MỤC LỤC BLOG

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Từ ngữ RỒNG

BÚT NGUYÊN TỬ
ảnh internet
   RỒNG…    
- Rồng: (Long) Một trong tứ linh (Long, Ly (Kỳ lân), Quy (Rùa), Phụng (Phượng hoàng), tượng trưng vua. “Khen ai khéo tạc bình phong, Ngoài long lân phụng trong lòng gạch vôi” (Ca dao- Cd)- Chê mã láng ruột dỏm
- Rồng ẩn: (Tiềm long, phục long) Tiềm long vật dụng (Kinh Dịch)- Rồng ẩn chưa dùng được. Phục Long- hiệu của Gia Cát Khổng Minh.

- Rồng bay phượng múa: Nét chữ phóng khoáng. Phi long tại thiên (Kinh Dịch)- Rồng bay lên trời, bậc thánh nhân lên ngôi chúa. Rồng bay còn đợi đám mây (Lê Quý Đôn). 

- Rồng bể, rồng nước: (Giao long) Có nơi hiểu là cá sấu. “Vân Tiên mình lụy giữa dòng, Giao long dìu đỡ vào trong bãi lầy” (Lục Vân Tiên- Nguyễn Đình Chiểu). “Huy giao long sử lương tân hề!”- Sai giao long khiến bắc cầu chừ! (Li tao- Khuất Nguyên).

- Rồng cá: (Cá sấu) “Trước hàm rồng cá gieo mồi thủy tinh” (Kiều). 

- Rồng cái: Biệt danh báo chí phương tây đặt cho bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu). 

- Rồng cọp: (Long hổ) Điệu nhạc tượng trưng sức mạnh trong ca Huế. “Cung đàn tì bà khéo gẩy tang tình tình tang, Long ngâm hổ đối cái cống sang hồ cái hồ sứ sang” (Cd).

- Rồng chạm: (Điêu long) “Văn tâm điêu long” (Rồng chạm trên những hạt nhân văn chương)- Tác phẩm lí luận văn chương của Lưu Hiệp  ở Trung Quốc thế kỉ V. 

- Rồng chầu hổ phục: Biểu tượng uy lực tôn nghiêm. Lưỡng long chầu nguyệt (Hai rồng chầu mặt trăng)- thường  trang trí trên nóc đình chùa. “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai, Nước sông trong sao lại chảy hoài, Thương người xa xứ lạc loài đến đây” (Cd). 

- Rồng có vây: Tăng thêm lợi thế, không những bay mà bơi cũng được. “Gái có chồng như rồng có vây” (Tục ngữ).

- Rồng cuốn rồng leo: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” (Tục ngữ)- Ăn dữ, nói giỏi, làm dở ẹt. 

- Rồng cuộn hổ ngồi: (Long bàn hổ cứ) Đất đế vương.

-   Rồng đất: (Địa long) Trùn đất (một vị thuốc bắc).

-   Rồng đến nhà tôm: Người sang đến nhà kẻ khó (nói vui).

- Rồng đen rồng trắng: Hiện tượng vòi rồng hút nước. “Rồng đen lấy nước được mùa (thì nắng), Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày (thì mưa)” (Cd).

-   Rồng hiện: (Hiện long) Hiện long tại điền (Kinh Dịch)(Rồng hiện giữa ruộng)- Người tài sắp dùng được.

- Rồng không sừng: (Long cầu) “Yên hữu long cầu” (Núi nào có giống cầu long) (Li Tao- Khuất Nguyên).

- Rồng leo rồng trèo: “Rồng leo cấy khế, rồng sang cây liễu, rồng trèo cây mơ” (Cd)- Cua kéo quèo quẹt lung tung.

- Rồng lội ao tù: Anh hùng không gặp vận.

- Rồng luyện: (Long thao) Một phép luyện trong lục thao (văn, vũ, long, hổ, báo và khuyển thao).

- Rồng mây: (Long vân) Long đăng vân khởi (Rồng lên mây dậy). Vân tòng long phong tòng hổ (Mây theo rồng gió theo cọp). Rồng thở mây xuất hiện, cọp gầm gió sinh ra (Kin Dịch)- Sự gặp gỡ, cơ hội tốt. “Rồng mây khi gặp hội ưa duyên, Đem tất cả sở tồn làm sở dụng” (Nguyễn Công Trứ). “Mấy khi rồng gặp mây đây, Để rồng than thở với mây vài lời, Nỡ mai rồng ngược rồng xuôi, Biết bao giờ lại nối lời rồng mây” (Cd). “Tình cờ mà gặp nhau đây, Như cá gặp nước như mây gặp rồng” (Cd). 

- Rồng nằm: (Ngọa long) “Rồng nằm bể cạn phơi râu, Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi” (Cd). “Rồng nằm rồng nép bên lăng, Chim quyên hái trái ngoài đàng đem dâng” (Cd)- Dựa uy để kiếm ăn. “Rồng nằm chẹt đá, Nà nọ chờ chim, Gỗ trôi sông gỗ nổi gỗ chìm, Anh xa em bởi nằm điềm chiêm bao” (Cd)- Than trách sự chia lìa vô lí. “Rồng nằm giữa biển rồng than, Trách con cá đối nằm ngang mình rồng” (Cd)- Điều kiện quá thuận lợi vẫn quen cái thói than thở kêu khó. “Ngọa Long cương vãn”- Bài vãn của Đào Duy Từ tự ví mình như Gia Cát Lượng thuở chưa gặp thời.

- Rồng rắn: (Long xà) “Nói rồng nói rắn” (Tục ngữ)- Nói vòng vo quanh co dài dòng trên trời dướt đất. “Con công ăn lẫn con gà, Rồng kia rắn nọ coi đà sao nên” (Cd)- Sự bất xứng.  Long xà chi trập dĩ tồn thân dã (Rồng rắn  náu mình, cốt yên được thân) (Kinh Dịch). “Trạch đắc long xà địa khả cư” (Tìm được đất rồng rắn (nơi hoang dã) để ẩn mình) (Không Lộ thiền sư).

- Rồng thiêng: “Rồng thiêng uốn khúc xứ Nam Dương” (Vũ Công Duệ)- chỉ Khổng Minh.

- Rồng tranh hổ chọi: Những kẻ quyền thế tranh chấp nhau.

- Rồng Tiên: Lạc Long Quân (giống rồng) lấy Âu Cơ (giống tiên) đẻ trăm trứng nở trăm con. Năm mươi con theo Âu Cơ lên rừng, năm mươi con theo Lạc Long Quân xuống biển  tạo lập nên dân tộc và đất nước Việt.

- Rồng trúc: Phí Trường Phòng đến Cát Pha biến cây trúc thành rồng xanh- “Bỗng đâu rồng trúc sóng đào, Chia ra đã hẳn ép vào khéo xinh” (Nguyễn Huy Tự).

- Rồng vàng: (Kim long)  “Rồng vàng tắm nước ao tù, Người khôn ở với người ngu cực lòng” (Cd).

- Rồng xanh: Cây thanh long

... RỒNG...

 - Áo  rồng: (Long bào, Long cổn) Áo thêu rồng dành cho vua.

- Bệ rồng: Chỉ vua. “Thành liền mong tiến bệ rồng, Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời”. (Chinh phụ ngâm khúc).

- Chạm rồng: Sự sang quý. “Ngồi trong cửa sổ chạm rồng, Chăn loan gối phụng không chồng cũng hư” (Cd). “Em ngồi cửa sổ chạm rồng, Thấy anh cắt cỏ ngoài đồng thảm thương” (Cd).

- Cháu rồng: (Long tôn) Măng tre. “Mai chẳng bẻ thương cành ngọc, Trúc nhặt vun tiếc cháu rồng” (Nguyễn Trãi). 

- Chín Rồng: (Cửu Long) Sông Mê Kông có chín cửa như  chín con rồng chảy ra bể Đông gồm : Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Bắt Xắc, Trần Đề. 

- Cưỡi rồng: (Thừa long) “Trai anh hùng gái thuyền quyên, Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng” (Kiều). Tư đồ Hoàng Thượng cùng Lý Nguyên Lễ đều lấy con gái Thái úy Hoàn Yên. Người đời khen con gái nhà họ Hoàn đều được cưỡi rồng.

- Đầu rồng: (Long đầu) “Đầu rồng mà gối tay tiên, Ước chi tay ấy gối lên đấu này” (Cd). “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt, Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng” (Trần Tế Xương). Long đầu trảm- Khung đao chém tử tội  có hình rồng  (dành cho các tội nhân hoàng tộc). Long đầu xà vĩ (Đầu rồng đuôi rắn)- nghĩa như đầu voi đuôi chuột. Phủ đầu rồng- Tên báo chí đặt cho Dinh Độc Lập thời Nguyễn Văn Thiệu

- Đậu rồng: Đậu có trái lớn hình dạng rồng. 

- Đuốc rồng: (Chúc long) Truyền thuyết: Xứ Tây Bắc tối tăm không có mặt trời, thường có con rồng ngậm ngọn đuốc để chiếu sáng. Tích: Thần Chúc Long ở núi Chương ngoài biển, thần nắm mắt thì trời tối, mở mắt thì trời sáng (Sơn hải kinh). “Nhật an bất đáo, Chúc long hà táo” (Sao mặt trời không có chỗ soi tới, Đuốc rồng chiếu sáng thế nào?) (Thiên vấn- Khuất Nguyên). 

- Đuôi rồng: (Long vĩ) Long vĩ xà đầu khở chiến tranh (Sấm ký)- Cuối năm Thìn đầu năm Tị thì chiến tranh phát khởi.

- Gan rồng tủy phượng: Thức quý hiếm.

- Giọt rồng: Can theo từng giọt nước nhỏ ra (từ đồng hồ đựng nước có tạc hình rồng) để tính thời khắc. “Giọt rồng canh đã điểm ba” (Kiều).

- Hóa rồng: (Hóa long) Một (May) hóa long, hai (không may) xong máu- Năm ăn năm thua, được ăn cả ngã về không. Tích: Cá chép vượt Vũ môn hóa rồng. “Tháng ba cá đi ăn thề, Tháng tư cá về cá vượt Vũ môn” (Cd), Trung Quốc có tích cá anh vũ vượt sông Long Môn hóa rồng. Việt Nam có tích núi Long Môn ở Vạn Bờ (Thác Bờ- nay bị chìm dưới hồ thủy điện Hòa Bình), hàng năm cứ ngày 8-4 âm lịch, cá vượt thác hóa rồng. Con nào không vượt nổi thì té dập chết, vùng hạ lưu vớt được vô số Lê Quý Đôn- Vân Đài loại ngữ). 

- Hàng rồng phục cọp: (Hàng long phục hổ) Chế ngự loài dữ. “Phục cọp hàng rồng sao phép diệu” (Nguyễn Trãi).

- Huyệt rồng: (Long huyệt) Huyệt tốt, chỗ khí mạch núi non tụ kết lại.

- Kiệu rồng: (Long giá) Kiệu vua đi.

- Mạch rồng: (Long mạch) Mạch đất tốt để chôn người chết.

- Mặt rồng: (Long nhan, Long diện) “Mặt rồng (vua) lẫn mày ngài (người đẹp) lồ lộ” (Cung oán ngâm khúc- Nguyễn Gia Thiều).

- Mình rồng: (Long thể) Người (thân thể) vua.

- Nếp rồng: Lúa nếp hạt nhỏ, vàng, gạo trắng thơm.

- Sân rồng: (Long đình) Xưa thi Đình (Đình thí) ở sân rồng, đề do vua ra để phân hạng những người đã đỗ kì thi Hội.

- Nước dãi rồng: Đời Hạ, hai con rồng hiện ra trước sân vua, xưng là hai vua nước Bao. Vua nhà Hạ xin nước dãi rồng đựng vào hòm kín. Qua đời Ân đến đời Chu, không ai dám mở. Đến đời Chu Lệ Vương, vua cho mở xem, nước dãi chảy ra sân hóa thành con giải đen bò vào hậu cung. Một cung nữ dẫm phải, thụ thai, bốn mươi năm sau mới sinh đứa bé gái. Đứa bé bị đem quẳng ra sông. Một nông dân vớt được đem về nuôi. Đứa bé sau này là mỹ nhân Bao Tự được người nước Bao dâng lên U Vương, được phong làm hoàng hậu. U Vương mê đắm (từng cho xé cả kho lụa, đốt lửa trên phong hỏa đài để lừa chư hầu đem quân cứu viện hòng mua một nụ cười Bao Tự), cuối cùng bị Thân Hầu giết chết.

- Thành rồng: (Long thành) Thành Thăng Long (tên cũ của Hà Nội trước 1831), Long Biên. 

- Trộm rồng thay phượng: Kế thứ 24 trong 36 kế- Dối trên lừa dưới, đánh tráo. Đời Tống Chân Tông, Lý Thần phi có mang, Đông cung hoàng hậu sợ thất sủng cũng giả vờ có mang. Khi Thần phi sinh thái tử (sau này là Tống Nhân Tông) thì hoàng hậu cũng giả bộ sinh, si người đem con mèo con trá vào làm con của Thần phi rồi cướp thái tử về làm con mình (chuyện được hư cấu trong Bao Công xửa án Quách Hòe).

- Thuyền rồng: “Một ngày dựa mạn thuyền rồng, Còn hơn mãn kiếp ở trong thuyền chài” (Cd)- Kiều “Thà một phút huy hoàng rồi  chợt tối, Còn hơn buồn le lói suốt năm canh”.

- Trứng rồng: “Trứng rồng lại nở ra rồng, Liu điu (rắn nước) lại nở ra dòng liu điu” (Cd)- Nòi nào giống nấy.

- Vẽ rồng: (Họa long) Vẽ rồng nên giun- làm hư sự. “Trăm năm tạc một chữ đồng, Dù ai thêu phượng vẽ rồng cũng không” (Cd)- Sự thủy chung. “Đàn bà ngồi đái mất công, Đàn ông vừa đi vừa đi vừa đái họa rồng mà chơi” (Cd).

- Vẽ rồng điểm mắt: (Họa long điểm tinh) Tích: Danh họa Trương Tăng Đạo (thời Nam Bắc triều) ở nước Lương, có lần vẽ rồng ở tường chùa An Lạc, Kim Lăng (Nam Kinh) nhưng không vẽ mắt. Có người hỏi, ông bảo vẽ mắt rồng sẽ bay mất. Mọi người không tin, Tăng Đạo điểm nhãn bỗng trời đất tối sầm, sấm vang chớp giật, rồng vẽ hóa rồng thiệt bay lên trời. 

- Vua rồng: (Long vương, Long quân, vua Thủy Tề) Vua chuyên làm mưa.  Long vương  có một người con gái  (long nữ) là Sâgara, lên tám, nghe Phật thuyết  pháp, giác ngộ rồi dâng ngọc báu, hóa thân thành Bồ Tát để cứu độ chúng sinh. “Long nữ hiến châu thành Phật quả, Đàn na xả thí phúc như hà” (Long nữ dâng châu thành Phật quả, Đàn na bố thí phúc dường bao) (Viên Chiếu).

- Xe rồng: (Long xa) Xe vua đi.

- Xương rồng: Cây thân mềm ba cạnh, có chứa mủ trắng, lá thoái hóa thành gai, thường mọc ở vùng cát. Cây cảnh mọng nước, có gai nhọn như đinh ghim. “Cây xương rồng trồng đất rắn long lại hoàn long. Quả dưa chuột ruột thẳng gang, thử chơi thì thử” (Chơi chữ: rồng, rắn, long; (dưa) chuột, (dưa) gang, thử (chuột).

 


1 nhận xét:

  1. Nguồn gốc câu thành ngữ “Vẽ rồng điểm mắt” - Minh Chân Tướng
    [MINH HUỆ 5-9-2015]

    Thành ngữ
    “Vẽ rồng điểm mắt” bắt nguồn từ cuốn “Lịch đại danh hoạ ký” (Ghi chép về những danh hoạ nổi tiếng trong các triều đại) do Trương Ngạn Viễn thời Đường soạn, trong đó viết: “Vũ đế coi trọng việc sửa sang chùa chiền, thường lệnh cho Tăng Dao vẽ trang trí. Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trên bức tường của Kim Lăng An Lạc Tự, ông không vẽ mắt. Ông thường nói: “Vẽ mắt rồng sẽ bay mất”.

    Xem thêm tại: Vẽ rồng điểm mắt

    Trả lờiXóa