MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Kí ức LÀNG PHÚ

TIỂU HÙNG TINH (butnguyentu.blogspot.com)

Ảnh của tôi      Làng có tên Phú Liêu

Phú  là giàu còn Liêu người bảo là quan, người cho là đẹp, nghĩa nào cũng tốt, cũng sang. Người nơi khác thường gọi Phú Liêu là làng Phú.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, làng được hình thành thời Lê (khoảng đầu thế kỷ 16). Theo Ô Châu cận lục của Dương Văn An (1555), ban đầu làng có tên là Trúc Liêu, thuộc tổng An Cư, huyện Đăng Xương (Vũ Xương), phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (Bình Trị Thiên). Trúc là tre, Liêu là vắng vẻ, xa thẳm. Trúc Liêu là vùng quê xa vắng lắm tre. Dưới thời các chúa Nguyễn, trong khoảng 1555 đến 1777, làng được đổi tên thành Phú Liêu và  giữ nguyên tên đến nay.
Tiếng giàu nhưng chỉ là làng quê nghèo khó ở miền đất Triệu Phong, Quảng Trị,  hiền hòa dân dã, không anh tài nhân kiệt, chẳng tiếng tăm gì nổi trội, xa tỉnh lị nên cũng ít được biết đến.
            Từ Thành Cổ xuôi Ba Bến, rẽ dọc theo nhánh sông Vĩnh Định khoảng năm cây số là tới làng. Đông giáp Linh Yên, nam giáp An Hưng, tây giáp Bích La Đông và Vân Hòa, bắc giáp  Long Quang, làng có vị thế cận sông nước nên đất đai màu mỡ, dễ tiêu úng thoát ngập, thuận lợi nông nghiệp.
            Trước năm 1954, làng thuộc xã Triệu Thành, sau chuyển sang Triệu Tài. Nhánh sông Vĩnh Định chạy dài về Cửa Việt là sông đào, những năm đầu thế kỉ hai mươi, có khúc còn hẹp, nhiều chỗ rộng chỉ khoảng con sào, lụt lội tạo dòng chảy ngày càng lớn, lở bờ xé đất tạo thành sông bây giờ. Phần sông đầu làng nằm gọn vào đất làng, đất ở bên phía Vân Hòa nay cũng lở hết.  Nhiều người bảo rằng đào sông đã chặn long mạch, phần đầu về phía Bích La Đông, chỉ còn phần đuôi nên người làng dù tài năng giỏi giang nhưng ít ai thành đạt. Thuở trước làng  có nhiều người làm nên quan tướng cỡ lãnh binh, đô đốc, tổng đốc, tham tri nhưng về sau thì vắng. Trước đây, học chung với học trò Bích La Đông và An Hưng, bao giờ học trò Phú Liêu cũng giữ hết ngôi nhất nhì ba nhưng rồi ngang tiểu học là nghỉ, có vươn lắm cũng dừng ở mức trung học, tú tài…
Phải chăng chẳng phải đất quan đất giàu gì cả, đất làng chỉ nuôi những con người hiền hòa yêu thương đầy tình làng nghĩa xóm, nuôi những người dân tốt, được thế chẳng quý lắm sao. 
Ngay cả người làng cũng chê cách định vị trên dưới của mình. Gọi trên (côi) Linh Yên, dưới (đưới) Vân Hòa ứng với trên động (đôộng) dưới sông- ngắn tầm quá, sao không gọi trên Vân Hòa (phía tây là Trường Sơn) và dưới Linh Yên (xa tiếp là Biển Đông) ứng với trên núi dưới biển cho lớn tầm hơn.
           Theo Lịch sử xã Triệu Tài (không rõ sử liệu gốc), cư dân làng có gốc từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh trở vào, gồm bốn họ tộc (Trần, Nguyễn, Dương, Phan) vào  bằng đường biển. Thoạt đầu tiên, dừng chân ở bờ biển Vĩnh Huề (Xã Triệu Vân), sau đó cả bốn chư tộc quyết định chuyển về địa bàn Phú Liêu tạo dựng quê hương mới. Thời gian sau, ba họ (Trần, Dương và Phan) lại chuyển đi sinh sống ở vùng khác, cư dân phần lớn là họ Nguyễn sinh sống tại làng Phú Liêu đến tận ngày nay.  
          Thuở còn ở quê, chúng tôi băn khoăn chuyện làng không có lịch sử, có vị cao niên buồn rầu bảo rằng vì làng ít chữ. Rồi nghĩ tổ tiên cũng tha phương cầu thực, chân lấm tay bùn vật lộn với thiên tai, với cuộc sống, chữ nghĩa ít lại phải dùng văn tự Hán để ghi thì mấy ai đọc được, rồi gió mưa mối mọt hư hại, nên chỉ truyền miệng. Nhắc truyền đời này qua đời khác sinh ra lẫn lộn, mất mát, mỗi người nhớ một kiểu, suy theo cách khác nhau, không ai dám chắc một điều gì là chính xác nên không dám ghi lại, cứ thế thất truyền.  Những chuyện lưu lại nhuốm màu hư ảo huyền thoại, mâu thuẫn, khó làm căn cứ suy nghiệm.
           Làng Bích La có đình, làng An Hưng có đình, có miệu (miếu) riêng làng Phú ta có nghè lại có chùa. Nghè  là một loại đền miếu thờ thần thánh, có khi thờ thành thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc. Nghè, chùa là những công trình tâm linh văn hóa với những tập tục tín ngưỡng thiêng liêng, truyền thống đặc trưng của quê cha đất tổ đã in hình trong tâm khảm mà di dân mang theo trên bước đường Nam tiến. Nếu có điều kiện thực địa tra cứu thì vùng nào miền Bắc có nghè vừa có chùa cũng có khả năng tổ tiên ta xuất phát từ đó, đây có thể là một căn cứ tìm hiểu.
            Nghè làng thờ bốn vị tổ khai khẩn viết vuông vắn theo lối chữ triện. Từ ngoài vào, ở điện  phải thờ hai tổ họ Trần, Dương;  điện trái thờ hai tổ họ Nguyễn, Phan. Đọc và xếp thứ bậc theo tuần tự Trần, Nguyễn, Dương, Phan. Các vị thỉ tổ khai khẩn là Trần Trọng, Nguyễn Phục, Dương Phẩm, Phan Long. Hai câu đối hai bên ghi: Tứ gia công đức đồng thiên địa, Song miếu anh linh tự cổ kim (Bốn nhà công đức cùng trời đất, Hai miếu anh linh tự xưa nay). Cả ba họ Trần, Dương, Phan đều không có hậu duệ (hoặc chuyển đi nơi khác), chỉ còn họ Nguyễn phát triển. Họ Trần được xếp vị trí đầu có thể do là người đầu tiên lập làng cũng có thể do trong số người tạo lập làng đầu tiên thì người họ Trần giữ  chức vụ, tuổi tác, công lao hoặc có vị thế xã hội (chức sắc trong xã hội) cao nhất. Trước đây, có người làng họ Nguyễn Đình  nhưng khai sinh họ Trần  theo người bà con để ăn lương, khi gửi giấy về xin cấp ruộng (ăn ruộng), làng bảo không còn họ Trần, khai họ Trần hóa ra lớn hơn hết cả làng sao, rồi không cấp.
            Trong làng có các họ chính là Nguyễn Đức (thỉ tổ là ngài Nguyễn Đức Thưởng), Nguyễn Quang (thỉ tổ là ngài Nguyễn Quang Thiệu), Nguyễn Văn (thỉ tổ là ngài Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Đình (không rõ tên thỉ tổ) và Nguyễn Hữu (tách ra từ họ Nguyễn Quang). Những họ khác nhập vào làng về sau là Nguyễn Đăng, Phạm, Nghiêm, Trương, Nguyễn. Ngoại trừ họ Nguyễn Quang và Nguyễn Hữu thì các họ trong làng xem như không cùng tộc hệ huyết thống, là các họ biệt lập.
Tuy vậy cũng có giả thuyết rằng đây là những chi nhánh của họ Nguyễn, rồi tách ra ở một giai đoạn nào đó cho thuận tiện việc hôn thú nên trong nghè làng không thờ tất cả mà chỉ thờ có một họ Nguyễn (?). Tách họ là việc trọng đại, nếu có thì ít nhất cũng vài trăm năm sau khi người làng đông đúc, tại sao sự việc lớn lao vậy lại không để lại dấu tích hoặc truyền khẩu. Giả thuyết này không thể đứng vững.
Cũng có giả thuyết cho rằng những vị khai khẩn khai canh đều xuất thân từ đạo quân Nguyễn Hoàng, các tổ họ này có họ khác nhau nhưng lấy theo họ Nguyễn của chúa Nguyễn rồi gọi thành Nguyễn Đức, Nguyễn Quang…
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn dẫn trên thì làng được lập đời nhà Lê (đầu thế kỉ 16), điều này tương ứng với việc năm 1527, 14 hộ dân theo phó tướng triều Mạc Lê Mậu Doãn (Doãn Lộc hầu) thành lập làng Bích La. Bích La cận đất Phú Liêu, việc thành lập hai làng chỉ có thể sớm muộn cách nhau trong vòng 5-7 năm là cùng. Hơn nữa, Nguyễn Hoàng sinh năm 1525, phải đến 1558 vào Ái Tử, 1559 mới làm trấn thủ Thuận Hóa. Như vậy, khi Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa thì làng đã được khai khẩn hàng chục năm rồi.
Trong lịch sử có chuyện họ Lí bị nhà Trần bắt đổi thành họ Nguyễn, họ Mạc đổi thành Nguyễn để tránh truy bức. Khi Gia Long lên ngôi (1802), một số con cháu nhà Trịnh và phạm nhân sợ hại nên lén đổi thành họ Nguyễn chứ thời các chúa Nguyễn quân sĩ (giả thuyết xem là các vị tổ làng) bị bức bách nỗi gì đến mức phải đổi theo họ chủ tướng, lúc này cũng chưa có lệ ban quốc tính vì các chúa Nguyễn chưa làm vua. Hơn nữa, làng còn 3 họ khai khẩn khác là Trần, Dương, Phan, sao các họ ấy không đổi thành Nguyễn. Đổi họ không thể đơn giản tùy tiện. Ở đây lại có chuyện tréo ngoe tức vừa đổi theo họ Nguyễn vừa giữ họ khác (Đức, Quang, Văn, Đình) để có thể hôn thú. Nên nhớ, con nuôi không đổi họ thì thôi chứ đã đổi theo họ cha nuôi (vô họ) thì không thể lấy người cùng họ với cha nuôi vì  bị xem là loạn luân. Nếu đúng như giả thuyết trên thì phải có 7 họ khai khẩn sao làng  chỉ ghi 4 họ ?
             Gần đây, có ý kiến cho rằng  làng được chúa Nguyễn Hoàng ban cấp cho một Võ  quan hữu công Trần Trọng, vị này lập nên làng Phú Xuân. Họ Trần không có hậu duệ,  chúa Nguyễn Phúc Nguyên lại ban cấp cho một văn quan có công trạng là Nguyễn Phục và đổi tên làng thành Phú Liêu. Ngài Nguyễn Phục cho gọi thuộc cấp là các ngài Dương Phẩm và Phan Long vào tiếp tục khai canh.  Họ Dương và Phan qua đời không có hậu duệ, cụ Nguyễn Phục lại cho gọi các lưu dân khác tới canh tác. Vì đây là  đất chúa Nguyễn ban cấp nên các lưu dân được vinh hạnh mang họ Nguyễn, chỉ thêm chữ lót Đức, Quang, Văn., Đình để phân biệt. (xem Nguyễn Quang Duy, Làng phú Liêu qua tài liệu sách báo xưa và nay, 2018).
              Giả thuyết trên đặt ra một số vấn đề:
            - Như đã trình bày phần trên, làng đã có trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ, việc các  chúa Nguyễn ban cấp cho các họ Trần và Nguyễn chỉ diễn ra sau. Như vậy trước các họ Trần, Nguyễn, Dương, Phan đã có những họ khác tới mở làng khai khẩn, họ có còn được ở lại hay phải dời đi nơi khác, phải chăng người làng hôm nay không phải là con cháu của họ?
             - Việc các họ tới sau đều mang họ Nguyễn thế thì dòng họ Nguyễn của cụ Nguyễn Phục ở đâu, có phải là một trong bốn họ Nguyễn Đức, Nguyễn Quang, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình hay không có hậu duệ?
             - Theo phủ ý họ Nguyễn Đức, dòng họ Dương truyền được 4 đời, đến đới thứ 5 chỉ sinh được một gái lấy  chồng về họ Nguyễn Đức (ngài tiên tổ đời 5 tên Nguyễn Đức Đoàn). Họ Dương là ngoại tổ của con cháu họ Nguyễn Đức hiện được phụng thờ tại họ Nguyễn Đức (theo Nguyễn Đức Văn, Làng Phú Liêu trong dòng chảy lịch sử tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong, xã Triệu Tài, Làng Phú Liêu  qua tài liệu sách báo xưa và nay, 2018). Rõ ràng họ Dương truyền đến đời 4 thì lúc đó ngài Nguyễn Phục cũng không còn, việc ngài cho các lưu dân khác đến ở và đổi thành họ Nguyễn là không khả tín.
Chung lại, chỉ có thể thừa nhận các họ Nguyễn khác nhau nhưng khó có thể chấp nhận một cách giải thích nào, ẩn số không lời giải.
Muốn phục dựng lịch sử làng đầy đủ hơn ngoài việc truy lục lịch sử và dư địa chí Quảng Trị, cần phải truy tìm phủ ý các họ phái còn sót lại, tìm hiểu các bi kí, thực địa về nguồn (tìm về các làng ở miền Bắc có phong tục, văn hóa, họ tộc tương đồng) chứ không thể chỉ dựa vào truyền thuyết, đây là việc hết sức khó.
            Mỗi họ được làng cấp một khoảnh đất sát bờ rào để dùng vào việc cúng tế.
           Những năm 60,70 (tk 20) có người đặt tên con là Long, làng góp ý là trùng tên khai khẩn (Phan Long) nên phải đổi tên khác.
            Đặc biệt đất làng hẹp, ít người theo đạo Phật, ít chịu ảnh hưởng của Phật giáo trong lễ lạt ma chay nhưng vẫn có chùa. Đất vua chùa làng phong cảnh bụt như là nét văn hóa cổ truyền, nhất là thời Lý Trần, khi tư tưởng Phật giáo còn ngự trị. Lập làng  thì có lập chùa như chỗ hội tụ tâm linh, cúng nghè xong thì vào cúng chùa. Chùa làng thờ Phật, không phải thờ khai khẩn, khai khẩn được thờ ở nghè cùng với thành hoàng. Trước năm 1945 chùa vẫn còn, sau đó bị cháy không rõ nguyên nhân. Nghe đâu tượng Phật bằng trầm cháy thơm hàng tháng. Sau này trong chùa không thờ Phật nhưng vẫn duy trì tục cúng chay (xôi mè), có đàn  thờ âm hồn. Đến những năm 1964-65, làng đồng ý cho khuôn hội Phật giáo  xây chùa một bên, vừa xong phần nền thì chiến tranh nên mọi việc dừng lại.
            Tuy không có người đỗ đạt thật cao nhưng làng rất coi trọng việc học. Thời xưa, họ Nguyễn Văn có vị đỗ cử nhân xem như khai khoa cho làng, sau đó chắc các vị ở họ Nguyễn Đức và Nguyễn Quang cũng phải đổ từ cử nhân trở lên mới được làm quan đến tham tri, tuần phủ, lãnh binh. Họ Nguyễn Đăng cũng có người làm quan, nay còn mộ ông Đô (đô đốc, đô thống?) ở Cửa Chùa.
            Người thông thạo Hán tự trước đây có ông Nguyễn Văn Phê (Bộ Phê), giữ sổ bộ hộ tịch thời thuộc Pháp, thường giúp các họ tộc chi phái viết phủ ý. Hai ông Văn Phê và Văn Quỳ chuyên đảm trách việc tư văn (viết đọc văn tế, xướng lễ) cho làng trong những lần cúng tế.
Trước 1945, phải lên Tỉnh lên Sãi mới có chỗ học bậc sơ học yếu lược, tiểu học. Sau 1954, ông  Văn Yêm mở các lớp ghép từ lớp năm (1) đến lớp ba (3) cho học trò trong làng, học phí mỗi trò  từ 2-3- 4 đấu lúa tùy theo lớp nhỏ hay lớn (mỗi đấu 15 long  lúa). Lên lớp nhì (4) thì phải qua Bích La Đông học. Đến 1961, trường tiểu học An Phú (An Hưng và Phú Liêu) mới được mở. Lúc đầu chưa có cầu bắc qua rào, đi học rất xa, hỏi sao không đặt trường trong làng mình thì một vị cao niên bảo làng không có đất. Những năm 60 (tk 20), làng có lượng học sinh trung học cao nhất vùng.
Trung tâm làng lúc đầu ở xóm trên gần họ Đức, phần giáp Vân Hòa hoang vắng, nơi lắm mồ mả gọi là Nương Hoang,  sau khi có sông đào Vĩnh Định,  người ta xin làng khai phá lập nương vườn, lợi thế  nhị cận giang làm cho xóm dưới trù phú hẳn, trở thành ngõ chính thông lên xã, lên quận, lên tỉnh nhờ có bến sông và cầu rào Nguyễn Tri Kiệt. Nguyễn Tri Kiệt là tên ông quận trưởng thời VNCH. Sở dĩ cầu lấy tên  ông vì ông đã dùng số tiền quỹ chi dụng riêng mà chính phủ cấp để xây. Số tiền này thay vì bỏ túi, ông đã bỏ ra làm phúc lợi cho dân để lấy tiếng, một  nghĩa cử tốt đẹp.

Tuy đất ở lẫn với ruộng trưa nhưng có thể nói chưa làng nào ngay từ đầu được quy hoạch đường sá và vườn tược ngay ngắn như làng ta. Ngoài con đường giữa bẻ khúc gãy đoạn nay đã  được uốn thẳng còn đường quan đường đập rồi các đường kiệt đều thẳng thớm rộng rãi. Dân làng sinh hoạt lịch thiệp văn minh hơn hẳn các làng xung quanh, được trong xã, trong huyện coi trọng.  Nhà nhà đa phần quay mặt hướng nam, đường quan trở thành bộ mặt làng. Từ sau 1954, dọc đường quan đã dựng trụ đèn đêm đêm thắp sáng như hội hoa đăng. Thời bấy giờ làng cũng thành lập chợ sát bờ sông, tổ chức hát bội khai trương mấy buổi, vận động người trong làng đem hàng hóa ra bán nhưng rồi chợ không tồn tại được bao lâu, chỉ còn lại cái tên, chỗ đất cho mọi người tụ họp sinh hoạt vui chơi mà thôi.
Xóm Cồn Hàn vốn là vùng bãi bồi cát và phù sa từ dòng sông Vĩnh Định. Có người tiếc, bảo dân làng xưa xem trọng ruộng hơn vườn, thu nhập  chính từ ruộng, có hạt lúa là có tất cả nên xây đập chặn cát bồi để giữ ruộng chứ nếu để cho tự nhiên bồi đắp, đất cồn rộng ra, vườn tược nhiều hơn thì lợi biết mấy. Những năm 60 (tk 20) người  ra ở ngày càng đông, đất màu mỡ,  xóm càng trù phú.
So với các vùng quê khác thì làng phát triển nhanh  và mạnh hơn. Người làng siêng năng, tiết kiệm ăn uống, chú trọng chỗ ở nên từ những năm 60 (tk 20) đã có phong trào xây nhà. Trong khi các làng lân cận dân sống trong những căn nhà lụp xụp tồi tàn thì làng Phú trong vài năm hầu hết đã xây nhà tường táp-lô sạch sẽ khang trang. Nhưng rồi chiến tranh, tất cả thành bình địa.

Cánh đồng xưa
                                   
Xưa làng có nghể trồng dâu  nuôi tằm bật bông dệt vải, cuối những năm 30 (tk 20),  đã có những hội đoàn nghề nghiệp. Đoàn thợ mộc do ông Văn Ý, đoàn thợ may do ông Quang Phiên làm đoàn trưởng. Sau 1954, ngành nghề phát triển càng mạnh. Nữ chằm nón, nam làm thợ, thợ mộc thợ nề trong làng có  đến vài chục. Những năm 60 (tk 20) trong làng có đến ba rạp mộc, bốn năm tiệm may, vài tiệm tạp hóa, đã có thầu khoán chuyên nhận xây cất nhà cửa trong huyện trong tỉnh. Về kinh tế, có thể nói dân làng  nhanh nhạy thích ứng, tuy vậy quan niệm dĩ nông vi bản hằn sâu nên dù làm ngành nghề gì cũng không rời xa thửa ruộng.

Làng có nhiều địa danh chứng tỏ dù là đất Chiêm Thành nhưng còn rất hoang sơ, phải đến tổ tiên chúng ta vào mới được khai phá, nào Nương Hoang, Cồn Giàng, Cồn Đờng, Cồn Ràn, Cồn Hoang, Ba Lùm, Lườn, Hác…
Cánh đồng nhỏ chỉ trên năm chục hecta nhưng có hàng trăm thửa ruộng cong quẹo mấp mô khác nhau, mỗi thửa có một tên nửa Nôm nửa Hán kèm vị trí (cận, liên, tả, hữu, thượng, hạ) riêng. Không đồ bản, không đánh số thửa, người làng phải tự hình dung ra, nhớ tên và ước lượng diện tích từng thửa, chẳng khác gì đánh đố. Trước đây, ông Đình Tích là người nhớ giỏi nhất từng thửa cụ thể. Ruộng  làng chủ yếu là ruộng công, ruộng tư chỉ chiếm phần nhỏ. Cứ ba năm phân cấp một lần (gọi là bắt ruộng) cho người làng (dù ở làng hay ở bất cứ nơi đâu) từ 18 tuổi trở lên. Mỗi lần vậy, người ta tiến hành lập thăm theo gia đình rồi gắp thăm kèm theo tên phần các thửa ruộng được phân. Con dân làng dù sống nơi đâu nếu còn giữ mối liên hệ đều được chia ruộng, ý rằng ruộng đất tổ tiên để lại thì con cháu  hưởng, làng không quên một ai, thâm tình này càng thêm gắn bó người ở xa với quê cha đất tổ.

Trước 1945, đói kém phải vay mượn nên đa phần dân làng đem ruộng cầm cố cho địa chủ rồi  xin làm thuê trở lại, tình cảnh vô cùng bi đát. Trong trận đói năm 1945, nhà nhà phải hồ cháo cầm hơi, đến gốc chuối cũng không còn mà ăn, có người chết đói. Sau cách mạng tháng Tám- 1945, địa chủ  trả lại, ruộng làng lại thuộc về dân.
Trước năm 1959, ruộng chủ yếu làm một vụ mùa, muốn làm vụ trái phải có ruộng gần rào ngoài, phải dùng xe đạp nước lên để cấy hái. Sau đó thì làng mua máy nước, máy hơi nước chạy bằng than, tiếng kêu rầm trời, một đặt ở Cồn Hàn tưới cho nửa cánh đồng ngoài, một đặt trong  làng chạy nước theo mương đàng đập tưới cho nửa cánh đồng trong. Nhờ vậy mà đồng làm hai vụ, chủ động làm vụ trái, cuộc sống no đủ hơn. Nhớ làm sao lúa vụ trái nấu nồi cơm mới.  
            Quê có hai mùa lúa, mùa mùa và mùa trái.  Mùa mùa tháng ba, mùa trái tháng tám âm lịch. Làm mùa tháng ba phải cày rấm cấy đông gặt cuối xuân, làm mùa tháng tám phải  cày ải cuốc ải, “Cấy đồng còn buổi đang trưa- Mồ hôi thấm thoát như mưa ruộng cày” rồi gặt hái vào mùa mưa lũ.
            Gọi là mùa trái vì trước kia, vào mùa hè,  chỉ những vạt ruộng gần sông hói mới có thể tát hoặc dùng xe đạp nước lên để tưới được. Phải đến đầu những năm 60, có máy bơm thì làm được cả đồng. Sau này mới cấy lúa thần nông cho năng suất cao chứ trước đó cấy lúa trái- lúa mới, giống lúa địa phương tuy năng suất thấp nhưng thơm ngon lạ lùng.
            Lúa gặt về, đạp sảy xay giã sàng dần, lùa ra những hạt lúa trái đỏ mọng. Mùa lúa mới cũng là mùa cá đồng sau lũ. Trước hết phải  làm một mâm cúng cơm mới tạ ơn trên, cầu cho được mùa, no đủ. Cơm gạo đỏ tỏa hương ngọt ngào, thơm lựng. Cá rô kho béo ngậy, cá lóc nấu canh khế ngọt thịt, cá trê kho lá gừng săn chắc lại… Rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm mới ấm cúng, ngon chi ngon lạ!
            Cũng từng vào nơi sang trọng, thưởng thức cao lương mĩ vị, nếm món tàu món tây nhưng rồi quên, chỉ có cơm gạo mới  quê mình thì dù  cách bao năm, đến phương trời nào cũng vẫn như in trong tâm tưởng. Hương vị, khung cảnh và tình quê thấm thía ngọt ngào đến rưng rưng.
                                                                (Tản văn CƠM GẠO MỚI của Bút Nguyên Tử- 1-2005)
 
Mấy chục năm biền biệt xa quê, về lại, cánh đồng lúa bây giờ mượt mà hơn, năng suất cao hơn nhưng chỉ có lúa. Cánh đồng tuổi thơ của chúng tôi không chỉ có lúa mà có cá, có chim, có đàn trâu ăn cỏ. Những mùa nắng cháy khô khốc mọi người vẫn ra đồng cuốc ải, những khi trời lụt trắng đồng vẫn lắm người đi cất rớ đơm chim, nắng ải mưa rấm cày bừa rộn rã rồi cấy rồi gặt hái gánh gồng bề bộn không kịp thở. Tuổi thơ chúng tôi sớm lăn lóc trên cánh đồng để mót lúa, mò đam bắt cá, bắt nhái  nuôi vịt, có chút rỗi rảnh nào đó thì đi tìm tổ chim. Mà sao đồng nhiều chim thế, mùa lụt cò triếc le le bay về kín cồn bãi, mùa gặt cà lơi chiền chiện chao liệng đua hót, một thế giới đầy chim. Đánh vật với đất ruộng để sinh nhai, đồng làng vất vả nhưng xiết đỗi nên thơ, và rồi yêu mến thiết tha từ tấm bé.

Cây làng

Làng hẹp vườn hẹp, lụt ngập nên hiếm nhà trồng cây ăn trái, cây lưu niên chủ yếu là tre gai, nhà nào cũng có ít nhất một bờ để chắn gió, lấy cây làm nhà. Vườn chùa xưa nghe đâu là cả một rừng cổ thụ rồi bị đốn hạ. Quan tham tri người họ Đức  là cố Vĩ khi về thăm  đã kêu lên rằng đại thụ bị đốn thì dân làng  vươn lên sao nổi rồi bưng mặt khóc mà đi.  Làng chỉ còn một cây bồ đề to lớn nhất vùng nhưng rồi  bị xói gốc, giông gió làm đổ sập. 


Đúng là cây bồ đề làng tôi ở vào chỗ đắc địa. Nó như bình phong án ngữ làm lệch dòng sông Vĩnh. Cứ  theo con đường cái dọc bờ, từ xa  mà ngắm mới thấy hết vẻ độc đáo. Trôi một dòng xanh xa dần rồi chuyển màu vun lên thành tán nấm lớn sậm thẩm giữa bầu trời nhạt vương mây trắng. Chợ về, đường xa gánh gồng kĩu kịt, cứ nhắm hướng cây mà tới, cây đâu làng đấy. Cây to dần, rõ dần, đến khi nghe  tiếng xào xạc, ngửng lên thì cây đã trùm mát rượi, đến làng rồi. Nghỉ một chút, thở phào nhẹ nhỏm. Cứ thế, bước chân lên tỉnh lại nhớ về làng.
Nó là cây đại kiểng đơn độc nổi lên thành đụn táng tầng xanh om. Không biết còn ở đâu có cây to đến thế. Từng lớp cành nhánh chồng chéo vặn bọc lấy nhau  thành sóng, cuộn thành hốc chứa không biết bao nhiêu điều huyên bí. Mỗi lườn nhánh, mỗi dạng rễ tạo thành riêng  một thế như núi đồi, như sông rạch, như rắn rồng… Hiển hiện mà u ảo, lan dần rồi găm vào lòng đất chiếm chặt một vùng.
Cây huyền thoại cổ kính mà sung mãn. Cành mập sức tràn, đám lá xanh thẩm to dày hình trái tim mọng nhựa sữa. Cây bồ đề không dung các loài chim nhỏ, tiếng xáo xác rào rào của nó lũ chim sợ. Chim sâu chim sẻ dẫu cả bầy vẫn không dám lại, chỉ dám đậu ở bụi tre, nóc nhà xung quanh líu ríu dòm vào. Nhưng với loài bọ rầy thì khác. Vào những ngày hè, khi bóng chiều đổ xuống, không biết từ đâu cả hàng vạn con túa về bay đeo ngập các tán tạo thành âm thanh, tạo thành tiếng gió, rộn ràng một thế giới cây. Chúng vù lượn va đập cả vào người đi qua để tìm chỗ trú đêm. Bọn trẻ chúng tôi tha hồ cầm sào vợt quơ bắt. Mỗi đứa mỗi bọc rầy kêu lào xào, vui biết mấy!
            Rồi cứ hàng năm, vào cuối đông, bồ đề thay lá. Lá bay tứ tán, cuốn xa đến tận cuối làng. Rồi những nhánh cành lại nhú mầm đậu trái, những que trái nhỏ non màu xanh rồi già nâu lại, có vị chan chát ngầy ngậy. Rồi từng đôi chim lạ  đủ màu bay về, người bảo là chim phượng hoàng, người cho là chim trĩ. Chim có đuôi dài lúng liếng sặc sỡ, mào đỏ nổi như vương miện, sải cánh lớn oai phong. Chim thường bay vờn mấy vòng, cất tiếng hót rồi đậu tít trên cao, lẫn vào tầng lá. Người làng thường túm tụm xa xa chỉ trỏ bàn tán. Có người hiếu kì lén lẻn tới gần, nép vào gốc cây tìm ngắm. Và rồi chuyện chim phượng truyền ra, người kể người nghe háo hức lạ lùng. Ai cũng tự hào làng mình sang, đất làng lành nên cây xanh chim quý đậu. Và cứ thế hàng năm, đến mùa cây đậu quả, lại mong chim về ăn trái.
                                                 (Trích từ truyện CÂY LÀNG  của Bút Nguyên Tử, 1994)

Chỉ còn dòng sông tâm ảnh

Thăm quê sau mấy chục năm, vừa gặp, Văn Thụ đã hỏi:  Về làng có thấy mất gì không? Tôi còn ngần ngừ thì anh chua chát: Mất sông!
Và thực, sông Vĩnh Định xưa còn đâu, người ta ngăn đập thủy lợi làm kiệt dòng chảy. Con sông xanh trong xưa giờ tù đọng với bèo lục bình và rác thải. Bến đò đầu làng nơi đông vui như hội giờ  cây cối  rậm rì bít chặt lối, hoang vắng lạnh lùng. Không những sông mà con rào trước con rào sau bèo lác bít bùng đục bẩn, thê lương! Chết con sông quê, ai ngờ! Và bến và thuyền và con đò xưa đâu nữa, chỉ còn trong tôi dòng sông kí ức.

            Xuyến xao kỉ niệm, tôi nhớ về dòng sông.
            Dòng sông xanh lượn qua làng quê. Quê nghèo nhưng cuộc sống thong thả, rảnh rổi, chiều về người lớn thường tụ tập trên bến hóng mát. Biết bao chuyện đời, biết bao cảnh ngộ, buồn vui tâm sự được giải bày bên dòng sông. Và bọn trẻ chúng tôi cũng lớn lên cùng sông nước.
            Dòng trong, nước ngọt. Không biết tự bao giờ, câu ca dao đã len nhập vào tâm khảm mọi người: Sông Phú Liêu vừa trong vừa mát, Đường Phú Liêu trải cát dễ đi. Thật vậy, ào xuống nước, bọn trẻ tha hồ tung tóe, khoát tát vào nhau, quậy trắng một vùng sông xanh rồi đua nhau bơi ra giữa dòng bụm lên ngụm từng ngụm nước mát cho no bụng. Nước sông ngọt thanh đâu có nhạt thếch như nước giếng. Rồi đua nhau lặn, bơi sấp bơi ngửa, bơi đuổi nhau, bọn trẻ chúng tôi chẳng khác gì  một đội quân Yết Kiêu tung hoành trên sông nước.
            Dòng sông trở nên âm u lúc đêm về. Không đâu có sự yên tĩnh lạnh lùng như thế. Không gian thẫm đen lại, những quầng sáng yếu ớt lấp lánh theo từng đợt sóng nhấp nhô, lớp mù sương phủ bạc càng làm cho dòng sông huyền ảo, cô tịch. Thoảng trong đêm khuya có tiếng vọng xa như tiếng gọi đò chới với. Cả không gian mịt lại, dòng sông càng thêm hoang vắng lạnh lùng như đang chuyển dịch về thế giới u linh.
            Tháng bảy nước nhảy lên bờ, dòng sông hiền hòa bỗng thành dữ dội. Nước sông chuyển màu đục ngầu, dẫy tràn lên, chảy xiết. Nước réo rít cuốn dập mọi thứ bọt bèo rều rác. Các luồng nước lấn xé, chồm lên nhau, bị áp vào bờ, nước tức réo lên, xoi táp soàm soạp, quật giật những mảng đất lớn cuốn phăng vào dòng xiết. Những con nước hùng hổ đuổi nhau chạy về biển đông.
            Cơn thịnh nộ đi qua, sông lại hiền hòa. Sông êm ả cuốn mọi người, nâng đỡ tuổi thơ, làm dịu mát bao cuộc đời. Bao đổi thay “Sông xưa giờ đã nên đồng” (Tú Xương) và rồi qua biết mấy dòng sông nhưng hỏi  ai quên được sông xưa- dòng sông tâm ảnh. 
                                                    (Dòng sông tâm ảnh, tản văn của BÚT NGUYÊN TỬ- 2004)

Tha phương

            Trước năm 1945, nhiều người làng đỗ đạt làm quan đưa gia đình bà con theo ở rồi lập nghiệp ở Huế và nhiều nơi khác. Sau 1945, nhất là sau hiệp định Genève, nhiều người làng tập kết ra Bắc, hòa bình thống nhất có người trở lại có người không.  Khoảng năm 1960, môt số gia đình khó khăn đi theo chính sách dinh điền, đến 1973, theo chính sách vận động tản cư, lại thêm một số gia đình  cũng vào Nam Trung bộ sinh sống. Và nhất là sau 1975, một số  gia đình đi kinh tế mới, lập làng mới Tân Tài ở Hướng Hóa, nhiều gia đình tự túc vào Nam. Đất hẹp người đông, gian nan khốn khó, nhiều người làm một cuộc Nam tiến tìm  nơi ở mới cho cuộc sống dễ thở hơn. Con dân làng rải khắp từ Đà Nẵng vào đến Đông và Tây Nam bộ, định cư cả ở nước ngoài.  Những người ra đi, một số thành đạt, ổn định, một số khó khăn thậm chí còn thiếu thốn gian khổ hơn thời ở quê nhà. Vật vã mưu sinh, gieo neo cuộc sống, khát khao mong mỏi lắm nhưng đôi khi có người cả đời cũng không sao về thăm được làng xưa.
            Nhưng rồi đi đâu, ở đâu họ vẫn là người Phú Liêu.
            Người xa quê ai cũng sợ hai tiếng li hương bởi dẫu xa biệt hàng chục năm lòng vẫn không phút rời làng, trong tâm khảm chưa lúc nào nguôi nỗi nhớ. Những đêm trằn trọc, những ngày bơ thờ, nhất là  những lúc  chiều buông, hướng về góc trời thăm thẳm mà nói như kiểu người xưa rằng dưới đám mây trắng mờ mịt xa xăm kia là làng ta đó.
            Tôi yêu quê tôi vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi quây quần mọi người tôi thương, nơi thờ phượng tổ tiên tôi. Bài học quê hương trong sách giáo khoa lớp Tư (lớp 2) ngày đó sẽ mãi theo tôi trong suốt cuộc đời, xin lấy làm kết cho những dòng kí ức.


 Sài Gòn, tháng 5- 2017- nhân họp mặt đồng hương Phú Liêu

(Cảm ơn ông Quang Duy (Phú Liêu) đã cung cấp thêm một số dữ liệu bổ sung)

2 nhận xét:

  1. 22 tháng 5, 2017Facebook- Binh Nguyenvan, ThanhNhan Nguyen and 23 others3 shares
    TrieuChau Nguyen VÀ cuối cùng Phú Phú Liêu nơi sinh ra của những ngươi con vừa giỏi lại vừa tài, quả k sai với ý nghĩá Phú tức giàu có, còn Liêu tức lạc quan, đúng k Ông, hì.
    Tiểu Hùng Tinh Mong là vậy.
    TrieuChau Nguyen DẠ, phải chắc chắn đc vậy Ông à, vì thế hệ sau sẽ còn tài và gioi hơn nhiều nữa.
    Nguyễn Thi Thusuong Cảm ơn các Bác đi trước, con cháu thê hê sâu nguyện khắc ghi va cô găng học tập theo!!
    22 tháng 5, 2017Facebook: Huan Hoang Ngoc Dư địa chí làng Phú Liêu ! Tài văn và tâm huyết của tác giả đã cuốn hút người đọc từ đầu cho đến cuối ...Em thấy yêu thích làng quê của anh quá ! Vùng đó em mới về làng Bích La thôi. Khi mô có dịp chắc em phải ghé chơi một lần cho biết,
    22 tháng 5, 2017Facebook: Thu Hương Mỗi lần về làng của anh Mẹo, thấy quê miền Trung của mình cũng còn đẹp . Nhờ có đường kênh thủy lợi chảy qua nên cánh đồng tươi mát - trù phú ! Nghe anh tả- tự nhiên Hương nhớ là có đọc truyện người đẹp Bích La thôn ( từ lúc còn nhỏ) - không hiểu có phải là làng anh Hùng đang nói không? Lâu quá rồi nên không nhớ cốt truyện - chỉ nhớ 1 đoạn tả bờ tre bên dòng sông êm đềm thôi!..
    ThanhNhan Nguyen Chu Co the in thanh SACH de tang con chau duoc khong.
    Thu Hương Tốn tiền lắm bạn ơi!
    24 tháng 5, 2017Facebook- Nguyễn Văn Lĩnh, Phu Nguyen and 4 others
    Nguyễn Trung Đề nghị Nguyễn Đình Phú và những người con xa quê hãy học tập Nguyễn Tri Kiệt đóng góp xây dựng cho quê hương trước hết làm con đường đi cho đỡ lầy lội. Cảm ơn tác giả đã có bài viết hay về mảnh đất con người làng Phú ..nơi sinh ra những người con luôn nặng tình với quê hương..
    24 tháng 5, 2017Facebook: Phu Nguyen
    Ta đã bơi trên dòng kí ức ấy.
    Mới biết rằng: Ta còn bé nhỏ và mang ơn nhiều biết mấy.
    Mới biết rằng: Ta thật tự hào vì đã được sinh ra và lớn lên trong lòng Làng Phú.
    Làng tôi - Làng Phú liêu.
    24 tháng 5, 2017Facebook: Huỳnh Tuấn Bài viết đậm đà tình yêu quê hương
    25 tháng 5, 2017Facebook: Tung Dam Theo tôi từ hán "Liêu " là đẹp PHÚ LIÊU có nghĩa là giàu và đẹp
    Nguyễn Đức Văn Cảm ơn anh Tiểu Hùng Tinh đã nhớ và viết về làng PHÚ LIÊU thân yêu của chúng ta rất hay tuy nhiên có một vài chi tiết chưa sát thực tôi đã in và đọc rất nhiều lần .Rất mong có nhiều bài viết như thế
    25 tháng 5, 2017Facebook: Thoa Kim Lịch sử làng lưu lại cho con cháu chủ yếu là lời kể của các bậc cao niên, hiếm có bài viết nào khái quát lại. Cám ơn tác giả đã có công tìm kiếm để cho con cháu biết thêm về cội nguồn của làng. Hi vọng sau này có nhiều bài hơn
    28 tháng 5, 2017Facebook- Đức Hải, Nguyễn Văn Lĩnh and 38 others3 shares
    Huỳnh Tuấn Bài này hay.
    Nguyễn Thị Lợi Kí ức một làng quê. Đậm đà tình nghĩa.
    Nguyen Hue Nguyen Phú liêu yêu dấu ngàn đời
    28 tháng 5, 2017Facebook:Vũ Đan Huyền Một làng nhỏ (địa giới), nghèo (kinh tế).
    Nhưng sản sinh con người có tầm nhìn rộng lớn và không nghèo (trí tuệ, tâm hồn).
    Thật đáng trân trọng.
    28 tháng 5, 2017Facebook: Kim Chau · Friends with Nguyễn Thị Lợi and 5 others
    Vẫn giọng văn ngày cũ của thầy
    Phải thật chú tâm lắng nghe và bây giờ là chú tâm đọc
    Trân trọng
    Phu Nguyen Hay quá trời luôn Bác ơi. Em xin cảm ơn Bác. Cho em được share nhé.
    Huỳnh Tuấn Anh Hùng ơi cho tôi xin chia sẻ bài này về trang FB của tôi. Cảm ơn anh nhiều.
    26 9 tháng 6, 2017Facebook: Nguyễn Quang Nam
    Cảm ơn tác giả. Tôi đã tìm gặp được một phần kí ức về làng Phú yêu thương.
    Ngày 24-6- 2017- Chỉnh sửa,bổ sung một số chi tiết liên quan đến lịch sử Làng dựa theo ý kiến ông Nguyễn Quang Duy. Xin cám ơn Nguyễn Quang Duy (Facebook Duy Quang).
    18 tháng 7, 2017
    Facebook: Anh Tiểu Hùng Tinh bài viết ký ức làng Phú Liêu cua anh rất hay mọi người muốn đọc xin phép anh in ra giấy được không ?
    Kim Chau, Phung Le and Truong Chanh
    Tiểu Hùng Tinh Rất sẵn sàng, mong được mọi người đọc. Cảm ơn Đức Văn đã khen.

    Trả lờiXóa

  2. 24-4-21,20L,1 lượt chia sẻ
    Hy VoAi cũng có quê. Dù có phiêu bạt nơi nào các ký ức về vùng quê không bao giờ mờ phai. Vùng đất ấy là nơi sinh ra ông bà, tổ tiên và nuôi những cư dân sống trên mảnh đất đó. Hai chữ quê hương đã bước vào thơ ca, nhạc, họa v… Xem thêm
    Tuong VuQuê hương là nơi mình gắn bó, sinh ra và lớn lên nới đó. Từng tiếng ru của người mẹ, đến giọng hò câu ca nghĩ mà thương...
    Anh hai ơi. Em "bỉu" nè, chèn đéc quỷ thần ơi......Sao mà thương thế...

    Trả lờiXóa