MỤC LỤC BLOG

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

SOCRATE và vấn đề TÍCH CỰC HÓA NHẬN THỨC

              NGUYỄN VĂN HÙNG                 



Các triết gia trước Socrate chỉ tập trung tìm hiểu vũ trụ, thiên nhiên. Trong xã hội Hi Lạp có những ý tưởng và biện luận đa dạng kể cả ngụy biện, người nghe thấy lạ, thấy hay nhưng phân vân không biết đâu là thực đâu là hư, không biết mình nên cư xử, sinh sống như thế nào. Trước tình hình đó, Socrate chủ trương “Hãy tự  biết lấy chính mình”, “Tôi chỉ biết một điều duy nhất là tôi không biết gì cả.” Ông không đi vào  siêu hình viễn vông như nhiều nhà tư tưởng trước đó mà đi sát thực tế  đời sống nên được ca tụng là người đã đưa triết học từ trên trời xuống dưới đất.
1. Socrate (469 (470?)- 399 BC) sinh tại Athèna (Hi Lạp), con của một người thợ chạm đá và một bà hộ sinh. Ông được phương Tây coi là nhà triết học điển hình nhất.2. Socrate được xem là bậc thầy về truy vấn.  Phương pháp tích cực hóa nhận thức của ông  được người đời sau đặt cho nhiều tên gọi: “Phương pháp truy vấn biện chứng”, “Phương pháp Socrate”, “Phương pháp bác bỏ bằng logic học”, “Phương pháp bà đỡ (đỡ đẻ)”, “Phương pháp trợ sản về mặt tinh thần”. Chính Socrate cũng thừa nhận mình không phải là thầy giáo (theo nghĩa thầy truyền thụ những điều hiểu biết của mình cho trò, trò thụ động tiếp nhận) mà chỉ giữ vai trò bà đỡ, dẫn dắt người đối thoại đến một nhận thức sáng rõ, khôn ngoan. Ông nói : “Mẹ tôi đỡ đẻ cho những sản phụ , còn tôi đỡ đẻ cho những bộ óc”. Và đương nhiên, bà đỡ cần phải có kiến thức và kinh nghiệm trực tiếp về việc mà bà ta đang làm (ý là từng sinh đẻ rồi mà đi đỡ đẻ thì càng tốt).
Ông tin rằng mỗi người vốn sẵn có ý tưởng, hơn thua nhau là chỗ biết hay không biết tìm ra các ý tưởng đó. Dạy không phải là đưa, truyền kiến thức sang cho người mà giúp người ta tìm thấy các kiến thức có sẵn  trong bản thân mình. Không phải “đẻ giúp”“giúp cho người ta đẻ”. Ông chủ trương đối thoại để tìm ra chân lí. “Tôi biết anh không tin tôi, nhưng hình thức cao nhất của tinh túy con người là tự hỏi và hỏi người khác.”
Hãy thử xem một cuộc hội thoại của Socrate.
Một lần, Juystermus (J) nói với Socrate (S) rằng tất thảy bọn trộm cắp, lừa đảo đều là không chính nghĩa. Thế là giữa họ nổ ra cuộc  tranh luận.

            S:         Khi chiến tranh, lừa dối kẻ địch thì sao?
            J:         Cái đó là chính nghĩa, thế nhưng người tôi nói đến là bạn chúng ta.
S:         Nếu một vị tướng thấy tinh thần binh lính của ông ta xuống dốc, liền lừa  họ rằng viện quân sắp đến, bởi vậy chặn được sự khủng hoảng tinh thần. Chúng ta coi sự lừa dối này thuộc loại nào?
J:         Tôi cho rằng nên coi là chính nghĩa.
S:         Lại nữa, một em bé cần phải được uống thuốc nhưng em không chịu, cha mẹ liền lừa rằng: Cái này ngon lắm! Và bằng cách lừa dối này đã làm cho sức khỏe em bình phục. Vậy loại lừa dối này xếp vào đâu?
J:         Theo tôi, nên coi là chính nghĩa.
S:         Một người nào đó thấy bạn thất vọng cùng cực, sợ anh ta tự sát và đã lấy cắp toàn bộ vũ khí như dao kiếm của anh ta. Hành vi này nên xếp vào loại nào?
J:         Đương nhiên cũng nên xếp vào chính nghĩa.
S:         Tức là nói, ngay cả với bạn bè cũng không nên lúc nào cũng thẳng thắn cả?
J:         Quả đúng như vậy. Nếu ông cho phép, tôi xin rút lại lời tôi đã nói ra.

            Có thể rút tỉa một số vấn đề về phương pháp:

            - Chia nhỏ vấn đề thành hệ thống câu hỏi và câu trả lời dần dần đúc kết được lời giải cần tìm. Phương pháp này ảnh hưởng rất rõ trong phương pháp tiếp cận khoa học, tiếp cận hệ thống bằng cách đặt ra giả thuyết. “Sự phát triển và sử dụng phương pháp này là một trong những đóng góp bền vững nhất của Socrate”.
            - Đối thoại diễn ra trước khi định nghĩa khái niệm; trong quá trình đối thoại, một loạt câu hỏi được đặt ra giúp người đối thoại xác định niềm tin cơ bản và giới hạn kiến thức của họ.
            - Loại bỏ các giả thuyết, theo đó tìm ra các giả thuyết tốt hơn bằng cách từng bước xác định và loại bỏ các giả thuyết dẫn đến mâu thuẫn.
            - Người đối thoại bị vạch trần là tự mâu thuẫn với mình. Vạch trần mâu thuẫn thì sẽ loại trừ được sự hiểu biết giả dối, còn nỗi băn khoăn mà trí óc sa vào đó sẽ thúc đẩy tư tưởng đi tìm chân lí thật sự, buộc  người ta phải xem lại tính đúng đắn về các niềm tin của mình.

            3. Có nhiều con đường để nhận thức chân lí, mỗi con đường có những ưu điểm và hạn chế của nó, lựa chọn con đường nhận thức và tác động nhận thức có hiệu quả không còn tùy thuộc vào đối tượng và người tác động. Chân  lí có thể là những kết quả đã được kiểm nghiệm, có sẵn mà người hướng dẫn có thể truyền thụ yêu cầu, cách thức đi đến kết quả cuối cùng. Đây  là lối truyền thụ một chiều có tính áp đặt cả về phương pháp và kết quả. Hạn chế của lối truyền thụ này là ít khơi động tính tích cực, tính phản biện, tính sáng tạo trong quá trình nhận thức chân lí. Thời cổ đại ở Trung Hoa, Khổng Tử (551-479 BC, nhà giáo dục đầu tiên của Trung Hoa theo đúng nghĩa của từ này) đã nhận ra một phần vấn đề nên chủ trương gợi cho người học nhận thức. Ông chủ trương “Cử nhất phản tam” –dạy cho nó biết một phương mà nó không suy ra ba phương kia thì đứng dạy nó nữa .Ý như học một biết mười, phát huy trí thông minh của người học, thầy chỉ gợi, trò phải tự tìm. Thầy chỉ trình bày một phần còn trò phải tự tìm để hoàn thiện chân lí.  Cũng gần thời với Khổng Tử, ở phương Tây, Socrate đã tập trung tích cực hóa vấn đề nhận thức, tăng cường mạnh hơn nữa vai trò của người nhận thức, giúp người học tự mình tìm ra và thừa nhận chân lí. Phương pháp “Trợ sản tinh thần” của ông dù ra đời trên hai nghìn năm vẫn tỏ ra hết sức thích hợp trong việc giáo dục, rèn luyện nhận thức, hình thành cách dạy cách học trong thời đại ngày nay.
            TÀI LIỆU
1.      Wikipedia- bách khoa toàn thư mở- mục Socrates.
2.      Từ điển triết học giản yếu, Hữu Ngọc và Tgk, Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987.
3.      Từ điển triết học, Tiến Bộ Mát-xcơ-va, 1975.
4.      Lịch sử nhân loại cổ đại, tập 2, Thiên Phong Bửu Dưỡng, Đa Minh Thiện Bản, Sài Gòn, 1972.
5.      Phương pháp biện luận, Triệu Truyền Đống, (Nguyễn Quốc Siêu biên dịch), Giáo Dục, Hà Nội,  2002.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét