Gv Trường CĐSP SÓC TRĂNG
1. Cấu trúc (Cơ cấu) là hình thức cấu tạo bên trong của hệ thống, là cách sắp xếp các phần tử lại với nhau thành hệ thống làm xuất hiện các mối quan hệ ràng buộc giữa chúng theo một hướng xác định.
Như vậy:
- Mục tiêu (định hướng) quy định cấu trúc. Tùy theo yêu cầu, phương hướng, mục tiêu hoạt động mà phải tổ chức sắp xếp hệ thống cho phù hợp để đáp ứng.
- Cấu trúc có quan hệ nhân quả với hành vi. Cấu trúc (nhân) như thế nào thì hành vi (hệ quả) như thế ấy và ngược lại. Từ hành vi (kết quả hoạt động) phải thường xuyên cải tiến cấu trúc (nhân) cho phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Cấu trúc vừa phân định (theo chức năng, cấp bậc) vừa liên kết các phần tử của hệ thống tức là chỉ rõ chức năng riêng đồng thời xác định mối quan hệ giữa các phần tử trong một chỉnh thể.
- Cấu trúc tạo ra sự biến đổi các tác động qua lại giữa các phần tử, làm xuất hiện ở các phần tử những tính chất mới (tính trồi, chất tích hợp) mà trước kia chúng chưa có.
2. Chất tích hợp (tính trồi) là sản phẩm của cấu trúc, hệ quả sự tác động lẫn nhau giữa các phần tử. Chất tích hợp thể hiện trong sự biến đổi từng phần tử và sự biến đổi toàn hệ thống.
2.1. Trong giới tự nhiên, các nhà khoa
học chỉ ra rằng H2O có những đặc tính khác với H2 và 1/2O2
khi các nguyên tử này đứng riêng lẻ. Đặc tính của Neutron (N) khi ở trạng thái
tự do thì không ổn định, tồn tại ngắn nhưng khi kết hợp với Proton (P) thì bền
vững hơn.
2.2. Trong lĩnh vực quân sự, K. Marx nhận
định: “Cũng giống như sức tấn công của một đội kị binh hay sức chống cự của một
trung đoàn bộ binh khác cơ bản với tổng số sức tấn công hay sức chống cự của
từng người kị binh hay từng chiến sĩ bộ binh riêng lẻ.”(Tư bản, q1, tập II,
Sự Thật, HN, trang 59).
Điểm khác cơ bản mà K. Marx đề cập bản thân từng người
(từng phần tử) không có mà chỉ có được khi những người đó (các phần tử) kết hợp
lại trong một tổ chức mới tạo ra được. Sức mạnh này chính là sức mạnh tổ chức,
đấy chính là chất tích hợp.
Napoléon có một sự so sánh nổi tiếng :
1
lính M (Mameluk- dân binh Ả Rập thiện chiến) đánh thắng 3 lính P (Pháp).
100
lính Mameluk thì đánh hòa 100 lính Pháp.
1500
lính Mameluk thì đánh thua 1000 lính Pháp.
Tính toán đơn giản: Nếu 1 M > 3P thì 1500 M > 4500P nhưng tại sao có chuyện 1500M <
1000P. Rõ ràng lính M kết hợp càng nhiều
thì càng yếu, mỗi người yếu hơn sức mạnh bản thân mình vốn có trong khi lính P
càng kết hợp thì càng mạnh., mỗi người mạnh hơn bản thân mình vốn có. Vì sao,
vì tổ chức. Lính Pháp có tổ chức tốt hơn
nên phát huy hiệu lực còn lính Mameluk tổ chức kém nên khi liên kết càng lớn
thì càng rệu rã. Bài học về sức mạnh của tính tổ chức và sự suy yếu của tính ô
hợp. Quân không cần đông, chỉ cần tinh. Khi nói tinh nhuệ thì không phải chỉ
nói vũ khí mà trước hết nói đến tinh thần kỉ luật, tính đồng đội, chiến thuật,
chiến lược. Chính các yếu tố này làm tăng hẳn sức mạnh hơn là sức mạnh vốn có
của người lính. Điều này, xã hội ta từng trả giá trong việc tổ chức làm ăn tập
thể…Tình trạng “cha chung không ai khóc,
nhiều sãi không ai đóng của chùa”, ban bệ cho nhiều, chức sắc cho lắm nhưng
chỉ ngó nhau, đổ qua đá lại không ai chịu làm. Câu chuyện truyền miệng rằng:
Một người Việt nam thì hơn ba người Nhật còn ba người Việt Nam thì thua một người Nhật. Người Việt Nam
mỗi người là một viên kim cương nên cứ rời nhau còn người Nhật là bùn dất nên
biết gắn kết với nhau. Chuyện này nói lên điều gì phải chăng là sự phê phán
tinh thần tập thể, tính tổ chức,mối quan hệ hợp tác trong công việc của người
Việt kém? Bài học Mameluk chua xót! Trong công tác cải cách hành chính muốn đạt
hiệu quả nhất thiết phải tính đến cấu trúc hợp lí, tính đến chất tích hợp trong
hệ thống.
2.3. Chính sự thay đổi phương thức tổ chức sản xuất
là yếu tố quyết định sự tiến bộ xã hội. Giả dụ có một người thật khỏe ngày ngày
xô một tảng đá lớn, xô hết ngày này qua ngày khác viên đá vẫn không đổ nhưng
nếu biết tổ chức cho mười người cùng xô thì tảng đá đổ. Tính ra, số công mười
người bỏ ra không lớn thậm chí ít hơn
rất nhiều lần số công của một người nhưng thực hiện được công việc có hiệu quả.
Vì sao? Một người dù cho nỗ lực đến mấy
đi nữa vẫn không thể thực hiện được mà công việc đòi hỏi phải có sự liên kết,
tổ chức của nhiều người.
Từ sản xuất thủ công riêng lẻ đến công trường thủ công (những người thợ
được chỉ huy để làm một phần việc nào đó trong quy trình tạo ra sản phẩm) là
một bước lớn vì tạo ra được năng suất cao hơn, đến dây chuyền sản xuất công
nghiệp thì tính chất xã hội hóa trong sản xuất càng lớn, năng suất vượt trội,
chất lượng và hiệu quả hơn hẳn. Hiệu quả sản xuất vượt hẳn khả năng vốn có của
từng người thợ cộng lại mà sức của người thợ được nhân lên, tích hợp lên. Đây
chính là sức mạnh tạo ra từ cấu trúc, từ sự liên kết nằm ngoài sức mạnh vốn có
của từng phần tử. “Tổng số sức cơ giới
của từng công nhân riêng rẽ cũng khác về cơ bản với sức tập thể mà họ phát
triển khi có nhiều cánh tay tham gia
cùng một lúc vào cùng một công việc không thể phân chia được.”(K. Marx,
sđd, tr59)
2..4. Sự liên kết các phần tử tạo thành
hệ thống sẽ tạo ra chất mới (chất
tích hợp) đồng thời cũng biến đổi các thành tố ban đầu, trong những điều kiện
nhất định sẽ phát sinh ra những thành tố mới. Do vậy, điều khiển một hệ
thống phải biết phát hiện và đánh
giá các yếu tố “phát sinh” khi hợp nhất, kết hợp, phân chia nói chung là tổ chức
lại các đối tượng, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ. Tổ chức (bộ phận, phần
tử) tăng theo “cấp số cộng” thì qua
hệ tăng theo “cấp số nhân” ý là số quan
hệ tăng nhanh hơn. Tổ chức càng nhiều bộ phận thì khi tăng thêm một bộ phận sẽ
tăng thêm rất nhiều quan hệ giữa các bộ phận, quá nhiều bộ phận sẽ nảy sinh quá
nhiều quan hệ xử lí không hết nhưng nếu quá ít bộ phận thì không đảm đương hết
công việc.
Cũng cần lưu ý, khi thêm một phần tử trong một hệ thống có nhiều phần tử thì xuất hiện hàng
loạt quan hệ đã đành mà nhiều khi còn
xuất hiện thêm phần tử mới (thêm bộ phận lại đẻ ra bộ phận) và khi xuất hiện
phần tử mới lại xuất hiện hàng loạt quan hệ khác. Các bộ phận (phần tử) thừa (chức
năng không rõ ràng, không có chức năng chuyên biệt) chính là các khối u cần
mạnh dạn cắt bỏ trong cơ thể hệ thống vì nó sẽ chồng chéo, nảy sinh quan hệ
phúc tạp làm rối hệ thống. Việc tính toán số bộ phận và số quan hệ giữa các bộ
phận là một điều cực kì quan trọng trong công tác tổ chức, điều hành.
2.5. Một biểu hiện của tính trồi (chất
tích hợp) là nguyên lí điều khiển học mà Andrew Weiner gọi là “sự hút và đẩy giữa các tần số”.
Trong một tổ chức có hiệu lực: Đa số tốt --> (kéo theo) bộ phận chậm tiến vươn lên.
Trong một tổ chức kém hiệu lực: Đa số yếu
kém --> các bộ phận xuất sắc dễ dàng tụt lại.
Có thể diễn đạt một cách nôm na là bản
thân mình chưa “bầu” nhưng chung
quanh người ta “bầu” cả nên mình phải
“tròn”. Bản thân mình không “ống” ngưng chung quanh người ta “ống” cả nên mình phải “dài”.
Đa số (tập thể, nhiều phần tử
trong hệ thống) sẽ hút các phần tử thiểu số theo nó và đẩy bạt tính chất của
các phần tử thiểu số đó đi. Đây là bài học dùng tập thể để giáo dục, dùng sức
mạnh của tập thể, dùng dư luận của tập thể để giáo dục cá nhân, nêu gương lôi
cuốn cá nhân, bộ phận.
Đó là mặt thuận chiều của nguyên lí, còn
mặt nghịch chiều cũng phải được xem xét để có thể điều khiển hệ thống. “Lỗ nhỏ đắm thuyền, con sâu làm rầu nồi
canh”, bộ phận có thể phá hủy toàn thể, bộ phận (phần tử) tiêu cực đôi khi
có thể làm hư hỏng các bộ phận (phần tử) tốt, hư hỏng cả hệ thống. Điều khiển
quản lí không thể chung chung mà phải đi sát từng bộ phận. Và trước một tổ chức
kém hiệu lực, chỗ dựa của người điều khiển là các phần tử tích cực thiểu số,
trên cơ sở đó nhân rộng ra cả hệ thống. Đây là bài học xây dựng điển hình, “ngọn cờ đầu”, lấy thiểu số làm gương
cho đa số, “lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại”.
3. Cấu trúc đương nhiên tạo ra sự biến
đối, chất tích hợp là sản phẩm của một cấu trúc (cơ cấu) hợp lí, nó biểu thị sức
mạnh của hệ thống. Một cấu trúc không
hợp lí không những không tạo ra chất tích hợp mà còn tạo ra những biến
chứng lũng đoạn hệ thống làm cho hệ thống trì trệ, suy thoái
thậm chí đổ vỡ. Hoàn thiện hệ thống chính là tăng cường các tác động, các quan hệ
giữa các phần tử một cách có định hướng, vận động thống nhất trong một chỉnh
thể xã hội. Có thể nói chất tích hợp là sản phẩm đồng thời là thước đo của cấu
trúc hệ thống.
2/09
1. Sơ lược về lí thuyết hệ thống, lí thuyết thông tin và điều khiển học, Hoàng Chúng, Tài liệu lưu hành nội bộ, Trường CBQLGD & NV, TpHCM, 1980.
2. Bài giảng Những vấn đề cơ bản về lí thuyết hệ thống vận dụng trong giáo dục, Nguyễn Văn Hùng biên soạn, Tài liệu lưu hành nội bộ, Trường CBQLGD Sóc Trăng, 1990.
3. Bài giảng Lí thuyết hệ thống, Trần Phước Trữ, Đại học Huế, 1997.
4. Những bài giảng về Quản lí trường học, tập II, Hà Sĩ Hồ chủ biên, Giáo Dục, HN, 1985.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét