MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

TAI (chữ nghĩa)


TIỂU HÙNG TINH

Ảnh internet

          TAI- cơ quan hai bên đầu người hoặc động vật. Về mặt sinh lí, có tai trong, tai giữa và tai ngoài. Phần mà bình thường ta vẫn thấy là vành tai, dái tai, lỗ tai, lâu lâu cũng phải lấy bớt ráy tai để nghe cho rõ.

            Làm đẹp lỗ tai để làm đẹp người nên chi có chuyện xỏ lỗ tai, đeo bông tai, khuyên tai (xưa phụ nữ độc quyền nhưng nay một số nam giới cũng tham gia). Xin tạm đặt tên chuyện sau là Tai vàng. Đời Tự Đức, khi đất nước đắm chìm trong họa thực dân thì ông vua này vẫn đổ tiền dân bạc nước  ra xây lăng cho mình. Quân lính phục dịch xây lăng quá khổ cực,  chịu không nổi nên dưới sự lãnh đạo của Đoàn Trưng, Đoàn Trực họ đã nổi dây (gọi là loạn Chày Vôi) kéo về  kinh đô, xông thẳng vào nội điện định phế Tự Đức để đưa Hồng Bảo  (anh Tự Đức) lên ngôi.  Trong lúc nguy cấp, thị vệ trưởng Hồ Oai đã liều mình đóng cửa điện lại. Quân lính ngoài chém vào chỉ róc đứt được cái tai Hồ Oai. Loạn Chày Vôi bị dẹp, để thưởng công, Tự Đức sai đúc cho Hồ Oai một cái tai bằng vàng, Tai Hồ Oai không đeo bông mà đeo luôn cái tai vàng như một tấm huân chương vừa là một tài sản lớn.


            Tai để nghe, nghe gắn với suy nghĩ, gãi tai thường biểu lộ một sự lúng túng. Những chuyện lạ tai thường làm người nghe thích thú. Nghe thủng lỗ tai thường dùng trong trường hợp nghịch nhau là nghe có lí hoặc nghe chửi bới xoi xỉa quá mức. Tùy thuộc nội dung mà người ta có thái độ nghe tương ứng  hoặc là êm tai, sướng tai, đã lỗ tai hoặc chướng tai, lói tai, lộn nhĩ. Đôi khi tai còn là nạn nhân của sự nóng giận, nặng thì tạt tai (bạt tai, tát tai, bớp tai, bợp tai) nhẹ thì nhéo lỗ tai. Trong cuộc sống có vô số những chuyện chướng tai gai mắt, muốn bịt lỗ tai. Những điều bậy bạ thường làm rác tai, bẩn tai người nghe. Xưa có chuyện Hứa Do là một người hiền, vua Nghiêu định nhường ngôi cho, Hứa Do nghe chuyện, xuống suối rửa tai Sào Phủ dắt trâu xuống uống nước, nghe kể sự tình liền đánh trâu đi chỗ khác, bởi sợ trâu uống nhằm mà bẩn miệng trâu. Hứa Do và Sào Phủ là những ẩn sĩ lánh đời, xem chuyện đời kể cả chuyện lên làm vua là rác rưởi, nghe vào vấy bẩn nhân cách mình.

            Tia chìa ra hai bên nên một số bộ phận của đồ vật có dáng dấp như vậy được gọi là tai như tai ấm, tai cối xay. Những vật có hình dạng giống tai thì dùng tiếng tai để gọi như tai voi (tai tượng), ốc tai tượng, keo tai tượng, nấm tai mèo, bánh tai heo… Người già, tai thường trễ xuống, to ra như tai Phật cũng là một chỉ dấu trường thọ. Tai to mặt lớn là cách nói châm biếm  những kẻ có chức quyền địa vị trong xã hội. Thính tai thì nghe rõ, già thường bị bệnh lảng tai (khác với giả lảng- làm bộ không nghe). Điếc tai có thể chỉ hai trạng thái hoặc là trạng thái khó chịu trong cảnh ồn ào, bị nghe những điều không muốn nghe hoặc là bệnh lí liệt màng nhĩ. Người câm từ nhỏ trước hết vì điếc.

            Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, ý nghĩa từ tai trở nên phong phú. Nghe mà không để ý, không lưu giữ khá gì vô tai này ra tai kia.  Nói sáng tai họ điếc tai cày để chỉ những kẻ lười nhác (Khi cày trâu, người ta thường  hô “đi” để giục trâu cày,”họ” để dừng trâu lại). Nói mắt thứ hai tai thứ bảy để chỉ những cán bộ viên chức bê bối (Thứ bảy lắng nghe kẻng chờ về, thứ hai đến thì lờ đờ buồn ngủ- vì chủ nhật mê chơi- Bây giờ nên sửa lại là thứ sáu vì tuần làm việc 5 ngày). Nhiều người hiểu biết nhưng bất lực, lắm khi giữ đắp tai ngoảnh mặt, giữ một thái độ tiêu cực trước cuộc đời. “Đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ, Rằng khôn cũng kệ rằng khờ cũng thây” (Mẹ Mốc- Nguyễn Khuyến).

            Xoay quanh lỗ tai có nhiều bài học sâu sắc. Con người có một miệng hai tai trở thành ngụ ngôn phải nghe nhiều và bớt nói lại. Phải trực tiếp quan sát- tai nghe mắt thấy rồi hãy kết luận, hãy tin và phải cẩn thận lưu ý là tai nghe không bằng mắt thấy trong thu thập thông tin. Thần thoại Hi Lạp có chuyện Vua Midas có lỗ tai lừa. Vua Midas không biết tí gì về nghệ thuật vẫn huênh hoang luận bàn, thần Appolon (thần của nghệ thuật và ánh sáng) giận phạt ông ta mang tai lừa. Midas xấu hổ quá, may một chiếc mũ  trùm kín. Việc này chỉ ông ta và tay thợ hớt tóc biết, ông ta lệnh phải giữ bí mật, lộ ra là chết. Tay thợ hớt tóc biết một chuyện quái lạ về ông vua nhưng nói ra thì chết mà giữ kín trong lòng thì chịu không nổi, cuối cùng phải đào cái hố mà nói vào đấy. Từ cái hố ấy mọc lên những cây phi lao (dương liễu) mỗi lần gió thổi qua thì chụm đầu xì xào: “Vua Midas có lỗ tai lừa”.

            Thần Appolon phạt Midas vì có tai mà không biết lắng nghe, không lo tiếp nhận chỉ biết ba hoa. Có tai người mà không biết dùng thì xài tai lừa vậy. Không biết bạn đọc thế nao riêng kẻ viết bài này không thể đếm hết số lần tai mình hóa tai lừa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét