Xuân DÊ chuyện DÊ
TIỂU HÙNG TINH
Dê, từ Hán Việt là dương. Dê trước hết là một danh từ chỉ vật: Con dê. Nó có thể chuyển loại qua động từ để
chỉ hành động: Anh ta dê tui.
Cũng có thể chuyển qua tính từ để chỉ tính chất: Ông già dê.
Thuở nhỏ, không biết
ai bày mà trong bọn trẻ chúng tôi đã truyền nhau đọc giỡn : A bê xê dắt dê đi ỉa. A ă â dắt vợ đi chơi.
Có thể nói hình ảnh dê
xuất hiện sớm nhất trong văn học Việt Nam là cuối đời Trần với tập Tô Công phụng sứ kế chuyện tích Tô Vũ đời
Hán đi sứ bị vua Hung Nô giữ lại bắt đi chăn dê ở vùng biên viễn. Mấy chục năm
sau mới thả về, Tô Vũ đã thành một ông già, cờ tiết rách hết chỉ còn cán, vua
Hán khen ngợi xem như một biểu tượng trung trinh.
Hịch tướng sĩ văn của
Trần Hưng Đạo từng nói đến chuyện triều đình ta ngoại giao nhún nhường nhưng giặc
Nguyên Mông càng kiêu lộng khiêu khích: "Ngó thấy
sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, Uốn tấc lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều
đình, Đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ…”.
Trong Cung oán ngâm khúc có đề cập đến xe dê
(loại xe chở vua đi dạo trong cung cấm, dừng dâu thì vua ngự ở đấy). Người cung
nữ mong ngóng trông chờ và tưởng tượng cảnh vua đến: “Xe dê sịch bánh cửa ngoài”. Nhưng chờ đợi mòn mỏi không bao giờ gặp lại
bóng quân vương sinh ra oán thán. Nghe
đâu ngay thời nhà Nguyễn cũng có xe dê chở vua dạo trong cung. Các cung nữ lấy
lá dâu rưới nước đậu rang cho thơm rồi
rải dần vào phòng mình. Dê vừa kéo xe vua vừa ăn rồi đi vào, vua cũng vào cuộc
mây mưa luôn ở đấy.
Tiếp đến là Hồ Xuân Hương, nhờ nhãn quan phồn thực, bà đã khám phá ra tính dê của con vật từ khi còn nhỏ này: “Ong non ngứa nọc châm hoa rữa- Dê cỏn buồn
sừng húc giậu thưa”. Dê cỏn đã vậy, đến dê cụ thì thực đáng sợ. Nghe đâu,
con dê đực đầu đàn có sức phục vụ cả bầy. Buổi sáng, nó chặn cửa chuồng, mỗi dê
cái phải bị nó dê một cái mới cho ra.
Từ máu dê, sau này gọi là máu ba lăm, được
cụ Đồ Chiểu dung rất sớm trong truyện Lục Vân Tiên. Nhân vật Bùi Kiệm là bạn
kết nghĩa với Vân Tiên nhưng khi gặp Nguyệt Nga thì mê mẩn, rắp ranh phổng tay
trên. Nguyệt Nga sợ, bỏ trốn giữa đêm khuya. Đến khi Vân Tiên đỗ trạng vinh
quy, Bùi Kiệm vẫn tới dự. Nguyễn Đình Chiểu phang một câu: “Cười người Bùi Kiệm máu dê- Ngồi trơ bộ mặt như sề thịt trâu”.
Những năm cuối thập niên 1960 và đầu 1970,
có cái đài phát thanh Gươm thiêng ái quốc nghe đâu là của CIA đặt ngoải Hạm đội
7 ngày nào cũng ra rả đọc tin tức tuyên truyền xong lại lui tới một câu nhắn
tin: Sao đỏ gọi hoá long. Hôm nay con dê
cái lạc đàn đi tìm con đực nọ. Đài
Mĩ mà làm như thân Cộng chống Mĩ, úp mở bí mật té ra cũng chỉ là món diễn tuồng
thô vụng, tuyên truyền ấu trĩ đến thế.
Truyện cổ Trung Hoa có chuyện Dương Châm là
tay đánh xe ngựa, trước khi xuất quân,
chủ tướng đãi mọi người ăn thịt dê thì quên phần anh ta. Căm lắm, đến khi ra trận,
anh ta cứ đánh xe chạy thẳng về phía địch, chủ tướng bị bắt và toàn bộ đội quân
bị tan rã. Lỗ nhỏ đắm thuyền, kẻ tiểu nhân vì tức khí hoặc quyền lợi nhỏ nhen lắm khi trở mặt tàn
hại, thậm chí bán nước, thực ghê gớm!
Một nhân vật khác là Dương Duyệt chuyên làm
nghề bán thịt dê. Khi Sở Chiêu vương bị bức phải bỏ ngôi mà chạy, anh ta là một
trong những người theo phò giá. Đến khi dẹp loạn xong, vua về lại ngôi cũ và
tìm cách phong thưởng cho anh ta nhưng
anh ta thưa rằng: Trước kia vua mất ngôi tôi mất nghề bán thịt dê, nay vua về
lại ngôi cũ thì tôi lại được làm nghề bán thịt dê. Vậy là thoả mãn rồi. Anh
chàng bán thịt dê nhưng là một bậc quân tử!
Bách Lí Hề là đại phu nước Ngu. Ngu bị Tấn
diệt, Bách Lí Hề chơ vơ. Tần Mục Công cho người đưa năm tấm da dê chuộc về
phong làm tướng quốc. Bách Lí Hể giúp nước Tần trở thành bá chủ. Có con mắt nhìn
người, biết dùng người để giúp rập việc lớn, biết ngọc trong đá đó là nhãn quan
của bậc minh quân.
Thần thoại Hi lạp có thần Điônidốt, thần
của rượu nho đầu người thân người nhưng chân dê thường say sưa ngật ngưỡng, xuất
hiện trong các hội hè.
Dê
gắn với cuộc sống, đi vào văn học và tâm linh của con người. Trong chiêm
tinh học phương Tây có sao Dương cưu, ở phương Đông dê thuộc giáp Mùi, một trong 12 con giáp vận hành và trở thành tuổi của
biết bao con người trong muôn vàn thế
hệ. Đặc biệt khi nhắc đến dê với các hình ảnh ví von nào dê cụ, dê xồm, râu dê,
máu dê với tiếng kêu be he be he độc đáo
của nó, ai mà không khỏi bật cười. Có người nghịch ngợm gọi dê là
sư phụ, gọi thế thì thầy chạy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét