MỤC LỤC BLOG

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

LẬP UY






BÚT NGUYÊN TỬ
Ảnh internet

Trước khi nói chuyện lập uy cần tìm hiểu hai chữ uy tín. Uy (oai lực), tín (tin tưởng); uy tín là oai lực cá nhân hoặc tập thể, một thứ quyền lực tinh thần làm cho người khác nể trọng và tin tưởng.

            Có uy tín giả tạo, kẻ giả mạo thường tô vẽ mình lên nào con ông này ông nọ, quen bà nọ bà kia, thổi phồng gia thế, tiền tài, tư cách để  đánh lừa người khác. Sở Khanh trong Truyện Kiều  là một nhân vật điển hình. “Hình dung chải . chuốt áo khăn dịu dàng”, nói năng đầy vẻ cao vọng “Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi”, thực chất là đứa khoác lác  giả nhân giả nghĩa tay sai của Tú bà, gài bẫy lừa Kiều. Giả mạo uy tín, lạm dụng tín nhiệm để lừa tiền, lừa tình… rẫy đầy trong xã hội, phải cảnh giác!

            Có loại uy tín biểu kiến là loại uy tín bề ngoài làm cho con người  oai lên, đáng tin, dễ nể hơn thông qua địa vị, bằng cấp, dáng dấp , trang phục… Không nên coi thường mà cần biết thế mạnh của uy tín biểu kiến để chiếm thiện cảm và lòng tin ban đầu của người khác.


               Chỉ có uy tín thực, được hình thành vững chắc trên cơ sở đạo đức và tài năng (phẩm chất và năng lực thực sự) mới tạo được sự kính nể, tin tưởng thực sự của người khác.  Muốn đạt được phải có thời gian rèn luyện, thử thách và được thực tế chứng thực. Được người khác tin phục là  yếu tố cực kì quan trọng dẫn đến thành công.

               Một đội quân có uy  thì điều tiên quyết là đội quân đó phải nghiêm: nghiêm quân phong quân kỉ, nghiêm thứ bậc, nghiêm cả quân trang quân phục. Đồng thời phải tinh: nắm chiến lược rành chiến thuật, có kĩ năng và tinh thần chiến đấu cao- thiện chiến. Uy làm tăng sự đồng tâm, tạo nên chiến thắng và càng chiến thắng càng phát huy uy lực làm cho quân địch phải sợ hãi. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô  đại cáo đã thể hiện uy của nghĩa quân Lam Sơn bằng những câu ngất trời: “Gươm mài đá đá núi cũng mòn- Voi uống nước mà nước sông phải cạn- Đánh một trận sạch sanh kình ngạc- Đánh trận nữa tan tác chim muông”.

               Muốn đội quân có uy, trước hết tướng phải có uy. Uy đây không phải cao to, râu ria dữ dằn, tướng mạo quái dị mà là uy tín tinh thần. Tôn Vũ viết binh pháp xong đem dâng, vua Ngô cho lập hai đội cung nữ giao cho luyện tập.  Ngay buổi đầu luyện binh, điều lệnh ban ra, các cung nữ cứ ngả nghiêng cười, Tôn Vũ nhắc lại hiệu lệnh, các cung nữ lại cảng ngả ngớn cười to. Tôn Vũ lệnh chém hai cung nữ đội trưởng, sau đó đội hình răm rắp. Tôn Vũ nói với vua Ngô nếu bây giờ bắt nhảy vào lửa họ cũng nhảy. Chém hai cung nữ là để lập uy, giữ nghiêm kỉ luật để tạo khí thế, sức mạnh.Có uy quân mới sợ, có sợ mới nghiêm, giỡn mặt khó làm việc. Quân lệnh như sơn, không nghiêm thì ô hợp, quân hồi vô phèng.

               Điền Nhương Thư thuộc tầng lớp bình dân, được vua Tề cử làm đại tướng, các tướng và các quan trong triều không phục. Lần đầu tiên chuẩn bị xuất quân, giám quân là Trang Cổ (người được vua Tề sủng ái) tới trễ, Nhương Thư ra lệnh chém.  Vua Tề nghe, hoảng hốt sai sứ giả tới ngăn. Nhương Thư hạch tội sứ giả là  là chưa được phép mà dám chạy vào trung quân, tội chém! Tuy vậy vì là sứ thay vua nên không thể chém, phải chém người đánh xe và chặt đứt cột bên trái, chặt đầu ngựa bên trái thế mạng. Không chém sứ giả để giữ uy cho nhà vua nhưng chém giám quân, chém tay đánh xe… là để giữ nghiêm quân pháp, giữ uy cho tướng chỉ huy.

               Thượng Ưởng chủ trương tân pháp, được Tần Hiếu Công tin dùng cho làm tướng quốc. Tân pháp bị triều đình và ngay cả Thái tử chê bai, dân chúng dị nghị. Nắm được tình hình, Thượng Ưởng sai đặt một cột gỗ ở nam thành, lệnh rằng ai vác qua bắc thành thì được thưởng mười lạng vàng. Không ai tin, Thượng Ưởng nâng lên mười lăm lượng. Nhiều người còn ngờ, có một người xin vác. Y vác qua cửa bắc, Thượng Ưởng khen và thưởng đúng mười lăm lượng. Tin đồn lan ra, ai cũng bảo tướng quốc nói là làm, mệnh lệnh ngài không thể tùy tiện được. Thượng Ưởng đã khôn ngoan tạo lập chữ tín trong lòng người ngay từ đầu. Chưa hết, Tân pháp bị Thái tử phê phán, Thượng Ưởng tâu với vua Tần rằng ngay Thái tử còn chưa tuân thủ thì sao hiệu triệu được dân chúng! Thái tử là vua  tương lai nên không thể xử tội, hai quan sư phó là người dạy Thái tử phải chịu tội thay, người bị xẻo mũi, người bị thích chữ vào mặt. Từ đó, Tân pháp được moi người tuân thủ răm rắp, không bao lâu, Tần trở thành nước hùng mạnh. Giữ uy cho vua nhưng phải trừng phạt người liên quan để giữ uy cho Tân pháp. Thượng Ưởng biết lập uy ngay từ trên, trên phải nghiêm dưới mới phục.

               Bậc vua chúa nào cũng có ý thức lập uy nào xưng thiên tử, nào mình rồng, ngai vàng, chín bệ… Lê Lợi, Nguyễn Nhạc còn bày chuyện Trời trao gươm báu, mượn uy trời để thu phục nhân tâm vốn rất mê tín. Vua giữ khoảng cách, tạo sự cách biệt với quan, với dân để lập uy. Thiên tử không nói thì thôi, nói ra thì quyết giữ lời để được chữ tín. 

               Minh Thành Tổ định đánh Giang Nam, cùng tướng Tử Đạt cỡi thuyển qua sông. Trước khi xuất phát, tay lái thuyền hô : “Thánh thiên tử sáu rồng hộ giá, Đại tướng quân tám mặt uy phong”. Nhà vua rất vui lòng. Tay lái đò (không biết do đạo diễn trước hay bốc hứng) đã  mượn thần uy làm tăng  uy nhà vua và đại tướng, làm nức lòng tướng sĩ ba quân. Y được thăng thưởng là cái chắc!

               Hình thức lập uy ngày nay vẫn còn. Nào chức lớn thì ngồi ghế cao hàng trước, nào duyệt đội danh dự, xe cắm cờ, còi hụ dẹp đường, tiền hô hậu ủng, 21 phát đại bác… Đây cũng là nghi lễ ngoại giao, đón người đại diện một quốc gia, một tổ chức, một bề trên quyền lực. Tùy theo cấp chức mà có những hình thức, mức độ lập uy khác nhau, ít nhất cũng: Xin được trân trọng giới thiệu… vỗ tay…!

               Lập uy thì có giữ uy, phạm đến uy kẻ có quyền hành khác gì vuốt râu cọp. Tào Tháo làm thừa tướng, bạn cũ là Hứa Nhu mỗi lần gặp đều leo lẻo gọi tên tục là Tào A Man! Tào A Man!... Bày mưu đánh Kí Châu, Nhu coi mình giỏi hơn cả Tào Tháo. Tháo căm gan nhưng chưa tìm được cách khử. Hứa Nhu được trớn, khinh thị cả đại tướng Hứa Chữ, bị Chữ chém chết. Tháo nghe tin, khóc lóc rồi sai an táng trọng thể nhưng không trách mắng gì Hứa Chữ cả (Mà trách sao được, phải thưởng nữa chứ!). Bây giờ người ta lên cao chót vót rồi mà mình cứ thân tình đem cái tên hồi còn để chỏm ra mà réo rồi định coi mình giỏi hơn  làm mất uy người ta thì chết là phải.

               Có chức vị, nắm trọng trách mà không giữ uy thì bị cấp dưới coi thường, thiếu uy tín thì khó cai quản. Lắm kẻ chức to “phương diện quốc gia” mà bê tha trác táng, tùy tiện, tham lam hỏi sao dưới tin phục, không tin phục thì lờn, từ lờn tới lộng hành mấy chốc. Phải biêt giữ khoảng cách với cấp dưới nhưng nếu để khoảng cách quá xa thì coi chừng quan liêu, bị dưới cô lập.  Khoảng cách đây là sự nghiêm chỉnh, thân ái cởi mở nhưng không thái quá, tùy tiện. Thân nhưng nghiêm, có thế mới gần mà vẫn được người dưới kính nể.

               Thời bây giờ, lắm kẻ không lo lập đức, lập công để tạo uy mà chỉ háo hức tạo uy cho người ta sợ. Mới có chút chức mọn đã bày đặt kênh kiệu, nói năng trịch thượng, mặt lạnh như tiền, mở miệng thường hăm he, thích tâng bốc nịnh hót, học hành cà chụp cà giật mà ưa khoe học vị làm như mình có uy lắm, thật nực cười! Thực chất đây chỉ là uy dởm uy giả, uy thực phải toát ra từ thực lực. Con gà gáy, con chó sủa, tiếng gáy tiếng sủa phải xuất tự đan điền, có hàm lực mới om sâu mới vang xa, còn gáy tẻ te, sủa hoắc hoắc hơi xuất từ cần cổ thì chỉ tổ làm cho người ghét, uy gì!







                                                                                                2004-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét