butnguyentu.blogspot.com
Ảnh internet
1. Công Tôn Long người thời Chiến quốc,
sống vào khoảng 325-250 BC. Sách Công Tôn
Long tử còn truyền lại 6 thiên. Ngoài ra, tư tưởng của ông và các biện giả
khác được đề cập đến trong các tác phẩm của Huệ Thi và Trang tử. Trong thiên Thiên hạ của Nam Hoa kinh có đề cập đến 21 việc (21 tư
tưởng) và nhận định: “Huệ Thi cho thế là cách
nhìn rộng ở đời, mang ra mà hiểu bảo các biện giả. Các biện giả trong thiên hạ
cùng nhau lấy đó làm vui…Các biện giả đem những chuyện ấy đối đáp với Huệ Thi,
suốt đời không hết. Hoàn Đàm, Công Tôn Long cũng thuộc bọn biện giả, tô điểm
lòng người, thay đổi ý người, thắng được miệng người, không phục được lòng người…” (Dẫn theo 1, 458)
Rõ ràng Trang tử xem Công Tôn Long, Huệ Thi
và các biện giả khác là những kẻ ngụy biện, quỷ biện (biên luận quái đản), lung
lạc trí óc người khác, làm cho người khác khẩu phục nhưng tâm không phục. Thậm
chí có người còn xem các biện giả mà công Tôn Long là đại biểu là loại làm loạn
đời, dùng danh nhiễu loạn cái thực.
1.2. Huệ Thi và Công Tôn Long đều bị phê phán. Tuy vậy, hai ông có những chủ
trương tư tưởng khác nhau. Huệ Thi không coi trọng Danh, ông xuất phát từ Thực,
cho rằng thời gian dài ngắn, không gian to nhỏ đều tương đối, tính chất sự vật
là tương đối, có thể biến hóa. “Trứng có
lông” (noãn hữu mao- Trứng gà, trứng chim không có lông nhưng có thể nở
thành gà, thành chim có lông như vậy là
trứng có lông), “Đàn bà có râu” (nữ
hữu tu- Đàn bà không râu nhưng có thể sinh
đưa con trai có râu như vậy là đàn bà có râu). Vạn vật dưới trời vừa
giống vừa khác nhau đó chính là thuyết Hợp
đồng dị (bàn về cái giống nhau và cái khác nhau có thể kết hợp). Kết luận
logic của thuyết này là trời đất nhất thể, yêu thương tất cả.
1.3. Khác với Huệ Thi, Công Tôn Long không
chú trọng thực, ông bắt đầu từ Danh,
nhấn mạnh sự sai biệt giữa từ (hình thức diễn đạt của ngôn ngữ) và khái niệm
(hình thức tư duy). Đồn rằng, có lần ông cỡi ngựa qua ải, bi bắt nộp thuế ngựa,
ông la lớn: “Ngựa trắng không phải là
ngựa” (Bạch mã phi mã) rồi ung dung đi qua. Đề mục ngụy biện tiêu biểu nhất
của ông là Li kiên bạch (cứng và
trắng tách biệt): Đá hoa cương trắng nhìn thì không biết độ cứng mà chỉ biết
trắng, do vậy nó không cứng. Sờ thì biết nó cứng, không biết nó trắng, vậy là nó không trắng. Lập luận mang tính chất
duy tâm chủ quan, bám danh lìa thực, “làm loạn” cái thực.
2. Đồng thời với thuyết Bạch mã phi mã cũng có những tư tưởng
tương đồng: Cẩu (chó con chưa mọc lông)
không phải là khuyển (chó), giết cẩu không phải là giết khuyển. Kẻ trộm là
người. Nhiều kẻ trộm không phải là nhiều người. Yêu thương kẻ trộm không phải
là yêu thương người. Giết kẻ trộm không phải là giết người. Những tư tưởng này
có thể hiểu được khi tìm hiểu thuyết bạch mã phi mã.
2.1. Luận về sự đồng dị (giống và khác) thì
mọi dự đồng dị đều không tuyệt đối. Đứng về mặt tự tướng (Hình dáng riêng) thì
mọi sự khác nhau. Đứng về cộng tướng thì mọi sự giống nhau (cùng một thể). Như
vậy, sự vật vừa giống nhau vừa khác nhau.
Thiên
Bạch mã luận sách Công Tôn Long tử
viết: “Ngựa là dùng để chỉ cái hình.
Trắng dùng để gọi sắc. Tìm ngựa vàng ngựa đen đều có thể được. Tìm ngựa trắng
thì ngựa vàng ngựa đen không thể được. Ngựa vàng ngựa đen đều là một loài
ngựa, nhưng chỉ cung ứng việc có ngựa, không thể cung ứng việc có ngực trắng.
Thế thì ngựa trắng không phải là ngựa là rõ ràng lắm vậy. Con ngựa nếu không
chọn ở màu sắc thì ngựa vàng ngựa đen đều có thể ứng được. Ngựa trắng thì đã
chọn xong màu sắc; ngựa vàng ngựa đen đều bị loại bỏ vì khác màu. Cho nên chỉ
có ngựa trắng là có thể ứng được mà thôi” (Dẫn theo 1,468)
Như vậy Ngựa
trắng không phải là ngựa ở đây được hiểu theo tự tướng (màu sắc riêng, khai
thác sự dị biệt).
Quy
ước : N : ngựa, Nt : ngựa
trắng, Nv
; ngựa vàng, Nđ : ngựa đen.
Diễn đạt:
- Nt không
phải N vì N chỉ hình ngựa nói chung còn Nt chỉ sắc trắng của ngựa.
- Nt không phải là Nv
và Nđ. Nv và Nđ tuy có hình
chung với Nt nhưng khác sắc. Ở đây chỉ lưu ý sắc nên Nt
khác (không phải) Nv và Nđ.
- Ngựa đây được hiểu là ngựa (chỉ chung) và
các loài ngựa khác (không phải ngựa trắng) nên Công Tôn Long nói ngựa trắng
không phải là ngựa.
2.2. Ngày nay, dựa vào
Logic học hình thức, ta có thể thiết lập quan hệ giữa ngựa trắng (Nt)
và ngựa (N).
2.2.1. Xét về nội hàm:
- Ngựa
trắng (Nt): Nội hàm sâu, phong phú (ngoại diên hẹp).
- Ngựa
(N): nội hàm cạn, ít thuộc tính (ngoại diên rộng)
Thuộc tính sắc trắng
trong ngựa trắng không phải là thuộc tính chung của ngựa và không phải là thuộc
tính của các loài ngựa khác. Cái riêng của ngựa trắng là sắc trắng. Chính sắc
trắng là thuộc tính quyết định giúp phân
biệt ngựa trắng và ngựa khác đồng thời tách khái niệm ngựa trắng ra khỏi khái
niệm ngựa nói chung. Khi nói ngựa trắng tức là chú ý thuộc tính sắc trắng để phân
biệt.
2.2.2. Xét về ngoại diên hai khái niệm ngựa và ngựa trắng:
Diễn đạt:: Mọi ngựa trắng
đều là ngựa.
Một số
ngựa là ngựa trắng.
Một số
ngựa không phải là ngựa trắng.
Nói : Mọi loài ngựa đều là ngựa trắng
là một phán đoán sai. Cách diễn đạt Ngựa
trắng không phải là ngựa của Công Tôn Long không chính xác.
Xét ngoại diên ngựa trắng (Nt) vói các khái niệm ngựa vàng
(Nv) và ngựa đen (Nđ)
Đây là quan hệ giữa
các loại (espece) trong cùng một chủng (genere) còn gọi là quan hệ đồng thuộc
(ngang hàng). Có thể phát biểu: Ngựa trắng không phải là ngựa vàng,
không phải là ngựa đen. Rõ ràng cách diễn đạt Ngựa trắng không phải là ngựa là phi logic.
3. Nắm được khuynh
hướng tư tưởng của Công Tôn Long là trọng Danh
hơn Thực, nhấn mạnh mặt tự tướng hơn là cộng tướng của sự vật, dùng logic hình thức ta có thể nắm và phê
phán được thuyết Bạch mã phi mã và
những tư tưởng khác của ông.
Cách hiểu, nhận thức
của Công Tôn Long chỉ nhấn mạnh cái đặc trưng, nhấn mạnh đến mức tuyệt đối hóa
thuộc tính riêng biệt, tách lìa khỏi cái chung một cách cực đoan, chỉ nhấn mạnh
yếu tố nội hàm mà chưa xác lập được quan hệ giữa nội hàm và ngoại diên dẫn đến
ngụy biện.
Lối tư biện của Công
Tôn Long và các biện giả đương thời đã gạt bỏ sự tổng hợp kinh nghiệm cảm quan,
rơi vào quỷ biện. “Có điều, sự cố gắng
theo đuổi những khái niệm thuần túy trừu tượng của họ đã mở ra con đường đi vào
lĩnh vực siêu hình tượng của triết học Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển của
Logic học” (4, 43)
Thư mục:
1. Trung Quốc triết học sử, Hồ Thích, Khai trí,
SG, 1970.
2.
Chiến Quốc
sách, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, Trẻ, HCM, 1989.
3. Bách gia chư tử, Thảo Đường dịch, Hội
NCGDVH, HCM, 1991.
4. Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc, Lương
Duy Thứ dịch, VHTT, 1991
dù chỉ hiểu chút xíu nhưng rất cảm ơn tác giả
Trả lờiXóacảm ơn tác giả đã post bài. đọc loạn đầu với mấy ông biện giả này
Trả lờiXóa