Truyện
ngắn của BÚT NGUYÊN TỬ
Xóm có cái tên Phú Phong rất mượt
nhưng ngoại trừ người tại chỗ thì không ai còn nhớ cái tên ấy. Đôi khi đọc trên
giấy tờ xóm Phú Phong, người xóm còn ngơ
ngác nói chi người ngoài, phải nói xóm Cây Cồng hoặc xóm Cồng người ta mới
nhận ra.
Ở vùng nửa quê nửa chợ, đất cát
ít, hết ruộng rẫy thì dân xóm trở qua nghề xe lôi xe kéo, vất vả quanh năm. Một
số có gốc gác từ xưa, đời cha ông đã tới lập nghiệp, số còn lại là dân ngụ cư
vốn liếng không nhiều để ở chợ, ruộng vườn không có để ở quê nên chọn xóm này
nương thân. Ở quê vào vụ thì đi vào cấy gặt không thì ra chợ khiêng vác, bán
buôn vặt vảnh kiếm sống. Vùng đất giao
thoa trong buổi giao thời, người cũng trong cảnh đó.
Tên xóm Cồng có đâu từ xa xưa, cái
xóm cũng lắm cồng thật. Chưa ở đâu có cả hàng trăm cây cồng đứng dọc cả đoạn
đường chính xuyên qua xóm đường bệ vươn tỏa phủ bóng một góc trời. Nghe đâu từ
khi lập đường, người trong xóm thuở ấy
đã trồng, cách khoảng đều đặn chục thước một cây. Loại cây dân giả, do dân gian
trồng, không phải để tỉa cành lấy củi, xẻ thân làm gỗ mà trồng cho có bóng mát,
cho vui làng đẹp xóm, thế thôi! Những người già nhất trong xóm bảo rằng từ nhỏ
mình đã chạy chơi đuổi bắt dưới bóng hàng cồng. Con đường xóm mấy tuổi thì tuổi
hàng cồng cũng chừng ấy. Người đi kẻ ở, cửa nhà đất cát bao lần thay chủ nhưng hàng
cồng của xóm vẫn nguyên, cứ lớn thêm cao thêm, xanh mướt.
Là cây đặc sản vùng sông nước,
trồng ra đấy, chẳng phải nhọc công chăm sóc, cây tự lớn như thổi. Rễ bạ ăn lan
mặt đất nhưng nhờ bám dựa vào nhau mà cồng vẫn thẳng thớm, không lệch đổ. Lên
một đoạn thật cao cồng mới chỉa cành, cành nhánh vươn lên tắp tít toả tán lá
sum suê phủ kín cả khoảng trời. Có chỗ cành nhánh bên này bên nọ ràng chéo chằng
chịt như vịn nhau, khoác giữ, bíu chặt nhau từ trên không làm thành một vòm
xanh chạy dài hun hút. Dưới thì gốc nào gốc nấy bạnh ra, rễ đan bấu, bám chít
vào nhau từ trong đất, bò lan lên cả mặt đường. Xe qua đoạn đường xóm lóc xóc
như vượt dốc dằn.
Cả hàng trăm cây, thân nào thân
nấy to tướng vài ba người ôm. Đoạn đường xóm rợp bóng quanh năm. Và có cây thì
sao thiếu chim. Chim sẻ, chim cu, chàng làng, sáo sậu, bồ chao… về trú ngụ, tha
rác làm tổ trên các cành nhỏ chóc ngóc. Buổi sáng buổi chiều cả một dàn hợp
xướng đa thanh âm từ các loài chim rộn ràng vui tai biết mấy. Người ta tới đây
không chỉ để ngắm cồng, mà còn ngắm chim và nghe tiếng hót.
Mùa xuân, cồng cũng trổ hoa nhưng
bị tán lá che kín, chỉ thấy khi làn gió đổi mùa lay cành, những sợi hoa tím hồng
nhạt tung tả xuống phủ từng lớp, đi như
bước trên nhung. Rồi đậu trái, trái xanh
lẫn trong lá, trái già khô đen quăn quéo lại. Những trận mưa đầu mùa hất tung
trái rơi búa xua xuống vỡ đầy mặt đất, trời đã sang thu. Không như những loài
cây lá lớn, lá cồng nhỏ, từ chiều đã bắt đầu khép ngủ. Khi những cành non đã
đâm chồi nảy lộc, những cánh lá nhạt đã xòe ra, lá già mới rụng. Lá già chờ đợi
để che đỡ lá non nên chậm rời cây, có thế mà ngay cả khi đông về, cành nhánh
vẫn không trơ trụi. Một trận gió qua, những mảnh lá mỏng như những đồng tiền bé
xíu rắc tua rủa xuống phủ kín lớp rễ đan chéo ngòng ngoèo trên mặt đất.
Cái xóm dân giả nghèo nàn mà cả
xứ đều biết tiếng cũng nhờ cồng. Xóm Cồng xanh nổi vượt lên giữa một vùng xanh,
từ xa đã thấy. Khách có dịp ngang qua xóm không ai không ngừng lại nghỉ ngơi
trầm trồ một lát. Dân trong sâu ra chợ thì xóm Cồng là mốc chính trên đoạn
đường dài, đi không nghỉ thì về cũng phải dừng. Có khách thì có quán, vài nhà
rỗi việc đồng áng cũng dọn cái bàn với vài ba cái ghế tuềnh toàng dưới gốc cồng
cho khách ngồi nghỉ uống chén nước, có khi cũng sai sắp nhỏ bày ít rau đậu, bắp
khoai cây nhà lá vườn bán mua đổi chác thu nhập chút đỉnh. Có khách dừng trước
nhà cũng như nhà có khách, vui là vậy. Nhọc nhằn đường xa như vơi hẳn và còn thú
gì bằng ngả lưng dưới bóng cồng mát dượi, nghe tiếng chim sẻ ríu rít, tiếng đôi
bồ chao liến thoắng hoặc tiếng cu gù khi gần khi xa đâu trên những cành cao…Thỉnh
thoảng, nam thanh nữ tú từ ngoài chợ
cũng kéo nhau từng đoàn vào quây quần múa hát, bày trò chơi, đuổi bắt hồn nhiên
như trẻ con rồi kéo nhau về. Dân trong sâu ra chợ, đi thôi chứ về bao giờ cũng
trông tới xóm Cồng mà dừng để uống li nước, hút điếu thuốc nghỉ chân. Nhờ hàng
cồng mà dân trong sâu không biết tự lúc nào trở nên thân thiết với dân xóm Cồng.
Ngang nhà là kêu í ới, chợ xong, gấp gì cũng ghé rôm rả năm điều mười chuyện,
thân tình như thế bà con. Xả hơi một chặp lại tất tả về. Xóm Cồng nghèo thế mà có khi nào thiếu khách
đâu.
Dân xóm, nhất là cánh đàn ông,
rỗi việc một chút đã ra hàng cồng uống nước , đánh cờ, tán gẫu. Thôi thì đủ, từ
chuyện cày bừa giống má thời tiết đến chuyện
đắt chuyện ế, giá cả thị trường rồi chuyện quốc gia, rồi chuyện quốc tế…
Nói rồi bình, bình thật cũng lắm, bình phiếm thiếu chi, trăn trở sinh kế, ưu tư
chuyện đời biết bao nhưng tiếng nói tiếng cười dưới hàng cồng vẫn đều đặn sinh
sôi. Cứ lạng một vòng, ghé gốc này một chút, xề gốc kia một chút là hay đủ thứ
chuyện, cảm được mạch sống tinh thần đang chảy trong lòng người dân xóm. Cánh
đàn ông như ghiền, mỗi ngày không ghé hàng cồng thì cảm thấy thiêu thiếu gì đó,
vài hôm không ghé đã thấy mình bở ngỡ lạc hậu. Đi đâu xa, hướng về nhà thì hàng
cồng đã hiển hiện trong tâm trí. Người xa xóm, tới đâu thấy bóng cồng đã liên
tưởng về và tự hào hãnh diện sao bằng được hàng cồng xóm mình.
Thích nhất vẫn là lũ trẻ, không
chiều nào chúng không tụ tập đuổi bắt trốn tìm, bám đuổi nhau chạy quanh gốc cồng
rồi đột ngột vù qua gốc khác, núp thụt, ló qua ló lại đứa nào đứa nấy nhanh như sóc. Hàng cồng
như một khu rừng, một thế giới thiên
nhiên thu nhỏ tràn đầy cây lá, chim chóc, hang hốc, thân thuộc nhưng gợi biết
bao điều bí mật, bao điều tò mò của tuổi thơ. Chúng rình bắt những chú tắc kè
con từ trên cao rơi lạc xuống đem về nuôi cho bắt muỗi, bắt thằn lằn. Hàng cồng
là một khu rừng lí tưởng cho tắc kè sinh sôi, ngày thì chim chóc ngự trị nhưng
đêm về, bọn tắc kè chiếm lĩnh. Chúng ở tít trên cao nên những tay săn thiện
nghệ cũng khó lòng đánh bắt. Đêm về, tiếng tắc kè…kè…kè liên tục từ đầu đến
cuối hàng cây. Hình như cả hàng vạn con, đêm càng khuya, tiếng tắc kè càng vọng
rõ rộn động cả một vùng âm u. Có pha đèn pin lên cao sẽ gặp những con mắt đỏ
kè, thoáng cái chúng lẫn mất và tiếng tắc kè…kè…lại liên hồi báo động.
Người ta thường bảo đất lành chim
đậu, chim chọn nơi đã đành mà người lành cũng tìm tới. Xóm giữa chợ và quê đáng
lẽ là nơi trú chân của tệ nạn thế mà tuyệt
nhiên không thấy, không nghe giật dọc trộm cướp, không có chuyện gây sự đón
đường, nghiện ngập hoang đàng là chuyện ở đâu đâu. Đêm hôm, phấp phỏng ở đoạn
đường nào nhưng đến hàng cồng, đến xóm Cồng là tìm được nơi yên ổn, lỡ độ đường
ghé xóm Cồng là có chỗ trú chân. Dân siêng tụ tập nhưng sống hiền hòa, ai cũng
tránh chuyện so kè, xích mích to tiếng. Người người hợp quần, không biết tự lúc
nào bản tính thuần phác nhún nhường đã hằn sâu trong máu thịt. Hình như cứ tới
xóm Cồng, ngó thấy hàng cồng thì cái tâm con người thuần phác lại, trong trẻo
ra.. Xóm nghèo, cuộc sống chật vật nhưng người không muốn rời, cực chẳng đã
phải rời xa thì vẫn mang hàng cồng trong
tâm tưởng, đau đáu có ngày trở lại. Có dịp về là có dịp thăm ngắm hàng cồng cho
đỡ nhớ, ghé láng giềng cũng như người thân, nay nhà này kéo, mai nhà kia mời, tâm
tình dăm ba bữa vẫn chưa thỏa tình.
Tin giải tỏa hàng cồng để mở lộ
lớn gây chấn động lớn, làm bàng hoàng người dân xóm. Tin lan nhanh như điện,
mọi người không ai bảo ai đều tụ về hàng cồng. Thực khó tưởng tượng nổi hai
hàng cồng cổ thụ cả trăm tuổi đã in hằn trong tâm trí bao thế hệ người dân xóm,
chính cồng làm nên cái xóm này mà nay mai sẽ bị cưa trụi, bị đào trục hết
gốc. Ông cụ Móm gầy guộc càng hốc hác
thất thần. Cụ không nói được lời, bần thần thao thức chẳng thiết ăn ngủ. Mấy
ngày liền cụ tha thẩn mân mê ngắm ngó hết cây này qua cây nọ. Thế hệ cụ ít có
dịp đi xa, chỉ quẩn quanh với ruộng rẫy, với cái xóm nhỏ hiền hòa, nhỏ sống với
cồng, lớn lên với cồng và bây giờ già cả cũng quanh quẩn bạn với cồng. Nghĩ
dại, sau này có trăm tuổi hồn cũng tìm về vương vấn nương dựa trên hàng cồng.
Các thế hệ trước đều ra đi chỉ còn chúng ở lại, tưởng vĩnh hằng dè đâu giờ
chúng lại đi trước mình. Nghĩ đến đó, cụ
thở dài nghẹn lại, thương lắm!
Ngược với thái độ trầm ngâm của
ông cụ, Tư Hía và mấy ông bạn thì bực dọc gay gắt. Bảo rằng ngay cả dân xóm
cũng chỉ lượm ba nhánh khô, không ai nỡ mé nhánh tươi, không dám làm đau cành
đau nhánh cồng mà nay đốn hạ hết. Chiến tranh mấy chục năm, người chết, nhà cửa
cũng hư nhưng cồng vẫn còn, xóm vẫn còn. Nghe đâu rừng trên nguồn còn không giữ
được, bị triệt phá hàng loạt, đi một vòng rộng ra trong vùng hỏi có nơi nào còn
cổ thụ, không bán trước cũng bán sau, hỏi thử nơi nào hàng cồng cả trăm cây cổ
thụ còn nguyên vẹn như xóm ta. Chặt hết, đào hết liệu có còn cái xóm Cồng này
không? Cái cảm giác chưng hửng, ngạc nhiên đến cay đắng làm cho mọi người rối
lên, thẩn thờ, nín lặng nhìn nhau lắc đầu.
Bà vợ Tư Hía cũng như người ta,
tranh thủ bắc cái bàn thêm vài cái ghế
dựa gốc cồng trước ngõ bán giải khát, đèo thêm ít rau cải bánh trái bán
buôn vặt vảnh. Nghe chuyện, vợ Hía luống cuống hốt hoảng. Bấy lâu dựa gốc cồng
mà thêm đồng ra đồng vào, người qua người lại ghé thêm vui nhà vui cửa, nay mở
đường lớn, xe qua cái vù, ai ở đó mà dừng. Có người bảo thì cũng là cơ hội buôn
bán làm ăn lớn, vợ Hía gạt đi bảo rằng buôn bán lớn đâu ngoài phố ngoài chợ, người
ta giàu, vốn lớn lại quen nghề quen mối,
mình rảnh công chuyện mới bày bán mấy li trà đá, ba thứ cây nhà lá vườn kiểu
dân nghèo mua bán đổi chác với nhau. Không mở chỗ khác lại bày mở ở chỗ người ta
đang ăn yên ở yên. Phá hết cồng, mở lộ rồi không biết xoay xở thêm làm sao cho
đủ tiền chợ, tiền áo quần tập vở cho sắp nhỏ nữa đây.
Người ta thường bảo đất lành chim
đậu, chim chọn nơi đã đành mà người lành cũng tìm tới. Xóm giữa chợ và quê đáng
lẽ là nơi trú chân của tệ nạn thế mà tuyệt
nhiên không thấy, không nghe giật dọc trộm cướp, không có chuyện gây sự đón
đường, nghiện ngập hoang đàng là chuyện ở đâu đâu. Đêm hôm, phấp phỏng ở đoạn
đường nào nhưng đến hàng cồng, đến xóm Cồng là tìm được nơi yên ổn, lỡ độ đường
ghé xóm Cồng là có chỗ trú chân. Dân siêng tụ tập nhưng sống hiền hòa, ai cũng
tránh chuyện so kè, xích mích to tiếng. Người người hợp quần, không biết tự lúc
nào bản tính thuần phác nhún nhường đã hằn sâu trong máu thịt. Hình như cứ tới
xóm Cồng, ngó thấy hàng cồng thì cái tâm con người thuần phác lại, trong trẻo
ra.. Xóm nghèo, cuộc sống chật vật nhưng người không muốn rời, cực chẳng đã
phải rời xa thì vẫn mang hàng cồng trong
tâm tưởng, đau đáu có ngày trở lại. Có dịp về là có dịp thăm ngắm hàng cồng cho
đỡ nhớ, ghé láng giềng cũng như người thân, nay nhà này kéo, mai nhà kia mời, tâm
tình dăm ba bữa vẫn chưa thỏa tình.
Không khí gia đình Tư Hía nặng
trịch. Cha mẹ cảu nhảu bất an nhưng thằng Tâm và con Hương cứ tỉnh bơ, phấn
chấn nữa là đàng khác. Chúng nghĩ rồi thì nhà ra đường lớn thành phố xá như
người chứ không thì muôn đời muôn kiếp, đi đâu cũng mang cái tên dân xóm Cồng
quê kệch, cồng nhiều cũng chỉ coi, có ăn được nó đâu, bao đời khoe ngó cồng mà
còng lưng muốn gập. Chúng nghĩ đến chuyện mở quán dựng tiệm khi có đường lớn,
cần thì khuyên cha mẹ bán ít đất ruộng không thì sang một phần mặt tiền là có
vốn lớn, lên nhà lên cửa, sắm sửa xe cộ mấy hồi. Nghĩ thôi mà đã rạo rực xôn
xao trong lòng.
Niềm vui của anh chị lan hẳn sang
thằng Cu Tí. Nghe đường rộng, xe qua lại nhiều, nó cũng mơ. Nó hình dung những
chiếc xe cần cẩu cắt cây, những xe đào xe xúc xe ủi xe hủ lô làm đường…Nó mơ
thấy con đường lớn trải nhựa đường đen thui như những con đường phố chợ…Bỗng nó
hụt hẫng khi sực nhớ, nhỡ người ta phá hết hàng cồng thì còn đâu để sớm sớm
chiều chiều chơi trò cút bắt, rình nhắp tắc kè hoặc lượm chim non về nuôi. Thế
nhưng bạn nó còn bảo đường ngang qua xóm Cồng còn lớn hơn cả đường phố chợ,
nghe háo hức quá, trông sao tới ngày mở đường, nó sẽ xin nhảy lên ngồi trên xe
ủi hoặc xe hủ lô cứ thế chạy tới ủi cho bằng, cán cho đằm cho phẳng.
Nhiều người cũng bàn ra tán vào
rằng sao không mở nơi khác để giữ lại hàng
cồng. Nhưng rồi ai cũng thấy là đường hẹp phải mở, lẽ đâu con đường từ phố chợ
về đến xóm Cồng thì phải chuyển hướng uốn cong lại, mà nếu uốn thì rồi nó chạy vào
đâu, lại cũng đi qua xóm Cồng và ăn vào đất hàng trăm nhà. Hàng cồng nằm
trên đường cũ đất công mở còn khó nay lại ăn vào đất riêng thì rắc rối đến cỡ nào.
Ai đời con đường đang thẳng, đến xóm mình lại bắt chạy cong chạy queo, ra
chuyện ngược đời. Hơn nữa, mở đường là chuyện quốc gia, đâu phải chỉ vì cái xóm
Cồng nhỏ bé này mà cản trở đại sự. Có người sẳng giọng bảo đã nói mở lộ, giải
tỏa thì làm quách đi, chịu đau một lần cho xong, cho dứt chứ làm kiểu nhợm nhợm
năm này năm nọ như kéo dài cơn bệnh thì chắc dân xóm mình nhức nhối nỗi cồng mà
chết. Bàn tán đã nhiều, bài bác cũng đủ, xôn xao tiếc nuối lắm nhưng ai cũng
nhận ra thời thế phải vậy thôi, chẳng ai cản trở gì.
Ngày mở đường đến.
Hôm ấy, hình như mọi người ở xóm
Cồng đều ở nhà, thức dậy sớm hơn mọi bữa và thấp thỏm chờ đợi. Nhiều người đi
đi lại lại từ đằng này đến đằng kia đường ngắm nghía, hình như người ta muốn lưu
dấu ấn cuối cùng của hình ảnh hàng cồng trong tâm trí kẻo rồi nó không còn nữa,
người ta mân mê lớp da sần sùi như từ biệt người sắp đi xa. Những chiếc xe cần
cẩu từ đâu ngoài phố ầm ì lấp ló, ầm ầm xuất hiện rồi dừng lại trước hàng cồng, tắt máy. Không biết chuẩn bị
từ lúc nào, cụ Móm và các bô lão khăn đóng áo thụng chỉnh tề, sai bày biện mấy
thức lễ vật. Các cụ run run bước tới, kính cẩn bái lạy, miệng lâm râm khấn vái.
Sau các cụ, những người trong đội xe cũng nhập vào van vái xin phép được cưa
đốn. Không khí lặng như tờ, nhiều tiếng thở dài thút thít rồi im bặt. Hàng cồng
bỗng ù ù gió, các cành cây xô vào nhau xào xạc, chấp chới lay động rồi rũ
xuống. Thường ngày, bừng sáng chim chóc đã ríu rít hót ca, bay lượn, nhảy nhót
chuyền từ cành này sang cành khác thế mà giờ tịnh không một tiếng động. Tàn cây
nhang, các cụ lẳng lặng lui về. Đội trưởng cần cẩu ra lệnh nổ máy xe, công nhân
chuẩn bị. Tiếng xe cần cầu nổ máy rồ ga ầm ầm, cẩu đưa mấy người thợ lên cao.
Thợ tròng dây níu cột các nhánh, mọi người chăm chú nhìn theo. Máy cưa được
giật nổ rít cắt rào rào , cành cây gãy rắc đổ ụp xuống. Nhiều người quay mặt
đi. Tiếng máy cưa lại rít lên xé vào cành khác. Tiếng gãy “rắc”, tiếng rơi
“soạp soạp”. Hàng loạt cành nhánh đứt gục
lỏng chỏng đầy đường. Chẳng mấy chốc mà cây cồng đầu tiên đã trụi lủi
nhánh cành, trơ thân. Xe lại cẩu nhóm thợ vươn qua tàng kế xén tiếp, một nhóm thợ
khác dùng cưa máy lớn xoay vòng thân cồng cắt đến tận gốc. Tiếng rít xé, tiếng cây đổ vật ầm ầm chấn
động cả vùng đất. Chỉ còn lại mấy đứa trẻ con hiếu kì nhòm ngó còn dân xóm Cồng
đã tản hết, cửa nhà nào nhà nấy đóng im ỉm.
Phải mất hơn cả tháng mới đốn hạ hết hàng cồng. Cành nhánh vương
vãi chồng chất được dọn dẹp ra xa chỉ còn trơ các thân cồng bị tiện từng khúc
trầy trụa vật vã bên đường. Người ta đo vòng, đếm thớ té ra cồng đã già trăm
tuổi. Lớp vỏ lớp giác mỏng tênh, lớp lõi
nâu sậm càng vào trong càng thâm đen. Cồng vườn mà già thế này gỗ cứng còn hơn
sắt, không thua gì cồng rừng. Hèn chi xoẹt đến đâu tóe khói đến đấy, lưỡi cưa chùng
lại, phải thay năm lần bảy lượt mới tiện nổi.
Đến khi xe xúc xe ủi tràn vào đào
banh mọi thứ, khoét những hố lớn như hố bom để trục kéo, lôi bật các gốc lên
thì con đường tan tác như một bãi chiến trường. Các gốc cồng bị nạy trốc lên
như những quái vật nằm chơ vơ, nhánh rễ đâm ngược lên trời.
Dân xóm là chủ sở hữu hàng cồng.
Cành nhánh giao cho các gia đình thu dọn làm chất đốt. Trên trăm thân cồng được
đem bán đấu giá, số tiền thu được dành để chi cho việc xây dựng ngôi đình.
Bàn bạc tên đình, có người bảo
nên lấy đúng địa danh Phú Phong mà đặt, tên Phú Phong nghe mượt mà, đã giàu lại
sang trọng, điều mà dân xóm hằng mong
mỏi. Thế nhưng mọi người đều gạt đi. Bảo rằng cái tên Phú Phong chỉ trên giấy
trên tờ còn cái xóm này gắn với cồng cả hàng bao thế hệ, nhờ cồng mà có tiếng
tăm, được mọi người nhớ đến, biết đến cả trăm năm nay. Bây giờ, cũng nhờ cồng
mà có tiền xây được đình, nỡ nào không lấy cồng đặt tên. Mọi người đều tán
đồng, đình được gọi tên Đình Cồng. Có người bàn thêm rằng Đình Cồng không có cồng không được, phải chọn hai cây cồng
non thật tốt đem trồng trước sân cho thật trang trọng. Ai cũng cho là phải.
Đình khởi dựng nửa năm thì tất
công. Ngày khánh thành, hai chữ Đình Cồng được trang trọng gắn lên bảng lớn cửa
tam quan. Cả xóm hội tụ múa hát. Và lạ thật, không biết bầy chim sẻ biệt tăm
đâu gần cả năm từ ngày hàng cồng bị đốn hạ bỗng về nườm nượp , chui vào chui ra
gọi nhau ríu rít. Mọi người phấn khởi bảo đất lành chim đậu, chim tìm về hội tụ
là tin báo điềm lành của xóm Cồng rồi.
Có thể nói cụ Móm là người theo
sát nhất việc xây đình. Không ngày nào cụ không tới, hết ngắm hướng thì coi
thước tấc, quanh quẩn bên các nhóm thợ xem xét từng lát bay, mạch gạch, vỉa hồ,
khuyến khích động viên mọi người làm việc. Kính lão đắc thọ, trong buổi khánh
thành, mọi người mời cụ nói. Cụ từ chối bảo rằng già cả rồi, cái tai nghe đã thuận,
không dám nhiều điều. Thế nhưng ai cũng kèo nài mời cho được. Cụ đành nhỏ nhẹ
rằng xưa nay, xóm nhờ có cồng mà có tên, nhờ cồng tạo dựng thiên nhiên độc đáo.
Nay thiên nhiên xưa không còn, đình dẫu có khang trang, có nơi tụ họp nhưng so
với nơi khác thì sao cho bằng. Có phần vỏ phải lo phần ruột, có phần xác cũng
phải tính phần hồn, phải có hội đình thế nào cho hay dân tình thế nào cho đẹp.
Mọi người ngẫm nghĩ đồng lòng và tán dương: Hội đình phải hay, dân tình phải đẹp!
Và bây giờ, có dịp theo con đường
nhựa thênh thang ngang qua xóm Cồng, ai cũng thấy ngôi đình khang trang rộng mở
đêm ngày, trước sân có hai cây cồng xanh mướt. Có người thắc mắc sao lại có cái
tên Đình Cồng ngộ thế? Bảo là bởi đình
có hai cây cồng. Thế sao gọi xóm ấy là xóm Cồng? Người hiểu chuyện kể rằng
xưa đây vốn là xứ sở của cây cồng, một vùng cồng xanh tươi che chở
xóm dân hiền hòa… Mà nè, ra giêng là Đình Cồng khai hội mấy ngày đấy, người
người tấp nập, đủ thứ trò chơi, hát hò dân giả, thú vị lắm!
12/08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét