MỤC LỤC BLOG

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

GIÀU (chữ nghĩa)




TIỂU HÙNG TINH
 Ảnh internet



            Giàu, giàu có trước hết gắn với ý nghĩa vật chất: nhiều tiền của hơn mức bình thường trong xã hội (trái với nghèo). Quá giàu thì gọi là giàu sụ. Giàu nổi thì phất lên, phô phang của cải  ra ngoài khác với giàu ngầm, nhiều tiền của nhưng che giấu kín đáo.  Giàu còn được sử dụng trong lĩnh vực tinh thần hàm  nghĩa phong phú: giàu tình nghĩa, giàu lòng nhân ái, giàu tri thức, giàu ý tưởng

            Còn bươn chải làm ăn thì còn mong muốn làm giàu, khi đã giàu rồi thì lại muốn giàu thêm, khát vọng làm giàu không có điểm dừng cũng là yếu tố kích thích xã hội phát triển.  Giàu nứt đố đổ vách của cải  không biết để đâu cho hết. Giàu như Thạch Sùng- Tích: Thạch Sùng đời Tấn bên Tàu giàu quá, chết tiếc của  nên cứ chặc lưỡi, hóa thành con thằn lằn (thạch sùng). Sinh ra trong gia đình giàu lại biết làm giàu, rõ là giàu từ trong trứng giàu ra.

            Giàu, tiếng Hán Việt là phú. Ta thường gặp trong  truyện cổ tích nhân vật phú ông  (ông nhà giàu- thường bóc lột, lừa phỉnh nông dân), phú nông (tầng lớp nông dân giàu có), phú thương (người buôn bán giàu có), trọc phú (từ mỉa mai những kẻ giàu có mà vô học), phú hộ (nhà giàu).

            Giàu có  thường do tích cóp, do biết đầu tư làm ăn: Giàu tham việc thất nghiệp tham ăn, Giàu hay mần bần hay ăn.  Kẻ chơi phá, lười biếng mà ham giàu là không tưởng vì Giàu đâu tới kẻ ngủ trưa, sang đâu tới kẻ say sưa tối ngày. Giàu thì sang, giàu-sang, của tiền tạo điều kiện vật chất cho mình hơn người, làm tăng uy thế và danh giá đối với mọi người xung quanh, giàu ở làng sang ở nước.  Giàu có nảy sinh nhu cầu văn hóa, phú quý sinh lễ nghĩa. Giàu cũng tạo ra hố cách biệt về giai tầng và nhân vị trong xã hội: Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.
            Thói đời bạc bẽo, giàu là họ khó người dưng, người ta thường đo cái túi để thể hiện quan hệ, thái độ đối với người khác. Cổ thi: Bần cư  náo thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm (Tạm dịch:  Giàu sang lắm kẻ đến nhà, Khó nghèo giữa chợ có ma nào nhìn).

            Nhiều kẻ làm giàu bất chấp đạo nghĩa, phú bất nhân, chữ phú đè chữ quý. Cũng không ít kẻ nghèo khó nhưng cứ làm bộ giàu, ba hoa giàu. Giàu có ba mươi tết mới hay- Tết nhất sắm sửa mới lộ tình cảnh thật ra.
            Ai cũng muốn làm giàu nhưng đâu phải ai cũng được như ý. Có người nghèo nhưng làm bộ bất cần giàu, tự thắng lợi tinh thần là giàu nghèo cũng vậy  thôi, Giàu ngày ba bữa khó cũng nổi lửa ba lần, ai cũng như ai. Cần có một thái độ tự lực cánh sinh giàu ăn khó nhịn mới là bản lĩnh. Đời người thịnh suy bất chừng Giàu đầu hôm khó sớm mai, Giàu giờ ngọ khó giờ mùi, do vậy chớ tự đắc, chớ dễ ngươi khi giàu có. Tuổi còn trẻ khoan vội tự đắc hoặc thất chí trước việc làm ăn, không ỷ lại cũng không an phận, Ai giàu ba họ ai khó ba đời.
            Giàu gắn với cá nhân, gia đình đồng thời liên quan mất thiết xã hội- dân giàu nước mạnh (dân phú quốc cường), nước giàu binh mạnh (quốc phú binh cường). Muốn làm giàu phải có bản lĩnh, to gan làm giàu. Những quan điểm cực đoan rằng dân vô sản nước mới giàu, trí phú địa hào bị đào bị trốc đẩy xã hội đến thiếu đói, nghèo đều (trong khi đó giới đầy tớ quyền chức lại giàu lên đột ngột) đã không còn đứng  vững phải thay bằng khẩu hiệu làm giàu chính đáng. Những người biết làm giàu chính đáng là những nhân vật tích cực  của xã hội, họ tạo ra nhiều của cải, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, làm bật dậy được những tiềm năng của xã hội, đóng góp tích cực cho việc xây dựng một xã hội thịnh vượng và phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét