MỤC LỤC BLOG

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

TRẺ CHĂN TRÂU

TIỂU HÙNG TINH 
Ảnh internet
 
 


       Trâu vất vả, người cày vất vả, một nhân vật thứ ba cũng cực nhọc không kém đó là trẻ chăn trâu. Trẻ chăn trâu thường là con nhà nghèo thất học, chăn trâu nhà hoặc đi chăn thuê cho người. Hãy hình dung một đứa bé tám chín tuổi như búp trên cành chơi vơi trên mình trâu để  thấu nỗi nhọc  nhằn.

Đoạn thơ trong truyện Lục súc tranh công nói chuyện khởi sự một ngày vất vả của trâu và người: “Thoáng canh gà vừa mới gáy tan- Chủ đã gọi thằng chăn vội vã- Dạy rằng: Đuổi trâu ra thảo dã- Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng- Chưa bao lâu trời đã rạng đông…”  Tuổi thơ- tuổi ăn tuổi ngủ mà chưa sáng đã bị dựng dậy bắt đánh trâu ra đồng, người chưa kịp ăn đã đưa trâu đi ăn cho kịp buổi cày. Trẻ chăn trâu vào một ngày làm việc trước cả người lớn.

Trâu vào buổi cày nhưng trẻ đâu được nghỉ ngơi mà phải cắt cho đầy gánh cỏ. Mưa ướt át nhầy nhụa, nắng hạn cỏ lại hiếm hoi, cắt đấy một gánh cỏ phải kiên nhẫn kì công. Lạnh buốt da, nắng sạm da cháy tóc, dải gió dầm sương, công việc nặng nhọc, trẻ chăn trâu đâu còn hồn nhiên mơn mởn mà chai cằn đi.

Có khi ngồi trên mình trâu cất tiếng hát nghêu ngao nhưng chút thong thả có bao nhiêu. Mắt phải canh chừng nghé, khản cổ mà hò “Nghé ơ nghé ạ! Nghé đi theo mẹ! Nghé đứng đi xa! Nghé ạ nghé ơ!...” Nghé đi lạc, phải cột trâu mà tìm. Bỏ trâu đi tìm nghé hoặc vì tuổi nhỏ ham chơi, lơ đễnh để trâu ăn lúa dậm khoai, của đau con xót, không bị ăn trận đòn không thì cũng bị mắng chửi, thường bồi.

Tuổi trẻ chân yếu tay mềm, thấy khoảng cách đường sá ruộng đồng mà e ớn, cứ thấy trẻ chăn vắt vẻo lưng trâu mà thích. Đâu biết cả ngày bám theo trâu người cũng hôi mùi trâu, rồi chứng ghẻ trâu mận trâu ngứa ngáy khôn lường. Đi chăn trâu cho nhà chủ ngày hai bữa cơm mắm như đứa ở. Mấy ngày trâu đi cày thuê được ăn như thợ cày, cơm nước khá hơn nhưng phải ăn uống gấp gáp ngoài bờ ngoài ruộng chan nắng chan mưa rồi còng lưng cắt cỏ.

Truyện Tấm Cám có một chi tiết rất đắt nói chuyện bà dì ghẻ ác với con chồng. Tấm phải đi chăn trâu, mụ dì ghẻ dặn: “Có chăn thì chăn đồng xa- Đừng chăn đồng nhà làng bắt mất trâu!” Chăn trâu là để trâu no cỏ, chăn đồng làng đồng gần thì càng tốt sao phải chăn đồng xa? Bà dì ghẻ ghét Tấm tới mức muốn tống cho khuất mắt, đi vào chỗ càng nguy hiểm bất trắc càng tốt. Đẩy nỗi cực lên con chồng chưa đủ, muốn chồng thêm nỗi khổ lên nỗi khổ con trẻ nữa, hiểm quá! Những chi tiết nhặt tách đậu đen đậu trắng, chuyện đốn cau cho Tấm ngã chết tuy độc đáo dữ dội hơn nhưng không sâu sắc, hiện thực bằng chi tiết này.

Hình ảnh trẻ chăn trâu cũng đậm màu trong cổ tích. Sọ Dừa hình thù tròn lông lốc quái dị nhưng nhờ khéo chăn trâu, mà từ đứa ở trở thành con rễ phú ông, sau này thi đỗ trạng. Ngưu Lang nhờ chăn trâu giỏi mà được trời thương gả cháu gái là Chức Nữ cho. Những cổ tích đầy tưởng tượng này là ước mơ của những người cùng khốn, thất học từ tấm bé muốn vươn lên khỏi cuộc đời khổ nhục. Còn chuyện chú Cuội chăn trâu cho chú, hứng chí thịt trâu đãi bạn bè, sợ mà trốn lên cung trăng. Nhân vật Cuội thể hiện sự dối trá, Cuội là một biểu tượng sỉ nhục của trẻ chăn trâu.

Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ đi chăn trâu cùng bạn bè dùng cờ lau tập trận đánh giặc. Lớn lên dẹp được loạn mười hai sứ quân và lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, lập ra triều đại nhà Đinh trong lịch sử Việt Nam. Câu chuyện là một bản hùng ca rạng rỡ, hoành tráng biểu hiện sức vươn lên của những con người cơ khổ, một biểu tượng đậm màu sắc và hình ảnh kẻ chăn trâu. Nhưng hàng nghìn năm lịch sử hỏi thử có bao nhiêu Đinh Bộ Lĩnh?

“Ai bảo chăn trâu là khổ- Chăn trâu sướng lắm chứ!-  Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao- Vui thú không quên học đâu…”(Lời một bài hát của Phạm Duy). Hình ảnh trẻ vắt vẻo lưng trâu thơ mộng thật nhưng chỉ thơ mộng với những người chưa hề biết đến chăn trâu, chưa cảm thấu nỗi khổ trẻ chăn trâu. Chăn trâu là hình phạt, là định mệnh khốn khổ của cuộc đời từ tấm bé. Nhà nghèo phải đi ở đợ chăn trâu, học hành không ra gì thì bắt đi chăn trâu. Có yêu thương trẻ chăn trâu thì phải làm cho trẻ thoát cảnh chăn trâu, cho trẻ được học hành vui chơi như bao trẻ khác. Không thấy nỗi khổ hoặc nhìn nỗi khổ trẻ chăn trâu mà tưởng là niềm vui, rồi ca ngợi đó là hạnh phúc thì đúng là “Thương nhau mà lại bằng mười hại nhau” (Kiều).

                                                                                                11/08




1 nhận xét:

  1. Facebook, 16-2-21,13n,5 bình luận1 lượt chia sẻ
    Văn Long HưngMe xừ Phạm Duy lãng mạn nói chăn trâu sướng vì ông ấy chưa khi mô được chự trâu,
    Đa số vì nhà nghèo phải đi ở chự trâu lấy lúa thóc giúp cha mạ
    sáng 4-5 giờ đang ngủ chủ kêu dậy ăn cơm rồi ví trâu ra ruộng cày, trong lúc chủ cày, thàng chự trâu phải c… Xem thêm
    Nguyen LacdaoCó thể là hình ảnh về động vật và ngoài trời
    Dung NgoTố Hữu cũng phán rằng Lòng thoả nhẹ anh nông dân vui sướng/Ngã mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành.Hê mùa Đông QT đi học lạnh thấu xương,dầm bùn làm ruộng.Tui đi ứng ông thần văn vịt này
    Quoc To CongChỉ có mấy ông quan tuổi Sửu là sướng...
    Bạch Thái AnTrẻ chăn trâu xứ thiên đường thật là sướng .

    Trả lờiXóa