MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

DẠI KHÔN đa sự chuyện (Phiếm luận)


BÚT NGUYÊN TỬ

                        Thế sự đua nhau nói dại khôn

                        Biết ai là dại biết ai khôn (Tú Xương).

            Đúng là khó phân định rạch ròi giữa khôn và dại. Vỗ ngực tự xưng mình khôn là dại, một hai cho mình dại biết đâu là khôn. Trong dại hàm chứa cái khôn, trong khôn đã sẵn mầm dại, nói theo kiểu triết học thì đây là hai phạm trù đối lập nhưng không tách rời.

            Những kẻ nên khôn đều có dại, làm người có dại mới nên khôn. Nếu khôn là đích phấn đấu thì dại là điều kiện, nói Thất bại là mẹ thành công (Phan Bội Châu) là cũng ý đó.

            Ai cũng có cái dại nhưng không ai dại gì ưa các dại cả, thậm chí Làm đầy tớ người khôn còn hơn làm thầy đứa dại nữa là. Dính vào đứa dại nhiều khi mũi dại lái chịu đòn, chết chìm theo nó. Coi chừng khôn ba năm dại một giờ, một chút dại có khi  phá sản một nhân cách, làm sụp đổ một sự nghiệp, có khi không vớt vát sửa chữa được bởi Dại rồi còn biết khôn làm sao đây (Kiều). Cái dại luôn rình rập, không cái dại nào giống cái dại nào, hãy cảnh giác với nó!

            Khôn làm bộ dại là thái độ kẻ cao cơ lõi đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn người đến chốn lao xao. Nói dzậy nhưng không phải dzậy, dại của ổng đấy là loại dại- khôn, dại của triết nhân. Ông cũng từng viết: Khôn ngoan mới biết thăng thì giáng, Dại dột nào hay tiểu có đài (đại)- Quy luật có lên thì có xuống, trong cái nhỏ có cái to, chỉ những người khôn ngoan (hiểu được lẽ vũ trụ) mới nhận ra được. Ông dại mà các tập đoàn phong kiến kình chống nhau nào Lê Trịnh, Nguyễn, Mạc đều xem như bậc sư phó, sống kiểu bề trên các thế lực sao?

            Còn dại của bọn tham quan là dại xạo, dại láo; Nguyễn Khuyến từng chỉ trích thói xỏ lá này: Ai rằng ông dại với ông điên, Ông dại sao ông biết lấy tiền (Tặng đốc học Hà Nam). Vơ vào cho lút mặt, đến khi ra tòa thì lu loa năng lực yếu kém, trình độ hạn chế- dại kiểu cha người ta không bằng!

            Riêng kẻ dại làm bộ khôn, ra vẻ khôn, ba hoa mình khôn, khôn kiểu dở khôn dở dại thì đúng là tai họa. Khôn cho người ta nhái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương tổ người ta ghét. Phủ định giá trị dại đã đành, đôi khi người ta còn phủ định luôn giá trị khôn để tìm một giá trị cao hơn hoặc thích ứng hơn: Khôn chết, dại chết, biết sống (Phan Bội Châu).

            Không ưa cái dại đã đành, lắm lúc cái khôn cũng bị phản kháng, bị chuyển hóa sang giá trị ngược lại: Dại nhà khôn chợ mới ngoan, Khôn nhà dại chợ  thế gian chê cười. Khôn nhà dại chợ là ngu. Cũng là một cách  khôn ngoan khi coi Dại bầy hơn khôn độc (Khôn độc không bằng ngốc đàn). Khôn mà ít người không bằng dại nhiều người, ý kiến một nhà khoa học đơn độc không hẳn có giá trị bằng ý kiến của đa số bình dân, nhiều cái tầm thường biết đâu là nên cái phi thường, số đông có thế mạnh, có cái “lí” của nó nhất là trong lĩnh vực xã hội nhân văn. Cái khôn bị căm ghét khi đồng hóa với sự ma mảnh, mánh lưới. Cái dại được trân trọng khi đồng hóa với thật thà đạo đức. Khôn làm lại (nha lại), dại ở chùa là thế!

            Trong xã hội xưa nay, trách nhiệm của bậc sinh thành bảo dưỡng đối với con cái là rất lớn: Con dại cái mang. Cái khôn dại cũng được chia sớt trong đại gia đình, có tác dụng bổ sung cho nhau. Người này thiếu sót có người khác bù đắp, người này sai quấy có người khác biết điều, hiểu lẽ phải, cha nó lú có chú nói khôn. Nếu phát huy rộng ra thì sẽ xây dựng được xã hội nhân hòa.

            Khi đồng tiền là tiên là phật là sức bật của tuổi trẻ là sức khỏe của tuổi già thì cái khôn, điều ai cũng thích cũng mơ lắm khi không đạt vì khôn như tiên không tiền cũng dại. Có tiền thì làm chủ này chủ khác còn hiểu biết , kiến thức cho đầy nhưng vốn liếng không có thì có nước nằm nhà nói dóc chơi, quá lắm cũng đi làm thuê cho người ta. Muốn khôn đâu có dễ!

            Trong việc văn chương cũng có bài học khôn dại: Khôn làm văn tế, dại làm văn bia. Làm văn tế đọc lên người ta nghe xong đem đốt còn bằng chứng đâu mà ở đó khen chê. Còn văn bia khắc vào đá lưu truyền hậu thế, dẫu đời trước có khen có cho qua thì đời sau cũng tra cũng xét. Nhiều kẻ làm văn làm thơ ca ngợi Lê nít  Sít tà  Mao ma Kim quỷ, bợ đỡ ông ni mụ nọ, in ấn rành rành, bây giờ các lão tanh bành thì giấu đâu cho khỏi thúi. Dùng thơ văn nịnh hót để vinh quang ai ngờ nó thành giá treo cổ mình, nhục thôi vạn kiếp!

            Phiếm bàn về khôn dại cũng là dại mồm dại miệng, luận dở mà luận dài hóa ra luận dại. Ngừng thôi!



1 nhận xét: