MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

LÍ và CHÂN LÍ




NGUYỄN VĂN HÙNG
 Ảnh internet
          được xem là lẽ phải, là đích của suy luận, tranh luận (chân lí), đồng thời nó cũng là cơ sở (chứng lí) và cách thức lập luận, tư duy (luận lí, suy lí) làm căn cứ để xác định đúng sai của một quá trình nhận thức hoặc hành động.
            Điểm xuất phát của lí là nguyên lí- lẽ phải ban đầu, luận điểm  cơ bản của một học thuyết như vật chất có trước ý thức có sau, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng (trong tiết học duy vật); là định luật  cơ bản có tính tổng quát chi phối một loạt hiện tượng như nguyên lí bảo toàn năng lượng, sức đẩy của nước (trong vật lí)…Triết học phương Đông xem lí của cuộc sống xuất phát mệnh trời do vậy nhân sinh phải phù hợp với thiên lí.

            Triết học thừa nhận có chân lí tuyệt đối (tri thức trọn vẹn về sự vật hiện tượng mà không còn gì bổ sung và cũng không bác bỏ được nhưng không thể đạt tới ngay một lúc) và chân lí tương đối (tri thức đúng nhưng chưa đầy đủ về sự vật). Như vậy chân lí có tính tương đối, nhận thức con người ngày càng phát triển sẽ khắc phục tính tương đối này để tiếp cận chân lí tuyệt đối.
            Do điểm xuất phát, lập trường, quan điểm khác nhau nên lí rất đa dạng, thiên lí vạn lí. Tần Thủy Hoàng tóm thâu sáu nước là có công lớn- có lí nếu đứng trên phạm vi toàn Trung Hoa mà xét. Thái tử Đan thuê Kinh Kha đi ám sát Tần Thủy hoàng là yêu nước- có lí nếu xét trong phạm vi nước Yên hoặc từng nước riêng lẻ. Trứng không có lông là điều rõ ràng thế nhưng ông Huệ Thi nói “trứng có lông” thì logic lập luận của ông ta cũng không phải vô lí. Ông đứng trên quan điểm vạn vật nhất thể (muôn vật cùng một thể) để lập luận rằng trứng nở ra con gà (con vịt, con chim) có lông như vậy bản thân trứng đã có lông.
            Đưa tình dục vào dạy cho học sinh, có người bảo điều này rất cần thiết vì không thể giấu giếm úp úp mở mở chuyện quan trọng này mà phải dạy cho học sinh hiểu biết rõ ràng để xử sự đúng- có lí. Có người bảo không nên vì học sinh còn non nớt, dạy về tình dục khác  gì bày cho các em làm bậy- cũng có lí. Vấn đề đây là xem cách nào hợp lí hơn, đòi hỏi chứng lí thực tiễn, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí.
            Lí đa dạng nên không thể độc quyền chân lí. Người ta dễ thống nhất với nhau về chân lí phổ quát nhưng khó thống nhất về chân lí cụ thể hoặc ngược lại,  nhất  là chân lí thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn. Pascal từng nói: “Bên này dãy Pyréne  là chân lí, bên kia là lỗi lầm”. Lí lẽ, hành động tùy lúc, tù nơi, tùy thời mà được xem là chân lí hay sai lầm. Chân lí tùy thuộc quan niệm, phong tục tập quán, văn hóa xã hội. Hơn nữa, sự việc nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, hay và dở; trong thực tế người ta thường chọn phương án có nhiều ưu điểm để thực thi (phương án tối ưu), phương án hay hàm nghĩa hay nhiều hơn dở.
            Có lí mặt này đôi khi vô lí mặt kia. Thạch Chữ làm quan đời Chiêu vương nước Sở, một hôm đang đi tuần, thấy kẻ giết người liền đuổi bắt, té ra cha mình. Ông quay lại, chạy vào điện quỳ trước mặt vua thưa rằng: “Kẻ giết người là cha tôi, bắt làm tội thì không nỡ mà bỏ phép thì không xuôi. Làm quan mà không giữ phép, đành xin chịu tội”. Vua tha tội nhưng Thạch Chữ cầm gươm tự sát. Xưa nay, nhiều người xem Thạch Chữ trung hiếu vẹn toàn-đúng! Xem Thạch Chữ bế tắc vì hai lẽ phải ở đây mâu thuẫn loại trừ nhau, không thể giải quyết trọn vẹn đành phải tự sát- đúng! Trong cuộc sống, đôi khi được lẽ phải này phải hi sinh lẽ phải kia (như chọn phương án tối ưu). Nhân vật Thúy Kiều bị đẩy vào  thế giằng xé giữa hai cái lí: Bán mình chuộc cha cho tròn hiếu và giữ mình chờ Kim Trọng cho vẹn tình. Nàng cân nhắc “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”, nhận định “Hiếu tình khôn dễ hai bề vẹn hai” và cuối cùng lự chọn “Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”.
            Lí bị chi phối  bởi sức mạnh. Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine có bài Lí kẻ mạnh bao giờ cũng thắng kể câu chuyện Cừu non ra suối uống nước và gặp sói. Và đây là cuộc đối thoại:
            Sói: - Cừu kia, sao mày dám uống nước trên nguồn của tao?
            Cừu non: - Thưa, nguồn của ông trên kia, con uống dưới này mà!
            Sói: - Nhưng năm ngoái mày nói xấu tao.
            Cừu non: - Năm ngoái con chưa sinh.
            Sói : - Không mày thì anh mày nói xấu tao.
            Cừu non : - Con là con một, không có anh.
            Sói : - Không thì một ai đó trong họ nhà mày nói xấu tao.
            Cừu không biết nói sao nữa còn  Sói thì nhảy vào chộp lấy mà ăn thịt.
            Đó là lí kẻ mạnh, cái lí (thực chất là vô lí) kèm nanh nhọn vuốt sắc để áp chế kẻ yếu. Ngẫm ra, không bình đẳng thì khó nói chuyện lẽ phải, phải mạnh mới nói chuyện với kẻ mạnh được, thế yếu mà nói chuyện với kẻ mạnh thì bao giờ cũng thiệt thòi. Kẻ mạnh trên thế giới ngày nay không còn tự tung tự tác như trước nữa nhưng lí kẻ mạnh vẫn là một thự tế.
            Di Tử Hà được vua nước Vệ sủng ái. Phép nước Vệ, ai đi trộm xe vua thì bị chặt chân, mẹ Di Tử Hà ốm nặng, ông ta vội lấy xe vua chở đi. Vua nghe, khen rằng có hiếu tới nỗi quên cả tội chặt chân. Một lần Di Tử Hà ăn táo thấy ngọt, đưa nữa còn lại cho vua. Vua khen rằng của ngon  đã cắn vào miệng mà còn biết nhường. Đến khi  hết sủng ái, vua Vệ mới khươi chuyện cũ ra hạch về tội dám tự tiện đi xe vua, tội dám cho vua ăn đồ ăn thừa... Sự yêu ghét làm mờ lí trí cộng thêm ông ta là vua nên nói lí sao cũng được.  Cũng một sự việc mà khi cho rằng đúng, khi cho sai, có lí cũng đó mà vô lí cũng đó thì còn gì vô lí hơn.
            Phép vua còn có lệ làng, lắm khi tréo ngoe phép vua thua lệ làng. Lí luật, lí lệ còn thêm lí thủ trưởng, nhiều sếp nhờ có quyền lực sai  áp, bắt kẻ dưới chấp hành rồi cứ thấy việc gì mình cũng đúng, cũng có lí ; lắm khi sai lầm nhưng vẫn cực đoan là hợp lí, cấp dưới vạch ra cái vô lí thì tìm cách trù dập.  Lí lẽ kèm nắm đấm thì chỉ tìm được kẻ tán hót chứ làm sao tìm ra người tranh luận. Mất dân chủ thì dẫn tới độc đoán tự tung tự tác, đến khi cháy nhà ra mặt lại đổ vì lí do khách quan !
            Cũng lắm kẻ biết mình vô lí mà vẫn khăng khăng cãi lí. Anh đi bên trái, có người góp ý rằng đi vậy sai luật, phải đi bên phải ; chuyện rành rành chẳng chịu nghe còn sửng cồ :- Có trái mới có phải, có phải phải có trái, có người đi bên trái như tôi sai thì mới biết rằng người đi bên phải đúng. Tôi có sai anh mới có cơ hội góp ý để nói cái đúng của anh ra. Ai cũng đúng cả thì đâu có cơ hội cho anh lên lớp người ta. Lí sự kiểu này thì đúng là lí sự cùn, hết ý !
            Lí thường dựa vào chứng cớ (chứng lí), điều được thừa nhận phải đủ lí do (căn cứ), logic là vậy thế nhưng có khi tình ngay lí gian. Tối trời, có kẻ lỡ độ đường xin vào nghỉ lại, thương tình ho trọ một đêm. Té ra y là tay tội phạm bỏ trốn, mình bị quy là chứa chấp ! Chỗ vắng vẻ, nghe tiếng phụ nữ kêu cứu, chạy tới, bị ả ta ôm lại la toáng lên là mình bị hiếp dâm- Kiểu này chỉ có trời biết đất biết ả ta biết và người tới cứu biết chứ ai biết, ngoài trời đất thì ai làm chứng cho đây ! Nhiều người  bị kẻ khác gài bẫy, giải thích không ai tin hoặc  ý đồ tốt nhưng việc làm sai cũng khó biện bác. Cái được xem là có lí không phải bao giờ cũng đúng.
            Tìm chân lí, con đường tới chân lí không phải bao giờ cũng là đường thẳng. Xưa nay, biết bao lí thuyết, biết bao giáo điều, tốn bao  giấy mực cho vấn đế này. Thế nào là chân lí, bằng cách nào và liệu  con người có nhận thức được chân lí không ? Nếu nhận thức được  thì vận dụng thế nào để xây dựng cuộc sống tốt đẹp ? Hình ảnh Diogène (triết gia Hi lạp, 413- 327 BC) đốt đuốc giữa ban ngày để đi tìm chân lí cũng là biểu hiện khao khát hướng đến lẽ phải, sự thật, hướng đến chân lí của con người.

                                                                                    2011-vl

1 nhận xét: