MỤC LỤC BLOG

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

ĐỤN RƠM


TIỂU TỬ VĂN
Ảnh internet
                                                 Rồi mùa toóc rạ rơm khô
                                     Bậu về xứ bậu biết nơi mô mà tìm   (Ca dao)
     
           Nhiều nơi gọi là cây rơm riêng quê tôi (Quảng Trị) gọi là đụn rơm. Không lớn thì nhỏ, nhà nào cũng có một đụn để làm chất đốt, lót cho heo nằm, nhiều nhà có trâu thì cho trâu ăn trong những ngày lụt lội.
            Thường thì cuối tháng ba đầu tháng tư âm lịch khi xong xuôi mùa vụ mới bắt đầu xây đụn rơm. Phần rơm dồn trữ suốt mùa,  cắt thêm thật nhiều toóc (gốc rạ), phơi phóng thật khô. Đắp nền  đụn cho cao, dựng ba cây tre già chụm đầu thật chắc làm cọc.
            Từ sáng tinh mơ, anh em láng giềng tập trung sớm, tranh thủ mát trời và cũng để xây gọn trong một buổi. Ở quê, những việc như lợp nhà, làm rơm, xây đụn  người ta làm giúp nhau, nhiều khi không nhờ người ta cũng đến giúp, chỉ ăn bữa cơm. Đương nhiên chủ nhà cũng phải chuẩn bị cho tươm tất, làm lụng ăn uống vui như hội.
            Vào việc, người tấp mô, người đưa rơm, người đứng đụn.  Đưa rơm thường là trai tráng. Đứng đụn phải chọn một người đứng tuổi, xây đụn đẹp, cẩn thận  và có kinh nghiệm xếp rơm dậm rơm cho đều cho chặt để mưa không bị thối ngọn. Phần toóc (gốc rạ) được đưa vào xây trước, đến hết mới bắt đầu xây rơm. Đụn rơm ngày càng cao, người ta phải dùng những cây sào  chắc và dài đưa từng mố rơm lên cho  người đứng đụn rải tấp rồi dậm đều. Trẻ con chúng tôi năn nỉ xin xỏ lắm đôi khi cũng được bắc thang cho leo lên đụn vịn cọc đi vòng vòng  dẫm rơm cùng người lớn. Ở trên cao ngờm ngợp, rơm lút nửa người, phình qua phình lại bập bềnh lắc lư người như chơi vơi nhưng rồi quen và thích thú. Thỉnh thoảng những đám rơm từ dưới thẩy lên đột ngột phủ kín mình mẩy.
            Trờ càng về trưa đụn càng lên cao. Đụn rơm thường có hình cái hông xôi dưới nhỏ rồi phình  ra, thon dần  đến đỉnh. Những người già thường làm việc đi quanh nhìn ngắm để nhắc nhủ người đứng đụn sửa chữa cho đụn  thẳng đứng, phình ra thon vào đều đặn. Xây xong, người già còn dùng bồ cào chuốt sửa lại cho tròn trịa.
            Cái đụn rơm quê tôi không nhếch nhác như những nơi khác mà gọn gàng bề thế, vững chãi trong gió mưa giông bão. Đến bữa ra rút những bó rơm khô vàng au vào nấu, rơm khuyết dần khuyết dần, đụn còn như hình cây nấm xòe chông chênh. Lại bắt đầu vào một mùa lúa nữa, lại lo tích rơm bứt toóc (gốc rạ) để xây đụn mới.

1-2015

1 nhận xét:

  1. September 28, 2016 Facebook: Yamakuto Choitechim, Doan Tran Tuan Tu and 10 others
    Hoanglong Do- Đụn rơm ở đâu cũng vậy (cây) nếu thiếu đinh 3 không thể nào đụn rơm. Hôm nào về quê tôi (nhà) cũng có cây rơm để bác nhìn và chỉnh.
    Tiểu Hùng Tinh- Bác nhắc tôi mới nhớ. Tấp rơm thành đụn, dưới thấp thì dùng mỏ xảy xốc vào để tấp lên còn trên cao người ta phải dùng cây chạng hai (cây tre dài tách đôi phần gốc) xốc vào để đưa rơm.- Chắc ở Nghĩa Bình người ta dùng đinh ba thay cho loại thứ hai này.
    Hoanglong Do Ở Nghĩa Bình gọi là mỏ gảy bác Tiểu Hùng Tinh ạ!
    Van Long Hung -Nhớ thời chưa có máy tuốt lúa.
    Nhưng quê mình không lót bạt, chỉ xếp lúa trên sân gạch,
    15-5-20 Nguyễn Thị Lợi, Hy Vo và 12 người khác
    Hy Vo Đây cũng là một kỷ niệm tuổi thơ. Dạo còn bé tý, năm đầu của cấp 2.(hệ 10 năm).Chiến tranh nên phải từ Hà nội sơ tán về vùng nông thôn. Mỗi khi mùa về, ngoài phơi thóc, bà con nông dân còn phơi rơm, rạ. Khi khô, rơm được đánh thành đụn, to và vững chắc. Mưa không thể ướt vào nên rất khô,vậy mới để lâu được.phải nói đấy cũng là một nét văn hóa lúa nước. Nhớ lắm.
    Nhóm Làng Phú Liêu- Nguyễn Quang Nguyên-Nghĩa quê cha, nhớ mấy mùa rơm rạ.
    Tình đất mẹ, thương đầy giấc mơ xa.
    Khói lam chiều, vườn xưa bay êm ả.
    Vẫn còn đây, trông mắt kẻ xa nhà.
    Lan Nguyen-Cảm ơn tác gia đọc bài văn ni mới biết được lịch su về đun rơm chúc tác gia khỏe mạnh vui vẻ bên con cháu
    Hieu Quang- Hết mùa tóc ra rơm khô. Bạn về xứ bạn biết mô mà tìm

    Trả lờiXóa