MỤC LỤC BLOG

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

TIẾNG GÀ trong VĂN CHƯƠNG


TIỂU HÙNG TINH

ảnh internet
                 KÍNH CHÚC BẠN ĐỌC BLOG BÚT NGUYÊN TỬ 
                                  NĂM MỚI ĐINH DẬU 
                HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

            Khởi đi từ ca dao, tiếng gà đã nhập vào lời ru, lời ngợi ca đất nước, nâng niu cuộc sống thanh bình: “Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương” rồi tiếng gà đi vào văn chương cổ điển và văn chương hiện đại, xao xác thúc giục mang đậm dầu ấn tình cảm quê hương, gợi lên không gian và âm hưởng thôn xóm, nó là một phần không thể thiếu của làng quê Việt Nam.

Kết quả hình ảnh cho thiệp xuân đinh dậu
            Người chiến sĩ trong kháng chiến, hành quân qua các vùng quê, nhờ tiếng gà mà dậy lên những cảm giác thân thuộc: “Có nắng chiều đột kích mấy hàng cây, Có tiếng gà gáy xóm” (Nhớ- Hồng Nguyên). Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò Sông Đà  đã đưa ra một chi tiết cực kì thú vị  về kiến trúc của cái thuyền then vút đuôi én trên Sông Đà. Cô lái đò giải thích: “Chúng em chỉ biết cái đuôi thuyền nó vẫy lên cao như thế để có cái chỗ mà treo bu gà. Gà sống này, con nào đẹp lông và gáy hay, thì phải mua đến mười đồng bạc mới. Con gà sống là cái đồng hồ của  người lái đò Sông Đà đấy. Đi đường xa, qua bờ bến khác, có tiếng gà gáy đem theo, nó đỡ nhớ nương ruộng bản mường của mình”. Cách giải thích chân chất mà thấm thía, tiếng gà như  hồn quê hương làng bản, đi mang theo, xa đâu cũng nhớ về. Quê hương- Tiếng gà  như một phần không thể thiếu trong đời sống tình cảm, thân thuộc đến như vậy.

            Nhà thơ Tào Đường (Trung Hoa) đã dựng nên bức tranh Lưu Nguyễn nhập Thiên thai, bên cạnh những người tiên cảnh tiên vẫn có tiếng gà tiếng chó trần tục: “Vãng vãng kê minh nhạm hạ nguyệt, Hồi hồi khuyển phệ động trung xuân” (Văng vẳng  dưới kẽ đá núi có tiếng gà gáy trăng,  Tiếng chó sủa từng hồi trong động xuân). Tiếng gà rừng làm xao động tiên cảnh, làm cho cảnh tiên không dứt nổi không khí phàm trần. Tiếng gà rừng trong văn chương hiện đại thực hơn, gắn bó với hoàn cảnh kháng chiến: “Gà rừng gáy báo đêm về sáng, Biệt động quân sửa soạn gối chăn” (Đội biệt động- Hồng Chương). Tiếng gà gắn với hoạt động gấp rút, bí mật, tạo không khí, ấn tượng thời điểm mà không dừng lại chiêm nghiệm, rung cảm.
            Trong Truyện Kiều, tiếng gà xuất hiện hai lần, hai lần nguy hiểm và bi thương trong cuộc đời luân lạc của Thúy Kiều. Lần đầu, Kiều mắc bẫy Sở Khanh, trong đêm khuya trốn khỏi nhà Tú Bà và bị bắt lại: “Tiếng gà xao xác gáy mau, Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng”. Tiếng gà tạo không khí khẩn trương như tâm trạng gấp gáp, hốt hoảng, quớ quít của Kiều. lần thứ hai, Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư, đêm khuya thanh vắng, thân gái dặm trường, thoát cõi hiểm nhưng biết bao nguy hiểm đang rình chờ: “Mịt mù dặm cát đồi cây, Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày  cầu sương”. Tiếng gà trở nên lẻ loi trong cảnh mênh mông huyền ảo của đất trời, như con đường bất định đầy bất trắc của cuộc đời Kiều.

            Tiếng gà gáy sáng xóa tan màn đêm, tiếng gà gọi ngày mai lên, tiếng gà thúc giục con ngườ vùng dậy. Tiếng gà là biểu tượng của sự thức tỉnh. Trong Bài ca chúc tết thanh niên, cụ Phan Bội Châu đã gửi gắm, hiệu triệu thanh niên tỉnh ngộ trong cảnh nước mất nhà tan. Thức tỉnh, đổi mới để “Xúm vai vào xốc vác cựu giang san”. Bài thơ khởi đầu hùng hồn, lay gọi dồn dập: “Dậy! dậy! Dậy! Bên án một tiếng gà vừa gáy. Chim trên cây liền tỏ ý chào mừng…”. Phan Bội Châu chú ý thức tỉnh thanh niên vì thanh niên là tương lai, là rường cột nước nhà. Thức tỉnh được thanh niên sẽ thức tỉnh được cả dân tộc.
            Nhà văn Võ Quảng tỏ ra sành sõi trong miêu tả khi khai thác tương quan giữa tiếng gáy và tính nết gà. “Chợt con gà trống phía trong nhà bếp nổi gáy. Tôi biết đó là con gà của anh Bốn Linh. Tiếng nó dõng dạc nhất xóm. Nó nhón chân từng bước oai vệ, ưỡn ngực ra đằng trước. Bị chó vện đuổi, nó bỏ chạy. Độ ngột quay đầu lại nện cho chó vện một đá vào đầu, rồi nhảy phóc lên cổng chuồng trâu nhìn xuống tỏ vẻ phớt lờ. Nó nổi gáy thách thức”. Đoạn văn mở đầu và khép lại bằng tiếng gáy. Tiếng oai và hành động hùng dũng, tiếng gáy như tinh thần toát ra từ cơ thể mạnh, hai bên bổ sung, tương ướng với nhau. Con gà ông Bảy Hóa mã đẹp nhưng chỉ để đánh lừa gà mái, nó chỉ biết “gáy theo”. Rõ là đứa ăn chơi, hào nhoáng nhưng chỉ a dua, không có bản lĩnh. Đến con gà bà Kiên là “gà trống tơ, lông đen, chân chì, có bộ giò cao, cổ ngắn. Nó nhảy tót lên cây rơm thật cao phóng mắt nhìn quanh như muốn mọi người chu ý nó sẽ gáy một hồi thật to, thật dài. Nó xòe cánh, nghểnh cổ,chuẩn bị chu đáo nhưng cuối cùng chỉ  rặn được ba tiếng é è e cụt ngủn. Nó ngượng quá đỏ chín mặt hấp tấp nhảy xuống đất”. Chi tiết cổ ngắn được tác giả phục sẵn, gà ăn nhau tiếng gáy, tiếng to dài phụ thuộc vào cổ, cái cổ ngắn kia  thì âm lượng âm hưởng bao nhiêu mà đòi gáy. Học đòi gáy mà chỉ “rặn” được “ba tiếng é è e”! Chú gà này khác gì mấy chú cắc ké ưa chơi nổi, chỉ mức “rặn” mà đòi gáy tiếng giật le. Hữu xạ tự nhiên hương, tiếng gáy là tinh thần, tinh hoa phát tiết ra ngoài.
            Trong tập thơ Từ góc sân nhà em của Trần Đăng Khoa, một thế giới loài vật hiện ra, thân thuộc và sinh động nhất vẫn là tiếng gà. Bài Ò ó o sáng tác năm 9 tuổi: “Ò…ó …o…- Ò… ó… o…- Tiếng gà- Tiếng gà- Giục quả na- Mở mắt- Tròn xoe- Giục hàng tre- Đâm măng- Nhọn hoắt- Giục buồng chuối- Thơm lừng- Trứng cuốc- Giục hạt đậu- nảy mầm- Giực bông lúa – Uốn câu- Giục con trâu- Ra đồng- Giục đàn sao- Trên trời- Chạy trốn- Gọi ông trời- Nhô lên- Rửa mặt- Ôi bốn bề- Bát ngát- Tiếng gà- Ò … ó…o…”. Tiếng gà như truyền cho thế giới sự sống, kích thích sự sống phát tỏa. Tiếng gà như hiệu lệnh, thổi vào thế giới một linh hồn làm cho sinh động và đáng yêu biết bao.
            Và cũng không thể không nhắc ở đây bài thơ của nhà thơ Trần Hồng Thắng đã được phổ nhạc, tiếng gà đã và sẽ bất tử trong tâm hồn tuổi thơ: “Con gà trống nó đứng ngóng cổ dài,Tò ti te nó thổi kèn rất hay”. Hồn nhiên, dí dỏm, độc đáo, chỉ những tâm hồn đã hòa cuộn, nhập thân với tuổi thơ mới viết được như vậy.
            Có tiếng gà bình yên, có tiếng gà xao xác lạc lõng giữa đêm hôm khuya khoắt, có tiếng gà đoàn viên ngày mới, có tiếng gà thức giục thức tỉnh… Tiếng gà- âm thanh gợi bao niềm hứng cảm ngọt ngào tuổi thơ, xuyên tận tâm can người lớn. Tiếng gà thân thuộc và gợi tưởng biết bao. Và ai đi xa đâu đó, thoảng hoặc nghe một tiếng gà, tránh sao khỏi bồi hồi bao kỉ niệm.

1 nhận xét:

  1. FACEBOOK- lIKE: 15 Lua Hai, Đình Hoài Thân and 13 others

    Pham Tuyet- "Gà vàng chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì mua chi giống đó". Bí quyết chọn gà ngon, nấu súp mà trước mẹ hay bảo khi đi chợ. Cảm ơn thầy có bài viết kiến thức về gà cho trẻ học. Năm mới chúc thầy cô luôn an khang thịnh vượng

    Trả lờiXóa