MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Cái KHUÔN DẤU (Chuyện xưa chưa cũ)


BÚT NGUYÊN TỬ
Ảnh internet
1.      HÚ VÍA

Năm 1985, ông N cán bộ công đoàn phòng giáo dục TT lên sở GD Hậu Giang công tác luôn tiện nhận về 40 cái mộc công đoàn cơ sở. Lên xe, nhét bọc mộc xuống chân ghế, một hồi mò kiếm mới tá hỏa, mất tiêu. Báo ngay cho công an bến xe, cuộc truy tìm khẩn cấp. Ơ-rê-ka, gói mộc được bọn trộm quẳng lại trong cầu tiêu. May, mộc gỗ chứ mộc đồng chắc phải ra tiệm đồng nát mà tìm!

2.      HOẢNG HỒN

 
Thầy hiệu trưởng T đi ăn đám giỗ nhà phụ huynh học sinh, lai rai từ chiều tới tối mịt quá xỉn, băng đồng lội về. Kéo một giấc tới sáng trợt bỗng có tiếng đập cửa gấp. Mở cửa, bác chăn vịt chạy đồng đưa cho khuôn dấu. Té ra, khuôn dấu bị thầy đánh rơi giữa ruộng, bác ta lùa vịt đi qua, ngó thấy, lượm coi kĩ, biết chắc là của thầy hiệu nên đem trả. Một phen hoảng hồn.

3.      LAO ĐAO

Thầy hiệu trưởng L chạy vào trường, dáng bộ thất thần. Hỏi thì bảo mất khuôn dấu. Số là hồi hôm trộm viếng nhà thầy rồi quơ luôn cái cặp da. Trong cặp có một ít tiền, giấy tờ và nhất là khuôn dấu trường. Văn phòng không có cửa nẻo, tủ kệ cũng không, thầy phải giữ mộc lè kè và tha luôn về nhà  nào ngờ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, chuyến này phải qua công an làm việc.

4.      KHÔNG TRÒN THÌ VUÔNG

Khoảng năm 1985 về trước, nhiều trường nông thôn, hiệu trưởng không có khuôn dấu. Kí xong phải đem lên xã chứng thực chữ kí. Xã thì xa, vào ra trình chứng lại phiền nhưng chữ kí mà không có  khuôn dấu thì gia trị gì. Khó ló cái lạ lùng, hiệu trưởng kí xong lấy mộc vuông thư viện ịn vào. Không tròn thì vuông, có sao đâu!


5.      MẸ TRÒN CON VUÔNG

Năm 1985, tất cả các huyện thị ở tỉnh  Hậu Giang (cũ) đều nhập các phòng giáo dục, phòng văn hóa, phòng thể thao, phòng y tế, phòng lao động thương binh và xã hội, ban điều động dân cư, ban dân số…thành một phòng gọi là phòng văn xã do một phó chủ tịch huyện (thị) làm trưởng phòng. Các phòng ban cũ nay chỉ còn là tổ, không có mộc.
Phòng văn xã đặt tại ủy ban, có bảy tám tổ đặt bảy tám nơi, các tổ giải quyết xong phải lên ủy ban đóng dấu. Nhiều tổ kí đóng nhiều, khiêng luôn con dấu về tổ mình báo hại  tổ khác đóng không có, thế là tự đông nổ ra cuộc chạy đua vừa đuối bắt để  truy tìm khuôn dấu. Để giải quyết vấn nạn này, huyện M có sang kiến làm cho mỗi tổ một cái mộc vuông. Thế là mộc mẹ tròn mộc con vuông đúng như thành ngữ.
Một thời gian thì phòng văn xã giải thể, không biết cái mộc xưa có còn hay các phòng lại phải đi đúc mộc mới!

6.      THỰC TẬP LÃNH ĐẠO

Tới thăm nhà thầy hiệu trương S, tình cờ vớ coi quyển tập trên bàn, mở xem, thấy kí nháp và đóng dấu trường dày đặc. Té ra, trong lúc rỗi buồn, thấy cũng luyện chữ kí và đóng mộc. Ngồi một hồi, thấy đứa con của thầy moi khuôn dấu trong hộc bàn ra chơi, cũng nguệch ngoạc kí đóng. Mới nghĩ: Chắc nó cũng đang tập lãnh đạo để kế nghiệp cha.

7.      MOI TỪ CẠP QUẦN

Bảo đảm không phải như chuyện nhân vật Lí trưởng moi cái triện (củ khoai) từ cạp quần ra hà hơi đóng vào giấy tờ bán con của chị Dậu trong truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố mà là người thật việc thật. Hiệu trưởng Giáp ghé cơ quan tôi làm việc. Xong, anh xin tờ công lệnh trống ghi tên và chức vụ mình (là người đi công tác) rồi kí mạo chữ kí phó hiệu trưởng (người ra quyết định), xong moi trong túi xách hộp dăm bông và khuôn dấu dậm  đóng vào rồi đưa nhờ xác nhận. Hết biết!

8.      BAN UY

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có chức nên tha hồ kí đóng, nghĩ cũng thương tình cho giáo viên, không biết có cơ hội nào san sẻ bớt cho anh em hưởng mộc. Đai hội cha mẹ học sinh, cơ hội rồi, hiệu trưởng chỉ đạo cho học sinh viết giấy mời, giao giáo viên chủ nhiệm thay mặt nhà trường kí tên và dậm  mộc vào. Té ra chữ kí mà có thêm khuôn dấu đỏ toòng teng thì oai hẳn, coi đã hơn. Lâu lâu hưởng oai mộc một lần, giáo viên nào cũng phấn khởi, tích cực hoàn thành nhiệm vụ kí đóng, sướng còn hơn ăn bánh…vẽ!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét