TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet
RƯỢU (có
nơi phát âm chệch thành riệu): Chất lỏng có vị cay nồng, chưng cất từ chất bột
hoặc trái cây đã ủ men. Rượu có nhiều loại. Căn cứ theo chất liệu có rượu gạo (rượu đế), rượu nếp, rượu nếp than,
rượu ngô, rượu nho (vang)… Căn cứ vào nơi sản xuất có rượu Làng Vân, rượu Bàu Đá, rượu Gò Đen… Dân tộc vùng cao có rượu cần. Khi Pháp qua, người ta làm
quen với rượu tây, rượu bia. Tùy nồng
độ mà có rượu cồn (900)
(dùng trong hóa học, y học), rượu mạnh,
rượu nhẹ. Có rượu gốc (chưa pha
chế), rượu ngọn (từ nước thứ nhất), rượu tăm (sủi bọt nhỏ), rượu pha (pha nước lã, trước đây có
những kẻ buôn bán ác độc đã chấm thuốc
sâu baxôđin vào cho rượu trong lại, bây giờ thì chỉ cần ít hương liệu pha với
nước lã là thành rượu, rẻ, tha hồ uống cho thủng bao tử!). Xứ lạnh nhiều khi
người ta phải hâm rượu cho nóng mà
uống.
Thời thuộc Pháp, các
công ti Pháp độc quyền sản xuất rượu và giao cho các chức sắc địa phương bán
lại cho dân, có nơi ép dân phải mua. Các lò rượu thủ công gia đình không được
hoạt động, lén lút nấu tức là sản xuất rượu
lậu, bị pháp luật trừng trị. Có kẻ hại người khác bằng cách bỏ dụng cụ nấu
rượu vào trong nhà trong vườn người ta rồi trình báo với nhà chức trách để quy tội. Thời kì chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc, để bảo đảm lương thực, việc nấu
rượu trong dân cũng bị cấm. Chỉ nhà nước mới được sản xuất và cửa hàng quốc
doanh mới được bán (rượu quốc doanh),
rượu tự sản xuất và bán lén thì gọi là “quốc
lủi” (vùng Nghệ Tĩnh thường phát âm quốc thành cuốc nên đọc là cuốc lủi- vừa chơi chữ đồng âm khác
nghĩa vừa gợi lên hình ảnh nấu lén uống lén- lủi như chim cuốc, uống cuốc lủi
bị tóm sẽ bị kiểm điểm ra lửa).
Dùng trong tế lễ (rượu lễ, rượu tế) là phong tục có từ
xưa trong văn hóa đông tây (phi tửu bất
thành lễ) vì rượu là tinh chất của lúa gạo, cây trái. Khi cúng lễ, người
điều dẫn thường hộ chước tửu (rót
rượu). Trong thần thoại Hi Lạp có thần Điônidốt tức là thần rượu nho thường cỡi dê ngật ngưỡng say xỉn. Ở Trung Hoa xưa,
khi tế lễ hoặc uống rượu người ta thường làm động tác rưới rượu xuống đất để tưởng người đã khuất sau đó mới uống. Một
hình ảnh “uống rượu” rất hào hùng và
thân thiết, khi đội quân qua sông, để khích lệ tinh thần, tướng rót một li rượu
xuống sông rối cùng quân sĩ đua nhau múc uống (Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào- Bình
Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi).
Rượu- Tửu (tiếng Hán). Nơi uống có tửu lâu, tửu điếm, tửu quán, tửu đình, tửu gia (Tá vấn tửu gia hà
xứ thị- Hỏi chỗ nào bán rượu); người
phục vụ là tửu bảo; đồ chuyên dụng
uống rượu là tửu khí; kẻ chuyên
uống rượu là tửu đồ; sức uống là tửu
lượng…
Rượu chè- rượu sớm trà trưa chỉ sự ăn chơi- “Một trà một rượu một đàn bà, Ba cái lăng nhăng nó quấy ta” (Tú
Xương). Rượu cũng được xếp vào một trong bốn thú tao nhã: cầm (đàn), kỳ (cờ),
thi (thơ), tửu (rượu) (*)- “Khi chén rượu
khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” (Kiều). Uống rượu để kết bạn
tri âm tri kỉ, “Rượu ngon không có bạn
hiền, Không mua không phải không tiền không mua” (Nguyễn Khuyến). Trà tam rượu tứ, uống rượu phải có bạn,
đông người chứ một mình (độc ẩm) thì buồn lắm, mà đã độc ẩm tức uống rượu ghiền, coi chừng thành sâu rượu! Nhà thơ Lý Bạch đời Đường được tôn là thi
tiên có nhiều bài tuyệt bút về rượu, nội cái tiêu đề Nguyệt hạ độc chước (Dưới
trăng uống rượu một mình) cũng có đến bốn bài. Xin trích hai câu: “Cử bôi yêu minh nguyệt, Đối ảnh thành tam
nhân” (Cất chén mời trăng sáng, Với bóng thành ba người). Uống rượu với
bóng trăng và bóng mình, cô độc mà khoáng đạt biết bao!
Buồn sinh uống rượu “Dục phá thành sầu tắc dụng tửu binh”
(Muốn phá thành sầu phải dùng binh rượu”, uống để tiêu sầu nhưng càng uống
càng sầu. Uống cho quên sự đời, “Đời đáng chán hay không đáng chán, Nhấp
chén quỳnh xin hỏi bạn tri âm” (Tản Đà), càng uống càng bế tắc. Buồn thì
uống rượu khác với không uống rượu thì buồn, kiểu nam vô tửu như kì vô phong (đàn ông không uống rượu khác gì cờ rủ)
tức ghiền, thành tửu nô mất rồi!
Buồn- uống rượu, vui-
uống rượu. Trong cưới hỏi, tiệc tùng, trong ngày vui phải có rượu mới tạo sư
hưng phấn, uống để mừng. Có nơi phân
biệt tiệc rượu (có món mặn)
với tiệc trà (chỉ bánh trái), cầm thiệp mời phải xem kĩ để vô phong bì cho hợp
nghĩa. Được đứa con gái sau này cưới gả
để uống rượu ai mà chẳng mong, con
gái rượu mà! Phương Tây có tục hạ thủy tàu người ta đập vỡ một chai sâm
banh. Từ khai trương cơ sở, tân gia đến chiêu đãi quốc khách trọng thể người ta
cũng phải dùng rượu để có cái mà nâng li chúc mừng.
Buồn uống, vui-uống, rượu
cũng có tác dụng khuây khỏa hoặc tăng hứng thú nhưng cũng phải thỉnh thoảng,
chừng mực chứ ngày nào cũng nạp vào be bét thành kẻ nghiện ngập, thành kẻ nát rượu, con sâu rượu, thằng ma men thì
chẳng ai chịu cho nổi. Kẻ say cũng thường hay ngụy biện, đại ngôn: “Say
sưa nghĩ cũng hư đời, Hư thời hư vậy say thời cứ say, Đất say đất cũng lăn
quay, Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười” (Tản Đà). Biết say sưa là sai, biết
sai mà vẫn cứ sai lại còn lấy chuyện trời chuyện đất, ví mình với trời đất để
lên lớp người ta thì đúng là khẩu khí của thằng cha say rượu.
Người ta còn dùng rượu
để nói về những quan niệm nhân sinh: Rượu
ngon chẳng nệ be sành- Cái quan trọng là nội dung,còn hình thức thì sao
cũng được. Bình cũ rượu mới- Hình
thức cũ nhưng nội dung mới- Bình mới rượu
cũ- Hàm ý chê sự thay đổi bề ngoài, có tính giả tạo. Rượu không say, say vì chén- Hai cách hiểu: 1) Chê những người nông
nổi bị bề ngoài hào nhoáng hớp hồn. 2)
Mỉa mai hình thức hào nhoáng nhưng nội dung chẳng ra gì.
Rượu vào lời ra, người uống rượu hay nói dai, mình nói dài biết đâu
người ta cho là có rượu. Và hơn nữa, nói dài nói dai thành nói dở đã đành mà
nhiều khi thành nói dại nên xin mượn câu ca dao sau để kết thúc bài: “Rượu nhạt uống lắm cũng say, Người khôn
nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.
-----------
(*)
có ý kiến khác là cầm, kỳ, thi , họa hoặc
cầm, kỳ, thư, họa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét