MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

ĐUÔI (chữ nghĩa)




TIỂU TỬ VĂN
butnguyentu.blogspot.com
 Ảnh internet

ĐUÔI (Hán Việt: Vĩ)- danh từ chỉ bộ phận cuối của cơ thể của nhiều động vật có xương sống. Nghĩa từ đuôi phái sinh thành các nét nghĩa: cuối, sau, xấu hèn.

 Đuôi cờ có hình dáng dựng chỏng lên- cá đuôi cờ, chó có đuôi cờ coi rất chướng mắt, có nuôi người ta cũng tìm cách cắt bỏ. Cờ đeo thêm mấy dải ria gọi là cờ đuôi nheo. Trước đây, có loại ốc vặn bánh xe đạp hai tai ốc xòe ra gọi là đuôi én. Có giai thoại rằng Huy Cận khi viết bài Đoàn thuyền đánh cá ghi: Cá đuôi én quẫy trăng vàng chóe, người đánh máy đánh nhầm: Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe; khi đưa bản đánh máy để duyệt lại lần cuối, thấy câu sau hay hơn nên tác giả giữ theo bản đánh nhầm. Nhầm  mà hay, hiếm!


Phụ nữ miền Bắc xưa có tục bỏ tóc đuôi gà xem như là nét duyên dáng nhất- Một thương tóc bỏ đuôi gà. Người Mãn Thanh có tục để tóc đuôi sam. Gà con cỡ mọc đuôi tôm- sắp tách bầy thường cắn đá nhau rất dữ để phân vị thế, nói Chủ vắng nhà gà mọc đuôi tôm là thế. Phần mút kèo cũng được gọi là đuôi kèo, cuối thuyền gọi là đuôi thuyền… Chó  và trâu là hai loài vật có khả năng nhớ chỗ cũ nên chi Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu. Đầu đuôi hàm nghĩa trước sau, nói có đầu có đuôi tức là nói đầy đủ quá trình diễn biến, đầu xuôi đuôi lọt hàm nghĩa sắp xếp lúc đầu ổn thì sau sẽ thuận lợi. Như sừng với đuôi chỉ sự xung khắc. Đuôi- từ Hán Việt là , vĩ thanh là phần cuối bài viết, nghĩa như lời cuối.

Xưa có tục sau ngày cưới, chú rể mang lễ về nhà vợ (nay gọi là phản bái); nếu cô gái còn tân thì trong mâm lễ có đủ đầu và đuôi heo- có đầu có đuôi, ngược lại, chú rể sẽ bỏ đi cái đuôi- có đầu không đuôi, ý trách nhà gái. Trong truyện thơ Trê Cóc, tác giả khuyết danh đã xây dựng một câu chuyện ngụ ngôn rằng Cóc xuống ao đẻ trứng, trứng nở thành nòng nọc, nhà Trê hiếm muộn nên chiếm đàn nòng nọc làm con. Cóc tức mình đi kiện, Nhái bén khuyên rằng cứ chờ đủ tháng đủ ngày nòng nọc đứt đuôi thành cóc con sẽ lên bờ, lúc ấy đi kiện sẽ thắng. Cóc nghe theo và thắng kiện. Đứt đuôi nòng nọc còn là thành ngữ chỉ sự tán đồng một cách mê  say. Nói cóc mọc đuôi tức là chê chuyện bày đặt vô lí.

Một loạt động tác rất đa nghĩa đi theo từ đuôi: Bám đuôi- nối đuôi – bám sát nhau trên đường di chuyển. Theo đuôi- bám theo người khác; trước đây, nhiều người hay nói năng phê bình một cách khinh mạt rằng theo đuôi quần chúng, như vậy hàm nghĩa xem quần chúng là kẻ xấu sao! Cụp đuôi chỉ sự sợ hãi của kẻ dữ, ngoắt đuôi chỉ thái độ nịnh bợ. Cắt đuôi- chỉ việc loại bỏ, tránh được người bám sát theo dõi mình trên đường đi. Bây giờ còn chuyện một số kẻ xấu rình nhổ lông đuôi voi thậm chí cắt đuôi voi để nhổ lông đem bán (có nhiều người tin rằng lông đuôi voi giúp gắn kết tình yêu)! Nói (Khen) vuốt đuôi là kiểu nói nịnh, tán thêm sau lời người khác. Những người có thai thường tránh xa trâu bò vì sợ trâu đập đuôi làm chậm sinh và nghe đâu trâu đập phết trúng chỗ nào trên người mẹ thì đứa con khi sinh ra sẽ bị vết đen trên mình như vậy. Tương truyền rằng khi vồ mồi, cọp đập đuôi bên này thì nhảy sang phía khác, người đi rừng nếu gặp, cần coi cọp đập đuôi để tránh đòn và ra đòn.



                                                                        3- 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét