MỤC LỤC BLOG

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Từ ngữ- Điển tích CỌP

Biên soạn: TIỂU HÙNG TINH

 Ải hổ: Ải trọng yếu nơi biên cương.  “Bốn phương mọi rợ luông tuồng, Nay giành ải hổ mai ruồng ải lang” (Dương Từ Hà Mậu- Nguyễn Đình Chiểu).
Ấn hổ: Ấn của võ tướng. “Ấn hổ xa băng miến Bắc khuyết, Cờ chiên an dẹp mé Nam Minh” (Cảm hoài- Phan Văn Trị).
Ăn như cọp (hùm): Ăn nhiều, mạnh. Đời Lý có Lê Phụng Hiểu ăn khỏe, được mệnh danh là Lê Như Hổ.
Bán hùm buôn sói: Chê kẻ quen làm việc dữ ác.
Bảng hổ đề danh: Bảng có vẽ hình cọp ghi tên những người đỗ cử nhân ngày xưa (Bảng tiến sĩ vẽ rồng, bảng tú tài vẽ hoa mai).
Bạo hổ: Tay không bắt cọp, chỉ sự liều lĩnh. “Bạo hổ bằng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã” (Người tay không mà bắt cọp, chân không mà dám qua sông, dù chết cũng không hối hận thì ta không cùng làm việc với người đó) (Luận ngữ).
Bộ hổ: Bắt cọp. “Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc- Nguyễn Đình Chiểu).
Cáo giả (mượn) oai hùm (Hồ giả hổ uy): Ngụ ngôn: Cáo khoe với cọp rằng các loài thú đều sợ mình, cọp không tin, cáo liền đi trước bảo cọp theo sau để kiểm chứng. Muôn vật thấy cọp thì bỏ chạy còn cọp cứ tưởng rằng do oai của cáo. Dựa hơi hùm vểnh râu cáo: Ba thứ cắc ké dựa hơi ông lớn rồi câng câng cái bản mặt.
Châm môi cọp: Điểm mắt rồng, châm môi cọp. Tích: Tôn Tư Mao là thầy thuốc giỏi, có con rồng đau mắt đến xin chữa,có con cọp nuốt phải cây kim thoa cũng đến cầu rút hộ. “Tổ xưa thuốc điểm mắt rồng, Thuốc châm môi cọp khổ công dường nào” (Ngư tiều y thuật vấn đáp- Nguyễn Đình Chiểu).
Chó con chưa biết sợ cọp: Ý mỉa mai còn non nớt, chưa có kinh nghiệm nên chưa biết sợ, cứ đâm đầu vào chỗ nguy hiểm.
Chúa cọp: Trùm của những kẻ ác.
Chuồng cọp: Hầm giam chật , tối, nhằm trừng phạt những tù nhân chống đối.
Cọp ba chân: Cọp vồ được mồi thường dùng một chân cắp lên mà chạy, người ta soi theo, chỉ thấy ba dấu chân nên lầm tưởng.
Cọp beo (Hùm beo, Tì hổ): Loài dữ ác, thế mạnh mẽ. “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu” (ba quân khí mạnh nuốt sao Ngưu) (Thuật hoài- Phạm Ngũ Lão). “Vạn giáp diệu sương tì hổ túc, Thiên sưu bố trận quán nga hành” (Muôn giáp khoe oai tì hổ dữ, Nghìn thuyền bày trận quán nga nhanh) (Quan (coi) duyệt thủy trận- Nguyễn Trãi).
Cọp cái: Ám chỉ người đàn bà hung dữ.
Cọp giữa chợ: Thập Bì hỏi Ngụy vương rằng có một người nói cọp giữa chợ, vua tin không? Ngụy vương bảo rằng không. Hai người nói vua cũng không tin. Ba người nói thì vua tin. Không có nhưng cứ đồn đãi cũng thành chuyện. Tin vịt mà nhiều người bàn cũng làm cho lắm người tưởng thật. Lối tuyên truyền của Hít-le, điều giả dối nhưng cứ nói đi nói lại mãi rồi người ta cũng tin thật.
Cọp sổ chuồng: Kẻ ác không còn bị kiềm tỏa.
Cọp tha ma bắt: Lời nguyền rủa. Thoát chết kiểu này cũng bị chết kiểu khác.
Cọp thành tinh: Chỉ những con cọp cực kì khôn, khó đánh bẫy, hành tung vượt khỏi dự kiến của con người.
Dữ như hổ đói, Dữ như cọp (hùm).
Dương chất hổ bì: Chất dê da cọp. Bộ dạng hung dữ nhưng thâm tâm nhút nhát (= Hình ma tướng cóc).
Dưỡng hổ di họa: Dung dưỡng kẻ ác để rước lấy họa về sau.
Đắc ý miêu nhi cường tự hổ: Đắc ý mèo con cũng dữ như cọp (= Tiểu nhân đắc ý, chốt qua sông).
Điệu hổ li sơn: Dụ cọp ra khỏi núi, một trong  ba mươi sáu kế (tam thập lục kế). Nhử kẻ địch ra khỏi nơi phòng thủ để dễ tiêu diệt.
Gươm hùm treo mộ: Quý Trát có thanh gươm quý, vua nước Từ muốn xin, Quý Trát biết ý, định đi sứ xong sẽ tặng. Khi trở lại thì vua Từ đã chết, Quý Trát đem gươm treo lên mộ. “Trăm  năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc- Nguyễn Đình Chiểu).
Hà chính mãnh ư hổ (Khổng Tử): Chính sự hà khắc còn dữ hơn cọp. Một người đàn bà khóc nói với Khổng Tử rằng cha, chồng và con mình đều bị cọp ăn thịt. Hỏi sao không đi nơi khác mà sống? Người đàn bà thưa rằng: Tuy vậy, chính sách các quan trên ở đây không đến nỗi hà khắc tàn bạo  như nơi khác. Khổng Tử nghe, than: Hà chính mãnh ư hổ.
Hai cọp tranh nhau : Các  thế lực mạnh giành giật, đối kháng, tiêu diệt  nhau.Tọa sơn quan hổ đấu: Ngồi trên núi xem cọp đánh nhau (con này chết thì con kia cũng bị thương nặng) kiểu Trai cò tranh nhau ngư ông đắc lợi- cơ hội chủ nghĩa.
Hang hùm (Hổ huyệt): Nơi nguy hiểm. “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử” (Không vào hang cọp sao bắt được cọp con” (Lời Ban Siêu đời Hán).
Hàng long phục hổ (Giáng hổ): Tài phép cao, chế ngự được loài dữ.”Phục cọp hàng rồng sao phép diệu”(Du Nam Hoa tự- Nguyễn Trãi). Rồng chầu hổ phục: Nơi các đền miếu thường tạc cảnh rồng chầu  hổ phục để đề cao tài phép, uy lực của thánh thần. “Rừng thiền định hùm nằm chực” (Quốc âm thi tập- Nguyễn Trãi).
Hành như hổ bộ: Đi như cọp bước (êm, vững).
Họa hổ họa bì nan họa cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm“Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, Biết người biết mặt biết lòng làm sao”(Cổ thi).
Họa hổ bất thành hổ: Vẽ cọp không thành cọp. Làm việc hệ trọng không xong mà gặp nguy hiểm “E khi họa hổ bất thành, Khi không mình lại xô mình xuống hang” (Lục Vân Tiên- Nguyễn Đình Chiểu).
Họa hổ bất thành phản loại khuyển (Vẽ cọp ra chó): Những kẻ năng lực không ra gì nhưng muốn làm chuyện lớn lao đôi khi thành trò hề.
Hổ cốt: Xương cọp. Cao hổ cốt: Cao nấu từ xương cọp dùng trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe.
Hổ cứ: Dáng cọp ngồi. Long bàn hổ cứ: Rồng cuộn hổ ngồi. Thế đất đế vương. Lý Thái Tổ đã đề cập đến Thăng Long trong Chiếu dời đô: “Huống chi Đại la là đô cũ của Cao vương, ở chính giữa bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí thích trung với bốn phương đông tây nam bắc, tiện cho chiếu hướng thuận nghịch của núi sông… Ngắm khắp nước Việt ta, duy đó là thắng địa, thật là nơi then chốt của bốn phương hội lại, và cũng là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời.”
Hổ đập đuôi: Nghe đâu khi vồ mồi, hổ đập đuôi bên phải thì nhảy về bên trái và ngược lại.
Hổ đầu đao: Khung đao chém tử tội có khắc chạm hình cọp (thường dùng cho quan), phân biệt với long đầu đao (chạm hình rồng dành cho vương công) và cẩu đầu đao (chạm hình chó) dành cho dân giả.
Hổ đói (cơ hổ): “Cơ hổ giáp lộ đề” (Hổ đói gầm hai bên đường) (Cảm hoài- Nguyễn Thông). Tình cảnh hết sức nguy hiểm, cái chết kề bên.
Hổ khẩu: Miệng cọp- chỗ nguy hiểm. Khi Pháp xâm lược, sĩ phu và nhân dân nổi dậy đánh, Tôn Thọ Tường ra làm quan cho Pháp lại còn lên tiếng dạy đời: “Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc. Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay”. Phan Văn Trị đã đập lại luận điểm này: “Chớ mượn hơi hùm rung nhát khỉ, Lòng ta sắt đá há lung lay”. Miệng hùm nọc rắn: Loại độc địa hiểm ác. “Mãnh hổ khẩu trung kiếm, Trường xà vĩ thượng châm, Lưỡng ban do vi độc, Tối độc phụ nhân tâm” (Gươm trong miệng hổ dữ, Kim trên môi rắn dài, Cả hai thứ còn chưa độc, Độc hại nhất là bụng dạ đàn bà) (Cổ thi).
Hổ khiếu phong sinh: Cọp gầm gió nổi. “Hổ khiếu phong sinh, Long đăng vân khởi, Anh hiền phấn phát” (Cọp gầm gió nổi, Rồng lên mây dậy, Người anh tuấn hiền tài đua nhau tiến lên) (Bắc sử). Vân tùng long, phong tùng hổ: mây theo rồng, gió theo cọp.  Hổ sinh phong: Cọp sinh gió. “Đại nhiệm hữu quy thiên khải thánh, Xương kì nhất ngộ hổ sinh phong” (Trao gánh non sông trời báo triệu, Gặp thời mây gió cọp sinh vây) (Đề gươm- Nguyễn Trãi)
Hổ lạc bình nguyên bị khuyển khi: Hổ lạc đất bằng chó cũng khinh. Cảnh anh hùng thất thế. “Đồng rộng hùm sa lũ chó vây” (Cảm hoài- Phan Văn Trị). “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” (Kiều).
Hổ lang (Sài hổ): Hùm sói.
Hổ li sơn hổ bại, tăng li chúng tăng tàn: Châm ngôn nhà Phật. Sư lìa chúng (xa rời tín đồ) cũng như cọp lìa núi, sẽ thất bại.
Hổ phù: Vật làm bằng chứng khi điều binh khiển tướng xưa.  Vật có hình con hổ, làm bằng đồng, phân làm hai nửa, một nửa để ở triều đình, một nửa giao cho tướng cầm quân. Chạm hổ phù: Chạm hình mặt hổ.
Hổ phụ sinh hổ tử: Cha cọp sinh con cọp. Lời khen nhà có con cái tài giỏi nối nghiệp cha ông.
Hổ quyền: Thế võ cọp.
Hổ thao: Một phép thao luyện trong lục thao (văn thao, vũ thao,long thao, hổ thao, báo thao, khuyển thao). “Man khê lộ viễn vu loan ngự, Ngọc trướng mưu thần xuất hổ thao” (Đường xa khe hiểm phiền loan giá, Ngọc trướng mưu thần trổ hổ thao) (Mừng thắng trận- Nguyễn Trãi).
Hổ thị đam đam: Cọp nhìn chằm chằm. Hư truyền rằng cọp thấy người thì thôi miên, nạn nhân tự tới nộp mạng cho cọp.
Hổ trường: Trường đấu.
Hổ trướng (Màn hùm): Trướng có vẽ, thêu hình cọp hoặc treo bộ da cọp, nơi bộ chỉ huy của tướng soái. “Trướng hùm mở giữa trung quân” (Kiều). “Màn mưa trướng tuyết xông pha, Nghĩ thân lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài” (Nguyên ngữ trong Chinh phụ ngâm: Tuyết rét chàng chừ nơi trướng hổ, Mưa lạnh chàng chừ chỗ màn lang). Hổ trướng khu cơ: Tên bộ binh pháp của Đào Duy Từ.
Hổ tướng: Tướng mạnh, dũng cảm.
Hỗ vẫy đuôi (như chó): Kẻ ác khiếp sợ trở nên hèn hạ. “Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng, Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh” (Tặc thủ thành cầm, bi kí trạo nga hồ khất lân chi vĩ, Thần vũ bất sát dư diệc thể thượng đế hiếu sinh chi tâm) (Bình Ngô đại cáo- Nguyễn Trãi).
Hổ vồ: Thế bất ngờ chụp xuống làm đối phương hết đường chống cự.
Hơi cọp, Mùi cọp: Mùi hăng hắc khen khét toát ra từ cọp, các loài khác từ xa đã đánh hơi thấy và bỏ trốn. “Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ” (Phan Văn Trị).
Hùm chết để da, người ta chết để tiếng (Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh): Bia miệng.
Hùm dữ không ăn thịt con (huống chi là người).
Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt: Ở địa vị càng cao, mất quyền lợi thì càng lồng lộn điên tiết.
Hùm thêm cánh (Hổ dực): Kẻ ác có thêm lợi thế. “Trời sinh hùm chẳng có vây, Hùm mà thêm cánh hùm bay lên trời” (Ca dao).
Hùm xám: Kẻ hung ác làm chúa một vùng.
Hùng hổ: Hung dữ, mạnh mẽ, có ý đe dọa. Hùng hùng hổ hổ.
Kễnh: Cọp (cách gọi ở một số địa phương miền Bắc),  Khái: Cọp (cách gọi ở vùng Bắc Quảng Bình, Nghệ Tĩnh).
Long hổ: Điệu nhạc tượng trưng cho sức mạnh trong ca Huế (Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ…)
Lốt cọp: Người đi săn thường khoác lốt cọp để tiếp cận cọp. Khỉ lốt hùm: Kẻ không ra gì nhưng dựa hơi dựa bóng kẻ mạnh để tác oai tác quái.
Ma cọp (Ma trành): Hư truyền rằng người bị cọp ăn thịt do không còn chỗ trú ngụ nên phải bám víu vào thân cọp. Cọp đi tới đâu đều có cô hồn trước cô hồn sau  cô hồn hai bên bảo vệ, mách lối. Hại càng nhiều người thì cọp càng có nhiều cô hồn bảo vệ. Lỡ cọp bị chết thì các cô hồn khóc dậy rừng vì mất nơi nương tựa. Vị hổ tác trành: Làm ma giúp cọp. Chuyện xưa: Cọp đã ăn thịt người nhưng vẫn chưa buông tha linh hồn, còn buộc linh hồ người bị hại dẫn đi bắt người khác để “thế chân” mới được phóng thích. Linh hồ người bị hại muốn giải thoát sớm nên càng tích cực dẫn cọp đi bắt người. Tìm được thì linh hồn người ấy bay lên trước, lột hết áo quần nạn nhân cho cọp ăn. Từ nạn nhân kẻ ác trở thành tay sai cho kẻ ác, bi đát thế!
Mãnh hổ nan địch quần hồ: Cọp mạnh cũng không thể chống nổi bầy cáo. Nghịch nghĩa với Quần hồ bất như độc hổ: Bầy cáo không bằng một mình con hổ, đông hèn yếu không bằng ít mà mạnh (= Quý hồ tinh bất quý hồ đa). “Mãnh hổ nhất bôi sơn trung túy, Giao long lưỡng trận hải để miên” (Cọp mạnh một li say khướt trong rừng, Giao long hai chén ngủ mê đáy biển): ý nói rượu quá mạnh.
Mèo tha miếng thịt thì đòi, kễnh (cọp) tha con lợn mắt coi trừng trừng: Chỉ quen bắt nạt kẻ yếu, không dám làm gì kẻ mạnh.= Mềm nắm rắn buông.
Nam thực như hổ, nữ thực như miêu: Nam ăn như cọp (ăn mạnh, nhiều – tướng oai) nữ thực như miêu (ăn nhỏ nhẻ  như mèo- dáng quí phái).
Nắm đuôi cọp: Làm việc dại dột,  nguy hiểm = Xỉa răng cọp.
Nghè hóa hổ: Chuyện xưa có tay đỗ tiến sĩ, vinh quy. Trên đường về, y nghĩ toàn chuyện ác nào chiếm đoạt nhà người ta, nào bỏ vợ, trả thù người này người khác…Khi dừng lại ven rừng, xuống suối tắm thì thấy mình mọc đầy lông lá, da nổi vằn vện, hóa hổ rồi chạy vào rừng.
Ngoạ hổ: Cọp nằm. Đổng Tuyên đời Hán làm quan Lạc Dương rất uy nghiêm, được dân kinh sư kính sợ thường gọi là Ngọa Hổ. “Nỡ nhốt rừng xanh tài Ngọa Hổ, Muốn tung biển thắm khí Nguyên Long” (Tiễn Chu Thiết Nhai- Nguyễn Quang Bích).
Ngồi lưng cọp: Thế cưỡi hổ, tiến thoái lưỡng nguy.
Ngưu hổ trùng cơ tín chỉ hồi”: Tấm giấy liệu việc nói bóng về con trâu con cọp đã gửi về (Thơ Nguyễn Quan Bích). Trong giấy có câu: “Hoàng ngưu (Trâu vàng- chỉ nhà Thanh) dốc lực, bạch hổ (cọp trắng- chỉ thực dân Pháp) giương uy”, ý chỉ hai thề lực Tàu và Pháp đang tranh chấp.
Người hóa hổ: Hư truyền rằng thái sư Lê Văn Thịnh (đời Lý Nhân Tông) từ nhỏ đã biết hóa hổ. Lớn lên, đỗ đầu kì Minh kinh bác học, làm quan đến thái sư. Bấy giờ, vua đi chơi hồ Dâm Đàm (hồ Tây) bỗng nổi sương mù và thấy có chiếc thuyền lao tới. Vua cầm giáo đâm thì sương tan, hiện ra trong thuyền một con hổ. Ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy té ra thái sư Thịnh. Vua hô bắt Thịnh, đưa đi an trí.
Nợ mười hùm chưa đủ, đâm một thỏ thấm chi: Thù sâu đậm, trả một phần chưa hả dạ.
Nuôi sâu cọp: Hư truyền rằng người ta lấy râu cọp nuôi vào nước trong các bẹ của búp măng tre, một thời gian, từ râu đó sẽ nở ra sâu và nuôi các con sâu ấy lấy phân làm thuốc độc. Do vậy, khi săn được cọp, người ta đốt bỏ ngay bộ râu để tránh hậu họa.
Ông cọp, ông hổ, ông ba mươi, sơn quân, sơn thần, chúa sơn lâm, chúa tể rừng xanh…:Cách gọi kiêng sợ đối với cọp. Người miền Trung đi rừng thường kính cẩn gọi cọp bằng ông, gọi voi là mệ (bà). “Trở về chưa kịp đến nhà, Thấy hai ông cọp chạy ra đón đường” (Lục Vân Tiên- Nguyễn Đình Chiểu).
Râu hùm: “Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn”: Đừng trêu vào kẻ mạnh, kẻ ác mà mang họa. “Râu hùm hàm én mày ngài” (Kiều): vẻ mặt oai vệ của Từ Hải.
Rừng nào cọp nấy: Tư tưởng cục bộ địa phương, “thuyết tại chỗ”.
Sợ như sợ cọp.
Thả cọp về rừng: Buông tha kẻ ác.
Tróc hổ dị, phóng hổ nan: Bắt hổ dễ, thả hổ khó. Thời Trần Minh Tông, Trần Quốc Chẩn là cha hoàng hậu bị vu là âm mưu làm phản, vua sai bắt giam ở chùa Tư Phúc. Sau đó đem chuyện hỏi Trần Khắc Chung, Chung tâu rằng: “Tróc hổ dị phóng hổ nan”. Vua liền giam đói Quốc Chẩn, bắt phải tự tử.
Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm: Rượu vào thả sức tác quái.
Võ Tòng đả hổ: Sự tích Võ Tòng (nhân vật trong truyện Thủy Hử, một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc) tay không đánh chết cọp.
Yêu hổ: Trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ  có chuyện rằng ở làng Ngọc Cục (huyện Cẩm Bình, Hải Hưng) xưa có thờ yêu hổ. Mỗi năm, người chủ tế trong làng phải rình bắt một người đem về nhốt lại, mài da gót chân cho mỏng để nạn  nhân không thể chạy trốn. Khi lễ thần thì giết, thái nhỏ thịt trộn lẫn vào thịt trâu thịt heo. Cúng xong, chia phần ăn, người nào gắp được miếng thịt người thì hí hửng khoe ầm lên và tin rằng năm ấy họ sẽ gặp hên.

1998


1 nhận xét: