MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Tính giản lược trong TIẾNG VIỆT



NGUYỄN VĂN HÙNG

Trường CĐSP Sóc Trăng

butnguyentu.blogspot.com 
Bài đã đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học Công nghệ Sóc Trăng.

1.      Giản lược trong ngôn ngữ là rút gọn, giảm thiểu lượng ngôn từ, giúp việc diễn đạt gọn lại nhưng vẫn giữ được đầy đủ ý nghĩa, làm cho người nghe vẫn hiểu đúng lời của người nói. Giản lược là một nhu cầu trong diễn đạt và giao tiếp, có những hình thức mang tính nguyên tắc mà khi  nói năng phải lưu ý.

2.      Những hình thức giản lược trong tiếng Việt

2.1. Giản lược trong nói năng

2.1.1. Giản lược từ

-         Người ta phải giảm bớt một số từ trong cụm từ (vốn cụ thể hơn) để hình thành

được những từ mới mang nghĩa khái quát hơn. Nói xe chạy bằng hơi rườm quá, phải nói là xe hơi, cụm từ chạy bằng bị lược bỏ, được hiểu ngầm. Không ai nói xe hai bánh để chở, người trước lái, người sau ôm người trước, người ta phải giản lược bằng cách chọn lại các tiếng điển hình, hình thành và chỉ cần dùng một từ hai tiếng xe ôm. Một số cụm tù được rút gọn tối đa: Bên ấy =>  bển, ông ấy =>ổng, bà ấy => bả… Đây là cách giản lược để tạo thành từ.

-         Một số danh từ riêng cũng bị giản lược khi nói năng. Italia (Ý Đại Lợi) => Ý,

England => Anh, Hungary => Hung, Tiệp Khắc => Tiệp, Malaisia (Mã Lai Á) => Mã Lai, Indonesia => In Đô, Ấn Độ => Ấn…

-         Tên một số cơ quan đơn vị (dưới dạng thức một cụm từ nhưng chỉ được hiểu, có ý

nghĩa như một danh từ riêng) cũng bị giản lược khi nói năng với điều kiện không bị nhầm lẫn với cơ quan khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo => Bộ Giáo dục Đào tạo (từ và bị lược), Ủy ban Nhân dân tỉnh => Ủy ban tỉnh…

-         Một số từ thường dùng cũng được rút gọn: kilôgam => kí lô =>

Giản lược từ là một phương thức nói năng bình thường, nó phải đáp ứng điều kiện là không gây sự nhầm lẫn về mặt sự vật, trạng thái, tính chất hoặc hoạt động, người nghe phải hiểu ngay ý tưởng của người nói và chấp nhận một cách bình thường.

2.1.2.       Giản lược ngữ (cụm từ)

Mẹ của tôi, chỉ cần nói mẹ tôi là người ta hiểu. Tiếng Việt không có những từ sở hữu gắn với ngôi như my, yours, his, her, its trong tiếng Anh. Trong tiếng Việt cũng không có sở hữu cách (’s)để giúp diễn đạt một cách giản lược. Giản lược ở cụm từ được ngầm hiếu nhưng không được hiểu nhầm. Xe tôi phải được hiểu xe (của) tôi. Của đây không được nhầm thành là, và, cùng…

2.1.3.       Giản lược câu

-         Câu đặc biệt (câu đơn đặc biệt) được sử dụng trong một ngữ cảnh nhất định, câu

được rút gọn lại thành một thành phần, thành phần còn lại không rõ thuộc chủ ngữ hay vị ngữ.

            Một người nhìn ra bên ngoài và hô lên: Mưa! Trong trường hợp này có thể hiểu:   Mưa tới kìa! (Mưa làm chủ ngữ trong câu). Cũng có thể hiểu: Trời mưa (mưa làm vị ngữ). Vấn đề chính ở đây không cần rõ thành phần cấu tạo ngữ pháp mà chỉ cần phần nghĩa là thông báo sự xuất hiện của mưa.

-  Giản lược câu ghép thành câu đơn để tránh việc lặp đi lặp lại các thành phần giống nhau.

            Tôi ăn, tôi ngủ và tôi làm việc. (A)       =>            Tôi ăn, ngủ và làm việc. (A’)

            Tôi làm việc, anh làm việc và chị làm việc. (B) => Tôi, anh và chị làm việc. (B’)

Trong trường hợp này, các câu ghép A, B được chuyển thành các câu đơn A’, B’. Đó là về mặt ngôn ngữ học còn trong Logic học vẫn xem A, B, A’, B’ đều là các phán đoán phức (do nhiều phán đoán đơn hợp thành, ở đây các chủ từ hoặc vị từ vẫn tồn tại nhưng bị ẩn đi mà thôi).

 - Câu - Câu giản lược - câu tối giản.

            Câu giản lược được thực hiện trong điều kiện, một hoàn cảnh nói năng (ngữ cảnh) nhất định mà người đối thoại chấp nhận, có thể gây nhầm lẫn về thái độ (mặt biểu thái) chứ không gây sự nhầm lẫn về ý nghĩa (mặt biểu niệm).

Câu hỏi: Anh đã ăn cơm chưa?

Câu trả lời đầy đủ: Tôi đã ăn cơm rồi.

Câu trả lời giản lược: Ăn cơm rồi. (Giản lược chủ ngữ)

Câu trả lời tối giản: Rồi. (Giản lược chủ ngữ và thành phần chính của vị ngữ)

Có thể giản lược chủ ngữ, giản lược vị ngữ, giản lược các thành phần chính chỉ cần giữ lại thành phần bổ nghĩa.

- Giản lược câu bằng cách sử dụng đại từ.

            Đại từ là từ loại dùng để chỉ sự vật, để xưng hô, thay thế cho danh từ, động từ, tính từ, số từ và cụm từ trong câu theo những hoàn cảnh cụ thể. Để giản lược, người ta thường dùng phép thế:

            Bộ mặt tinh thần của mấy thầy giáo, cô giáo trong “Sống mòn” thật buồn tẻ, thảm hại. Họ sống chen chúc trong một không khí tù đọng, bụi bặm, ấm mốc.” (Nguyễn Hoàng Khung)-  Đại từ họ thay thế cho các từ thầy giáo, cô giáo.

            “Không!...Anh chỉ là một người khổ sở!...Chính vì em mà anh khổ…Từ bảo thế.” (Nam Cao) - Đại từ thế thay thế cho một loạt câu, có thể thay thế cả đoạn, cả phần để tránh tình trạng lặp đi lặp lại rườm rà mà không có thêm thông tin gì mới.

2.2. Giản lược trong thơ ca.

            Do yêu cầu về tính hàm súc, ngôn từ thơ ca mang tính chọn lọc cao, ý nghĩa phải được nén trong một số câu chữ giới hạn để tạo sức lan tỏa mạnh, thơ ca đòi hỏi tính giản lược cao, vượt ra khỏi cách nói năng bình thường.

Anh có yêu thì anh nói rằng anh yêu, anh không yêu thì anh nói một điều cho xong- chỉ là cách nói thông tục, rành mạch nhưng ít biểu cảm. Loại bỏ các đại từ anh thì sẽ có một câu ca dao tuyệt vời: Có yêu thì nói rằng yêu/ Không yêu thì nói một điều cho xong.

(Ai) yêu là (người đó sẽ) chết trong lòng một ít vì mấy khi (mình) yêu mà chắc (chắn) được (người ta) yêu (lại đâu). Nếu giữ lại các từ trong ngoặc thì ta có một câu nói thông tục nhưng Xuân Diệu lược bỏ nó để tạo thành một câu thơ hay.

Ngôn ngữ thơ  phải gợi, ngôn từ hạn chế nhưng ý nghĩa phong phú. Giả Đảo đời nhà Đường có viết: “Nhị cú tam niên đắc/ Ngâm tràn song lệ lưu” (Tạm dịch: Ba năm chỉ được hai câu, Ngâm nga lã chã giọt châu khôn cầm). Làm thơ khó quá, cứ như phải vắt chữ, vắt cho nhỏ lại, bắt nó toát ra cái thần, toát ra linh hồn chữ nghĩa.

2.3. Giản lược trong châm ngôn, trong những lời đúc kết  giúp vào sự cô đúc, gọn lời, dễ ghi nhớ tạo ấn tượng, dễ khắc sâu (thường gắn kết tạo nên vần vè)

            Công, dung, ngôn, hạnh : tứ đức (đối với phụ nữ):

            Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín : ngũ thường

            Cần cù, tiết kiệm, liêm khiết, chính trực : cần, kiệm, liêm, chính.

            Phong trào dạy tốt, học tốt : phong trào hai tốt.

            Trong thời bao cấp, tài sản hiếm hoi, ai có được chiếc xe đạp, cái đồng hồ, cái radio là quý lắm. Thế là khái quát thành tiêu chuẩn 3Đ: đạp, đồng, đài.

3. Những vấn đề cần lưu ý khi giản lược.

Nhìn chung, giản lược trong ngôn  ngữ giao tiếp là một nhu cầu, theo những điều kiện và có những nguyên tắc nhất định. Giản lược ngôn từ không chỉ tạo ra sự tiết kiệm trong lời nói mà còn làm cho lời nói chặt chẽ sống động vì gắn liền với hoàn cảnh cụ thể.

Tuy vậy, cần lưu ý:

 - Trong quá trình vận dụng nếu quá lạm dụng sẽ gây ra phản cảm. Nhiều học sinh thay vì đọc 32“ba bình phương” thì đọc là “ba bình”, sinh viên học theo chế độ tín chỉ nếu thi chưa đạt 3 tín chỉ thì bảo là “thiếu ba chỉ”, nói năng kiểu tiếng lóng! Người ta cũng nói kiểu chập ba: xúc động đậy, tích cực khổ…Nói năng cà rỡn, lâu lâu pha trò một chút thì được chứ ăn nói bình thường đều đều kiểu này chắc có vấn đề về tâm thần. Ở bệnh viện nọ có  khoa Tâm thần kinh, nghe thôi đã muốn nhập viện! Thời bao cấp có chuyện Cửa hàng thịt Phụ nữ. Tên cửa hiệu thế này gây cười vì có thể hiểu là bán thịt phụ nữ hoặc làm thịt phụ nữ. Ghi tắt mới sinh chuyện chứ ghi hơi rườm: Cửa hàng thịt do Hội Phụ nữ phụ trách thì chẳng ai thắc mắc. Nói Thưa các thầy  thì được chứ nói Thưa các thầy cô giáo thì không ổn vì thầy  cô giáo là người dạy cô giáo chứ không phải là cô giáo.

- Nghiên cứu khi đặt tên cơ quan đơn vị : Tên không quá rườm rà, tránh dùng những từ nối vì khi nói  người ta sẽ nói tắt, lược bỏ một phần nhiều khi làm méo mó. Trước đây có một trường mang tên: Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Giáo viên Dân tộc và Vùng sâu tỉnh Hậu Giang (16 chữ, có lẽ là tên trường dài nhất Việt Nam), người ta chỉ gọi tắt là Trương Vùng sâu, nhiều người chế là Trường đào bồi sâu!

- Cần lưu ý là giản lược luôn gắn với hoàn cảnh nói năng  (ngữ cảnh) cụ thể, trong hội thoại nếu chỉ để ý mặt biểu niệm của lời nói mà quên đi mặt biểu thái của nó thì sẽ tạo ra  phản cảm. Rườm rà hay giản lược đều có khả năng biểu thái tốt nếu sử dụng đúng nơi đúng lúc và ngược lại.

Bạn thân tới nhà mình ăn cơm, nếu nói năng mời mọc kiểu cách rườm rà quá sẽ giảm đi sự thân tình, nói: A lê, xực! Thô cộc thế lại hay. Nhưng trong một lễ cưới có quan viên hai họ lại phải nói năng đưa đãi mới hợp chứ nói năng kiểu đó thì cũng hết nói hết biết và chắc là cũng hết ăn.

Thầy (vai lớn) hỏi trò (vai nhỏ): Em đã làm bài chưa?

Trò đáp: Em đã làm bài rồi. Câu trả lời trung tính, được chấp nhận.

Trò đáp: Làm bài rồi. Hoặc : Rồi. Câu trả lời giản lược đến mức tối giản, nghĩa rõ ràng nhưng mặt biểu thái gây phản ứng bất lợi, trả lời bạn thì được nhưng với thầy như vậy là vô lễ.

Trò đáp: Thưa thầy, em đã làm bài rồi ạ. Câu trả lời rườm rà hơn bình thường nhưng trong ngữ cảnh này lại phù hợp.

-  Một đoạn tả gà trong Quốc văn giáo khoa thư: “Ở nhà quê, nhà nào cũng nuôi một đàn gà năm bảy con. Trong một đàn gà như thế, ít ra cũng có một con gà trống”.  Thực là vừa rườm vừa khô, vô hồn chứ không phải sự giản lược về văn. Nhiều giáo viên thường than phiền học trò viết thiếu chất văn. Ở nhà trường hiện nay, khâu luyện văn cho học sinh ít được chú ý do dàn trải, qua loa. Thiết nghĩ cần trở lại đơn vị là câu văn để tập cho học sinh tiến hành các thao tác giản lược và mở rộng. Các thao tác này thuần thục là cơ sở cho học sinh hình thành câu văn để hành văn.

- Ông Thái Bạch trong Giai thoại văn chương Việt Nam kể chuyện cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa khi đọc bài thơ của một danh sĩ Trung Hoa: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân/ Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn/ Tá vấn tửu gia hà xứ thị / Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn”. (Tiết Thanh minh trời mưa phùn lất phất/ Người đi trên đường rét muốn đứt hồn/ Ướm hỏi nhà bán rượu ở đâu/ Em bé mục đồng chỉ ở thôn Hạnh Hoa), cụ chê rằng hai chữ đầu trong mỗi câu thơ đều thừa, rườm, cần gọt bỏ.  Cụ bảo cứ gì phải Thanh minh mới mưa lất phất (bỏ Thanh minh); hành nhân là người đi, đi thì phải đi trên đường, cần gì phải lộ thượng (bỏ Lộ thượng); hỏi chứ cần gì mà ướm hỏi (bỏ Tá vấn); hỏi ai chả được cần gì phải hỏi trẻ mục đồng (bỏ Mục đồng).   Bài thơ còn lại: Thời tiết vũ phân phân/ Hành nhân dục đoạn hồn/ Tửu gia hà xứ thị/ Dao chỉ Hạnh Hoa thôn. Nếu học theo lập luận của cụ mà đẽo tiếp thì chắc bài thơ nổi tiếng kia chỉ còn: Vũ phân phân/ Dục đoạn hồn/ Hà xứ thị/ Hạnh Hoa thôn. Ngôn ngữ bị cắt gọt đến vô hồn, bài thơ  giống như một cơ thể bị róc hết thịt, còn trơ bộ xương khô.

Đọc mẫu giai thoại trên làm ta liên tưởng đến truyện cười dân gian về cửa hàng bán cá. Người nọ mở hàng bán cá, treo tấm biển: Ở đây có bán cá tươi. Có người đi qua bình: Cá  tươi mới  đem bán chứ không tươi sao dám bán, mắc gì ghi chữ tươi vào. Chủ hàng nghe theo, xóa chữ tươi. Một người khác góp ý: Người ta tới đây, thấy đây chứ ở đâu nữa mà phải ghi Ở đây cho thừa. Chủ hàng nghe theo, bỏ luôn chữ Ở đây. Chưa hết, một người khác lại bảo: Bày ra bán không lẽ để cho người ta sao mà đề có bán. Chủ xóa luôn chữ có bán, còn độc một chữ cá, tin rằng không còn ai bắt bẻ nữa. Thế nhưng vẫn còn một người chê: Nhìn đủ biết, ngửi tanh rình, không lẽ sợ người ta nhầm với thịt heo sao mà còn ghi cá. Chủ thấy không ổn, xóa chữ , dẹp luôn tấm biển. Ngôn ngữ để diễn đạt, thế mà khoái đẽo, ham đục... bạo thiến  đến bay sạch ngôn ngữ, hết đường nói, câm coi bộ khỏe!

Nói chung, phải tính đến, phải cân nhắc ngữ cảnh để giản lược lời nói, phát huy được hiệu quả trong giao tiếp. Không cường điệu cũng như tránh né, thiếu quan tâm đến sự giản lược. Phải tính đến “độ giản lược”,  giản lược phải ở trong phạm vi độ, không quá độ, không vượt qua “điểm nút”. Chưa đến độ thì chưa đạt hiệu quả giản lược nhưng nếu quá độ, vượt “điểm nút” sẽ tạo ra phản tác dụng.

                                                           

                                                                                                            8/09





TÀI LIỆU THAM KHẢO



1.      Hương sắc trong vườn văn, Nguyễn Hiến Lê, Thanh Tân, Sài Gòn, 1971.

2.      Kiến thức tiếng Việt phổ thông, Đỗ Việt Hùng, Giáo Dục, Hà Nội, 1997.

3.      Luyện văn, Nguyễn Hiến Lê, Văn hóa Thông tin, 1993.

4.      Ngữ pháp tiếng Việt, Hoàng Văn Thung và Lê A, Trường ĐHSP Hà Nội, 1995.

5.      Sổ tay ngữ pháp tiếng Việt, Nguyễn Minh Thuyết và Tgk, Giáo Dục, Hà Nội, 1996.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét