BÚT NGUYÊN TỬ
Ảnh internet
Vai
quảy, tay xách, Ba Thiệt ra đi khi trời chưa sáng. Cô tất bật, lặng lẽ để không
gặp, không chào ai. Cô muốn đi biệt
tích, mong sao tất cả chìm vào lãng quên. Nói chạy trốn cũng được chứ chịu sao
nổi những lời dị nghị, những con mắt soi mói, dò xét, những lời bóng gió cay
độc. Cái mầm sống tượng hình trong cô, kết quả những giây phút hạnh phúc bên Sở
dù che được ai nhưng sao giấu nổi những những bà hàng xóm tọc mạch đầy kinh
nghiệm kia. Người ta còn đặt vè cho trẻ con trêu chọc và khổ nhất là khi đi
ngang qua quán tiệm, đám đàn ông cứ đổ dồn con mắt khinh thị, có kẻ xướng lên :
“Có chồng mà chửa mới ngoan, Không chồng mà chửa lại càng ngoan hơn…” rồi đua
nhau cười hô hố.
Tuy
tự tin nhưng Ba Thiệt vẫn đau đớn hối lỗi cùng cha mẹ. Từ ngày biết cô quen với
Sở, gia đình đã cản. Ai cũng nghi hoặc cái anh chàng đỏm dáng nói năng khéo léo
này. Anh ta quê đâu miệt Cái Dầm Cái Nước gì gì đó không rõ. Đến khi Ba Thiệt
mang bầu thì mẹ khóc rưng rức còn ba cô như người thẩn thờ, thở dài câm nín.
Ba
Thiệt nhỏ nhắn, nhanh người nhanh việc, chuyện ruộng vườn thành thạo mà bán
buôn cũng tháo vát, tính tình lại xởi lởi. Biết bao chàng theo đuổi, dân ruộng,
dân thợ rồi dân buôn bán đều muốn ngỏ ý, có chàng mê như điếu đổ nhưng cô khéo
léo chối từ. Không biết sao lại chọn anh chàng Sở coi mòi lông bông lang bạt
này. Có người nói cô Ba bị bỏ bùa,ăn nhằm bả lú, uống phải nước mê mới chọn anh
chàng Sở. Riêng cô, cô chỉ biết có Sở, người đâu phương phi nhã nhặn, thâm tâm
cô nghĩ gì hình như Sở hiểu, biết đón ý chiều chuộng, khéo léo điệu đời mà đám
thanh niên kia dễ gì có được. Và cô đã tin, đã chọn Sở.
Hai
người thuê một căn nhỏ cuối xóm nhà lá cặp bờ sông, Ba Thiệt xuất vốn mua lại
chiếc ghe bầu cất hàng cho Sở đi buôn đường dài, cô vừa coi nhà vừa chạy chợ,
ương cái mầm hạnh phúc kết quả của mối tình lãng mạn nay đã tượng hình và đang
lớn lên hàng ngày. Cô đã chọn giây phút gần gũi đẹp nhất để báo tin mừng. Nghe,
Sở chưng hửng hoảng hốt nhưng đã vội vàng vui vẻ, nâng niu với bao lời nhã
ngọt. Chuyến hàng đầu có hao vốn lỗ công
nhưng cô vẫn nghĩ không đến nỗi gì,an ủi động viên sợ Sở thất vọng. Cô
lại tất bật chạy vạy cất đầy hàng cho Sở đi tiếp. Chuyến đi chục ngày, quá lắm
là nửa tháng nhưng sao một tháng rồi hai tháng
không thấy bóng tăm. Rủi ro tai nạn gì không, bệnh hoạn gì không? Ngày
ngày cô vẫn dõi mắt ra bến. Những người xung quanh ái ngại giùm cô. Một người
quen cũng là dân thương hồ kín đáo cho biết Sở đã bán cả ghe lẫn hàng, đứt hết
vốn rồi! Cô không tin, không thể như vậy
được, cô vẫn chờ. Phải đến khi thằng Mót phụ việc lò mò về mếu máo báo tin, Ba
Thiệt mới vỡ lẽ. Cô sửng người, nước mắt tuôn ròng, câm nín. Té ra lần đi
trước, Sở không lo buôn bán giữ gìn, hàng mớ mất mớ bán rẻ. Lần này y thua bạc,
phải gán cả ghe lẫn hàng. Xong bám theo một ả nạ dòng qua biệt đâu miệt Rạch
Giá.
Vốn
liếng gom góp hơn chục năm trời tiêu tan còn thêm cả món nợ hàng làm sao trả nổi. Bỏ cha bỏ mẹ, bỏ hết xóm
làng mà theo con người phụ bạc kia, cô không dám nghĩ, không dám nhìn ai nữa.
Ba Thiệt cay đắng nhìn xuống bụng, ý
nghĩ hủy cái thai thoáng qua làm
cô rùng mình. Không, nó phải được sống.
Mất hết rồi, ngay cả con người thật thà lương thiện của cô cũng buộc phải mất, nó
là phần còn lại cuối cùng cô phải giữ. Khuya hôm đó cô chắp tay tạ tội với mười
phương và ra đi.
Xuôi
sông gần nửa tháng, ghe tấp vào chợ Lạc. Chỉ có chợ mới nhiều việc, nhiều người
nhưng lạ lẫm, lẫn lút vào đây để che đậy thận phận, Ba Thiệt quyết chọn làm
chốn mưu sinh chờ ngày sinh nở. Cô bươn chải đủ vành, xách thuê làm mướn, mua
đầu này bán đầu nọ, cái tài xoay xở đảm đang như hạt giống lành gặp đất, chỉ
trong ít tháng đã ổn định, bán mua đã có bạn hàng. Cô âm thầm chuẩn bị mọi
thứ cho cuộc vượt cạn một mình. Niềm tin,
những ấp ủ về đứa con sắp ra đời làm cô quên hết ưu phiền, rộn ràng sức sống.
Và
điều chờ mong đã đến, trong một đêm khuya khoắt, cô trở dạ sinh một bé gái mụ
mẫm. Nhìn đứa con đỏ hỏn mủm mỉm, cô sung sướng ngạc nhiên như muốn thốt lên:
Mình đây, tương lai của mình đây! Những gì mình lầm lỡ quyết không để con lặp
lại, mình sẽ bù đắp cho con những gì mình thua thiệt. Con là tất cả, con phải
được sung sướng trọn vẹn, cô đặt tên Thương. Người cô lâng lâng, chỉ tạm nghỉ
vài buổi chợ thô đã lại sức, cô bắt đầu chạy ra chạy vào mua qua bán lại.
Bé
Thương phổng phao, thêm tài chăm bẳm của mẹ nên càng dễ yêu, chưa bao giờ cô Ba
tự hào đến thế.Giờ mình đã thành mẹ, có con để lo cho nó, để hãnh diện ví nó.
Coi kìa, chung quanh ai nhìn chẳng thèm thuồng!
Sốt
nóng, bé Thương vốn ngoan ăn ngoan ngủ dễ tính thế mà khóc nhè, khóc giật từng
cơn. Cô Ba không thể chạy chợ được, cô bỏ mọi thứ để chăm sóc. Nhiều người bảo
sốt nóng là chuyện bình thường ở trẻ
con, đừng quá lo lắng, cô tin là thế nhưng cô cứ lo cứ rối vì cô chỉ có mình
nó.Cô thức suốt đêm theo dõi dỗ dành, cô thành tâm cầu khẩn Trời Phật cho con
cô tai qua nạn khỏi . Mấy thứ thuốc
ban nóng cảm ho thông thường kia xem ra
không có hiệu quả. Ở bé Thương có triệu chứng lạ, cô tất tưởi đưa vào bệnh
viện. Chẩn đoán, bác sĩ lắc đầu bảo là sốt bại liệt, bệnh dù lành nhưng di chứng
không thể tránh khỏi. Cô Ba bàng hoàng, đứa con gái tương lai của mình, hơn nữa
nó là gái, thiệt biết bao nhiêu. Cha nó phản bội là người hại, còn bây giờ là
trời hại, trời hại làm sao mà sống? Sao khốn khổ thế này? Lòng quặn đau, cô rủ
người xuống.
Vất
vả trong bệnh viện hàng tháng phải sống
nhờ bát cháo bố thí, bé Thương bụ bẫm trước đây là thế mà giờ tật nguyền lê
lết, cô Ba già sọp không còn đủ nước mắt
mà khóc. Cô nghĩ quẩn nhưng vội giật mình, nhỡ mình có hệ lụy gì thì để đứa con
tật nguyền kia cho ai, đời nó thế nào. Phải vững, cô tự nhủ lòng như vậy.
Xuất
viện, đưa con về nhà. Mọi người đều ái ngại nhìn, lo sợ cô khuỵu xuống bỏ con
bỏ cái, tìm cách chia sẻ nhưng thấy cô Ba vẫn vững vàng, vẫn nói cười vui vẻ.
Như hối lỗi vì chăm sóc vụng về để con lâm bệnh, cô càng cẩn thận hơn. Đêm ngày
cô cầu khẩn cho bé Thương yếu đuối cũng đi lại được như người ta. Ngày ngày hai
mẹ con ra chợ, cô đặt ghế cho con ngồi một chỗ dưới táng cây đa, nhờ người
chung quanh để mắt giùm rồi tất tả chạy mua chạy bán. Rảnh một tí là chăm bẳm,
chơi với con. Tình mẫu tử hay cái sức
sống ẩn trong con người yếu đuối kia
trỗi dậy mà kì lạ thật. Bé Thương cà lê cà lết tội nghiệp thế vẫn vịn tay mẹ
đứng lên được rồi cà xiệu cà xiệu bước đi. Cô Ba phấn chấn nghe như tấm lòng
thành của mình đã được chứng tri, hễ rảnh tay một chút, ngơi việc một chút là
dạy con tập đi. Cả hàng năm trời, giờ thì bé Thương cũng tập tễnh cà nhót cà
nhót chạy chơi cùng bọn trẻ.
Thấm
thoắt, bé Thương đã lên sáu. Được chăm sóc kĩ nên nó cũng lớn bình thường như
những đứa trẻ khác, chỉ tội đôi chân chấm phết, đi vừa phải chống tay vào gối
làm đà. Cô ráng lo cho nó đủ thứ, còn hơn cả con nhà giàu, lại phải bớt một
phần thời gian chạy chợ để đưa đón suốt những năm tiểu học. Khổ nhất là những
lúc bé Thương vùng vằng không chịu đi học, nó thường xuyên bị bạn bè chế diễu.
Cô phải bỏ hàng giờ dỗ dành.. Mỗi tiếng rủa ác nào con què, con thọt, con xi cà
que…bé Thương tức tưởi kể lại như những mũi dao đâm nát lòng cô. Chua xót phận
mình cô không sợ, cô chỉ sợ con mình tủi thân. Bọn trẻ vẫn không ngừng
chọc phá, từ chỗ khóc lóc bé Thương ngày càng nín lặng, không còn về nhà mách mẹ nữa. Nhiều lần thấy con
giấu con dao nhíp vào cặp, hỏi thì nó bảo dùng cắt giấy thủ công. Nghi lắm, cho
đến một lần nhà trường báo gọi cô đến gấp để giải quyết vì bé Thương dùng dao
đâm bạn. Hỏi lí do, nó lì ra không nói, cô đã hiểu mọi sự. Nó quẳng hết tập vở,
một hai cương quyết nghỉ học, còn dọa là bắt đi học thì nó sẽ đâm nhiều bạn
nữa. Chẳng biết làm sao, nghĩ rằng nó là con gái lại tật nguyền, biết đọc biết
viết cũng đủ rồi, ngày ngày khốn khổ với bao thứ trêu chọc bây giờ bắt nó chịu
đựng tiếp lỡ rồi nó liều lĩnh thì sao, cô cho nghỉ học. Nghỉ, nó buồn thì giữ nhà, vui thì theo mẹ
phụ việc lặt vặt, kể cũng ấm tình mẹ con, tránh được tiếng con què con thọt của bọn học trò.Trong một lần cãi vã, bé Thương bị người ta xỉa xói rằng con không
cha. Tức tối uất nghẹn, bé Thương về nhà khóc hỏi mẹ. Từ ngày đó đến giờ cô đã
cố quên, cô xem việc có bé Thương là một hồng phúc thì xem chuyện tình cũ là
điều tai họa. Bỏ lại hết, cô không thể nói cho đứa con bé bỏng của mình nghe về
người cha bội bạc, dầu có thiếu tình thương nhưng không thể để vương vào đầu óc đứa bé tật nguyền yếu
đuối này hình ảnh một người cha khốn nạn. Chưa bao giờ hé cho con một chút về
chuỗi đời khốn khổ của mình, cô Ba lần lữa khéo léo né tránh. Cô chỉ bảo cha
con mất lâu rồi, đừng hỏi nữa. Có lẽ bé Thương hiểu mẹ nên rồi cũng qua.
Con
Thương càng lớn, cô Ba Thiệt càng lo. Mình thì già, gia sản không có gì, nó lại
tật nguyền biết có ai thương đến. Qua cái tuổi dậy thì, nó không còn là bé
Thương mà nở nang phỡn phơ lại được mẹ chăm chút, dị tật không cản trở nổi sức
sống của người thiếu nữ. Mà lạ thật, tính tình nó cũng đổi khác. Nó thích chưng
diện, đòi sắm sửa, thiếu thì phải chạy vạy cho có cho nó. Cả ngày nó chỉ chăm vào
chuyện kẽ tỉa, trau chuốt. Vừa thương vừa mừng cho con, cô không kể gì, vả lại
cũng phải tạo điều kiện cho nó quen biết rồi có chồng có con như người ta chứ! Đỏm
dáng đã đành, học đâu không biết nó có cái kiểu nói năng đãi đưa chớt nhợt nhử
trai làm cô nghĩ đến Sở. Những lúc vậy, cô thấy lạnh người. Nhưng nó là gái,
biết đâu mồm miệng lại bù đắp cho phần tật nguyền thiệt thòi. Bây giờ nó không
ra chợ ngồi phụ buôn bán nữa mà ở nhà,
đi chơi khuya, bảnh mắt còn ngủ bù. Chuyện dọn dẹp nhà cửa cô Ba đã dậy từ sớm
tinh mơ lo liệu, trưa về lo cơm nước. Nó rủ bọn con trai đến nhà, túm tụm với
mấy đứa con gái nhã nhớt dễ ghét nhưng cô không dám cản. Tất bật với gánh nặng
gia đình, gánh nặng nuôi nó cô không sợ, chỉ sợ lỡ bề gì rồi như mình ngày xưa.
Cô khốn đốn nhưng nhờ tần tảo mà vượt qua chứ nó đã tật nguyền vụng dại thì làm
sao?Và biết đâu nó còn gánh cái nợ đời mà cha nó gieo rắc, biết đâu, cô lại
nghĩ chuyện quả báo mà bần thần bấn loạn. Khuyên nhủ nó làm sao đây? Cô quen
nuông chiều, chịu đựng nó từ nhỏ, giờ la
rầy biết đâu đổ vỡ. Nhỏ, nó bè nhè nhỏng nhẻo, lớn lên thì xẵng tính
hạch sách, ít chia sẻ với cô một chút tâm tình ngoài việc hỏi cha khơi dậy vết
thương lòng mà cô giấu kín.
Ở
chợ Lạc nhỏ nhoi lâu ngày chán, con Thương và bạn bè nó rủ nhau đi Thành phố,
mỗi lần vậy ít ra cũng ba bốn ngày. Cô Ba lại phải chạy vạy chi phí. Thời đại
bây giờ, âu cũng phải rộng rãi với chúng một chút. Mà trách gì, xưa mình cũng
phá rào theo tên Sở. Tên bạc tình lang này giờ chắc cũng chết ngủm nơi xó hốc
nào đó rồi, thèm trách chi nó! Cô chỉ mong con Thương kiếm được tấm chồng, mong
sao nó thành gia thất để cô có thêm chàng rễ rồi thêm cháu ngoại. Thêm thằng rễ
cho gia đình có đàn ông, có thể chật vật hơn nhưng được một gia đình trọn vẹn.
Cô Ba hồi hộp mong mỏi.
Con
Thương đi Thành phố lần thứ hai thì dắt thằng Lang về giới thiệu. Hai đứa đã
quen, đã sống chung với nhau, bây giờ về ở với mẹ. Mong con có chồng nhưng có
rễ thế này đột ngột quá, cô Ba thấy lo nhiều hơn vui. Hỏi thăm, nó bảo quê đâu
tận Tịnh Biên, tứ cố vô thân, lụt lội nên trôi nổi lên Thành phố hết cu li thì
đi bốc vác. Nhìn dáng dấp, cô Ba thoáng nghi ngờ: Thằng này coi bộ là dân lang
bang chơi bời hơn là dân làm ăn. Nhưng dầu sao nó cũng đã ăn ở với con mình mà
con mình lành lặn giỏi giang gì cho cam, nếu quan hệ qua đường thì nó về theo
làm gì, chớ coi mặt mà bắt hình dong. Cô làm mặt vui bảo:-“Có con, mẹ vui lắm!
Đã thương con mẹ thì cứ ở đây, thành một gia đình mẹ con nương nhau. Ở đâu cũng
vậy, tay làm hàm nhai, siêng năng làm
lụng thì rồi cuộc sống khá hơn. Quan trọng là các con thương nhau, mẹ chỉ mong
có vậy”. Rồi cô tất tả ra chợ mua ít thịt cá về làm cơm mừng con rễ.
Con
Thương yên bề gia thất nên chỉn chu hơn, nó biết sắp xếp dọn dẹp trong nhà
trong cửa, giúp mẹ bán buôn, cơm nước. Thằng Lang vẫn lang thang kiếm việc,
hình như nó không thích hợp với bất cứ việc gì ở khu chợ Lạc quê mùa này. Nó
bảo phụ hồ ở thành phố khác ở đây, bốc vác ở thành phố cũng khác, việc gì cũng
khác không nặng nề kém cỏi lạc hậu như ở đây. Thôi cứ để nó an cư, chuyện lạc
nghiệp tính sau. Cái chính là nó biết yêu thương, không bỏ bê vợ, con Thương có
hạnh phúc là được.
Con
Thương cho biết là trong người khác lắm, chắc đã có thai hơn nửa tháng, cô Ba
nghe mừng muốn rơi nước mắt. Tin mừng đến sớm hơn cả sự mong mỏi, gia đình sắp
có thêm một thành viên mới để mà yêu thương để mà chăm sóc. Tin vui truyền
trong cô một sức mạnh, cô khấp khởi: À, mình sắp làm bà, có cháu để bế. Mình sẽ
lo thật chu tất cho con cho cháu, không để một sơ hở sai sót nào cả, để cháu bà
ra đời, lớn lên thật vẹn tròn. Cô lại bắt đầu lo chuẩn bị từng tấm tả lót.Cô
giành luôn cả việc của con Thương, phải cho nó nghỉ ngơi, bồi bổ cho có sức để
vượt cạn. Giờ thì con yên tâm không phải
vượt cạn một mình mà đã có mẹ.
Cả
năm trời thằng Lang vẫn long nhong, ngày ngày đàn đúm ăn nhậu với bọn trai
tráng trong chợ. Lúc đầu, cô cũng nghĩ để cho nó quen nơi quen chỗ, quen bạn
quen bè mà gắn bó với gia đình. Hơn nữa , ở miệt đồng miệt vườn chơ Lạc này đàn
ông nào chẳng nhậu, bắt nó sống khác cũng khó. Nuôi ăn còn phải nuôi nhậu, gánh
chồng con là gánh nợ nần, nhiều lần cô nghĩ như vậy. Cứ xỉn lên là nó chửi tứ
tung, lần nào con Thương cự cãi cũng bị nó đánh. Ngôi nhà trước đây thiu thỉu
hẩm hiu bừng lên tiếng cười niềm vui được ít tháng rồi to tiếng cãi vã đùng
đùng như cơm bữa, muốn bể. Cái thằng đâu trâng tráo ngang ngược, nó vểnh mặt
toang toác rằng đang ở trên trển ngon lành thì bị mẹ con mày lừa về đây lấy hết
của cải tiền bạc, bây giờ chẳng có đồng xu về lại Thành phố. Đã lừa nhử nó, đã
ăn của nó thì phải lo cung phụng, thiếu nó chửi, làm gì nó coi! Cô Ba giận lắm,
ức lắm nhưng vẫn khéo léo lựa lúc nó tỉnh táo nhắc nó lo tu tỉnh làm ăn, ráng
phụ giúp gia đình, sắp làm cha rồi, phải chuẩn bị mọi thứ mà đón đứa con ra
đời. Mấy lần đầu nó cũng ậm ừ, sau đó nó chẳng thèm nể mặt, quát thẳng vào mặt
mẹ vợ. Cô Ba cay đắng nín nhịn.
Bụng
con Thương ngày càng lớn, đi lại khó khăn lắm rồi, cô thì phải lo chạy chợ,
thằng chồng chẳng giúp gì chỉ có bóc, hơi chút lại thượng cẳng chân hạ cẳng
tay. Cô Ba thực sự lo sợ, mỗi lần nghe vợ chồng nó cự cãi , cô vội vàng đứng
chen ngang để che chắn, lắm khi cô còn bị thằng Lang tát đấm sưng mặt sưng mày.
Xẩm
tối, con Thương chuyển bụng, thằng chồng nó biệt tăm dạng đâu cả mấy ngày nay
không biết, cũng may cô đã chuẩn bị gói ghém sẵn mọi thứ, gọi đò chuyển ngay
lên trạm xá, đến khuya thì sanh. “Ra rồi!”, tiếng trẻ khóc oe oe,”Một cu Tí”,
tiếng cô y tá kêu lên. Cô Ba núp ngoài cửa theo dõi mọi động tĩnh, thở phào mừng
vui. Cục cưng yêu quý này, niềm vui của cô, nguồn hạnh phúc của con gái cô, là
tương lai của cả một gia đình.
Ở
bệnh xá chưa đến chục ngày, cô Ba đưa mẹ con Thương về. Cô nhẹ nhàng chăm chắm
từng bước một bế cháu ngoại xuống ghe về nhà. Bấy lâu đầu tắt mặt tối giờ mới
có dịp ngửng lên nhìn bầu trời cao, ngắm những tia nắng chiếu xuống dòng sông
chấp chới, sáng tỏa. Cô nựng đứa cháu yêu: Bà đưa cháu về nhà ăn ngon ngủ khỏe
chóng lớn, cháu cưng của bà nhé!
Đến
nhà, láng giềng thân quen tới chúc mừng, cả buổi trời thằng Lang mới ngật
ngưỡng về, mặt ráo huơ ráo hoảnh. Có người bấm chọc nó lên cha rồi mắc cỡ phải
không, nó tỉnh rụi: “Cha cố con cái cóc quái gì, thêm vướng.” Thằng lạ! Trong
nhà mọi thứ bừa bộn cứ tạm để đấy, cô Ba phải nhanh chóng sắp xếp cẩn thận cho
mẹ con Thương một chỗ thoáng mà kín gió. Ơn phước, thế là ổn rồi! Phải để cha
nó đặt cho thằng cu cái tên, cô hỏi thằng Lang thì nó bảo nó Lang thì đặt tên
cho thằng nhỏ Chạ là hợp nhất. Ai nấy đều cười. Cô Ba gạt đi, con Thương mau
mắn bảo cha Lang thì đặt con tên Quân. Ai nấy trâm trồ, cái tên hay , đúng vẻ
con trai.
Cô
Ba lại lao vào chạy chợ, cô làm tất bật như để bù đắp những ngày nghỉ nuôi con
sinh nở. Chạy vạy đầu này đắp đổi đầu kia, rảnh một chút thì lo chăm cháu, chăm
con. Gian nan mà bình an là tốt rồi! Chỉ còn nước thằng rễ. Vợ sinh, có con rồi
là chồng là cha, nó không giúp thêm một chút mà chơi bời quậy quạng càng táo
tợn. Nhiều lần nó về nhà quậy, cô Ba phải dúi tiền cho nó đi chỗ khác, sợ con
Thương đang sinh còn non tháng non ngày nổi máu sản hậu thời nguy tai. Thôi thì
cũng ráng nuôi báo cô nó cho con Thương có chồng, thằng Quân có cha. Nhưng rồi
tính nào tật nấy, bao chuyện tệ hại nhất sau các trận nhậu nó đều mang về nhà
đổ vào vợ con. Nó chửi bới, càn quấy ngày càng dữ, con Thương sợ, học dần nết
nín nhịn của mẹ. Được trớn, thằng Lang càng hung tợn, nhiều lần nó xông vào
đánh vợ nhưng cô Ba cản, nó thoi vả luôn vào mặt mẹ vợ. Lần này nó hung hãn
xông vào đấm tát vừa xỉ mắng “đồ cà que, đồ không cha, đồ đĩ bợm do mẹ mày làm
đĩ đẻ ra”, xông tới định bóp chết đứa con, con Thương tức mình với cây dao đặt
đầu giường đâm trả một phát. Tiếng kêu “Ối” thằng Lang đổ vật xuống... Nghe tiếng
kêu, cô Ba lật đật chạy vào nhưng không còn kịp nữa, thằng Lang đã chết. Con
Thương khựng người xanh lét. Kinh hoàng nhưng mạnh dạn và nhanh trí, cô rút con
dao,máu phụt tung tóe. Cô lay tỉnh con
Thương, bảo kín:-“ Lỡ rồi, đừng sợ, cứ đổ tất cả cho mẹ, mẹ giết! Mẹ nhận hết, con cứ yên tâm sống mà
nuôi con!” Và cô la to lên: -“Bớ làng bớ xóm! Tôi lỡ tay giết thằng rể! Bớ làng
bớ xóm!”
Cả chợ Lạc chấn động, công
an, pháp y tức tốc bao vây hiện trường, cô Ba Thiệt bị còng tay dẫn đi. Biên
bản điều tra kết thúc nhanh chóng, cô Ba nhận hết mọi tội lỗi. Địa phương cũng
xác nhận nạn nhân Lang thường say xỉn quậy phá gia đình gây mật an ninh trật
tự, việc bà Ba Thiệt giết người là không cố ý. Ra trước tòa, cô thừa nhận mọi
điều đã cung khai. Tòa tuyên hai chục năm tù giam. Mặt cô ráo hoảnh. Tòa cho
phát biểu, cô cảm ơn và chấp nhận. Tra tay vào còng, người ta dẫn cô ra xe bít
bùng chuyển vào nhà lao.
Trong
tù, cô Ba tìm cách nhắn ra cho con Thương ráng chạy vạy chắp nhặt sống mà nuôi
thằng Quân, đừng lo cho mẹ, đừng thăm
nuôi mà tốn kém. Cô nghĩ đến con Thương chân thìa chân thọt, đi một mình chưa
vững, vụng kém đủ thứ lại nách mang con nhỏ hỏi làm sao mà sống. Cô khóc. Cô sợ
con Thương quá lo cho mẹ, bỏ công chuyện làm ăn, vay mượn mà đi thăm nom rồi
sinh nợ nần. Nhưng năm này qua năm nọ, không gặp con không thấy cháu, không đi
thăm mẹ được đủ biết cuộc sống con khốn khổ thế nào rồi. Mấy năm đầu, thỉnh
thoảng cô nhận được thư nó, có mấy dòng nguệch ngoạc thương nhớ, hỏi thăm sức
khỏe mẹ, mong ngày đoàn viên mà cô mân mê đọc đi đọc lại không biết bao lần,
nước mắt nhợt nhòe trang giấy. Càng về sau không biết sao càng thưa dần rồi
biệt tăm. Cô nhờ trại liên hệ mới hay nó bị té liệt người nằm một chỗ rồi mất,
bỏ con bỏ cái. Thằng Quân được một người nào đó nhận nuôi. Cô Ba gục xuống,
ngất đi. Thế là hết!
Hiền
lành, thực hiện tốt nội quy trại giam, cô Ba được hưởng ân xá, mãn hạn tù sớm năm
năm. Xách bọc quần áo, cô thất thểu như người mất hồn bước ra cổng trại. Một
chiếc xe ôm trờ tới: -“Về đâu hả bà già?”. Cô giật thót, mình về đâu nhỉ? Đường
về chợ Lạc cả ngày trời nhưng còn ai ở đó. Chỉ còn thằng Quân, thằng cháu ngoại
yêu quý của bà, tuổi nó cũng bằng tuổi tù của bà, bây giờ mười lăm rồi, mười
lăm năm bà cháu không gặp, liệu nó có nhận mình không, nó nghĩ sao khi bà ngoại
là người đã giết cha nó. Trong tù, cô rất sợ con Thương dại dột nói ra sự thật
với thằng Quân. Thà mất bà ngoại chứ không được mất mẹ, mất bà ngoại vẫn còn mẹ
mà dựa, mất mẹ là mất hết, cô nghĩ
vậy. “Bà già về đâu?”, tiếng giục của
lái xe ôm làm cô sực tỉnh. Ừ nhỉ, mình về đâu nhỉ? Cô bảo thôi cứ chở ra đường
lớn. Trời sụp tối, văng vẳng đâu đây
chuông chùa thong thả điểm từng tiếng công phu.
07-08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét