TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet
Thời
kì 76-85 (XX) nhà nước độc quyền phân phối
lưu thông cũng là thời kì xuất hiện
nhiều trạm kiểm soát nhất mà sau này người ta gọi là ngăn sông cấm chợ.
Xe Đà Nẵng đi Huế, đủ khách nhưng chưa
chạy được, phải chờ hơn cả tiếng để thị trường tới kiểm soát. Người ta tháo hết
thùng xe để lôi cả tấn gạo đựng trong từng bao nhỏ ra ngoài xong mới cho
xe chạy. Xe ra khỏi bến, đậu lại bên đường chờ xế và phụ đi xin lại gạo. Hành
khách như bị khóa cứng, nung chín trong xe. Phải gần hai tiếng đồng hồ chạy chọt
xin lại được, xe mới chạy.
Mấy anh bạn tôi dạy ở Tây nguyên về
ăn tết khoe rằng quản lí thị trường soát như móc túi, lột quần lót người ta ra thế
nhưng mình vẫn giấu được mấy trăm gam cà phê đem về, mừng khôn xiết.
Trạm kiểm soát thường đặt ngay yết hầu
giao thông. Từ Sài Gòn về Tây Nam bộ có hai trạm ác ôn máu lửa nhất là trạm Tân Hương (giữa Tiền Giang và Long An) và Trạm Trà Men (Sóc Trăng).
Xe cộ qua đây dù có chở hay không chở hàng đều phải dừng chờ ít nhất vài
tiếng đồng hồ. Có bôi trơn thì được kiểm trước, không cứ nằm chết dí đấy. “Biết điều”
trước thì chỉ kiểm soát qua loa còn không sẽ lục lọi khắp, lật ghế tháo hòm, giở thùng máy,
kiểm tra trên xe, trong xe, dưới xe không sót chỗ nào và tịch thu đem về trạm.
Thế là cả xe dù qua khỏi trạm cũng phải dừng hàng giờ chờ người ta đi năn nỉ, đi thương
lượng để lấy hàng trở lại.
Năm 1983, trường Cán bộ Quản Lí GD
Trung ương 2 có lần sai người cầm giấy giới thiệu đi hàng trăm cây số từ Sài Gòn đến Sóc
Trăng mua mấy trăm kí gạo về cải thiện đời sống cho cán bộ nhân viên nhưng bị
kiểm soát Trà Men chặn giữ. Trường phải lên Bộ GD xin giấy, cử một cán bộ xuống ăn dầm ở dề mấy ngày xin xem xét giải quyết Trạm mới
chịu tha.
Cũng ở trạm Trà Men (Sóc Trăng), có
lần kiểm soát lôi trong xe con của đoàn
công tác xuống một bao gạo, cán bộ trên
xe bảo gạo của ông Đỗ Mười đó, kiểm soát quạc lại: Gạo Đỗ Mười Một cũng bắt thá
gì Đỗ Mười Đỗ Chín!
Thời cải cách ruộng đất người ta bảo
nhất Đội nhì Trời còn trong thời quản lí tập trung bao cấp thì phải nói nhất Trạm
nhì Trời.
1-2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét