MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Phủ định để khẳng định- Nghệ thuật viết về tình bạn trong thơ NGUYỄN KHUYẾN

TIỂU HÙNG TINH







                                                    Đầu trò tiếp khách trầu không có,
                                                      Bác đến chơi đây ta với ta.
            “Bạn đến chơi nhà”- một bài thơ chân chất, thắm thiết tình bạn, Nguyễn Khuyến đã sử dụng nghệ thuật phủ định để khẳng định, nói không để nói có. 

            Cách nói phủ định của ông trong bài có thể dưới dạng không: Trầu không có; dưới dạng khó: Trẻ thời đi vắng chợ thời xa, Ao sâu nước cả không chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà; khi thì dưới dạng chưa: Cải chửa ra cây cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa. Đãi bạn dù mấy món đạm bạc tối thiểu- không có, đến miếng trầu đầu câu chuyện- không có nốt. Phủ định mọi thứ, nói không với tất cả để làm bật yếu tố chính nhất là tinh thần tình cảm: “Bác đến chơi đây ta với ta”.
            “Ta với ta” : tôi  với bác trong một chữ ta, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Vượt  lên tất cả, trên mọi thứ, không cần một điều kiện nào là tình bạn chan hòa, chân thành và thắm thiết.
            Nếu ở bài Bạn đến chơi nhà Nguyễn Khuyến đi từ phủ định đến khẳng định thì trong bài Khóc Dương Khuê- người bạn tri âm tri kỉ, đồng khoa với tác giả- nghệ thuật của Nguyễn Khuyến đi từ khẳng định (có) đến phủ định (không). Mọi thứ có ý nghĩa khi có bạn; bạn mất, tất cả thành vô nghĩa.
            Phần đầu Khóc Dương Khuê là một đoạn hồi tưởng : “Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước, vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau” rồi một  loạt kỉ niệm hiện ra : “Cũng có lúc chơi nơi dặm khách”, “có khi từng gác cheo leo”, “Cũng có khi rượu ngon cùng nhắp”, “Có khi bàn soạn câu văn”. Tác giả liệt kê ra, có bạn -có mình- có mọi thứ. Mọi thứ và và cả bản thân mình trở nên ý vị khi có bạn.
            Bạn mất, “Chợt nghe tôi đã chân tay rụng rời”, sự đột biến tâm cảm, từ trạng thái có trở thành không, từ cách nói khẳng định chuyển qua phủ định:
                                    “Rượu ngon không có bạn hiền
                                    Không mua không phải không tiền không mua
                                    Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết
                                    Viết đưa ai ai biết mà đưa
                                    Giường kia treo những hững hờ
                                    Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”.
            Trong hai câu nói về rượu, tác giả dùng điệp từ không năm lần thể hiện một trạng thái trống rỗng đến vô nghĩa khi thiếu bạn hiền. Thơ thiếu tri kỉ (đưa ai , ai biết) cũng chết luôn thi hứng. Dùng điển tích Treo giường (Trần Phồn đời Hâu Hán dành một chiếc giường cho bạn là Từ Trĩ. Lúc bạn đến thì mời ngồi, khi bạn về thì treo lên) để nhớ bạn. Treo- không sử dụng, tuy nói năng kiểu cách nhưng vì khóc bạn là Cử nhân Dương Khuê lớn lên từ cái nôi điển tích chữ nghĩa nên vẫn phù hợp.Bạn không còn, không còn tri âm, không còn ai tương ứng, tiếng đàn cũng lạc lõng vô hồn. Lúc có bạn, mọi thứ đều sống động, đều có ý nghĩa; bạn mất thì trống vắng tràn ngập, mọi điều như vô nghĩa.
            Và cuối cùng trong bài Khóc Dương Khuê là nỗi xót xa, nhớ thương sâu nặng:
                                    “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
                                    Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương
                                    Tuổi già hạt lệ như sương
                                    Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan”.
            Bạn mất, muốn giữ cũng không được, bạn vắng mặt trong cuộc đời nhưng trong tôi,  bạn không hế mất, tình cảm vẫn bền chặt. tác giả nói không thể có nước mắt để khóc bạn được nữa nhưng rồi hai dòng lệ vẫn tuôn trào.
           
            Biện pháp nghệ thuật trong thơ nguyễn Khuyến viết về bạn dù nói không rồi nói có, nói có rồi nói không, cuối cùng vẫn là sự khẳng định tình bạn bền chặt, tình bạn thiết tha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét