. Không đâu xa, chỉ cần nhìn ngắm dòng sông là có thể đánh giá mức độ bền vững của sự phát triển và văn hóa, văn minh của cộng đồng.

            Sông Trăng lung linh soi bóng phố thị. Đêm về hàng nghìn bóng đèn như những vì sao nhỏ đa sắc lấp lánh đón những dòng người tấp nập qua cầu. Sông Trăng còn trải mình soi bóng lễ hội đậm đà bản sắc. Cứ gần mãn mùa mưa, sông là nơi hội tụ cho hàng chục đội đua ghe ngo, hội tụ hàng vạn người về đưa nước đón trăng trong lễ hội Óoc-om- bok. Người người chen kín hai bên bờ, những chiếc ghe ngo mộc bản thon dài cong vút với hàng chục tay bơi vỗ trắng mặt sông, lướt chồm lên những ngọn sóng bứt phá về đích trong tiếng reo hò cổ vũ.

            Ngắm dòng sông mà cảm khái như người xưa “Thệ giả như tư phù, bất sả trú dạ” (Trôi chảy mãi thế này ư, ngày đêm không nghỉ) (Khổng Tử). Con nước lớn ròng, nhịp triều như nhịp thở, nước thông với nguồn luôn tuôn về sông mẹ để đổ ra biển cả. “Nước đi ra biển lại mưa về nguồn” (Tản Đà), như máu chảy về tim rồi tỏa khắp châu thân.

            Sông sinh thành, đùm bọc phố thị thế mà phải triền miên khốn khổ vì sự vô tình bất chấp của phố thị. Sự phát triển cấp tập có nguy cơ hủy hoại dần dòng sông. Dòng sông là niềm tự hào, phải trân trọng nâng niu, chăm chút, giữ gìn vì nó là nguồn mạch, là biểu trưng nhịp sống. Còn gì đẹp bằng một phố thị hiện đại văn minh bên dòng sông mơ  mộng. Nhiều nơi, nhiều thành phố lớn, trong cảnh phát triển ồ ạt nhưng bế tắc đã phải quay trở lại từ gốc, từ điểm căn bản, lấy việc giải quyết dòng sông làm mấu chốt cho việc giải quyết vấn đề đô thị. Sóc Trăng chắc cũng phải vậy, dựa vào sông, khơi thông dòng để xây dựng phố thị đó không chỉ là bài học khai sinh mà là bài học sinh thành- tồn tại, bài học cho sự phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển đô thị do vậy không thể không dựa trên quy hoạch bảo vệ  dòng sông.

            Và đây, một dòng mạch giữa lòng phố thị với bao ưu tư trăn trở, sông phố Sông Trăng.



9/09


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét