MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

NHÃ NGỮ



          Lời nói nghe lịch sự thanh tao, nghe trân trọng, không trống trợt, tránh nói trắng ra nhất là tránh tục tĩu… gọi là nhã ngữ.

          Từ Hán Việt nghe trân trọng, nghĩa kín hơn (tiềm ẩn) nên thường được dùng cho nhã. Người ta nói tiểu tiện, đại tiện, phòng vệ sinh chứ ít ai nói trắng ra trước mọi người là đi… đi… phòng…Thế mới là lịch sự.



          Mời người khác ăn uống thì thường nói dùng cơm, dùng trà. Không ai nói ban ăn uống vì lộ liễu quá mà gọi là ban ẩm thực. Nói công nhân quét rác nghe chói tai ra vẻ khinh thị, phải gọi là công nhân vệ sinh. Nói nhân viên làm việc tạp nhạp, làm việc vặt thì có vẻ coi thường, gọi là tạp vụ hay hơn. Chào cờ xong, dùng cụm từ nào để thông báo cho mọi người ngồi xuống? Trước đây, người ta dùng  chữ an tọa, lắm người muốn tránh từ Hán Việt nên hô : Ngồi xuống! Hô ngồi xuống như một mệnh lệnh, không ổn. Hô ngồi thì cộc lốc, cũng không ổn. Có trường hợp chào cờ xong, người điều khiển lờ vấn đề này và chỉ nói: Thôi! Và mọi người tự động ngồi xuống. Cuối cùng thì cũng phải trở về với cụm từ an tọa vì nó là nhã ngữ trang trọng. Có người gọi là an (yên) vị, nghe cũng hay.

          Trong luật lệ, văn bản khoa học người ta thường dùng từ Hán Việt, tránh dùng những từ “thuần Việt” nếu nó tục. Ví dụ giao hợp, giao cấu, hiếp dâm, phóng uế mà tránh dùng những từ chỉ trắng  ra hiện tượng đó.

          Cũng phải thấy rằng dùng nhã ngữ để thay thế những từ tục chứ những từ không chỉ sự bẩn thỉu tục tĩu thì vẫn dùng bình thường, không vì nệ nhã ngữ mà làm nghèo cách diễn đạt. Hơn nữa, nhã ngữ cũng phong phú chứ không quá công thức, đơn điệu. Dùng nhã ngữ để thay thế quá nhiều sự vật hiện tượng cũng dở… Mới có chuyện ở một vùng quê Thanh Hóa, người ta quen dùng nhã ngữ “mời”. Có thầy giáo ở nhà dân, chủ nhà quý lắm, đến bữa ăn thường  lịch sự : Mời thầy “mời” cơm! Mời thầy mời  bánh! Mời thầy “mời” nước! Có lần, sớm tinh mơ, thầy thức dậy, việc đầu tiên là  ra nhà vệ sinh. Vừa tới đã chạm mặt chủ nhà, chủ nhà thối lui, chỉ vào nhà cầu đon đả: Mời thầy “mời” trước!
          Trong văn chương, nhã ngữ lại càng quan trọng. Nguyễn Du viết về chuyện Thúy Kiều bị thất tiết với tay Mã Giám Sinh: “Tiếc thay một đáo trà mi, Con ong đã tỏ đường đi lối về. Một cơn mưa gió nặng nề, Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương”. Nguyễn Gia Thiều cũng viết về chuyện “quan hệ”  giữa nhà vua với nàng cung nữ rất nhã: “Cái đêm hôm ấy đêm gì, Bóng dương lồng  bóng trà mi trập trùng”. Cảnh ái ân riêng biệt của nam nữ thành cảnh thiên nhiên, dùng cảnh thiên nhiên để nói chuyện phòng the, văn chương không tránh chuyện tục. Tục là chuyện hàng ngày, là một phần của cuộc sống thế nhưng đã được văn chương làm cho thanh, ngọn bút làm cho tao nhã thêm. Nhã ngữ là vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét