MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

Kí ức về CHA

TIỂU HÙNG TINH
ảnh: Bên mộ Cha tôi 

            Tôi lên ba tuổi thì cha mất. Là con út trong gia đình hẳn nhiên tôi được cha ôm ấp bồng bế cưng chiều lắm nhưng tiếc là tôi chưa đủ trí khôn, không lưu giữ được một chút kí ức sống động nào về cha mình. Những mảnh kí ức của tôi về cha chỉ chắp vá từ những mẫu kể ít ỏi của người thân.
            Cha mất năm 1954. Mẹ kể rằng năm đó thầy xem giò gà cúng đầu năm bói xấu lắm, khuyên hãy cẩn thận nhưng rồi sinh kế nên cha theo bác ruột tôi lên làng Linh Yên làm thợ mộc, bị  lính bảo an thời thuộc Pháp càn bắn, đạn lạc trúng mà chết. Anh tôi cũng kể rằng suốt ngày đó nghe tiếng súng nổ nóng ruột lắm, cứ chạy lên đứng đầu làng ngóng cha. Sau thấy bác tôi chạy trước sau đó là mấy người khiêng võng  vội tới xem thì bác tôi bảo: - Cha mi chết rồi!
            Người ta đưa cha tôi về nhà. Tới nơi thì nhiều người bảo  cha tôi chết xa nhà, cần kiêng cữ, nên dựng rạp bên ngoài mà làm đám nhưng anh tôi (lúc ấy khoảng 16 tuổi) kiên quyết bảo đưa cha tôi vô nhà. Chú tôi bảo hắn nói đúng đó. Thế là mọi người đưa cha tôi vào nhà khâm liệm. Nhà tôi có nuôi bầy vịt hơn chục con chuẩn bị cho anh tôi ra Bắc học, đến cha tôi chết nên cũng đem làm đám, kế hoạch đi học của anh tôi đành bỏ dở. Cha chết, mẹ còn trẻ trung phải góa bụa, anh chị em tôi côi cút.
            Bác tôi kể rằng lúc cha tôi chết, bác tôi cùng nhiều người ra bắt tên chỉ huy giải quyết vì lính của y bắn. Y chối phắt, bảo lính y không bắn, nếu biết thì hãy chỉ cái tên ấy ra, y sẽ bắn chết nó. Trước lí sự càn của kẻ mạnh, bác tôi  bất lực. Anh tôi thường than thở  rằng  chỉ còn vài tháng thôi là lập lại hòa bình mà cha  không qua được.
            Một người mợ bên ngoại có lần gặp tôi, xuýt xoa: - Con anh N đây mà! Lúc cha nó chết nó còn chút xíu, đầu đội cái mũ tang, không biết gì hết, chỉ đứng ôm cây chêng (*) vặn qua vặn lại thế mà giờ lớn thế này, tội nghiệp! Thực là một chút kí ức hiếm hoi quý báu trong ngày đau thương nhất của đời tôi.
            Gia đình tôi giữ được một tấm ảnh nhỏ xíu về cha nghe đâu anh tôi bóc ra trước khi liệm thẻ kiểm tra theo người chết. Hình cha mặc áo vải dù đen, đầu cạo trọc. Mẹ tôi bảo chụp lúc cha tôi mới ở tù ra. Trán cao, mặt vuông chữ điền, đôi mắt hơi nhỏ như là mắt một mí. Anh tôi cho họa hình lớn để thờ, ai xem cũng khen giống lắm. Trong chiến tranh di cư đến đâu chúng tôi cũng mang ảnh theo, đến năm 1972 không biết nghĩ sao lại đưa về quê thờ rồi nhà cháy, mất biệt. Tiếc là không chụp lại nhiều bản mà cất, tôi đã có ý nghĩ này nhưng không làm, đến bây giờ để mất ảnh hình cha mà ân hận mãi.
            Tôi chỉ hình dung giọng nói của cha mỗi khi mẹ tôi kể chuyện gánh gạo đi qua các làng gần biển mà bán trong thời buổi chiến tranh.  Cha tôi cản, bảo làm đâu phải ăn một mình mà chết… Những lần vậy, giọng mẹ tôi trùng xuống chậm lại như giọng đàn ông. Tôi nghĩ chắc giọng của cha tôi trầm, nói năng chậm rãi như chú tôi vậy.
            Bà nội mất rồi ông nội mất, gia sản đến mái nhà cũng không có, cha tôi bơ vơ đi ở thuê rồi học thợ mộc. Đến ngoài ba mươi tuổi, cậu tôi thương mới gọi gả em gái và cho ở rể. Phải một thời gian dài cha mẹ tôi tích cóp lắm mới mua được mảnh vườn dựng nhà, chú tôi cũng về ở chung và cưới vợ. Cha làm thợ mộc nên nghe đâu  dựng được ngôi nhà chắc chắn lắm. Anh tôi kể rằng cả nhà nấp hầm khi Tây càn qua và châm lửa đốt, một lúc, biết giặc đã đi xa, anh tôi định lên dập lửa nhưng cha tôi níu lại sợ anh tôi bị bắn. Thế là mặc cho cái nhà với bao mồ hôi nước mắt cháy rụi. Mảnh vườn cha tôi gầy dựng là nơi thế giới tuổi thơ tôi ươm mầm. Sau 75, gia đình anh em chúng tôi phải tha phương cầu thực nên  bán lại cho người khác. Tiếc lắm nhưng biết làm sao được.
            Ông dượng xa thường kể rằng tính cha tôi cương trực, phản ứng gay gắt trước những chuyện ngược ngạo. Bác tôi kể rằng thuở nhỏ cha tôi đi học thợ làng bên, gia đình nhà chủ đi đắp mộ họ phái, cha tôi cũng theo. Trong khi đắp mộ, không biết cha tôi vụng về thế nào đó, bị người trong họ kia đánh, cha tôi nằm lăn trên mộ bắt vạ. Họ không đắp mộ được mà phải kéo nhau về.  Anh tôi cũng thường tự hào rằng khi họp làng, mỗi lần có ý kiến, cha tôi tuy không được học hành  nhưng đều nói năng lí lẽ chặt chẽ. Nhà thiếu ăn phải vay lúa của nhà giàu trong làng. Sau năm 1945, Việt Minh đi loa trong thôn rằng cho phép dân chúng hoãn trả nợ nhưng cha bàn với mẹ tôi  rồi  đang đêm lén lút gánh lúa đem trả, đói cho sạch, đạo lí không cho phép  giật ngang của người ta được.
            Anh tôi cũng kể rằng thời chiến tranh, cha tôi có đào một cái hầm bí mật nơi nghè (khu thờ tự của làng). Khi Tây càn đến, cha tôi bồng chị tôi lúc đó mới tháng tuổi rồi kéo theo anh tôi trốn xuống hầm còn mẹ tôi  và người chị lớn chạy lạc sang hướng khác. Nào ngờ, Tây lại đóng quân ngay trên hầm bí mật của cha tôi suốt ba ngày. Ba ngày nhịn đói, chị tôi khát sữa, cha tôi chỉ nhỏ cho từng giọt nước vào miệng  nhưng không khóc. Âu cũng là phúc ấm kì lạ mà cả nhà thoát chết.
            Thím tôi kể rằng cha tôi rất thương chú tôi, anh em hạp tính nết. Có lần chú tôi bệnh nặng, cha tôi lấy cái bao tạ (bao bố, thời bấy giớ chưa có mền) trùm chân chú tôi lại cứ thế ôm giữ mà thức cả đêm, cứ sợ chú tôi bỏ đi. Cha tôi cũng rất thương Trung con chú tôi. Khi chú sinh được Trung, cha tôi mừng rối rít. Mỗi lần đi làm về, mẹ tôi để phần cơm, cha tôi thường ngoắt thằng Chó (tên lúc nhỏ của Trung) đến và sớt cho chén cơm. Thím tôi quý cha tôi lắm. Sau này anh em chúng tôi vào nam, thím còn dặn con trai út là Trực lập bát nhang để thờ Bác và Các O.
            Tôi mau nước mắt và hay tủi thân. Mỗi lần đi qua nhà bên, lúc thấy đứa bạn gãi lưng cho cha nó, thấy nhà ăn cơm xong, nó lấy tăm cho cha nó xỉa răng rồi bưng nước mời cha uống, chỉ  mong ước vậy thôi nhưng tôi làm sao có được. Nhiều lần chạy chơi trên đường, người lớn trong làng gặp thường xoa đầu bảo con chú N đây ư, tội nghiệp! Những lần như thế là tôi chạy ngay về nhà ngó lên bàn thờ rồi trốn vào góc khuất mà khóc tức tưởi. Nhớ thương cha quá!
            Cha mất sớm, con không biết mặt, bất hạnh nào lớn bằng!

1-    2016

1 nhận xét:

  1. May 8, 2018 Facebook: Huynh Hưu Lộc, Nguyễn Ngọc Phụng and 110 others- 3 Shares
    Vũ Đan Huyền Ai cũng thường hay viết về mẹ mà ít dám viết về cha nhất là những cây bút nam.
    Viết về cha mà sâu lắng đầy cảm xúc như thế này quả đáng trân trọng.
    Vũ Đan Huyền Lão đệ cứ vào tra thử trong guốc gô sẽ thấy tỷ lệ bài viết về cha và mẹ ngay thôi.
    Huỳnh Tú Ngọc Thầy ơi . Đọc bài viết của thầy con xúc động quá . Con chúc thầy cô luôn vui khỏe .
    Hồ Hạnh Đọc bài viết mà thấy bùi ngùi xúc động quá xin đc chia xẻ cùng với gd
    Nguyễn Ngọc Sơn Ai cũng có nhiều kỉ niệm đẹp và cũng nhiều kí ức ko vui.Biết làm sao được, vì ko ai quyết định được số phận của mình.Cuộc sống luôn ở phía trước, chúc bạn và gia đình luôn vui vẻ , an lành, hạnh phúc
    Hồng Phong Rất xúc động về tình cha.
    Có thể dựa vào kí ức nguòi thân và khuôn mặt . Họa sĩ có thể vẽ lại chân dung.
    Mai Ngoc Nguyen Ban co mot nguoi cha tuyet voi. Cam on bai viet cua ban.
    Trieu Hoang Bài viết thật cảm động...
    Nguyễn Viết An Hòa Chú mình ko có được những nét ấn tượng như thế do hoàn cảnh và tính cách khác. Song vẫn có nhiều kỷ niệm đẹp khó quên.
    Cám ơn bạn Tiểu Hùng Tinh quý mến.
    August 11, 2019
    Nguyễn Đình Mùi·
    Những nỗi đau thường có trong chiến tranh mà quê tôi là điển hình nơi hứng chịu bom đạn nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh đó.Nỗi mất mát đau thương đến nỗi sau mỗi lần kết thúc chiến tranh thì lại phải ngậm đắng để chia ly tìm cuộc sống mới.Nhưng :"không có nơi mô như ở quê mình/nên ai đi xa cũng hoài nỗi nhớ!"(Tạ Nghi Lễ).
    14-4-20 Nguyễn Thị Lợi, Pham Quang Sinh và 111 người khác3 lượt chia sẻ
    Tadeo Truong Tiểu huynh như rứa còn diễm phúc chán ...đệ đây mới năm ngày tuổi thì mẹ mất ( nghe bà nội nói bị sản hậu) 10 tuổi thì cha tử trận...thành ra đầu đội trời chân đạp đất mà tiến lên ..không có đôi cánh thiên thần nâng đỡ và bải trợ...
    Thế cũn qua một kiếp người dù nhiều song gió thử thách và nổ lực không ngừng...
    Khánh Nghệ An Xúc động
    Bác Huế Nỗi buồn chiến tranh. Thành thật chia sẻ và cầu mong tất cả sẽ bình an. Mất cha, nổi bất hạnh lớn.
    Hy Vo Xín sẻ chia cùng anh.Mặc dù còn nhỏ, nhưng ký ức của người cha vẫn hằn sâu trong tâm tưởng. Chắc chắn trong thế giới của ông, ông vẫn dõi theo từng khoảng khắc của những đứa con của mình. Một lần nữa xin chia sẻ cùng anh.
    Lich Hoang Xin chia xẻ mất mat cùng anh Hùng , chúc anh chị bình an !

    Trả lờiXóa