MỤC LỤC BLOG

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Loanh quanh một chữ LO


 Kết quả hình ảnh cho tranh lo âu

TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet

 
          Có thể nói LO là thuộc tính cố hữu trong đời sống con người và xã hội. Lúc còn trẻ  con đã lo học, lo sợ cha mẹ rầy, sợ thầy cô phạt. Lớn lên thì lo gia đình, lo xã hội thậm chí người già yếu không làm gì được cũng còn lo cho con cháu.
            Lo thể hiện sự bận tâm, bất an: Lo âu, lo lắng, lo ngại, lo phiền, lo sợ…Thể hiện một sự suy tính: Lo tính, lo lường, lo nghĩ, lo liệu…. Thể hiện sự tập trung tâm lực làm việc gì đó: Lo làm nhà, lo mùa vụ, lo vợ con…

            Đời Trần, Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt  mà lo việc nước, Trần Hưng Đạo trẩy quân qua cũng không lo tránh đường, quân sĩ lấy giáo châm vào đùi chảy máu vẫn không hay biết. Chuyện đến tai, Hưng Đạo vương gọi lại hỏi, Phạm Ngũ Lão thưa rằng đang lo nghĩ đến một thế trận đánh Nguyên Mông. Hưng Đạo vương khen ngợi, thu vào làm tướng, sau này lập được nhiều chiến công hiển hách.
            Lo còn hàm nghĩa ham thích như lo ăn, lo chơi, lo ngủ… Và rồi còn mang một nghĩa xấu, méo mó là lo lót.
            Cổ nhân dạy “Bất viễn lự tắc hữu cận ưu” (Không biết lo xa ắt có buồn gần). Bậc quân tử là  người  biết lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc) (Phạm Trọng Yêm). Lo thuộc lĩnh vực tinh thần trí tuệ, được hiểu như tính toán, định hướng để dẫn dắt hành động do vậy rất được xem trọng: Một người lo bằng kho người làm. Lo phải đi trước nhắm ngăn ngừa, đề phòng chứ để vỡ lỡ mất bò mới lo làm chuồng thì quá muộn. Ăn no lo xa chỉ người lớn, từng trải, có kinh nghiệm tính toán chu đáo, khác với người trẻ hiểu biết ít, chưa từng trải nên thiếu kinh nghiệm, ăn chưa no lo chưa tới.
            Trạng thái lo âu gây  suy nhược cơ thể nào lo bạc (rụng) râu sầu bạc (rụng) tóc, làm bấn loạn tâm trí nào lo nát gan, lo sốt vó… Sống, con người thường bất an vì sợ rủi ro, sợ sức tàn phá của các quy luật: Lo xuân mau qua, lo già mau đến…Rồi sản xuất lo, kinh doanh lo, chức quyền lo… Giàu lo người ta xù nợ, nghèo lo người ta xiết nợ. Không bạn thì buồn, có thì lo bạn phản trắc…Có vợ đẹp thì lo giữ, ôm cái đẹp mà lo- khổ lắm!…Lo, đủ thứ lo!  Đâu cũng gặp chuyện lo, lo quanh lo quẩn lo ngày lo đêm.
            Lo trẻ mùa hè (trời nắng, trẻ thường để đều trần chạy chơi rồi nóng sốt) không bằng lo bò què tháng sáu (tháng xuống vụ, bò què không cày được), mới thoáng qua tưởng đâu nghịch lí phi nhân, xem người không bằng vật. Thực ra, trẻ nóng sốt chạy chữa vài ba bữa là khỏi còn bò què không cày được là đói. Cái đói đáng lo hơn cái bệnh.
            Lo quan trọng nhưng quá lo trở thành bệnh lo là không nên. Lo bò trắng răng hàm nghĩa phê phán chuyện lo tào lao, lo cái không đáng lo. Truyện cổ Tàu có kể chuyện người nước Kỉ lo trời sập (nhà nghiên cứu Bùi Kỉ lấy hiệu là Ưu Thiên từ tích truyện này). Ngày đêm anh ta phấp phỏng không biết trời sập thì mình sẽ tránh vào đâu. Chẳng khác gì thời nay nghe chuyện nhà khoa học phán rằng  khoảng 5 tỉ tỉ năm sau, quả đất sẽ va vào mặt trăng, một cụ già ôm mặt khóc vì lo ngôi nhà mình sập, không có chỗ ở. Nhiều người mở miệng thì lo lo nhưng lo co đầu gối (lo nhưng không làm gì để  xóa đi điều mình lo âu), lo đầu môi cửa miệng khác gì nói dóc. Lắm kẻ ăn ngập mặt nhưng đến khi tra hỏi thì vẫn cứ leo lẻo một lo cho dân, hai lo cho nước, lo cho xã hội nhân quần. Xã hội được bọn này lo có nước mạt.
            Có sống thì có lo. Nhỏ lo học tập rèn luyện, lớn lên lo làm ăn, lo phụng sự nhân quần, trong phận sự mình, ai cũng phải ráng chu toàn. Lo thế là đáng lo, biết lo. Còn lo quẩn lo quanh, càng lo càng thêm sợ, lo chẳng giải quyết gì thì đừng lo nữa, “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”.
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét