MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

KỊ HÚY


TIỂU HÙNG TINH
ảnh internet 
Kết quả hình ảnh cho kiêng kỵ

          Ba Quèo kể chuyện rằng xưa có chuyện kị húy, không gọi tên thực mà gọi chệch, khi viết thì phải bỏ nét. Kiêng húy  vua mà đến cả tên thân tộc hoàng gia (tổ tiên, cha mẹ, phi hậu) thậm chí cả tên lăng miếu trong dòng tộc nhà vua cũng phải kiêng kị. Trong thi cử, phạm húy tức phạm trường quy, người đi thi bị đánh hỏng đã đành mà họ và cả người thầy của mình lắm khi còn bị liên lụy hình pháp. 
            Ông Cao Bá Quát  khi chấm thi Hương, thấy bài một số sĩ tử hay nhưng phạm húy, nghĩ thương liền lén lấy muội đèn quẹt thêm nét. Sự vụ đổ vỡ, Cao Bá Quát bị trảm giam hậu (tội chết nhưng tạm thời giam lại để hậu xét). Sau đó, vua hạ mức cho đi làm tiền quận hiệu lực (phục dịch trong quân) cho phái bộ qua Tân Gia Ba (Singapore) để đái công thục tội.
            Trong gia đình xưa, con cái thường kiêng tên ông bà cha mẹ, kiêng  gọi tên người đã chết, cũng là một  cách kị húy.
            Bảy Quẹt bảo chuyện đó xưa rồi, ngày nay chỉ gọi thứ mà không gọi tên bị xem là quê, người ta phải gọi đủ cả tên họ thậm chỉ cả chức vụ học hàm học vị vào nữa mới được xem là kính trọng nhất là đối với các chức sắc, với cấp trên. Bây giờ không còn kị húy nữa.
            Tư Quéo nghe, bảo còn. Hỏi còn chỗ nào, y bảo:
            - Không kiêng tên thực mà phải kiêng cái tên nhân dân tức cái tên mà dân gian đặt cho không thì gặp rắc rối to đấy. Như cái tên Lú, giờ mà mở miệng lú lú là không ổn. Ai lú, lú với ai, lú thế nào, tại sao lú, lú ở đâu, lú lúc nào...có chức thì bị mất chức, không chức thì coi chừng bị mời đấy. Nhỡ gặp câu Cha nó lú có chú nó khôn thì phải đọc chệch thành Cha nó ú…, cháo lú thì phát thành cháo ú, cháo lẫn… Có kiêng có lành. Cái tên Ba X cũng vậy, phải đọc thành Ba Xờ chứ  mà cứ Ích - xờ Ích- xờ vào  là nguy to.
            - Nhưng tay Ba X này ra rìa rồi, kiêng gì nữa?
            - Ừ, ra rìa thì thôi, khỏi kiêng thậm chí gọi là thằng cha Ba X cũng được.

2- 2016

1 nhận xét: