MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Vần OM


TIỂU HÙNG TINH



          Trong bài Thương vợ, Tú Xương viết: “Quanh năm buôn bán ở mom sông, Nuôi đủ năm con với một chồng”. Gọi mom sông, không gọi bãi sông, bến sông vì thất luật vừa không đúng thực tế, vì bến  bãi thì mặt đất lài, độ dốc không lớn. Gọi bờ sông thì trung tính quá, chưa hiện rõ nét đặc sắc, riêng biệt. Mom sông- cái vần OM có ý nghĩa của nó. OM gợi lên đường nét cong, các góc cạnh bị bào mòn.
          Đọc câu thơ trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: “Lom khom dưới núi tiều vài chú”. Lom khom- dáng người đây bị cong cúi xuống. Nói nhà vòm  là nhà có mái cong um xuống. Nói móm, sọm , lỏm đều gọi lên hình ảnh cong do  đường nét khum lại hoặc oằn xuống. Nam Cao  tả nhân vật có tính tăng cấp: “Vì thế, nó gầy hơn, nó còm hơn, nó đét lại”. Gầy chỉ gợi cái ốm còn còm tức là gầy ốm đến mức cong xuống (Ở khu IV người ta còn gọi là ròm, rom; Nam bộ thì gọi là nhom, ốm nhom, còm nhom, cũng đều OM cả). Cũng Bà Huyện Thanh Quan, trong một bài thơ khác  đã viết: “Xanh om cổ thụ tròn xoe tán, Trắng xóa trường giang phẳng lặng tờ”. Xanh om vừa chỉ màu sắc vừa gợi hình: Tán lá cổ thụ màu xanh dáng cong. Bà Hồ Xuân Hương tinh nghịch  vừa sắc sảo khi khai thác tính chất gợi hình của vần OM: “Trời đất sinh ra đá một chòm, Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom”. Hỏm hòm hom- vần OM láy ba, các góc cạnh dẫu của đá cũng bị bào mòn đến mức hoẳm vào, cong co lại. Trong bài Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm viết: “Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong”. Còm cõi gợi lên hình ảnh mẹ già gầy guộc lưng còng vì gánh nặng, chịu thương chịu khó, vừa cảm động vừa tội nghiệp.
          Hiểu nghĩa vần OM mới cảm được cụm từ mom sông, cái phần đất ở bờ  nhô ra phía lòng sông, cái doi đất bị bào mòn  cong lại, hẳm sâu.
          Bà Tú Xương không phải ngồi ở cửa hàng cửa hiệu để buôn bán mà buôn bán chỗ trên doi dưới nước, chơi vơi không chút an toàn- ở mom sông. Trong cảnh ấy, bà “Nuôi đủ năm con với một chồng”, tần tảo đáng thương và đáng kính biết bao.
Và cái vần OM gợi hình, tạo ra một trường nghĩa cần được lưu ý khi sử dụng biết bao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét