MỤC LỤC BLOG

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

BUÔN (chữ nghĩa)


TIỂU HÙNG TINH
butnguyentu.blogspot.com
Ảnh internet

            BUÔN- từ Hán Việt là thương, vừa chỉ hoạt động mua bán vừa chỉ một hạng người trong tứ dân (sĩ, nông, công, thương (cổ)). Buôn bán còn gọi là thương mại (thương- buôn, mại- bán, khác với mãi- mua).
            Xã hội phong kiến coi trọng sĩ, nông, khinh thường  buôn bán vì  xem nghề buôn là giả trá (nói thách, ăn lời) nên gọi người trong giới này là con buôn, lái buôn. Tuy  vậy, ý thức làm giàu, quan niệm phi thương bất phú (không buôn bán thì không giàu) cũng xuất hiện khá sớm. Trong phong trào Duy Tân đầu thế kỉ 20, các nhà nho cũng tiếp cận thương mại, học cách đi buôn. Ngày nay, trong cơ chế thị trường càng không thể phủ nhận hoặc xem nhẹ vai trò lưu thông hàng hóa, thực hiện quy luật cung cầu. Cũng nực cười, người buôn bán lớn trước đây bị đánh cho tan tác, cải tạo cho te tua bây giờ được xem như con cưng, nâng lên gọi là nhà kinh doanh, nhà doanh nghiệp, có ngày  kỉ niệm đàng hoàng!

            Cơ sở sản xuất đồng thời là cơi sở buôn bán, sản xuất hàng hóa là để bán nên vấn đề  buôn bán ở đâu, cho ai phải được đặt ra trước khi bắt tay sản xuất bằng không, cứ thấy người ta sản xuất mình sản xuất kiểu phong trào, đến tắc đầu ra hàng hóa ế dồn, sập tiệm.
            Buôn có lớn có nhỏ, lớn thì buôn vạn bán nghìn, bán buôn (khác bán lẻ), buôn sỉ (giao hàng khối lượng lớn). Nhỏ thì buôn thúng bán bưng (mẹt). Bà Trần Tế Xương với đôi gánh “Quanh năm buôn bán ở mom sông” mà cũng “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Buôn xuôi bán ngược, cực khổ không thua gì nghế khác. Được thì buôn may bán đắt, rủi ro thì buôn thua bán lỗ, bán đổ bán tháo, xui rủi đi buôn gặp hồng thủy (lụt lớn trôi hàng hoặc không có khách mua, mua rồi cũng  không có trả vì thiên tai), sạt nghiệp.
            Đã nói buôn thì phải tính toán rành mạch sòng phẳng, ăn cho buôn so, phải làm sao có lời chứ mua quan tám bán quan tư có nước sạt vốn.  Trong nghề buôn từ xưa đã có kinh nghiệm liên kết hỗ trợ, buôn có bạn bán có phường, có luật chơi sòng phẳng để tránh tình trạng buôn tranh bán cướp. Trong buôn bán cũng không ít kẻ buôn gian bán lận, buôn nước bọt, không bỏ đồng vốn mà hưởng lợi. Nhà nước nào cũng có những lệ luật về buôn bán. Buôn hàng quốc cấm là phạm trọng tội, buôn trốn thuế tránh kiểm soát gọi là buôn lậu. Không chỉ buôn chui buôn lủi mà buôn lậu thời nay còn ngang nhiên, mua đứt chức sắc, buôn lậu nội địa còn cả buôn lậu xuyên quốc gia.
            Gốc từ buôn là để chỉ buôn hàng hóa thế nhưng trong đời sống  nó được biến nghĩa chỉ những hành động mánh khóe phi đạo lí. Nào buôn vua (như Lã Bất Vi đời Tần), buôn dân bán nước (chỉ bọn tay sai ngoại bang), buôn thịt bán người (chỉ bọn chủ nhà chứa), buôn hương bán phấn (gái làng chơi), buôn thần bán thánh (chỉ bọn gieo rắc mê tín để trục lợi). Thảy đều mang nghĩa xấu. Thôi thì đủ, cái gì đem lại lợi lộc đều có người buôn.
            Trở lại từ buôn với nghĩa gốc chân chính. Đây là nghề lấy lợi làm đầu (mục tiêu là ăn lời) nhưng coi trọng chữ tín, lấy chữ tín làm phương châm. Nó đòi hỏi sự khôn khéo, tính toán thực dụng (tính toán kiểu con buôn). Thương trường là chiến trường, không ai dại dột  tin rằng giới buôn bán là thật thà chất phác nhưng phải thừa nhận vai trò của họ  trong mọi mặt đời sống. Họ là cầu nối cực kì quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng. Nhịp điệu buôn bán là nhiệt kế đo nhịp sống và hoạt động của xã hội.
            Vấn đề cấp bách ngày nay trong việc hòa nhập với kinh tế thế giới là phải biết buôn biết bán, việc học buôn học bán phải được đặt ra một cách nghiêm túc và có văn hóa hơn bao giờ hết.
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét