TIỂU HÙNG TINH
butnguyentu.blogspot.com
NGHỀ (Tiếng Hán Việt là nghệ)- chỉ
việc chuyên làm ở mức thành thạo nhất
định (khác với tay ngang) đáp ứng các yêu cầu (tinh thần hoặc vật chất) cho xã
hội, theo sự phân công xã hội. Có những
việc làm mà xã hội này xem là nghề nhưng xã hội khác xem là tệ nạn như
mại dâm, bói toán, đồng bóng, buôn bán ma túy…
Nói nghề nghiệp hàm ý nghề gắn bó lâu dài với cuộc đời người nào đó.
Sinh nghề tử nghiệp, nghề nào nghiệp đó cho thấy nghề nghiệp quy định nếp sống,
suy nghĩ của người làm nghề. Trong xã hội có vô số nghề, nghề thợ- có, nghề
thầy- có, nghề làm ăn- có, nghề chơi- cũng có.
Từ xưa, người ta đã
lưu ý sự tôi luyện nghề nghiệp, Nhất nghệ
tinh nhất thân vinh, Một nghề thì sống đống nghề thì chết. Coi trọng nghề: Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay.
Nghề đây được hiểu là các nghề ngoài ngoài việc ruộng vườn. Nhiều nơi phân biệt
rõ làm ruộng và làm nghề, làng ruộng và làng nghề. Làm ruộng lo thất bát,
làm nghề thu nhập không nhiều nhưng đều đều từng ngày, chỉ lo ế ẩm. Ở nông thôn,
để tăng thu nhập, người nông dân cần có thêm nghề phụ vào buổi nông nhàn, mãn
vụ. Nhiều vùng có hẳn cả làng nghề thủ công như dệt, gốm thu hút nhiều lao
động, trở thành những làng giàu có.
Muốn có nghề phải tìm
thầy để học nghề, để được truyền nghề. Một thời gian tay nghề khá mới được ra
nghề rồi vào nghề (bắt đầu tự lực đi làm), hành nghề thành thục tinh xảo mới
gọi là lành nghề. Người làm nghề thủ công chuyên tạo ra những sản phẩm có
tính nghệ thuật được xem là nghệ nhân.
Nghề gia truyền là nghề nối từ đời ông
cha đến con cháu (Con cháu nối nghề cha ông gọi là con nhà nghề), thường giữ
những bí quyết riêng.
Nói nghề ngỗng hàm ý
phủ định hoặc mỉa mai nghề nghiệp. Không ai nói nghề ngỗng tôi là… mà chỉ nói
tôi không nghề ngỗng gì, nghề ngỗng không ra gì. Đôi khi người ta nhìn nghề
hoặc tự nói về nghề của mình một cách mỉa mai như nghề hạ bạc (nghề đánh cá
trên sông hồ), nghề cạo giấy (làm thư kí văn phòng), nghề bán cháo phổi (nghề
dạy học), nghề xỏ lá (nghề chằm tơi, chằm nón lá).
Các lĩnh vực ngoài sản
xuất cũng có gọi nghề như có võ nghệ thường được gọi là có nghề. Nghề võ
thường hay có chuyện trò đánh trả thầy để thử xem đã học hết nghề thầy
chưa, có khi để hạ bệ thầy (phản sư) do vậy
không bao giờ người thầy truyền hết cho đề đệ mà phải giữ miếng phòng
thân. Dân gian có chuyện mèo truyền nghề võ cho cọp, cọp tưởng đã học hết ngón
nên trở mặt làm phản. May mèo còn giữa lại thế leo trèo phòng thân không thì đã
vào bụng đứa học trò phản trắc.
Mánh lưới có khi cũng
gọi là nghề. Tú bà dạy Kiều mánh (thủ thuật) tiếp khách làng chơi “Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”.
Nghề chỉ thao tác , trình độ tới mức điêu luyện có tính nghệ thuật, xảo thuật
thì gọi là ngón nghề. Kiều có tài đánh
đàn “Trong như tiếng hạc bay qua, Đục như nước suối mới sa nửa vời”
làm lay động cả những trái tim sắt đá nhất thế nhưng vẫn khiêm tốn “Nàng rằng: Nghề mọn chuyên tay”.
Nghề chơi cũng lắm công phu!
Người ta thường nói Một nghề thì sống đống nghề thì chết,
biết nhiều nghề mà không tinh thông nghề nào cả thì khác gì tay ngang. Nay nghề này mai nghề khác, không kiên trì ổn
định thì khác gì người nước Trịnh. Anh
ta học nghề làm dù ba năm, trời hạn lại chuyển qua học nghề làm gầu ba năm lại
quay về nghề làm dù. Chiến tranh xảy ra, anh ta lại đi học nghề làm binh khí. Cứ
loay hoay học nghề thôi cũng đủ già đời.
Trong sự biến chuyển
khôn lường của xã hội hiện nay, với những nghề phổ thông hoặc những nghề không
còn thích hợp thì cần biết chuyển nghề, khư khư nghề cũ coi chừng đói.
Thợ là người làm nghề.
Thợ lành nghề càng đáng quý. Nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi phải tinh thông mới
đắc dụng. Nực cười cho xã hội ta ngày nay, hàng chục năm cứ than thừa thầy
thiếu thợ vẫn không sao giải quyết. Các thầy (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) có dư
không đổ đâu cho hết mà thợ bậc cao, thợ lành nghề lại hiếm. Cái tâm lí trọng
thầy dù là thầy dỏm hơn thợ dù là thợ giỏi đang ngự trị và làm cho xã hội ủ trệ lệch hướng.
Nhiều ông chức này chức nọ to đùng nhưng
hết nhiệm kì không tái bổ nhiệm lãnh đạo quản lí thì trở thành tay ngang hoàn
toàn, việc gì cũng không làm được, cho hưu thì chưa tới tuổi thôi đành bố trí
cho tiếp tục lãnh đạo. Tay ngang múa may, không biết làm thầy, gà mờ lãnh đạo
thì hết nói nữa rồi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét