MỤC LỤC BLOG

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

ÁO (chữ nghĩa)


TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet
Kết quả hình ảnh cho tranh biếm ăn mặc hở hangKết quả hình ảnh cho tranh biếm ăn mặc hở hangKết quả hình ảnh cho phụ nữ hồi giáo
Áo bay, áo bày và áo bịt
 
          Áo (Hán Việt: Y). Áo quần chỉ trang phục nói chung. Trong tiếng Hán còn dùng  từ  bào để chỉ áo dài. Khi nói áo xiêm, áo xống, cơm ăn áo mặc thì áo được dung theo cách hoán dụ (bộ phận tiêu biểu chỉ toàn bộ việc ăn mặc). Dùng áo để chỉ chung trang phục, người ta ít nói hoặc tránh đưa tiếng quần vào, như vậy nhã hơn. Ngay cái quan tài cũng gọi là áo quan.

            Từ xưa, mỗi hạng người có một cách ăn mặc khác nhau, cái áo giúp nhận ra sự khác biệt đó. Áo xanh (thanh y) chỉ giới học trò, thư sinh. Chàng thư sinh Kim Trọng trong Truyện Kiều cũng mặc áo xanh: “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”. Áo xanh còn chỉ hạng đấy tớ: “Thanh lâu (lầu xanh) hai lượt, thanh y (áo xanh) hai lần” (Kiều). Sau này, áo xanh còn để chỉ công nhân. Áo nâu chỉ nông dân hoặc người tu đạo Phật: “Nâu sồng đã bén mùi thiền” (Kiều).
            Áo chàm xuất hiện trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu “Áo chàm đưa buổi phân li” để chỉ đồng bào thiểu số ở vùng cao.  Nhung y là áo quan võ. Người chinh phu trong Chinh phụ ngâm khúc mặc áo màu đỏ: “Áo chàng đỏ tựa ráng pha”. Các vua Việt xưa thường học theo Trung Hoa, chọn màu vàng (màu của hành Thổ- trung tâm) do vậy mặc áo triều màu vàng (hoàng bào) (phương nam hành hoả- màu đỏ, phương tây hành kim- màu trắng, phương đông hành mộc- màu xanh, phương bắc hành thuỷ- màu đen- Trong phim về Tần Thuỷ Hoàng thường mặc nhung phục đen vì là hành thuỷ, phương bắc). Áo của vua còn gọi là long bào. Cẩm bào (áo dài gấm) thường dành cho giới quan lại hoặc quý tộc. Thành ngữ áo gấm đi đêm hàm nghĩa sang quý tốt lành mà không khoe cho người khác biết cũng uổng phí. Áo gấm về làng tức vinh hiển trở về quê (xưa đỗ đạt hoặc lên quan thường được vua ban áo mão).  Trong bài thơ Tây tiến, Quang Dũng  viết về cảnh hi sinh của  người chiến sĩ : “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Người chiến sĩ ngã xuống  nơi vùng biên viễn chỉ manh áo bọc thây, manh chiếu cũng không có, nói áo bào nghe cho đỡ thảm thiết.

            Hình ảnh áo vải với người nghĩa binh đánh Tây trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: “Ngoài cật chỉ một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi…” “đâm ngang chém ngược làm cho Mã tà Ma ní hồn kinh”. Đến người chiến sĩ vệ quốc “Lột sắt đường tàu rèn thêm đao kiếm- Áo vải chân không đi lùng giặc đánh” hiển hiện lồng lộng trong văn học chống ngoại xâm.

            Xưa những người đỗ tiến sĩ thì được vua ban áo mũ. Áo mão cân đai gồm bốn thứ trang phục: áo, mão (mũ), cân (khăn), đai (thắt lưng) của quan lại. Các quan thường có giá (để mắc áo), túi (để đựng cơm)- Từ Hải mỉa hàng quan lại triều đình: “Những phường giá áo túi cơm sá gì!”. Về sau, thành ngữ giá áo túi cơm chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi.  Khi nói áo buông chùng quần đóng gót cũng hàm ý mỉa mai những kẻ phi lao động, vì ăn mặc kiểu này thì chỉ có đi lễ đi hội hoặc ngồi chơi xơi nước chứ làm lụng việc gì được.

Áo để che thân, che đầu có mũ, ô lọng. Nói áo mặc sao qua khỏi đầu hay Trứng làm sao khôn hơn vịt hàm nghĩa nhỏ phải biết vâng lời người lớn vì họ đã từng trãi, và cũng  hàm nghĩa đừng làm cái việc vượt quá danh phận mình.

            Áo lành áo quý đã đành, trong văn chương áo rách lại có chỗ đắc địa. “Áo anh rách vai, quần anh có hai miếng vá” (Đồng chí- Chính Hữu) tả cảnh gian khổ của người Vệ quốc quân thời chống Pháp. Ca dao có câu “Chồng ta áo rách ta thương, Chồng người áo gấm xông hương mặc người” khẳng định tấm lòng chung thuỷ của người vợ. Nói ghét vẫn là có quan tâm, nói mặc người là không quan tâm không để ý, không thành vấn đề, không vọng tưởng vẩn vơ. Chung thuỷ ở chỗ chỉ biết có một, đạt cái mức tuyệt đối. Hai chữ “mặc người”  đây thần tình làm sao!

            Kỹ thuật may vá cũng được đánh giá cao: “Áo rách khéo vá hơn lành vụng may”, người ta quan tâm đến từng mũi kim sợi chỉ. Áo quần là hình thức  nhưng rất quan trọng trong việc xác định giá trị con người: “Hơn nhau tấm áo manh quần”. Nhìn trang phục có thể biết mức sống. Nghèo khổ thì áo rách quần manh. Áo rách chỉ hạng người cùng mạt. Nói chó cắn áo rách tức đã xui rủi tới mạt rệp. Người ta  còn nhận cái áo rách để thấm thía cảnh nghèo, chiêm nghiệm và phê phán thói đời đen bạc: “Cha đời cái áo rách này- Mất chúng mất bạn vì máy áo ơi!” (Ca dao).  Cụ Tú Xương có câu thơ tự trào về cái áo bông (áo ấm độn bông) để chỉ cảnh nghèo mà cười ra nước mắt: “Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông- Tưởng rằng ốm dậy hoá ra không- Một đàn rách rưới con như bố- Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng” (Mùa nực mặc áo bông). Nghèo quá không đủ mảnh vải che thân- xấu hổ! Nhưng đến giàu quá, thừa quá các cô lại hở, hãnh diện phơi luôn bộ đồ da (người) cho thiên hạ mặc sức tham quan. Giàu quá hoá “nghèo” là  vậy! Nghe đâu trong một kì O-lim-pic, một nữ vận động viên chạy 100m không mặc mà chỉ vẽ áo quần lên người rồi chạy. Sau người người ta mới phát hiện. Lại cũng có một trường hợp ở Mỹ. Cô ca sĩ hát một hồi bốc lên thoát toàn bộ y vũ. Chuyện công xúc tu sỉ (làm cho người khác xấu hổ nơi công cộng) bị đưa ra toà vì phạm điều luật  tiểu bang nọ là Làm người phải có mảnh vải che thân. Luật sư đã cãi rằng thân chủ mình không phạm luật vì khi nhảy nhót hát hò có nắm cái khăn tay. Như vậy là vẫn có mảnh vải che một chút tay (một phần thân thể). Toà phải xử trắng án.

            Trong ca dao, áo  thường được dung như kỉ vật làm tin giữa nam và nữ vì áo mang hơi ấm “Ra về cởi áo lại đây- Để đêm khuya em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng”. “Thương nhau cởi áo cho nhau- Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”, “Hôm qua tát nước đầu đình- Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen- Em được thì cho anh xin- Hay là em để làm tin trong nhà”. Áo thành  biểu tượng gắn bó duyên tình nam nữ.

            Nói áo nếu quên yếm (áo trong của phụ nữ xưa) là một thiếu sót. Áo trong này chỉ  ló một phần ở cổ nhưng có tính khơi mở, tăng nét duyên của người con gái: “Ba cô đội gạo lên chùa- Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư- Sư về sư ốm tương tư…”. Yếm thắm làm cô này có duyên hơn hẳn các cô kia, đến bậc tu hành còn bị cái yếm ma lực này làm cho chao đảo thì kẻ phàm nhân như chúng ta chịu đời sao thấu.

            Yếm còn là vật giao duyên. Tình duyên dang dở, chàng trách: “Hoa cúc vàng nở ra hoa cức tím- Em có chồng rồi trả yếm cho anh” (Ca dao). Vàng nở ra tím, chàng trách nàng tráo trở. Nàng không vừa: “Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh- Yếm tôi tôi mặc mắc gì anh anh đòi”. Vàng nở ra tím còn may, vàng nở ra xanh còn được nữa là. Tui là tui tráo trở lật lọng đó, anh làm gì được nào, bằng chứng đâu, chim cò vào đất tui là của tui, hiểu chưa?

            Không phải nói không để dứt khoát từ chối lời cầu xin của chàng trai nào đó mà các cô còn đanh đá chua ngoa, giọng lưỡi không vừa: “Ước gì sông rộng một gang- Bắc cầu dãi yếm cho chàng sang chơi”.  Không nói một lời từ chối cho lịch sự đã đành  còn đem dải yếm ra mà giễu cợt người ta, ác thế coi chừng bị quả báo đó!

           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét