TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet
ƠN (Hán Việt: Ân): Điều giúp mang lại lợi ích và sự tốt đẹp cho
người khác, xuất phát từ tấm lòng trong sang, không có ý đồ vụ lợi.
Một
loạt từ được hình thành từ chữ ơn: ơn
nghĩa, ơn đức, ơn phước, ơn huệ, ân nhân, ân sư, ân công (người có vị thế
trong xã hội giúp đỡ mình), ân giảm, ân
xá… Nên lưu ý: Ngoại trừ ân với
nghĩa ân huệ, ân phước… còn ân trong ân ái (yêu nhau), ân cần (đãi người chu
đáo, nhiệt tình) thì không đọc chệch thành ơn vì các tiếng ân này nghĩa khác.
Đi
với từ ơn cũng tạo ra một số hành động: làm ơn (thi ân), ban ơn, chịu ơn (hàm ân,
thọ ân). Cảm ơn là lời đáp tạ tối
thiểu khi thọ ơn,cao hơn thì biết ơn, ghi
ơn, mang ơn, đội ơn… và có hành động để
trả ơn (báo ân), đền ơn, tạ
ơn…
Ơn
đi với phước, được người khác làm ơn giúp đỡ tức là mình có phước, thêm được điều
tốt lành. Lắm khi người ta xem ơn phước có nguồn gốc thần thánh siêu hình nhập vào tâm thức tạo thành một thói quen nói
năng khi trò chuyện: ơn trời, ơn chúa,
ơn trên, ân đức tổ tiên (phúc ấm gia đình)…Con người không chỉ hàm ân xã
hội mà còn chịu ơn tự nhiên: “Ơn trời mưa
nắng phải thì- Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu” (Ca dao). Thời tiết thuận
hoà được xem như một ơn phước mà thiên
nhiên mang lại nhất là trong xã hội xưa, con người hoàn toàn phụ thuộc vào
thiên nhiên.
Sống
là có chịu ơn người khác, ai cũng vậy. Trước hết là ơn sinh thành, ơn dưỡng dục
xem là ơn trời biển. Kiều xem bán mình chuộc cha là một cách trả ơn cha, “Làm con trước phải đền ơn sinh thành” (Kiều), “Nhớ ơn chín chữ cao sâu- Một ngày một ngả bong dâu tà tà” (Kiều).
Trong xã hội phong kiến còn có chuyện chịu ơn
vua (ân tứ, ân trạch). Do quan niệm nước là của vua, thần dân đều phải chịu
ơn vua. Những người đỗ đạt thường được vua ban thưởng cho vinh quy bái tổ gọi
là ân tứ vinh quy. Vua ban
ơn mưa móc (ân vũ lộ), người thọ ơn sẵn sang hi sinh báo đáp, chưa được báo
đáp thì canh cánh bên lòng, tủi hổ: “Ơn
vua chưa chút đền công- Cúi trông thẹn đất ngửa trông thẹn trời” (Nguyễn
Khuyến).
Vùng
Tri Tôn, An Giang, năm 1876, ra đời đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chịu ảnh hưởng Phật
Giáo, do Ngô Lợi sáng lập. Ân được quan niệm gồm Tứ đại trọng ân: Đất, nước,
gió, lửa; Tứ trọng ân: ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân
loại.
Điển
tích Ơn Phiếu mẫu chỉ chuyện Hàn Tín
thuở hàn vi đói khổ được một bà già làm nghề giặt giũ cho bát cơm (bát cơm
Phiếu mẫu, tấm lòng Phiếu mẫu). Sau này Hàn Tín giúp Lưu Bang làm nên nghiệp lớn, được phong vương, nhớ ơn
xưa đã đem nghìn vàng đến tạ.
Chịu
ân sâu nặng thì phải tìm cách đền ơn đáp nghĩa,ơn đền nghĩa trả. Tôn giáo và
một số triết thuyết khuyên con người dùng
ân báo oán (dĩ ân báo oán), tha thứ buông bỏ hận thù. Còn trong cuộc sống
thường ngày người ta vẫn chủ trương ân
oán phân minh (rạch ròi). Trong Truyện Kiều, sau mười năm luân lạc, Kiều gặp
Từ Hải, dựa thế lực Từ để thực hiện việc
báo ân báo oán. Ai giúp một li cũng
không quên, ai ác với Kiều thì phải đền
tội kể cả tội chết.
Ơn
là một phạm trù đạo đức, một nghĩa cử trong quan hệ gia đình xã hội bình thường
nhưng cao cả và nhân bản. Người xưa thường dạy Thi ân bất cầu báo (Làm ơn há
để trông người trả ơn- Nguyễn Đình Chiểu), “Nếu bạn thi ân thì đừng nhớ
nó, nếu bạn thọ ân thì đừng quên nó” (Chu Tử). Thọ ân mà quên là kẻ vô ơn
bạc nghĩa, ăn xong quẹt mỏ. Còn thi ân mà đeo theo kể lể thì khác gì biến ơn
nghĩa thành món cho vay để lấy lời suốt
đời mãn kiếp người ta. Trong cuộc sống, khổ nhất là hàm ơn, càng tránh bớt cậy
nhờ, tránh bớt việc mang ơn người khác thì cuộc sống dù khó nhọc đi nữa vẫn
thanh thản tâm hồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét