.
BÚT NGUYÊN TỬ
Ảnh internet
Nói có gốc ngọn người ta
mới tin, chuyện heo mà quên tổ tiên nhà lợn là không phải phép. Lợn nhà vốn là
lợn rừng, con người bắt về nuôi dưỡng, thuần hóa, lai giống, là nguồn mỡ đạm quan
trọng xưa nay. Chỉ trừ dân đạo Hồi xem heo là con vật bẩn thỉu, ăn vào sẽ bị ô
uế và một số người kiêng thịt còn ngoài ra từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều
xực.
Truyện cổ kể rằng có hai
vợ chồng nhà nọ đói rách đến nổi không còn mảnh vải che thân, xấu hổ quá, chui
vào chuồng heo trốn. Chết đi, được Ngọc hoàng thương tình giao cho cai quản
giới gia súc gia cầm, được tôn thành ông Chuồng bà Chuồng. Nhiều người mê tín,
còn giữ lễ cúng chuồng.
Trong Tây du kí của Ngô Thừa Ân có kể chuyện
Thiên Bồng nguyên soái do ghẹo Hằng Nga mà bị Ngọc hoàng phạt đày xuống trần,
thác sinh từ máng lợn nên có mặt mũi giống heo, làm quỷ sứ một thời gian, được
Phật bà cảm hóa, sau này theo Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh đó là Trư Bát Giới.
Đắc đạo rồi nhưng chứng tham ăn tục uống, lười biếng vẫn còn, được Phật tổ cho
làm chức Tịnh Đàn sứ giả, thỏa sức hưởng đồ cúng.
Trong 12 giáp, lợn xếp
chót. Chưa có vua lợn nhưng trạng Lợn thì có. Truyện dân gian kể rằng Trạng
xuất thân từ lò mổ, một chữ lận lưng không có, chỉ rành coi xoáy bóp mông thọc
huyết lợn nhưng gặp thời cũng hô phong hoán vũ, vớ đâu trúng đó, làm gì được
nấy, sự nghiệp hanh thông, được vua biết tiếng chúa hay tên. Trạng Lợn hiếm
nhưng quan Lợn cỡ Huyện Trìa thì vô số. Xưa có tên nọ xuất thân buôn heo được
thời phóc lên quan, vô cùng tham ác. Dân chúng ghét nhưng không biết làm sao
chỉ tìm cách chơi chữ chửi nó. Mỗi lần quan tới, ai nấy đều hô: Quan lớn lại! Quan lớn lại! (Quan lái
lợn!)
Heo gắn với nông nghiệp, với người nông dân đã đành, riêng thời bao cấp nhà nhà (nhà riêng và cả cơ quan nhà nước) nuôi heo, người người nuôi heo, cán bộ nhân viên gắn với heo. Có chuyện ở khu tập thể nọ, phòng ông giáo sư ở trên lầu nuôi heo và gây ô nhiễm, góp ý không được cuối cùng phải mời công an tới lập biên bản. Biên bản ghi: Ông giáo sư…nuôi heo gây ô nhiễm môi trường. Ông giáo sư không chịu, yêu cầu ghi: Heo nuôi ông giáo sư…gây ô nhiễm môi trường. Bên nào cũng khăng khăng ý kiến mình là chính xác, không ai chịu ai, nguy cơ biên bản không thể lập được. Cuối cùng, hai bên nhất trí ghi: Ông giáo sư…và heo nuôi nhau gây ô nhiễm môi trường.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ như là ba bộ phận cấu thành nét đặc
trưng ngày tết của người Việt. Thịt heo
được đưa lên đầu, hành đi với mỡ vừa khắc chế vừa tương hợp, thêm câu đối đỏ,
thế thôi cũng đủ rung đùi có nhâm nhi ngâm ngợi, có cái ăn cũng có cái chữ, mộc
mạc mà văn hóa làm sao!
Một bài ca dao nói về
gia vị của các món thịt trong đó có thịt lợn: Con gà cục tác lá chanh- Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi- Con chó khóc
đứng khóc ngồi- Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng. Một loại thịt tương ứng có
một loại gia vị đã thành công thức thấm
sâu vào khẩu vị nhiều đời, tạo thành đặc trưng trong món ăn dân tộc. Có người
cho rằng đây là một bài ngụ ngôn về những kẻ dại dột: Chết đến nơi không biết
mà lo đòi này đòi nọ, nhắc nhở gợi ý cho
người ta làm thịt mình.
Hình ảnh heo còn gắn
với bao câu chuyện thấm đẫm ý vị nhân sinh. Giáp và Ất là bạn bè
thời để chỏm. Lớn lên, Giáp thành đạt làm đến chức này chức nọ chốn quan nha có
lính hầu gác. Ất chỉ là dân giả, nghĩ tình bạn, nhiều lần ghé thăm nhưng lính
hầu không cho gặp, khi bảo quan lớn đang nghỉ, khi bảo đi công cán. Nắm được
cái tỏng, lần nọ, Ất ra chợ đặt mua con heo quay và dĩa trầu đặt vào mâm đưa tới, nói với quân hầu rằng
có người bạn từ thời còn cởi truồng chạy
đi chơi xin vào gặp. Thấy "lễ", quan Giáp hối hả sai lính ra mời vào. Vừa thấy
quan Giáp, dân Ất kính cẩn lấy miếng trầu đút vào miệng con heo quay vái một
cái rồi khấn: Cảm ơn mày! Nhờ mày mà tao
có dịp ngó được mặt thằng bạn năm xưa. Cám ơn mày! Xong quày quả lui ra.
Chuyện khác. Có một
người mặc chiếc áo mới ra đứng ngả ba đường đặng phô diễn thời trang. Đang tha
thẩn tìm khán giả để khoe mô-đen thì gặp một bác nông dân đang sục sạo tìm kiếm, thấy người nọ, bác ta
hỏi trong hơi thở: Có thấy con lợn cưới
của tui sổng chuồng chạy ra đây không? Người nọ kéo kéo vạt áo đỏng đảnh: Nãy giờ tôi mặc cái áo mới may này nè, đắt tiền lắm đấy, ra đứng đây mà
không thấy con heo của bác đâu cả!
Trong việc dựng vợ gả
chồng, người mối dong thường được ăn đầu heo vì có công thay mặt ông Tơ bà
Nguyệt tác hợp lương duyên cho đôi trẻ. Trong lễ phản bái (3 ngày sau khi cưới,
chú rễ đưa lễ vật về nhà vợ để lạy cảm ơn), nay người ta thường lễ cặp vịt còn
xưa thì lễ đầu heo. Thường đầu phải đi với đuôi, cái đuôi đặt gác lên đầu. Nếu
cô dâu còn din xịn thì mâm lễ có đủ đuôi đầu, còn trước đó mà “màu hồ đã mất đi rồi” (Kiều) thì chú rễ sẽ tỏ thái độ bằng cách
chỉ đưa đến nhà vợ cái đầu không đuôi. Thành ngữ có đầu có đuôi chỉ sự hoàn hảo, trọn vẹn chắc có liên quan gì đến
chuyện này. Cũng có chuyện nhà gái hồi hôn vì chuyện heo cưới. Đằng trai không
biết cố ý hay vô tình mua con heo đi lễ
cưới nhà gái lại là con heo nái được thiến o lại, nhà gái phát hiện, cho rằng
nhà trai khinh thường, coi con gái mình là thứ nạ dòng nên từ hôn. Đấy nhé,
chọn heo cưới phải cẩn thận, mất vợ như chơi đấy!
Và đây là một tình
huống liên quan đến lắm thứ heo thể hiện qua một bài ca dao: Đang khi lửa tắt cơm sôi- Lợn kêu con khóc
chồng đòi tòm tem- Bây giờ lửa đã cháy lên- Lợn nằm con nín tòm tem thì tòm. Người phụ nữ đây gặp một loạt khó khăn dồn
tới: lửa tắt cơm sôi (rối thứ nhất)-
lơ mơ là sống nhão, hỏng cả nồi cơm; lợn kêu (rối thứ hai)- ai từng nuôi mới biết
cảnh lợn đó eng éc dậy chuồng; con khóc (rối
thứ ba)- trẻ khóc nhiều khi càng dỗ càng khóc, dọa đánh càng khóc thêm. Ba cái
khó đồng thời xuất hiện như dồn vợ vào chỗ bí, ông chồng chẳng những không giúp
tháo gỡ mà lại chồng thêm cho một cái khó nữa: đòi tòm tem (rối thứ tư). Hứng vô tội vạ, thả con lợn lòng sổng
chuồng hăng quậy vào cái lúc tình thế gay go, ác thật! Thế nhưng với người phụ
nữ đảm việc nhà thỏa việc chồng thì khó khăn nào mà chẳng tháo gỡ được. Bây giờ lửa đã cháy lên (tháo gỡ 1), lợn nằm (tháo gỡ 2), con nín (tháo gỡ 3); ba cái rối được
tháo gỡ thì cái rối thứ tư không còn khó khăn mà trở thành thuận lợi, được
người vợ thách thức chào mời, xem như nhất trí cao: tòm tem thì tòm! Từ chỗ bị động, người vợ đã giải quyết tình hình
và vùng lên làm chủ, sẵn sàng đương đầu, thách thức rõ ràng vừa đảm đang vừa
bản lĩnh. Ngạc nhiên chưa!
Ê-dốp, nhà ngụ ngôn bậc
thầy thời cổ đại Hi Lạp (thế kỉ 6 trước công nguyên) vốn là một nô lệ. Một hôm,
chủ sai ông đi mua món ngon nhất, ông mua về cái lưỡi heo. Chủ hỏi, ông đáp: Còn gì tốt bằng cái lưỡi vì nó là đầu mối
giao thiệp của xã hội, là chìa khóa mở các ngành khoa học, là cơ quan của chân
lí. Hôm sau, chủ sai đi mua món dở
nhất, ông lại mua cái lưỡi heo. Chủ ngạc
nhiên, ông giải thích: Trong đời không gì
xấu bằng cái lưỡi vì lưỡi là mẹ của sự cãi vả, là tổ việc kiện cáo, là gốc việc
binh đao tranh chấp, là đầu dây của sự vu oan giá họa, là nguồn cội của chuyện
đổ thành tan nước, là chỗ phát ra những lời đê mạt, độc ác. Người chủ
nghiệm ra: Tuy cùng cái lưỡi nhưng có người dùng làm việc tốt nhất, có kẻ dùng
làm việc xấu nhất. Dân gian cũng có
thành ngữ lưỡi không xương. Và vì
không xương nên cũng nhiều đường lắt léo.
20 tháng 7, 2018Facebook: Phung Le, Phuc Tran and 3 others
Trả lờiXóa10 tháng 2, 2019Nguyễn Thủy, Đinh Thị Thanh Điệp and 6 others-1 Share
Hy Vo Cụ lợn nhà ta đã đi vào văn học, vào phong tục tập quán, vào nghi lễ dân gian. Mà hay nhất có thời là cứu cánh của dân thành phố. Lợn được tôn vinh, có công nuôi dưỡng cả giáo sư nữa đấy. Thật lẫy lừng.
12 tháng 2, 2019Nga Lê Anh, Hiền Nguyễn and 3 other-2 Shares
Hiền Nguyễn Quan lớn lại!